Nhớ nhạc sĩ Thanh Tùng

08/03/2021

Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài hoa đã đi xa nhưng âm nhạc của ông vẫn ở lại với nhân thế.

Bao nhiêu năm qua, người ta vẫn hát ca khúc của ông và nhắc nhớ về ông như một trong những người nhạc sĩ đã có công lớn mang đến làn gió mới cho nhạc Việt thập niên 80, 90. Thời của những bản tình ca tươi sáng, trong trẻo, rộn ràng... Tình yêu riêng của từng cá nhân hoà chung trong tình yêu của quê hương, của đất nước.

Mới đây, "Chân dung cuộc tình" đã thực hiện một chương trình để tưởng nhớ nhạc sĩ Thanh Tùng.

Đầu thập niên 80, khi đất nước vẫn còn nhiều khó khăn sau những năm chiến tranh thì những bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng đã thổi vào đời sống những tinh thần lãng mạn hiếm có. Những ca khúc của ông khiến mọi người như có thêm niềm vui sống để yêu thương nhau hơn, cùng nhau đi qua những năm tháng đầy thử thách.

Sau bài hát đầu tiên ra đời năm 1981 là Cảm ơn mùa thu, suốt hơn hai thập niên sau đó, những bài hát của nhạc sĩ Thanh Tùng luôn là tâm điểm của đời sống nhạc trẻ Việt Nam.

Nhạc sĩ Thanh Tùng đã lên tới đỉnh cao trong sự nghiệp sáng tác bằng những bài hát trẻ trung, tươi mới. Ở đó, tình yêu của mỗi người hoà chung với tình yêu lớn lao dành cho quê hương, đất nước.

Và không thiếu những bản tình ca chứa trong đó câu chuyện tình của chính ông, người nhạc sĩ tài hoa với bao huyền thoại vây quanh. Qua ngần ấy tháng năm, những bài hát làm nên tên tuổi Thanh Tùng như: Chuyện tình của biển, Ngôi sao cô đơn, Phố biển, Một mình, Lối cũ ta về, Trái tim không ngủ yên, Giọt nắng bên thềm… vẫn để lại trong lòng người nghe đong đầy những cảm xúc hoài niệm.

Ca sĩ Ngọc Ánh và Thanh Hoa trò chuyện trong chương trình.

Trò chuyện cùng MC Quỳnh Hoa trong "Chân dung cuộc tình", ca sĩ Ngọc Ánh hồi tưởng lại những năm 80. Thời đó, nhạc sĩ Thanh Tùng đã có sức ảnh hưởng rất lớn đối với thế hệ trẻ. Rất nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện những tác phẩm của ông và âm nhạc của ông cũng được phát rất nhiều trên truyền hình và đài phát thanh lúc bấy giờ.

Nhớ lại những lần thường gặp nhạc sĩ Thanh Tùng ở đài truyền hình, ca sĩ Ngọc Ánh bị ấn tượng bởi vẻ ngoài cao ráo, phong độ, đẹp trai và lãng tử của ông. Ông cũng là người nói chuyện rất duyên và lúc nào cũng vui tính. Đối với ca sĩ Thanh Hoa, chị xem ông như một người thầy.

Theo chia sẻ của Thanh Hoa, vào cuối năm 1985, sau khi chị rời nhóm Sinco nữ thì được nhạc sĩ Thanh Tùng mời vào nhóm Những Làn Sóng Nhỏ - một đứa con tinh thần rất tâm huyết của nam nhạc sĩ. Kể từ đó, chị hoạt động với nghệ danh Thanh Hoa được đặt theo tên của nhạc sĩ Thanh Tùng.

Nói về nhạc sĩ Thanh Tùng, bên cạnh những bài hát vô cùng nổi tiếng, ông cũng được mọi người cho rằng rất đa tình. Tuy nhiên, ca sĩ Thanh Hoa khẳng định, nhạc sĩ tài hoa nào cũng có nhiều nàng thơ và bóng hồng đi theo. Nhạc sĩ Thanh Tùng cũng vậy, ông là một người đa tình nhưng rất chung thủy.

"Sau khi cô Minh - người chú yêu thương nhất qua đời thì tất cả những nhạc phẩm chú viết ra đều dành tặng riêng cho người vợ yêu quý của mình thôi. Những nhạc phẩm như: Một mình, Hoa cúc vàng, Lối cũ ta về… là chú tâm huyết sáng tác để tặng người vợ quá cố của mình. Thậm chí, sau khi cô Minh mất, chú ở vậy một mình để nuôi ba người con. Là học trò, tôi thấy chú là một người sống giản dị, vui vẻ và hài hước... Nhưng trong tình yêu, chú dành trọn trái tim cho người vợ của mình", Thanh Hoa nói.

Đồng tình với Thanh Hoa, Ngọc Ánh khẳng định, nhạc sĩ Thanh Tùng là một người rất lãng mạn, nhờ đó mà ông viết ra được những ca khúc rất tình. Còn chuyện những bóng hồng sau khi vợ mất thì không ai rõ lắm. Chỉ biết rằng, những rung cảm đó đã mang đến cho nhạc sĩ những cảm hứng bất chợt để viết nên những ca khúc ngập tràn yêu thương.

"Chúng ta đừng đi tìm để giải đáp những lời đồn đoán mà hãy đón nhận những ca khúc mà nhạc sĩ Thanh Tùng đã viết nên cho đời sống âm nhạc bằng tất cả những cảm xúc chân thật của mình. Tôi đã từng được làm việc với rất nhiều nhạc sĩ nhưng cũng hát rất nhiều ca khúc của Thanh Tùng thời đó. Ấn tượng của tôi là ca sĩ Ngọc Bích hát thành công và hát nhiều ca khúc nhất của Thanh Tùng. Tôi nhớ, chị Ngọc Bích hát "Lời tỏ tình mùa xuân", "Ngôi sao cô đơn".. rất hay.

Thời đó, tôi cũng hát ca khúc "Mặt trời Trị An" của anh ở nhiều sự kiện âm nhạc và khi gặp nhau anh Thanh Tùng cũng có lời khen. Anh ấy bảo "Em hát trẻ trung, rõ lời, đúng nhạc... Anh chia sẻ thêm nhiều điều về cách làm sao để hát đúng tinh thần âm nhạc của anh trong mỗi ca khúc. Điều đó càng khiến tôi có thêm nhiều động lực để hát tốt hơn âm nhạc Thanh Tùng", ca sĩ Ngọc Ánh bộc bạch.

Chia sẻ thêm về những kỷ niệm cùng nhạc sĩ Thanh Tùng, Thanh Hoa lần đầu tiên kể về một sự kiện xảy ra năm 1986 mà suốt cuộc đời này chị cũng không bao giờ quên. Đó là lần chị được nhạc sĩ Thanh Tùng dẫn đi diễn xuyên Việt 2 tháng liên tục.

Đêm đó, khi cả đoàn đang đi xuống đèo Cù Mông (nằm trên Quốc lộ 1A, ở ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thì xe bỗng dưng mất phanh. Nữ ca sĩ rùng mình nhớ lại khoảnh khắc ngỡ đã đối mặt với tử thần vì một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm. May mắn tài xế đã nhanh trí bẻ lái để xe ngã lật vào phía bên trong và cả đoàn đều không bị thương nghiêm trọng nào.

"Lúc đó tôi chỉ mới 17 tuổi, thậm chí còn nói bản thân chưa yêu mà sao lại chết, nên sau này mỗi lần gặp lại chú cứ chọc tôi hoài. Nhưng cũng từ chuyến đi đó mà mối tình của tôi với anh Thiện Thanh nảy nở. Mỗi lần gặp, chú Thanh Tùng lại đưa chuyện này ra trêu cả hai đứa. Chú nói "Nhờ lật đèo mà hai tuỵ bây mới quen nhau đó". Cho nên tôi nhớ hoài kỷ niệm này bởi đó là chuyến đi diễn xuyên Việt đầu tiên của tôi", Thanh Hoa bồi hồi nhớ lại khoảnh khắc thoát chết trong gang tấc.

(Nguồn: https://danviet.vn/)

Tin liên quan

04/03/2021
Văn Cao, Trịnh Công Sơn, hai nhạc sĩ, hai thế hệ. Nhạc sĩ Văn Cao sinh năm 1923, còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sinh năm 1939. Hơn Trịnh Công Sơn 16 tuổi, Văn Cao coi Sơn như một người ...