Nghe lời biển hát
“Nơi anh đến là biển xa
Nơi anh tới ngoài đảo xa
Từng mảnh đất quê ta
giữa đại dương mang tình thương quê nhà
Đây Trường Sa, kia Hoàng Sa
Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua…”
Qua phương tiện truyền thông có thể thấy ca khúc “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song thời gian gần đây nổi lên như một sự kiện văn hóa. Sóng ngoài đảo xa dập dồn, dội vào đất liền khiến cho hàng loạt ca khúc viết về biển đảo trở thành đề tài trung tâm trong các sáng tác. Song, “Nơi đảo xa” thực sự đã trở thành một trong những ca khúc được nhiều người yêu thích nhất.
Ra đời từ những năm 70 của thế kỷ trước, trải qua bao thế hệ, “Nơi đảo xa” vẫn đứng vững trong lòng người. Sự kiện biển Đông thêm một chiều kích thu hút sự quan tâm của người dân, với tâm thái gắn liền “từng mảnh đất quê ta” qua thông điệp tác phẩm, “Nơi đảo xa” đã nối liền biển đảo và đất đai thiêng liêng của tổ quốc. Nhạc sĩ Thế Song không viết “Nơi đảo xa” bằng thể loại Hành khúc như thường thấy, mà vươn tới sự chiếu rọi qua tâm thức con người bằng tính chất âm nhạc tha thiết, nồng nàn, da diết. Giai điệu mở đầu trên âm khu trung, rồi đẩy lên cao vút thành cao trào của tác phẩm, gắn kết “Ngàn bão tố phong ba ta vượt qua, vượt qua”. Sau những âm thanh hùng tráng, liên tục đẩy lên tới đỉnh điểm, giai điệu mới đi xuống tạo nên sự lắng đọng, bình yên. Cách viết như vậy không phổ biến ở nhiều ca khúc, phần mở đầu đa số bắt đầu từ âm khu thấp, đến điệp khúc giai điệu mới chao liệng trên cao. “Nơi đảo xa” dường như đã chứng tỏ cội nguồn sinh ra từ biển khơi có tiếng sóng vỗ cồn cào, những con tàu buông lơi, rẽ sóng và dải san hô mênh mang gợi hình ảnh rộng, khoáng đạt, xa xăm:
“Lướt theo con tàu mang tín hiệu trong đất liền
Mắt em nhìn theo con tài đi xa mãi
Giữa nơi biển khơi đang nở rộ ngàn bông hoa san hô
Cánh hoa đỏ thắm bao hy vọng anh gửi về tặng em…”
Nhạc sĩ Thế Song đã khéo lồng ghép cảnh đất trời, non nước vào tình cảm riêng tư của những người lính đảo nơi đầu sóng ngọn gió khiến cho biển và đất liền như xích lại gần nhau hơn. Tương ứng với phương tiện lời ca, cách xử lý giai điệu sử dụng nhiều thủ pháp, phá bỏ tính cân phương, kết hợp những quãng nửa cung đan xen làm nên tính chất đối tỉ, gập ghềnh, biến ảo giữa đại dương bao la.
“Ơi ánh mắt em yêu như trời xanh như biển xanh trong nắng mới
Nhớ cả dáng hình em mùa gặt nặng đôi vai
Sóng ru mối tình đời thủy thủ càng thêm vui…”
Đứng ở góc độ kết cấu, giai điệu đã hoàn thành sứ mệnh của mình khi tạo ra tín hiệu của một sự kết thúc, nhưng đoạn vĩ thanh (Coda) vẫn còn muốn níu kéo “Đây con tàu ra khơi. Đây con tàu ra khơi” để mở rộng thêm khuôn khổ cho tác phẩm vươn xa, vượt xa hơn, mong đợi về một sự bình yên cho biển trời quê hương.
“Nơi đảo xa” đã đi từ trạng thái chập chùng trên sóng nước đến cảnh thanh bình trong đất liền. Có rất nhiều ca sĩ chuyên nghiệp lẫn nghiệp dư thử thách với “Nơi đảo xa”. Ca khúc dành nhiều không gian cho ca sĩ thể hiện với âm vực rộng, âm thanh cao vút. Thời gian qua, khắp cả nước vang lên giai điệu thân thuộc của “Nơi đảo xa”. Sức lan tỏa của nó thực sự tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ gắn kết cộng đồng. Mặc dù còn có thêm nhiều ca khúc ra đời, Hội Nhạc sĩ tổ chức đợt sáng tác về đề tài biển đảo, song “Nơi đảo xa” vẫn đứng hiên ngang trước bão giông, thách thức của thời gian.
Trong truyền thống văn hóa nước ta, sự khác biệt về vùng miền luôn thể hiện rõ rệt qua thị hiếu thẩm mỹ. Người miền Bắc đã sản sinh ra Chèo, Quan họ, Ca trù…; miền Trung có ca Huế, Bài chòi, Bả trạo…; miền Nam có Đàn ca Tài tử, sân khấu Cải Lương… Vây quanh những loại hình nghệ thuật tổng hợp này còn có những làn điệu dân ca gắn kết truyền thống ngàn đời. Người Nam bộ dù đã thay đổi nhiều, nhưng thẩm mỹ vẫn không tách rời cội nguồn truyền thống đó. Vì thế, bên cạnh “Nơi đảo xa” của nhạc sĩ Thế Song, còn có “Gần lắm Trường Sa” của Hình Phước Long, một ca khúc cũng viết về đề tài biển đảo rất được yêu thích. Giai điệu ca khúc thể hiện nét mềm mại, dịu dàng, trữ tình gần gũi dân ca Nam bộ.
“Mỗi cánh thư về từ đảo xa, anh thường nói rằng Trường Sa lắm xa xôi.
Nơi anh đóng quân là một vùng đảo nhỏ, bên đồng đội yêu thương.
Chỉ có loài chim biển, sóng vỗ điệp trùng, quanh đảo trúc san hô.
Trường Sa ơi, biển đảo quê hương, đôi mắt biên cương, vẫn sáng long lanh giữa sóng cuồng, bão giật.
Đảo quê hương, anh vẫn đêm ngày giữ biển khơi...”
Nghe “Gần lắm Trường Sa” ta thấy âm hưởng của “Điệu buồn phương Nam”, từ “Dạ cổ hoài lang” của Cao Văn Lầu cho đến “Còn thương sau đắng mọc sau hè” của Bắc Sơn, “Chuyến đò quê hương” của Vi Nhật Tảo… Sự gắn kết này xuất phát từ cội nguồn chung của văn hóa Việt vùng Nam bộ với sông nước mênh mang, ruộng đồng bát ngát. Cùng chung tiếng gọi nơi đầu sóng ngọn gió, nhưng mỗi miền Tổ quốc có cách thể hiện khác nhau trong tiếng vọng lại từ lòng người.
“Thương nhớ sao vơi người chiến sĩ Trường Sa ơi.
Không xa đâu Trường Sa ơi.
Không xa đâu Trường Sa ơi.
Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh.
Vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em.”
Bển đảo quê hương ngày đêm không ngủ yên được thể hiện qua nét giai điệu mềm mại, ngọt ngào, nhạc và lời hòa quyệt nhau một cách quyến luyến đã đem đến cho ca khúc sự ưu ái đặc biệt. “Gần lắm Trường Sa” tựa như một bản tình ca, giàu xúc cảm và dễ chạm vào phần mong manh nhất trong trái tim người nghe.
Trong chùm ca khúc về biển đảo, nữ nhạc sĩ Quỳnh Hợp lại nổi lên với tác phẩm “Nghe em hát ở Trường Sa”. Quỳnh Hợp bị ám ảnh bởi sự kiện biến đảo và từng cho ra đời cả một tuyển tập viết về mảng đề tài này, trong đó ca khúc “Nghe em hát ở Trường Sa” như một ngọn hải đăng xinh xắn, tỏa sáng lung linh:
“Ở Hội Lim anh nghe em hát
Câu hát trao duyên người ơi người ời
Nay ở Trường Sa nghe tiếng hát em
Câu hát người ơi người ở đừng về…”
Tác giả khai thác chất liệu dân ca Quan họ Bắc Ninh để xây dựng nên tác phẩm. Cách sử dụng âm điệu quen thuộc từ truyền thống dễ dàng khơi gợi hình ảnh quê hương thân thuộc, nỗi nhớ và niềm thao thức khôn nguôi từ đất liền gửi tới. Ca khúc mang đầy tính chất nữ tính, ý nhị, hàm súc.
“Trường Sa mênh mông biển và ầm ào gió cát
Có tiếng hát em ngân vang
Trường Sa anh đứng gác canh giữa trời đảo nhỏ…
Dáng quê nhà xanh thắm đảo Trường Sa
Trường Sa núi đảo quê hương
Gầm gào sóng dữ anh vẫn đứng nơi đây
Để nghe tiếng hát em vang giữa trời đảo nhỏ
Thấy tiếng quê mình trong tiếng hát em.”
Tâm điểm của bài hát, tất cả đều đổ dồn vào: “Tiếng quê mình trong tiếng hát em”. Cách bày tỏ tình cảm gián tiếp, ẩn dụ, dịu dàng, đằm thắm… Nó cho thấy tâm thái chủ đạo của một chữ “Tình” đi suốt chiều dài tác phẩm. Mặc dù không tạo nên hiệu ứng mạnh mẽ, dữ dội, nhưng “Nghe em hát ở Trường Sa” cứ thấm sâu xuống lòng người dai dẳng, bất chấp sự hiện diện của những đổi thay.
Còn với “Biển hát chiều nay” của nhạc sĩ Hồng Đăng, sóng biển và sóng trong lòng người đều cùng vỗ về một bờ yêu thương. Tác phẩm gợi lên như một bức tranh thiên nhiên hiền hòa, tươi đẹp…
“Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao
Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào
Môi cười rất xinh lung linh tà áo
Mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu…”
Tác phẩm ra đời cùng thời điểm với “Nơi đảo xa” (năm 1980). Âm nhạc của Hồng Đăng vốn đậm chất trữ tình, nên ông cũng không che dấu xúc cảm trong lòng khi viết về biển. Nhạc sĩ Hồng Đăng đi xa hơn tính chất hữu hạn của một sự kiện vươn tới giá trị vĩnh hằng của một tác phẩm mang tính chất tình ca, hồn nhiên, trong sáng:
“Mỗi một tình yêu mỗi một cuộc đời
Qua bao nhiêu thăng trầm biển thử vàng mới nên người
Biển xanh vẫn nhắc những lời yêu thương
Biển lại hát tình ca biển kể chuyện quê hương…”
Như đã thành quy luật phổ biến, khi ngoài biển khơi nổi sóng dập dồn thì đất liền cũng dậy lên tiếng lòng người thổn thức. Ca khúc về biển đảo tập trung thể hiện tình yêu đất nước, quê hương, qua bao tháng năm thăng trầm đã hun đúc nên những giá trị kết tinh từ ngàn đời. Tình cảm thiêng liêng ấy vẫn tiếp tục lan tỏa, có khi tuôn trào, sục sôi, có lúc bình yên, lắng đọng… chảy mãi theo dòng thời gian không ngừng trôi của lịch sử.