Tình ca mùa thu

08/09/2014

Mùa thu đã trở thành đề tài muôn thuở trong thi ca, âm nhạc và nghệ thuật. Nỗi ám ảnh về mùa thu triền miên, thao thức, day dứt chưa phút nào nguôi ngoai trong lòng người nghệ sĩ từ bao đời nay. Có những nhạc sĩ sinh ra để viết về mùa thu, ngợi ca vẻ đẹp của mùa thu như một sứ mệnh cao cả, như Đặng Thế Phong, Văn Cao, Đoàn Chuẩn... Nhạc sĩ Văn Cao sáng tác không nhiều, nhưng toàn những tuyệt phẩm để đời, kể cả bản “Mùa xuân đầu tiên” được biết đến như một sáng tác cuối cùng cũng đi vào bất tử. Văn Cao để lại trên con đường âm nhạc nhiều tác phẩm bất hủ về mùa thu, như “Buồn tàn thu”, “Thu cô liêu” và đặc biệt là “Suối mơ”.

Suối mơ bên rừng thu vắng
Dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng
Ngày chưa đi sao gió vương?
Bờ xanh ngắt bóng đôi cây thùy dương…

Đây có thể coi như một bức tranh tuyệt mỹ về mùa thu được chuyển tải bằng lời ca và âm nhạc. Tác giả chắc hẳn đã bị quyến rũ bởi không khí chất ngất thi ca, lãng mạn của đất trời vào thu. Văn Cao là một nhạc sĩ đa tài, tích hợp trong mình nhiều khả năng thiên bẩm, giỏi cả nhạc, thơ ca lẫn hội họa. Tác phẩm của ông hiển lộ trong không gian đa chiều, thời gian phức hợp, trong thơ có họa, trong nhạc có thế giới hình sắc biến ảo. Khi tên tuổi nhạc sĩ Văn Cao gắn kết với bản “Tiến quân ca” được lấy làm Quốc ca Việt Nam thì lịch sử âm nhạc mãi mãi ghi nhận như một tượng đài vĩnh cửu.

Một nhạc sĩ tài danh khác đã sớm đem lòng yêu say đắm nàng thu đến mê mẩn trên đường đời ngắn ngủi của mình đó là Đặng Thế Phong. Đặng Thế Phong ra đi ở tuổi 24, ông để lại không nhiều sáng tác, song chỉ giới hạn trong ba ca khúc “Giọt mưa thu”, “Con thuyền không bến” và “Đêm thu” thì tên ông sẽ còn mãi với thời gian. Đặng Thế Phong dành trọn gia tài âm nhạc viết về mùa thu, như ánh phản của chính cuộc đời mình, ngắn ngủi, chóng tàn và đẹp xót xa lòng người.

Ngoài hiên giọt mưa thu thánh thót rơi.
Trời lắng u buồn mây hắt hiu ngừng trôi.
Nghe gió thoảng mơ hồ trong mưa thu ai khóc ai than hờ…

Đến Đoàn Chuẩn, mùa thu trở thành đề tài cuộc đời. Ông được mệnh danh là nhạc sĩ của mùa thu, từ tác phẩm đầu tay “Ánh trăng mùa thu” sáng tác năm 1947 đến “Màu nắng có bao giờ phai đâu” viết năm 1989 cuối đời, Đoàn Chuẩn đã đem hết tình yêu phụng sự cho mùa thu bất tử. Trong gia tài âm nhạc không dồi dào về số lượng, gồm 18 tác phẩm, nhưng phần lớn đều có liên quan hoặc trực tiếp viết về mùa thu, như: “Thu quyến rũ”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Lá đổ muôn chiều”, “Lá thư”, “Chuyển bến”, “Tà áo xanh”, “Dạ lan hương”… thậm chí, mùa thu đã lẩn sang cả những mùa khác theo cách tư duy của ông trong âm nhạc.

Ca khúc về mùa thu của Đoàn Chuẩn có vẻ đẹp mơ màng, xao xuyến và ít buồn hơn nhiều so với những nhạc sĩ khác. “Thu quyến rũ”, “Gửi gió cho mây ngàn bay”, “Lá thư”, “Chuyển bến”… đều là những bản tình ca về mùa thu trong sáng, thanh cao, đẹp dịu dàng, quyến rũ... Ở nhiều ca khúc còn cho thấy chất ngẫu hứng, tự tình, phóng khoáng đầy cảm thức tiêu dao được chuyển tải bằng nét giai điệu bay bổng, mềm mại với âm vực rộng, cấu trúc câu nhạc không cân phương như ở chủ nghĩa Cổ điển, có những câu dài ngắn so le nhau … dật dìu nhằm phác họa không gian, cảnh sắc mùa thu mênh mang, êm đềm, ngập tràn gió và mây trời diệu vợi.

Gửi gió cho mây ngàn bay
Gửi bướm muôn màu về hoa.
Gửi thêm ánh trăng màu xanh lá thư về đây với thu trần gian…

Trong gia tài âm nhạc về mùa thu bao la của Đoàn Chuẩn có lẽ chỉ có “Lá đổ muôn chiều” là buồn! Cái buồn này được tạo tựu bởi nét giai điệu viết ở giọng thứ, tốc độ chậm, nghe như có tiếng nỉ non trong lời ca, tiếng nhạc.

Thu đi cho lá vàng bay.
Lá rơi cho đám cưới về.
Ngày mai người em nhỏ bé ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt…
Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi?...
Lá đổ muôn chiều ôi lá úa phải chăng là nước mắt người đi…

Sẽ không công bằng khi nói về Đoàn Chuẩn mà trích lời ca của Từ Linh. Cuộc hạnh ngộ giữa Từ Linh - Đoàn Chuẩn đã làm thành cặp bè trùng có một không hai trong lịch sử âm nhạc Việt Nam. Hai ông như hình với bóng qua các sáng tác, cả nhạc và lời hòa quyện, quyến luyến… trở thành những phương tiện biểu hiện không thể tách rời nhau.

Còn đối với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, trong gia tài âm nhạc đồ sộ trên 600 ca khúc, mùa thu không phải đề tài trọng tâm. Nó chỉ thoảng qua trên một vài tác phẩm góp nhặt vào kho tàng âm nhạc chủ yếu gồm những bản tình ca. Song, với ý nghĩa thoáng qua ấy trong con người nhạc sĩ tài hoa này đã đủ làm nên ba ca khúc nổi tiếng viết về mùa thu: “Nhìn những mùa thu đi”, “Nhớ mùa thu Hà Nội” và “Chiếc là thu phai”. Giống như nhạc sĩ Văn Cao, Trịnh Công Sơn cũng đóng vai trò phức hợp trong tài năng nghệ thuật. Ông vừa là nhạc sĩ, họa sĩ vừa là nhà thơ. Lời ca trong các tác phẩm âm nhạc của Trịnh Công Sơn đong đầy chất thi ca, hội họa. Riêng về mùa thu đã được tác giả lột tả bằng nhiều sắc thái, cung bậc khác nhau. Ông sử dụng những gam màu phong phú tô vẽ cho cảnh sắc nước, mây trời, cỏ cây, hoa lá, con đường… mùa thu như ở “Nhớ mùa thu Hà Nội”, có:

Cây cơm nguội vàng cây bàng lá đỏ,
Nằm kề bên nhau phố xưa nhà cổ mái ngói thăm nâu.
Hồ Tây chiều thu. Mặt nước vàng lay bờ xa mời gọi.
Màn sương thương nhớ, bầy Sâm cầm nhỏ vỗ cánh mặt trời…

Bên cạnh sắc màu đa dạng của khung trời mùa thu, tác giả còn đưa đẩy không gian đi đến thực tại đa chiều với những âm thanh xao động, cùng mùi hương thơm dịu ngọt phảng phất… Cảm giác hồi hướng trong chiều nội tại, hình bóng con người ẩn hiện qua bức màn không gian hư ảo, mỏng, nhẹ… che phủ bởi làn sương mong manh:

Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội mùa hoa sữa về thơm từng ngọn gió
Mùa cốm xanh về thơm bàn tay nhỏ
Cốm sữa vỉa hè thơm bước chân qua…

“Nhớ mùa thu Hà Nội” tuy ra đời muộn màng so với nhiều ca khúc viết về mùa thu, song vì những khía cạnh đa dạng khiến cho tác phẩm này luôn nằm trong danh sách những ca khúc điển hình viết về mùa thu Hà Nội. Tính chất âm nhạc của “Nhớ mùa thu Hà Nội” không còn sắc thái ảm đạm, buồn bã như “Nhìn những mùa thu đi” mà tràn đầy tính chất tự tình, mênh mang, phảng phất một mùa thu nhẹ nhàng như ca dao, gió thoảng...

Riêng Cung Tiến chỉ để lại cho nền Tân nhạc mấy ca khúc: “Hương xưa”, “Hoài cảm”, “Nguyệt cầm” phổ thơ Xuân Diệu, “Thu vàng”, nhưng tất cả đã thành bất tử. Bản “Thu vàng” của ông có thể coi là một trong những sáng tác hay nhất viết về mùa thu bằng nét giai điệu đẹp, sang trọng, mang âm hưởng của nhạc Cổ điển phương Tây trên nền điệu Valse truyền thống. Cung Tiến đi xa hơn những gì để lại thời Tân nhạc và có những đóng góp to lớn cho nền nghệ thuật nước nhà.

Chiều hôm qua lang thang trên đường.
Hoàng hôn xuống chiều thắm muôn hương.
Chiều hôm qua mình tôi bâng khuâng.
Có mùa thu về tơ vàng vương vương…

Có thể nói, các ca khúc viết về mùa thu đều có âm hưởng mênh mang, xao xuyến, khoáng đạt hay chậm rãi, đượm buồn... Chúng có vẻ đẹp và nỗi buồn man mác của cảm thức mong manh dễ tan biến. Mùa thu dường như được bố cục bởi hai chiều không gian ngoại tại và nội tại, phác họa trên những gam màu nhẹ mờ, bàng bạc, sương khói bảng lảng, xa xăm, từ đó làm nền cho cảm xúc xao xuyến bồi hồi, hướng nội, hoài niệm về những cuộc tình đã xa, những người ra đi bỏ ta ở lại… Cảnh hoàng hôn, chiều tà, hàng cây, dòng nước, lá rơi, mây trôi… và một miền đất xa vắng hắt lên bởi ánh tà dương muộn màng… luôn được tái hiện trong nhiều tác phẩm. Hình ảnh thiên nhiên, tạo vật ngập ngừng, thân phận cô lữ với nỗi niềm hoài vọng, thương nhớ, cảnh sắc chóng vánh, qua mau giữa không gian, thời gian sắp chia cắt thành hai miền ký ức.

Mùa thu có hai phẩm tính đẹp và buồn. Hai phẩm tính đó bao trùm lên những sáng tác viết về mùa thu, có những tác phẩm đẹp long lanh, xao xuyến, mơ màng, như “Suối mơ” của Văn Cao, “Thu vàng” của Cung Tiến, “Thu quyến rũ”, “Gửi gió cho mây ngàn bay” của Đoàn Chuẩn, “Thu ca” của Phạm Mạnh Cương, “Hà Nội mùa thu” của Vũ Thanh, “Có phải em mùa thu Hà Nội” của Trần Quang Lộc, “Nhớ mùa thu Hà Nội” của Trịnh Công Sơn, “Mùa thu cho em”, “Em về mùa thu” của Ngô Thụy Miên, “Ngàn thu áo tím” nhạc của Hoàng Trọng, lời Vĩnh Phúc, “Hoài thu” của Văn Trí, “Mùa thu mây ngàn” của Từ Công Phụng”, “Em ra đi mùa thu” của Phạm Trọng Cầu, “Anh đã quên mùa thu” của Tùng Giang, “Thơ tình cuối mùa thu” của Phan Huỳnh Điểu, lời Xuân Quỳnh, “Trăng chiều” của Đặng Hữu Phúc, “Không còn mùa thu” của Việt Anh… có những bài buồn man mác, xót xa, mênh mang, như: “Giọt mưa thu”, “Con thuyền không bến” của Đặng Thế Phong, “Buồn tàn thu”, “Thu cô liêu” của Văn Cao, “Lá đổ muôn chiều” của Đoàn Chuẩn, “Nhìn những mùa thu đi” của Trịnh Công Sơn, “Thu sầu” của Lam Phương, “Đâu phải bởi mùa thu” của Phú Quang, “Mùa thu trong mưa” của Trường Sa…

Trong âm nhạc, ca khúc viết về mùa thu có xu hướng giai điệu cấu trúc bởi đường nét mềm mại, uyển chuyển, âm vực rộng, thường xuất hiện các cung bậc trên âm khu trung hoặc cao, tính chất thanh thản, tự do, bay bổng... Mùa thu đưa âm nhạc đi từ thiên giới xuống hạ giới, từ thiên cảnh xuống vườn địa đàng len vào lòng người tạo nên những sáng tác chan hòa không khí chất ngất của mùa thu có mây trời gió lộng. Đối với những ca khúc có tính chất buồn ngoài sự trợ giúp bởi tốc độ chậm ra, chúng thường bắt đầu từ âm khu thấp, giai điệu tiến hành trên các quãng liền bậc. Nó là hình ảnh phỏng chiếu của mùa thu đi từ nội tại tới ngoại tại, từ tâm cảnh ảnh hưởng tới thiên cảnh.

Hoài niệm trở thành cảm thức xuất hiện thường xuyên trong những sáng tác về mùa thu. Ở đó, hai chiều không gian và thời gian đan cài lên nhau, chiều của thực tại và quá khứ, không gian của hiện thực và tâm tưởng cùng cảm thức xuất thế gian trở thành thẩm mỹ siêu hình với mong muốn, khát vọng vượt lên trên thực tại. Dẫu biết mùa thu không trở lại thì người nghệ sĩ níu kéo ở lại trong khoảnh khắc mong manh giữa đất trời và nghệ thuật. Tư duy trong những sáng tác viết về mùa thu được xây bằng những đại lượng mang giá trị biểu trưng, như: lá vàng, không gian rộng, mênh mang, xa vắng, vô bờ, thiên về chiều rộng, ảo, không thực… làm nền cho nội tâm sầu muộn, cô đơn sau những chuyến hợp tan nơi thế gian. Giữa ngoại cảnh và tâm cảnh có sự tương tác đến quyến luyến, không dứt. Những cuộc tình dang dở, tan vỡ, chia ly tương ứng với hàng cây sầu úa, hắt hiu, nhân cách hóa ngoại vật để ẩn dụ, phóng dụ chiều sâu tâm cảnh trên nhiều cung bậc.

Trong những nhạc sĩ viết về mùa thu, Văn Cao và Trịnh Công Sơn là hai nhạc sĩ tài hoa, tích hợp trong mình cả thi ca, hội họa và âm nhạc, trong ca từ thường chất chứa, tràn đầy sắc màu, những cảm thức về thời gian biến đổi, chóng vánh. “Suối mơ” của Văn Cao như vẽ lên khung cảnh mùa thu đẹp dịu dàng như mơ. Nó dạt dào cảm xúc, âm thanh, sắc màu trong không gian mảnh, nhẹ tựa sương khói, chỉ cần chạm nhẹ nàng Thu có thể tan vào hư vô. Những biện pháp ẩn dụ, phóng dụ, nhân cách hóa… sử dụng trong ca từ biến mùa thu thành khách thể tương tác với chủ thể tâm thức nhằm tạo nên sự giao hòa trọn vẹn giữa tâm và cảnh. Mùa thu ở đây chịu ảnh hưởng bởi những hằng số mang giá trị biểu trưng. Trên thực tế đã có sự phân định giữa mùa thu của thiên nhiên và mùa thu trong lòng người. Mùa thu của thiên nhiên với gió mát trăng thanh, trời cao lồng lộng, mây mù khói tỏa… Còn mùa thu trong lòng người được nhuộm vàng bởi những hình ảnh mang ẩn nghĩa về một mùa thu vĩnh cửu. Tâm và cảnh gặp nhau làm nên những cuộc tình hẹn ước vào mùa thu trong âm nhạc.

Những sáng tác về mùa thu không chỉ là Tiếng thu của đất trời mà còn là tiếng lòng của người nghệ sĩ thổn thức trước mùa thu. Cái chậm trong âm nhạc mùa thu dường như muốn níu kéo cả đất trời ở lại. Có lẽ, đó chính là tình cảnh chung của con người bất lực trước mùa thu. Mùa thu của cuộc đời cũng ngắn ngủi, chóng tàn, bởi thế mà ai đó đã phải thốt lên rằng “Ta buồn vì thu”.

Lang thang trên con đường âm nhạc bắt gặp một mùa thu như thế - một mùa thu đã đi qua những giới hạn của cuộc đời vươn tới bất tử giữa đất trời.

Tin liên quan

23/02/2021
Ca ngợi Hồ Chủ tịch là một trong những bài hát hay nhất về lãnh tụ Hồ Chí Minh của cố nhạc sĩ Văn Cao, cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Giai điệu ca khúc hào sảng, sang trọng toát lên thần thái vĩ đại của lãnh ...
23/02/2021
“Việc ra mắt tác phẩm “Nhà viết kịch Nguyễn Trung Phong, Tác phẩm-tác giả” chính là dịp chúng ta Trả lại tên cho Ông. Bởi cho đến nay vẫn nhiều người vẫn không biết nhà soạn kịch Nguyễn Trung Phong chính là tác giả của giai điệu nổi tiếng Giận ...
23/02/2021
Ca khúc Hành khúc Tổng cục Chính trị được nhạc sĩ Đức Trịnh viết vào năm 2014, đúng dịp kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Tổng cục Chính trị (TCCT). Ca khúc này đã được chọn làm ca khúc chính thức của TCCT và được biểu diễn trong Lễ kỉ niệm ...
21/02/2021
Hai ca khúc “Đại thi hào Nguyễn Du” và "Phiêu bồng trần gian" mở đầu và kết lại bộ phim được đầu tư 15 tỷ đồng, nhân dịp kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của vị danh nhân văn hóa này.