Văn hóa còi và còi văn hóa
Còi là một phát kiến khoa học mang tính sáng tạo của con người, không có sẵn trong tự nhiên. Do vậy, còi chính là một sản phẩm văn hóa, văn hóa còi.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Tất cả các loại còi, từ dùng bằng miệng thổi cho đến chấn động bằng hơi nước, bằng điện… đều có chung một đặc điểm là kích âm (tạo ra âm thanh) bằng hơi. Về mặt vật lý, nó giống như các chủng loại nhạc khí hơi: kèn, sáo, khèn… xuất phát điểm nhằm mô phỏng giọng người. Giọng người cũng kích âm bằng hơi, vật thế phát thanh là dây thanh quan bị luồng khí (hơi) làm chấn động phát ra âm thanh, những tiếng nói, tiếng thì thầm, tiếng hát... Vì thế, có thể coi còi chính là cái miệng của con người nhằm chuyển tải nhiều thông điệp khác nhau.
Khi chiếc còi gióng lên, nó hướng tới sự chú ý và chuyển tải nhiều thông điệp, có khi nhắc nhở về mức độ nguy hiểm, triệu tập, kêu gọi hay đơn giản làm hiệu lệnh, báo giờ… Tất cả những nội dung trên đều thể hiện đặc tính văn hóa, hàm chứa giá trị nhân văn, vì tha nhân của còi. Trong nhiều căn hộ lặp đặt còi nhằm báo hiệu khi có khách đến, kêu gọi người thân... Còi cứu hỏa “Hét vang đường phố” cho thấy tình trạng khẩn cấp, mọi người phải nhường đường cho những chiếc xe “bụng chứa nước đầy” đi dập lửa, cứu người, tài sản... Còi cấp cứu sử dụng quãng 8, quãng 5 giảm phổ biến trong nghệ thuật âm nhạc để chuyển tải bức thông điệp về tình trạng nguy cấp sinh mạng con người… Nói chung, tất cả các loại còi đều hàm chứa những giá trị mang ý nghĩa biểu trưng, hơn là nhắm vào âm lượng, gây sự chú ý.
Ở nước ta, còi xe máy, xe tải, xe buýt… dường như thường chú trọng về âm lượng. Theo quy định an toàn giao thông, còi phải nghe rõ ở cự ly 100m. Có điều giao thông đô thị chưa thông thoáng đến 100m! Vì vậy, cự ly thực sự có giá trị trên xa lộ… có thể cảnh báo mức độ nguy hiểm đặt vào bối cảnh đô thị chật hẹp chẳng còn tác dụng, thậm chí gây tai hại cho người xung quanh. Và vấn đề phái sinh của nó thuộc khía cạnh ứng xử văn hóa của người sử dụng còi (còi văn hóa).
Như đã nói, ý nghĩa của tiếng còi nằm ở giá trị biểu trưng, chứ không phải âm lượng. Còi xe cấp cứu vang lên khá êm dịu, nhưng vẫn cho thấy tình trạng khẩn cấp, vì kết hợp một cách hiệu quả quãng nghịch, tương ứng với quãng nửa cung, quãng 5 giảm trong âm nhạc. Âm lượng của nó không gây tổn thương cho người xung quanh, có thể xuất phát từ chỗ cần bảo vệ sự an nguy cho người đang được cấp cứu trên xe. Vấn đề đáng lưu ý là, còi xe cấp cứu đã tận dụng tốt hiệu quả phối hợp của những quãng âm. Quãng nghịch gây cảm giác bất ổn, chông chênh…, quãng thuận êm dịu, hài hòa… Tất cả đều là cảm giác, nhưng có tác dụng tốt lên cảm quan con người, có thể chuyển tải những thông điệp từ đời sống vào trong nghệ thuật. Sự chói chát của các quãng nghịch chẳng hề đồng nghĩa với âm lượng lớn.
Xưa nay, còi đã là chiếc loa phóng thanh của cái miệng con người. Thuở hồng hoang, người ta sử dụng tiếng hú để gọi nhau, tiếng tù và thỉnh cầu thần linh trong nghi lễ cổ của nhiều tộc người, tiếng huýt sáo gọi bầy… Giống như cái miệng con người, có những cái miệng biết nói lời hay ý đẹp, nhả ngọc phun châu…, cũng có những cái miệng “ác khẩu”, ngậm máu phun người, lời lẽ độc địa… Thời xe đạp còn dùng làm phương tiện di chuyển chính, hễ va chạm, đụng độ nhau trên đường là người ta sẵn sàng xổ ra hàng tràng lời lẽ nhục mạ, sỉ vả đối phương, từ hăm dọa đến ẩu đả… Ngày nay, xe máy với những chiếc còi gióng giả, âm thanh rền vang… người ta tiếp tục chuyển tải những thông điệp trìu tượng hơn qua âm lượng của nó! Một thứ văn hóa còi thiên về âm lượng, lấy mình làm trung tâm, bất chấp mọi giá trị, kể cả “giá sàn” là tuân thủ pháp luật. Chẳng hiếm những hình ảnh phổ biến, đầy nhan nhản nơi phố thị, người đi trái đường bấm còi lia lịa, người qua đường hú còi liên tục, người đi trong hẻm, trên vỉa hè, trước cổng trường học, bệnh viện cũng bấm còi, nói chung là mọi lúc mọi nơi.
Âm thanh, tiếng ồn, âm nhạc… đều có tác động lên sóng não con người. Âm nhạc sở dĩ trở thành môn nghệ thuật “Vua” là vì nhờ vào đặc điểm này. Theo kết quả nghiên cứu của ngành Âm nhạc trị liệu, bộ não con người hoạt động tốt trong phạm vi sóng tần từ 0.5 – 13Hz. Vượt khỏi biên độ trên, ý thức sẽ rơi vào tình trạng hỗn loạn, thiếu tập trung, nhiễu hệ thần kinh… Còn về khả năng chịu đựng của cơ quan thính giác nói chung không vượt quá âm lượng 140 decibel. Theo quy định về còi của các phương tiện giao thông đường bộ không cho phép vượt ngưỡng 115 decibel. Nhưng, trên thực tế, các loại còi của phương tiện giao thông, chưa nói loại xe tải, xe cứu hỏa, chỉ riêng xe máy thôi đã vượt ngưỡng, có loại còi âm lượng lên tới 400 decibel. Tất nhiên, âm lượng còn tùy thuộc vào khoảng cách giữa nguồn âm và cơ quan thính giác tiếp nhận. Nhưng, di chuyển trong điều kiện phố phường chật hẹp, người người chen chúc, thì âm lượng 400 decibel cộng hưởng nhau sẽ phát huy tối đa hiệu quả (cũng như hậu quả).
Rõ ràng, tiếng còi xe máy lâu nay đã trở thành âm hình chủ đạo trong bản tập tấu của thành phố. Tác phẩm nhạc Pop thịnh hành nhất hiện nay chính là bản “giao hưởng” có tên là “Còi xe máy”. Nó góp phần nâng cao số bệnh nhân tim mạch, huyết áp, ù tai, điếc tai, suy nhược thần kinh… ở các bệnh viện. Song, chủ nhân của những chiếc còi xe hầu như chưa ý thức được đầy đủ tác hại của nó. Ý nghĩa của còi nằm ở giá trị biểu trưng, không nằm ở âm lượng. Vì thế, còi xe máy hay còi gì đi chăng nữa cũng phải hướng tới ý nghĩa sơ khởi mang giá trị nhân văn.
Xưa kia, người nguyên thủy sống nơi rùng núi hoang vu, họ cần tới tù và để truyền tin. Ngày nay chúng ta đã văn minh hơn, không phải phí hơi, tổn sức để tạo ra thứ âm thanh này. Nhưng, đừng để rơi vào tình trạng lạc hậu hơn cả người xưa, biến những chiếc còi vốn mang sứ mệnh cao cả, cấp báo, truyền tin… thành thứ sản phẩm phản văn hóa, phi văn hóa… Ở châu Âu, nhiều nơi coi việc dùng còi tùy tiện là chửi rủa người khác. Điều này cũng dễ hiểu khi mà còi từ lâu đã mang giá trị biểu trưng thay thế cho cái miệng con người. Ở ta, việc dùng còi tự do, thoải mái, đến mức bất kể những nơi yên tĩnh, thanh tịnh như trường học, bệnh viện, cơ sở tín ngưỡng…Hiện tượng loạn còi không chỉ gây tiếng ồn, nhiễu loạn âm thanh trên đường phố, ảnh hướng xấu tới sức khỏe, mà còn biến đô thị thành trung tâm của tiếng ồn, làm méo mó hình ảnh tập cư của người thành phố. Luật không xử phạt người sử dụng còi trái phép, người tham gia giao thông không tự ý thức về hành vi sử dụng còi, tình trạng này sẽ gây tác hại đối với cả môi trường tự nhiên và nhân văn. Còi từng là sản phẩm văn hóa, nhưng sử dụng như thế nào cho ra văn hóa mới thực là hành vi cần hướng tới.