Món quà vô giá từ người xa xứ
Tặng tuổi 73 của một “nghệ sĩ không tuổi”
Sách báo, băng đĩa, phim ảnh, nhạc cụ, đồ lưu niệm nhiều đến mức tràn cả ra khỏi các tủ các kệ. Chúng chồng chất lên nhau trong các góc nhà, chen chúc nhau dưới sàn, leo cả lên mặt bàn, nhảy cả lên nóc tủ.
Tấm bản đồ thế giới trải dọc bức tường hành lang gắn chi chít những nút nhựa đánh dấu nơi giáo sư Trần Quang Hải từng đặt chân tới, những nơi anh đã cặm cụi “tha” về tài liệu văn bản, âm thanh, hình ảnh và nhạc cụ, khiến căn nhà không nhỏ cũng trở nên chật chội và khó có thể sắp xếp gọn ghẽ.
Đi hội nghị quốc tế cùng anh, tôi thán phục thấy anh lưu giữ mọi thứ, để ý cả những chi tiết tưởng như vặt vãnh (một thói quen được “di truyền” từ ba anh - giáo sư Trần Văn Khê!). Cẩn thận ghi chép, chụp ảnh, quay phim những thứ liên quan đến âm nhạc đã đành, anh còn thích thú chụp hình các món ăn bất kể đặc sản cao lương mỹ vị hay dân dã vỉa hè, cất giữ card visit khách sạn, nhà hàng, vé nhà hát, vé tàu xe… Mỗi chuyến đi là một cuốn nhật ký điền dã dày cộp có dán cả bản đồ địa phương, sơ đồ tuyến giao thông. Với tinh thần nghiên cứu dân tộc nhạc học triệt để như thế, với hơn nửa thế kỷ tham dự hàng trăm hội thảo quốc tế và đại hội liên hoan thế giới, trình diễn hàng nghìn buổi và giảng dạy tại hơn trăm trường đại học khắp năm châu như thế, bảo sao nhà anh không thành cái kho lưu trữ đa quốc gia chứ!
Tôi là một trong rất ít người thuộc giới nghiên cứu Việt Nam đã tận mắt nhìn thấy cái “bảo tàng mini” nằm cách trung tâm Paris 26 km, mất chừng tiếng rưỡi đồng hồ đi metro. Tiếc là tôi chỉ đủ thời gian ngắm nghía chứ không kịp khám phá kho tàng của anh. Và tôi còn tiếc vì một kho báu như thế mà không mấy ai biết đến. Càng tiếc bao nhiêu thì càng mừng bấy nhiêu khi biết anh đã chuyển về Viện Âm nhạc 40 kiện hàng - gần 2/5 kho tư liệu sách và đĩa của anh, một món quà đồ sộ gửi tặng các đồng nghiệp Việt Nam.
Món quà đó gồm 1000 đĩa tiếng và đĩa hình (đĩa than, CD, DVD), khoảng 1000 cuốn sách các thứ tiếng khác nhau (Pháp, Anh, Đức, Nga, Italia, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam…). Hơn 40 năm làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Quốc gia thuộc Bảo tàng Con người tại Paris, là thành viên của trên 20 hội nghiên cứu các quốc gia khác nhau, anh đã cố gắng thu thập những tài liệu quý nhất về dân tộc nhạc học. Đặc biệt là bộ Bách khoa toàn thư năm 2001 (mới nhất, cập nhật nhất) gồm 30 quyển, mỗi quyển 900 đầu mục về âm nhạc thế giới. Thông tin về âm nhạc các dân tộc ngoài châu Âu khá khiêm tốn, chỉ chiếm 10%, trong đó có phần viết của anh về đàn tranh, và Trần Quang Hải là tác giả duy nhất có hình minh họa trong bộ sách đồ sộ đó vì anh cũng là nghệ nhân chơi đàn tranh.
60 kiện hàng nữa bên Pháp với hơn 1000 cuốn sách và 2000 đĩa cũng đã sẵn sàng chờ ngày về nước. Còn lại chưa đóng gói là rất nhiều tư liệu sưu tầm nghiên cứu, hàng trăm CD và DVD, vài trăm cuộn phim, 130 nhạc cụ các loại trên thế giới và bộ sưu tầm độc nhất vô nhị trên 300 đàn môi của nhiều dân tộc.
Người Pháp đề nghị mua lại toàn bộ tài liệu của anh và hứa sẽ thành lập trung tâm nghiên cứu âm nhạc Việt Nam tại Pháp, thêm nữa, họ sẽ cấp nhà và khoản tiền khá lớn cho anh. Anh đã từ chối.
Đến lượt Trung Quốc xin mua tài liệu, trả hết chi phí vận chuyển và hứa cấp nhà. Rồi Nhật Bản cũng đưa lời đề nghị tương tự. Anh lại từ chối.
Yakutia - nước cộng hòa Sakha thuộc Liên bang Nga - ngỏ ý xin bộ đàn môi đa dân tộc của anh để đưa vào bảo tàng tại thủ đô Yakutsk. Anh vẫn từ chối.
Tại sao không phải Pháp hay Nga, Trung Quốc hay Nhật Bản, mà là Việt Nam? Cũng không phải Trung tâm Lưu trữ Quốc gia, nơi duy nhất đảm bảo an toàn lâu dài cho tài liệu trong khí hậu ẩm thấp ở Hà Nội, mà lại là Viện Âm nhạc?
Vâng, đây là tấm lòng của người xa xứ dành cho Viện Âm nhạc, nơi anh gắn bó hơn 15 năm nay như một thành viên danh dự. Anh không những từng lập giải thưởng nghiên cứu khích lệ lớp trẻ, mà còn đóng niên liễm và hỗ trợ tài chính để Viện cử đại diện tham dự hội nghị của Hội đồng Âm nhạc truyền thống Quốc tế (ICTM) tổ chức định kỳ hai năm một lần. Trong 12 năm là ủy viên Ban Chấp hành ICTM, anh hết lòng đóng góp cho chất lượng thuyết trình của đoàn đại biểu Việt Nam trong các phiên báo cáo tại hội nghị, cũng như giúp Viện Âm nhạc gây dựng mối quan hệ hợp tác với đồng nghiệp quốc tế. Anh là cộng tác viên “ruột” của tạp chí Nghiên cứu âm nhạc từ những năm đầu và đã tham gia lập hồ sơ đệ trình UNESCO cho các di sản phi vật thể Ca trù, Quan Họ, Xoan, Đờn ca Tài tử, Ví Giặm, Bài chòi, Then, Hát Văn... Tình đồng nghiệp, tình anh em một nhà - đó là những gì anh đã có với Viện Âm nhạc.
Thông qua Viện Âm nhạc, anh muốn chia sẻ tất cả vốn liếng và kinh nghiệm nghề nghiệp với giới nhạc trong nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hãy là nghệ sĩ chơi đàn trước khi thành nhà nghiên cứu để đến với âm nhạc không chỉ bằng cái đầu mà cả trái tim. Hãy giỏi ngoại ngữ, nhất là tiếng Anh để giới thiệu nhiều hơn về âm nhạc Việt Nam trên diễn đàn quốc tế. Lời nhắn gửi các bạn trẻ từ một người cả đời không ngừng quảng bá âm nhạc dân tộc là thế.
Thời trẻ, kể từ khi là học sinh violon khóa đầu tiên của Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn, anh đã chọn cho mình con đường biểu diễn âm nhạc phương Tây, cho đến một ngày chợt nhận ra sứ mệnh của anh là nối nghiệp cha - ông - cụ - kị họ Trần, một dòng họ bốn đời làm âm nhạc cổ truyền, đến Trần Quang Hải - đứa “con - cháu - chắt - chít” này là đời thứ năm.
Song không chỉ là nghệ nhân đàn tranh Việt Nam và đàn môi H’Mông, anh còn liên tục mở rộng sự nghiệp biểu diễn và nghiên cứu của mình tới các quốc gia khác. Trên nhạc trường quốc tế, Trần Quang Hải được biết đến như một “vua đàn môi” đa dân tộc và một bậc thầy trong nghệ thuật hát đồng song thanh của Mông Cổ.
Có lần anh thách đấu với một người Mỹ có tài gõ thìa: “Nước ông đang đánh nước tôi, tôi sẽ đánh lại ông trên sân khấu và sẽ thắng người Mỹ trong âm nhạc”. Họ hẹn gặp nhau thi tài mỗi tuần. Và anh đã thắng nhờ biết vận dụng những tiết tấu dân gian độc đáo. Biệt danh “vua gõ muỗng” gắn với anh từ đó, cũng từ đó họ trở thành bạn thân thiết của nhau.
Trần Quang Hải là minh chứng cho khả năng kết nối bằng âm nhạc, sự kết nối diệu kỳ giữa con người với con người, dân tộc với dân tộc, thế hệ với thế hệ, quá khứ với hiện tại. Anh luôn hướng tới sự giao lưu nhạc cổ truyền các dân tộc khác nhau, pha trộn nhạc cổ truyền với nhạc đương đại, đưa lối diễn tấu tùy hứng của nhạc cổ vào nhạc jazz, nhạc điện tử, nhạc thể nghiệm. Anh cũng mở rộng lĩnh vực nghiên cứu âm nhạc học, dân tộc nhạc học trong sự kết hợp với các lĩnh vực khoa học và y học, như âm thanh học, vật lý học, quang học, âm nhạc điều trị học (musictherapy), tâm lý điều trị học (psychotherapy).
Đón nhận tài sản tích cóp cả đời của một nhạc sĩ - nghệ sĩ - nhà nghiên cứu - nhà sư phạm toàn cầu là một vinh hạnh và may mắn của Viện Âm nhạc. Đồng thời Viện cũng nhận lấy trách nhiệm lập ngay một kế hoạch cụ thể kết hợp sự nắm vững kiến thức về âm nhạc học, dân tộc nhạc học, ngoại ngữ và chuyên ngành lưu trữ, một dự án đòi hỏi cao về nhân lực, trí lực, tài lực và kinh phí. Rồi sẽ bảo quản tài liệu thế nào cho đúng chuẩn lưu trữ quốc gia? Sẽ trưng bày nhạc cụ ra sao cho đúng chuẩn bảo tàng quốc tế? Sẽ sắp xếp dữ liệu thế nào cho đúng chuẩn thư viện chuyên nghiệp?
Bỗng tôi chạnh lòng nhớ tới di sản khủng lồ của giáo sư Trần Văn Khê. Cách đây 13 năm, giáo sư Trần Văn Khê cũng chuyển về nước toàn bộ tài liệu nghiên cứu của ông. Chỉ riêng sách vở, băng đĩa đã hơn 460 kiện hàng. Thành phố Hồ Chí Minh cấp cho ông một ngôi nhà với mục đích sau này trở thành nơi lưu giữ những gì giáo sư muốn để lại cho đời sau. Hàng nghìn cuốn sách, công trình nghiên cứu, băng đĩa phải mất nhiều năm trời mới xem hết. Việc hệ thống, phân loại và sắp xếp để đưa vào sử dụng cứ dềnh dang mãi không xong. Giờ người đã ra đi, ngôi nhà Thành phố đã thu hồi, còn ước nguyện vẫn là ước nguyện chưa biết bao giờ mới được thực hiện…
Làm sao để khối tư liệu của giáo sư Trần Quang Hải đừng biến thành di sản chết trong kho như thế?
-Em biết đấy, còn nhiều sách và đĩa về hát đồng song thanh, nhiều tư liệu và bản thảo nghiên cứu anh không gửi vì chẳng rõ ở Việt Nam có chú trọng những khía cạnh đó không. Anh cũng chưa biết phải đóng kiện nhạc cụ cách nào vì kích cỡ chúng khác nhau và dễ bị hư trong vận chuyển.
Có gì đó bất ổn trong ánh mắt mệt mỏi lo âu, dù anh ngay lập tức trở lại với vẻ yêu đời thường trực. Linh cảm của tôi không sai. Bác sĩ nói quỹ thời gian còn lại không nhiều nếu anh không chịu dùng các biện pháp điều trị căn bệnh ung thư mới phát. Không, anh không muốn kéo dài sự sống thêm vài tháng trên giường bệnh. Đi xa có hại cho sức khỏe của anh. Anh vẫn theo những kiện hàng bay về Hà Nội, vẫn cười to nói lớn một cách thân thiện, nhiệt tình…
“Còn sống ngày nào, tôi sẽ vui và tận hưởng ngày đó. Tôi ăn uống như người thường chẳng kiêng khem cái gì, đi những nơi mình muốn đến, làm những gì mình thích và còn dang dở”.
Mong muốn ấy chỉ có thể là của một người rất biết yêu cuộc đời này.
02-05-2017