Sơ hở trong chỉ thị của bộ giáo dục & đào tạo
Ngày 9 tháng 5 năm 2014, Bộ giáo dục và Đào tạo ban hành Chỉ thị về tăng cường và nâng cao hiệu quả một số hoạt động giáo dục cho học sinh, sinh viên trong các cơ sở giáo dục, đào tạo. Theo đó, “Bộ yêu cầu tại Lễ chào Cờ Tổ quốc ở các cơ sở giáo dục, đào tạo, toàn thể cán bộ, nhà giáo, học sinh, sinh viên hát Quốc ca, đảm bảo 100% học sinh, sinh viên hát đúng nhạc và lời Quốc ca.”
Chỉ thị trên đã nhận được sự ủng hộ, đồng tình của rất nhiều người, trong đó đa số đều xuất phát từ mục tiêu giáo dục tư tưởng, đạo đức, nâng cao tinh thần yêu nước… đối với học sinh, sinh viên.
Trước tiên, cần phải minh định quan niệm thế nào là hát đúng nhạc? Hiểu một cách chung nhất, hát đúng nhạc là sự thể hiện tác phẩm âm nhạc một cách chính xác những phương tiện biểu hiện được ghi trên bản nhạc. Theo đó, hát đúng nhạc chí ít đảm bảo tiêu chí “bốn” đúng: cao độ, trường độ, cường độ và âm sắc… Người hát có thể hát hay hoặc dở, nhưng không đúng những gì ghi trên tác phẩm kể như vẫn chưa đúng. Trong bốn yếu tố kể trên, quan trọng nhất là cao độ và trường độ. Đối với cường độ và âm sắc ngoại trừ trường hợp cố ý làm méo mó, biến sắc, lạc mất tính chất, tinh thần của tác phẩm, như hát nhép, tước mất giá trị của cường độ hay hát bằng giọng giả, biến âm… với mục đích làm sai lệch âm sắc… còn lại việc đảm bảo đúng cao độ, trường độ coi như có thể thỏa mãn yêu cầu của Bộ. Tuy nhiên, giới hạn trong phạm vi hai đúng, gồm: cao độ và trường độ thì có thể khẳng định không ít trường hợp không thể đáp ứng yêu cầu kể trên. Thực tế có rất nhiều người không thể hát đúng nhạc, mô phỏng đúng cao độ, kể cả người lớn lẫn trẻ nhỏ. Và với một bộ phận không nhỏ giáo viên, học sinh, sinh viên không có khả năng hát đúng nhạc, Bộ giáo dục và Đào tạo có đặt ra mục tiêu phấn đấu đạt 100% cũng không thể giải quyết được thực trạng này. Chúng ta biết, việc uốn nắn những giọng ca chênh thành chuẩn vô cùng khó khăn. Và điều đó nằm chông chênh giữa “Không thể và có thể” chứ chưa thể đảm bảo được 100% như mục tiêu của Bộ đề ra. Ngay cả quốc gia từng gặt hái được nhiều thành tựu trong lĩnh vực “chỉnh giọng” như Nhật Bản vẫn chưa thể xóa nạn “lạc điệu” cho tất cả mọi người. Vậy, trước khi đạt tiêu chí đúng “100%” cả nhạc và lời Quốc ca, Bộ giáo dục và Đào tạo đã gặp phải trở ngại đối với những trường hợp thuộc loại tiên thiên bất túc không thể đáp ứng yêu cầu.
Hát đúng nhạc tuy không quá khó đối với nhiều người, song cũng chẳng dễ dàng đối với tất cả mọi người. Yêu cầu này có lẽ chỉ phù hợp với khối trường Nghệ thuật (thuộc lĩnh vực âm nhạc), còn đối với tất cả các cơ sở giáo dục, đào tạo nói chung rất khó khả thi. Các trường Đại học không hề có môn thi trắc nghiệm, kiểm tra năng khiếu âm nhạc đầu vào, không lý do gì ngăn cản những trường hợp không có khả năng hát đúng nhạc? Hát đúng nhạc, kể cả Quốc ca là một yêu cầu phái sinh trong công tác đào tạo, chứ không phải nội dung bắt buộc, chính thức được đưa vào nội dung tuyển sinh theo quy chế. Dưới thời kỳ phong kiến, xuất phát từ nhu cầu tập kết nguồn nhân lực đông đảo phục vụ các sự kiện cấp quốc gia có sự tham gia của Nhạc lễ, người ta thường sử dụng biện pháp đan cài phần tử không đạt chuẩn đan xen hàng ngũ ưu tú nhằm mục đích làm đẹp đội hình. Những người kém hầu như không tham gia diễn xướng hay diễn tấu mà chỉ gia nhập đội hình cho đủ số lượng, như ở múa Bát dật, có lúc phải huy động tới phụ nữ tạp - những người làm công việc chân tay - và họ được lồng ghép, đan xen với người của Giáo phường, trong quá trình biểu diễn cố gắng quan sát diễn viên giỏi nhằm mô phỏng động tác một cách vụng về. Ngày đó chưa có truyền hình trực tiếp hay “mắt thần điện tử” ghi hình, nên những khu vực khuất tầm nhìn hầu như được “qua mặt”. Như vậy, có thể thấy rằng, các loại hình văn hóa nghi lễ mặc dù đòi hỏi tuân thủ quy định nghiêm ngặt, song người thực hiện vẫn phải ứng xử linh hoạt với nhiều tình huống khác nhau, không thể duy ý chí hay bất chấp điều kiện thực tế.
Ngoài ra, Chỉ thị của Bộ giáo dục và Đào tạo còn đi quá đà khi đề xuất yêu cầu cho các em học sinh mẫu giáo thường xuyên nghe Quốc ca! Dường như Bộ đã nhầm lẫn giữa giáo dục thẩm mỹ, nâng cao tinh thần yêu nước và tập trung thể hiện hát Quốc ca? Trong nhóm đối tượng chính là nhà giáo, học sinh, sinh viên, Bộ gộp luôn cả thành phần có liên quan là các em học sinh mẫu giáo. Từ nhận thức đề cao tinh thần yêu nước đến yêu cầu hát đúng nhạc, lời Quốc ca, tiến tới cho các em học sinh mẫu giáo thường xuyên tiếp xúc với quốc ca, Chỉ thị đã mở rộng phạm vi ảnh hưởng bao trùm lên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là giáo dục thẩm mỹ. Trong mục tiêu hướng tới giáo dục thẩm mỹ ở lứa tuổi nhỏ thì việc sử dụng công cụ Quốc ca vào trường hợp này đã nhầm đối tượng. Quốc ca sau khi trở thành biểu trưng văn hóa của một đất nước đã bị nghi thức hóa, nói cách khác đã bị ràng buộc bởi tính định chế của sinh hoạt nghi lễ. Từ đó, Quốc ca trở thành quy phạm của nhạc lễ, âm nhạc nghi thức. Đối với nhạc nghi lễ, nghi thức, chúng ta không thể đối xử giống như với nhạc Pop, dân ca… Việc cho các em học sinh Tiểu học, mẫu giáo thường xuyên tiếp xúc với Quốc ca vô hình trung đã đẩy Quốc ca trở lại thành nhạc Pop.
Như chúng ta biết, yêu nước không chỉ thể hiện ở việc hát quốc ca, không lẽ hát ru, hát đồng dao, dân ca, hát Cải lương… thì không yêu nước? Nước ta có đến 8 di sản văn hóa phi vật thể được Unesco xếp hạng có liên quan tới âm nhạc, vậy mà Bộ giáo dục và Đào tạo không hề có đề xuất cho các em tiếp xúc, mà chỉ tập trung vào mỗi Quốc ca! Ngoài ra, đứng ở góc độ Đạo đức, giáo dục phải lấy con người làm Mục đích, chứ không phải công cụ. Với Chỉ thị trên, dường như có sự đổi chiều trong quan niệm này, có nghĩa là lấy con người ra làm công cụ chứ không phải mục đích. Nếu lấy các em làm mục đích, việc giáo dục thẩm mỹ cần ưu tiên hàng đầu trong chiến lược xây dựng con người toàn diện, có cả tài, đức, văn, thể, mỹ…
Giáo dục nước ta đang đứng trước thềm đổi mới “triệt để, toàn diện” mà điều cốt lõi cần giải phóng về mặt tư duy. Dường như cơ chế giáo dục bấy lâu vẫn đang loay hoay trong một cái “Box” - điều tối kỵ của một nền giáo dục khai phóng - Giới hạn trong phạm vi một Chỉ thị, mặc dù nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhiều người trước bối cảnh đất nước đang có những bất ổn trên biển Đông, nhưng tư duy giáo dục không thể giống như Hàn thử biểu thay đổi bất thường trước những diễn biến về mặt chính trị. Giáo dục cần hướng tới những cuộc cách mạng, thay đổi về chất, nhằm giải quyết vấn đề trọng yếu trong việc xây dựng con người. Chỉ thị của Bộ giáo dục và Đào tạo xem qua thấy nổi lên quyết tâm cao độ của cơ quan quản lý nhà nước, song, xét kỹ lại bộc lộ khá nhiều sơ hở, từ việc đẩy trách nhiệm lẽ ra thuộc về mình sang thành yêu cầu đối với các đơn vị, cá nhân chịu sự chỉ đạo. Đây là một cách tư duy ngược thường xảy ra ở nước ta. Lẽ ra, Bộ giáo dục và Đào tạo phải đảm bảo được việc dạy cho các học sinh, sinh viên tiếp nhận đầy đủ, chính xác, đúng 100% nhạc và lời Quốc ca trong quá trình đào tạo, chứ không thể yêu cầu các em hát đúng 100%. Ở nhiều nước tiên tiến trên thế giới, khi nói đến cơ quan quản lý nhà nước thường gắn liền với trách nhiệm, còn người dân có quyền. Ở ta bấy lâu nay thường tư duy ngược về điều này, mặc dù bản chất Nhà nước đã được Hiến pháp quy định là “của dân, do dân và vì dân”. Chỉ thị bên cạnh thực hiện chức năng công cụ của cơ quan quản lý, còn tập trung quyền lực, phản ánh nhiệm vụ, trách nhiệm và đặc biệt là chất lượng của sự chỉ đạo. Thông qua công cụ này nhằm tác động, làm thay đổi nội dung có liên quan. Trước khi tạo ra sự thay đổi, người dân cần thấy rõ hơn sự đổi mới từ cơ quan nhà nước. Một Chỉ thị tưởng chừng hết sức có ý nghĩa, nhưng lại phản ánh nhiều sơ hở về nội dung khi chưa xây dựng trên mảnh đất hiện thực. Trong phương pháp nghiên cứu Phát triển cộng đồng, người thực hiện trước khi đưa ra khuyến nghị phải tiến hành: Nắm bắt thực trạng, Xác định nguồn lực, Điều tra nhu cầu, Biết được thuận lợi và khó khăn… cuối cùng mới đề ra Giải pháp. Nhiều cơ quan quản lý của ta thường đi tắt trên con đường thiết kế Giải pháp, nên chưa qua thử thách đã tạo ra độ chênh, sai lệch so với thực tế.