Nhìn vào lịch sử văn hóa nước ta, thập niên 30 của thế kỷ XX đáng coi như một cột mộc quan trọng trong quá trình phát triển. Sau khi tiếp xúc với văn minh phương Tây, văn hóa, văn nghệ từng bước chuyển biến từ mô hình truyền thống sang hiện đại với sự du nhập, xuất hiện hàng loạt hiện tượng nghệ thuật mới, từ thơ ca, tiểu thuyết, tân nhạc, kịch nói, phê bình cho đến cải lương, phim ảnh, hoạt động giải trí… mà công lao đóng góp to lớn đáng trao cho “bà đỡ” Báo chí. Báo chí ra đời từ nửa cuối thế kỷ XIX, tờ báo Gia Định đầu tiên được ghi nhận vào ngày 15 tháng 4 năm 1865. Đến đầu thế kỷ XX, hoạt động báo chí đạt tới giai đoạn trưởng thành với sự phát triển đa dạng, xuất hiện nhiều tên tuổi như: tạp chí Đông Dương, Nam Phong, báo Nông cổ mín đàm, Lục tỉnh Tân văn, Phan Yên, Phụ nữ tân văn, Hữu Thanh, Phong hóa, Ngày nay, Tiểu thuyết thứ Bảy, Thực nghiệp dân báo… Cùng với chữ quốc ngữ, báo chí đã tạo ra cuộc cách mạng làm lay chuyển xã hội, tại các đô thị lớn trở thành kênh chuyển tải được đại bộ phận tầng lớp trí thức, thị dân đón nhận trong vai trò truyền bá văn hóa.