Trải & Nghiệm

25/11/2014

Trong thời đại Toàn cầu hóa, sự xê dịch của con người nói chung càng ngày càng diễn ra thường xuyên hơn, có nhiều người gặp nhau khoe mới đi đâu về, thậm chí tới những miền đất xa xôi. Khác với thời Đức Phật... tại thế. Thái tử Tất Đạt Đa, con vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ sau một lần đi dạo bốn cửa thành đã trải nghiệm một cách sâu sắc nỗi thống khổ của sinh, lão, bệnh, tử, mặc dù quãng đường di chuyển của chàng ngày ấy chẳng xa bằng con đường từ nhà tới công sở của nhiều người thời nay. Điều đó cho thấy, Đường và Đích vốn không có tỷ lệ tương ứng với nhau. Con đường Đức Phật đi qua thời trai trẻ đã đóng vai trò then chốt cho quyết định xuất gia đi tu và thành Đạo, thành Phật. Đối với Lão Tử, Trang Tử, sau khi gác ấn từ quan đã trở về quê nhà sống cuộc đời ẩn dật. Thế nhưng, tác phẩm “Đạo đức kinh” của Lão Tử và “Nam hoa kinh” của Trang Tử sau này đã chu du khắp thế giới hiện đại. Đương thời, Khổng Tử xê dịch khá bề bộn. Ông chu du liệt quốc để truyền bá học thuyết của mình, cả đời nhọc sức vì Lợi danh, ví như “con chó không chủ”, rốt cuộc lại chẳng làm nên mưu đồ bá nghiệp. Cuối đời nhờ thất bại trên chính trường, Khổng Tử trở về quê mở trường dạy học với quy mô đại trà, chuyên tâm nghiên cứu, biên soạn kinh sách, sưu tầm dân ca… mà tên tuổi lưu truyền hậu thế.

Xem ra, mọi sự dịch chuyển bề bộn trên “Thế giới cong” hay “Thế giới phẳng” chưa hẳn đã tạo nên hiệu ứng tương ứng. “Thế giới” còn có cách định dạng theo căn duyên từng người. Trải nghiệm đang ngày càng được quan tâm, chú ý như một giá trị thời thượng. Tuy trải và nghiệm vốn rất khác nhau. Người ta có khuynh hướng loại trừ đi khả năng cảm nhận vô cùng khác biệt giữa từng người trước mỗi hoàn cảnh. Con người nói chung có thể trải, hiểu là kinh qua hoàn cảnh giống nhau, song nghiệm, hiểu là cảm nhận, kết quả quán chiếu từ hoàn cảnh lại hết sức khác biệt. Nhiều người đi qua chiến tranh, nhưng có Hemingway tỏa sáng bằng tác phẩm bất hủ, bất chấp vật đổi sao dời. Trong cuộc hành hương thiêng liêng, sự dịch chuyển về tâm thức luôn được hành giả chú trọng, suy xét, chứng nghiệm... Điều đó không chỉ đề cao công năng dịch chuyển về không gian, thời gian, mà còn hướng tới thay đổi nội tâm, sự dịch chuyển bên trong cá nhân. Kết quả ấy đem đến cảnh giới thăng hoa, những trải nghiệm sâu sắc về chiều nội tại, siêu việt, khác với du lịch thưởng lãm hay chụp vài kiểu hình lưu niệm. Khả năng dịch chuyển càng bề bộn, cuộc sống càng dễ trơ vẻ ù lỳ, tĩnh tại... Bao nhiêu giá trị hiện hữu nơi xứ người được tán tụng chẳng hề dẫn nhập về nơi xứ mình, chứng tỏ tình trạng đi một ngày đàng chưa hẳn đã học thêm được sàng không. Vì, cách thức di chuyển cùng phương thức trải nghiệm của từng người muôn phần khác biệt. Biết bao quan chức từ cấp cao đến cấp thấp đi tham quan, học tập nước ngoài trở về chẳng thấy vận dụng được bao nhiêu tư tưởng, phương pháp, công trình… thể hiện tiến bộ từ sự xê dịch. Mô hình đô thị đã hình thành từ thời Cổ đại (Hy Lạp), kết cấu hạ tầng hoàn thiện từ thời Phục Hưng… ấy thế mà giữa kỷ nguyên Công nghệ cao, Kinh tế tri thức… nhiều con đường ở ta chưa đưa vào sử dụng đã lún, cao ốc mới xây xong đã nứt, quy hoạch đô thị không biết lấy đâu ra “Tỷ lệ vàng” ngang 4m dài 16m đang thống trị toàn quốc… Người xưa trước khi dấn thân vào một ngày đàng đòi hỏi trang bị rất nhiều kỹ năng, gọi chung là Học – Hỏi. Học về nơi mình sẽ đến, chuẩn bị kiến thức về thổ nhưỡng, văn hóa, tập quán… Không hiếm người ra đi với quyết tâm cao độ, nhưng thiếu hành trang kiến văn để lại hậu quả tai hại. Đến xứ lạ cần có óc quan sát, tham vấn, hỏi han nhằm kiểm chứng, tìm hiểu sâu hơn những điều đã được trang bị. Nhà Dân tộc học người Pháp Condominas tới nước ta tiếp xúc đồng bào Tây Nguyên với trên tay vẻn vẹn có một cuốn sổ nhỏ. Ông không ngừng ghi chép những khác biệt văn hóa. Mặc dù sự dịch chuyển của ông chẳng hề xa hơn nhiều người di chuyển bằng máy bay với những chuyến đi dài tới miền đất xa xôi ngày nay, nhưng gia tài của nhà dân tộc này để lại khiến học giới khâm phục. Có người ra đi bằng những hành động nhỏ bé góp phần tô đẹp hình ảnh đất nước, nhiều nghệ sĩ, nhà thơ, nhạc sĩ … đóng vai trò sứ giả văn hóa.

Trong hoạt động nghệ thuật, người ta thường dùng từ trải nghiệm thay cho trải qua nhằm chỉ sự thẩm thấu, ngấm sâu vào tâm hồn con người bởi những sự kiện diễn ra theo năm tháng cuộc đời. Hai khái niệm này rất dễ bị đánh lộn với nhau, có khi vì sự tráo trở, sính ngữ, người sử dụng quên mất chiều sâu nội tại của việc dụng ngôn. Có trường hợp qua tham chiếu văn cảnh, sở chỉ của đối tượng, trải qua, sự từng trải bị bức trở thành trải nghiệm. Vì thế, không thiếu bậc “trưởng giả” mắc hội chứng ưa “thuyết pháp”, hù dạo trẻ nhỏ bằng kinh nghiệm bản thân. Nhân cách con người cũng lũy tiến theo những trải nghiệm cuộc đời. Nó không đồng hiện cùng với việc già lên theo tuổi tác, vì sự khác biệt giữa tồn tại và hiện thực tư tưởng.

Nhà soạn nhạc thiên tài người Đức J.S Bach sống một đời lặng lẽ, âm thầm góp nhặt, cống hiến cho đời bằng những tác phẩm bất tử. Nếu nhìn vào dấu chân dịch chuyển trên bề mặt không gian, Bach cả đời chẳng rời khỏi nước Đức.

Gần đây có người dè đặt đặt nghi vấn cho cách thể hiện ca khúc “Da vàng” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà giới trẻ chưa từng trải qua “năm vận tháng hạn” của đất nước, những sóng gió mà chỉ có thể kỷ XX mới hứng đầy đau thương, trầm mình. Điều đó cho thấy, tư duy phản ánh hiện thực từng gây biết bao tình cảnh trớ trêu, nực cười nay vẫn còn xao động, không ngừng lăn tăn bên lề cuộc sống.

Đã có thời, xuất phát bởi mệnh đề “Văn nghệ bắt nguồn từ lao động” khiến cho bao lớp văn nghệ sĩ bị bức đổi nghề, chuyển từ lao động sáng tạo sang chân tay, từ vận dụng trí óc sang cơ bắp thuần túy. Việc nhấn mạnh những khác biệt giữa tư tưởng chụp ảnh hiện thực và tồn tại xã hội qua lăng kính phản ánh đã tốn quá nhiều giấy mực, thiết tưởng không cần đề cập thêm. Tình trạng thừa mứa này chứng tỏ mặt cắt không đồng đều trên đường tuyến nhận thức. Nó chỉ rõ tính khác biệt trong tư tưởng đối với quá trình trải và nghiệm. Xê dịch chẳng những là chiều biến của không gian, mà còn lôi kéo người tham gia vào sự khác biệt. Điều mấu chốt, sau mỗi lần trải, chúng ta đã nghiệm ra những gì?

Tin liên quan

27/08/2020
Sách Hình thức Hình thức âm nhạc* là một công trình có nhiều công phu sáng tạo và khoa học. Tác giả phải đọc nhiều tập sách âm nhạc, trải qua hàng ngàn bài hát để ...
10/08/2020
Nhiệt liệt chúc mừng tất cả các nhạc sĩ hội viên dự Đại hội nhiệm kỳ X Hội Nhạc sĩ Việt Nam! Thưa các bác, các anh, các chị - những người bằng tài năng củ...
08/08/2020
(Tại Đại hội Hội Nhạc sĩ Việt Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2020-2025) Hà Nội, ngày 07 tháng 8 năm 2020 Thưa các vị đại biểu, các nhạc sĩ cùng toàn thể các đồng chí! Hôm nay, tôi rất vui ...
03/08/2020
Mặc dù phim "Trưng Vương" vẫn đang trong quá trình thực hiện nhưng ca khúc "Còn gì để mất" (OST phim ngắn giới thiệu nữ tướng Bát Nàn) đã có mặt trong danh sách bảng xếp hạng Billboard là mộ...