Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu: 90 tuổi hãy còn "xanh lắm!"

09/06/2014

"Đấy không phải là hát mà là hú, hét" "Mặt anh rất thư sinh, dù mặc đồ dân tộc nhưng tiết mục vẫn chưa ra chất dân tộc" - Đó là những lời nhận xét thẳng thắn, hài hước của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đối với các thí sinh trong cuộc thi "Tiếng hát mãi xanh" 2014. Đã 90 tuổi, song "con chim vàng của nền âm nhạc Việt Nam" vẫn sẵn sàng ngồi ghế nóng, cầm cân nảy mực. Giọng ông vẫn mộc mạc, sang sảng. 90 tuổi, lão nhạc sĩ mỉm cười bởi sự trọn vẹn đời người mà ông bảo đến bây giờ chẳng còn gì khiến mình ngậm ngùi hối tiếc...

Mỗi lần bước lên bậc cầu thang căn nhà ở đường Thất Sơn, quận 10, TP HCM, bàn chân tôi lại khẽ khàng. Sợ tiếng động vô duyên phá vỡ vẻ tĩnh mịch của căn phòng hắt ra chút ánh sáng tờ mờ. Sợ đánh thức không gian dường như đã ngưng đọng trên những phím đàn, trên những kỷ vật vô giá của người nhạc sĩ già.

Chính tại căn phòng này, hai năm trước, bước chân tôi cũng ngập ngừng tựa như bây giờ. Để khi con Ki sủa nhặng lên, người nhạc sĩ già mới nhướng đôi mắt hõm sâu, thều thào gắt con chó những tiếng ngắt quãng. Chút tia nắng cuối ngày hắt vào chiếc giường của lão nhạc sĩ gầy gò nằm thở những cụm hơi khó nhọc.

Hồi đó, vợ ông, bà Phạm Thị Vân rưng rưng kể: Cách đấy mấy tháng, ông đi họp hội đồng hương Quảng Nam - Đà Nẵng, bạn bè gặp ai nấy cũng ngạc nhiên hỏi: "Sao bữa nay trông ông ốm o quá vậy?". Ông giật mình. Về leo lên cân, ông càng giật mình hơn. Tự dưng ông sụt những 10 kí dù vẫn ăn được, ngủ được. Thế rồi mấy ngày sau ông lên cơn sốt, khó thở, phải đưa đến bệnh viện. Bác sĩ chẩn đoán ông bị viêm phổi cấp tính. Rồi nào là thuốc này, dịch nọ. Ông uống liên hồi đến nỗi ngửi thấy mùi thức ăn là bụng quặn lại. Chỉ uống mấy hớp cháo, muỗng sữa thôi nhạc sĩ đã thấy cực hình.

Tôi đến thăm, bà Vân bảo ông mệt lắm, khó tiếp chuyện với ai. Vậy mà chiếc điện thoại di động ông vẫn để trên chiếc bàn kế giường nằm. Ai gọi, ông cũng muốn tự mình nghe, như ngày trước mấy lần tôi hẹn. Ông không muốn người ta cần gặp mình mà lại gặp không được. Lại coi cái cục gạch xỉn màu ấy là thứ duy nhất kết nối ông với thế giới rộn rã ngoài kia.

Bây giờ, một lần nữa tôi ghé thăm lão nhạc sĩ nơi căn nhà có giàn hoa giấy thân thuộc này. Qua căn phòng trưng bày những sách ảnh, kỷ vật và cây đàn piano... phủ mờ trong thứ ánh sáng nhợt nhạt, căn phòng khách hiện ra ngập nắng. Ông đang xem sách. Ông vẫn ốm yếu, tuy sắc da đã hồng hào và đôi mắt đã thôi trũng sâu hơn xưa. Nụ cười hiền từ.

Hằng đêm, giấc ngủ vẫn chập chờn với lão nhạc sĩ. Hai, ba giờ khuya ông mới yên giấc. Những đêm trằn trọc, vụn ký ức không đầu không cuối từ ngày cũ ùn ùn kéo về, chúng liên tiếp nối nhau, cản lối cơn ngủ mãi còn đi lạc. Những mẩu ký ức vụn vỡ, rạc rời. Khi là ngôi nhà gỗ ven con sông Hàn nước chảy êm trôi. Nơi tiếng cười của tuổi thơ vẫn giấu sau vòm lá. Nơi có câu hát ru con ngọt ngào của mẹ đã thấm vào tâm hồn ông. Nhớ ngày nhận món tiền nhuận bút đầu tiên trong đời: 800 đồng cho bài "Giải phóng quân", ông dành ra 100 đồng để chi tiêu, số tiền còn lại, ông đưa hết cho mẹ trong ánh mắt ngỡ ngàng, xúc động của bà.


Là giám khảo cao tuổi nhất chương trình "Tiếng hát mãi xanh", nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
luôn có những nhận xét hóm hỉnh, thẳng thắn. Trong ảnh: Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu
(ngoài cùng bên phải) giao lưu với khán giả.

Khi ông đuổi theo ánh mắt mẹ, bàn chân gầy guộc, nhăn nheo, lấm vệt đồi mồi lại bước vào những năm tháng chiến tranh ác liệt. Dẫn về đám cưới thời chiến với cô nữ sinh hàng xóm, làm nên một mối tình nhẹ nhàng, sâu lắng mà thủy chung bền bỉ đến tận bây giờ. Những bóng hồng ẩn hiện, là gió thoảng qua đời, đọng lại chút hương để ông ngây ngất gửi vào cung nhạc. Đó là những ngày gặp lại nhạc sĩ Lư Nhất Vũ trong cuộc hành quân bất ngờ, mừng tủi. Đoàn của ông ra Bắc. Đoàn của nhạc sĩ Lư Nhất Vũ lại vào Nam. Gặp nhau trên nẻo Trường Sơn lộng gió, ông sốt sắng hỏi một số chiến sĩ bên kia có ai là nhạc sĩ Lư Nhất Vũ không. Các chiến sĩ lắc đầu, bảo ở đây có anh nhạc sĩ tên Gắt sáng tác nhạc rất hay. Nghe vậy, ông đinh ninh người đó chắc chắn là Lư Nhất Vũ. Vậy là hối hả tìm gặp.

Đôi bạn ôm chầm lấy nhau, mừng rỡ ngày không hẹn mà gặp. Tối đó, hai người bạn ôn lại những gì đã qua, về những ngày tháng lao khổ đương đầu với mũi tên hòn đạn quân thù, về chặng đường sắp tới... Mặt Vũ lại nhòa đi, cánh rừng Trường Sơn chỉ còn xào xạc tiếng lá...

Hằng đêm, những đoạn ký ức ấy cứ trở về, lặp đi lặp lại lúc cái này trước, lúc cái kia sau. Cho nên giữa đêm, khi đường phố lu mờ ánh đèn, khi căn phòng chìm trong cơn ngủ, một ông lão lại lọ mọ mở tivi. Ánh sáng chói mắt, âm thanh ồn ào đánh tan chuỗi kí ức âm ỉ đồng lõa với màn đêm. Ông xem đá bóng, xem những bộ phim Hàn Quốc lâm li, bi đát. Cứ như thế, đến khi thấm mệt, ông ngả người trên ghế, thiếp đi lúc nào không hay, mộng mị không kịp chen về.

- Cả bốn năm diễn ra chương trình "Tiếng hát mãi xanh", năm nào tôi cũng tham gia ngồi ghế giám khảo - Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu hồ hởi khoe. Ngay cả khi ông bị ốm thập tử nhất sinh như hai năm trước, vị trí giám khảo vẫn có mặt người nhạc sĩ già cần mẫn, sáng suốt ấy. "Kể ra cũng may, hồi đó tôi bị bệnh nặng khi chương trình chưa diễn ra. Đến khi chương trình diễn ra thì tôi lại khỏe re rồi". Nhưng mấy ai biết, lão nhạc sĩ ngồi trước mặt tôi vẫn âm thầm chịu đựng cơn đau khớp dai dẳng, đôi chân ông hễ đứng lên lại nhức buốt. Ông chỉ đi vài bước quanh nhà là phải nghỉ. 90 tuổi rồi còn gì. Vậy mà khi có lời mời từ chương trình "Tiếng hát mãi xanh" 2014, ông vẫn gật đầu đồng ý ngồi vào chiếc ghế nóng làm giám khảo chuyên môn.

Mỗi khi thấy ông ăn mặc chỉnh tề, áo vét, cà vạt, đầu chải thẳng thớm, cùng vợ đứng chờ xe của Đài truyền hình TP HCM tới đón, nghĩa là hôm đó ông đi chấm thi. Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cười, nhấp nháy mắt làm rung đôi lông mày dài bạc trắng: "Nhìn tôi vậy, ai cũng cứ tưởng tôi là ông giáo đi dạy học chứ không phải là ông nhạc sĩ. Tại tôi không thích kiểu nghệ sĩ để tóc tai bù xù, quần áo xộc xệch, ăn nói ngông nghênh để thể hiện mình là nghệ sĩ. Nghệ sĩ hay không thể hiện trong tâm hồn và tác phẩm của người đó chứ không phải qua những thứ làm màu bên ngoài. Còn đi đâu, làm gì trước mặt công chúng cũng phải tươm tất, lịch thiệp".

Bốn mùa "Tiếng hát mãi xanh" - cuộc thi ca hát dành cho những người trung niên và cao niên, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu được xem như một trong những hấp lực của chương trình. Bây giờ, hễ ra ngoài, nghe người ta í ới: "Chào ông giám khảo "Tiếng hát mãi xanh"!", chỉ thế thôi cũng khiến ông vui lắm rồi. Khán giả "khoái" ông bởi cách nhận xét "thẳng như ruột ngựa" mà rất chính xác, hóm hỉnh, đúng chất dân Quảng.

Nghe NSƯT Tạ Minh Tâm và Thanh Thúy hát xong bài "Anh ở đầu sông, em cuối sông", nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu nói tỉnh rụi: "Tôi đã từng nghe bài này do Thanh Thúy hát hay hơn nhiều. Cô này hát tôi thấy không bằng... Thanh Thúy. Còn anh Tạ Minh Tâm thì hát bài "Những ánh sao đêm" của tôi hay hơn bài này". Với bài "Hành khúc ngày và đêm" của mình, ông cũng dí dỏm: "Thời chống Mỹ, tôi viết bài này cho bà xã. Thời bây giờ khác rồi, anh đi chấm thi, em ngồi ở dưới làm khán giả…" làm mọi người cười xòa. Quả vậy, giờ đi đâu, bà Vân cũng đi theo hộ tống, chăm sóc cho ông.

Là sân chơi mang tính chất phong trào quần chúng, vậy nên ông chẳng bao giờ nhận xét sâu vào chuyên môn. Có nói, thí sinh cũng không hiểu. Vậy nên ông chỉ nhận xét một cách cơ bản, dễ hiểu về giọng hát, cách trình diễn thế nào là phù hợp khi thể hiện bài hát đó. Ông vui khi sân chơi ngày càng có những giọng hát tiềm năng. Sân chơi ấy chẳng hề có toan tính, chẳng hề mảy may thiệt hơn, cũng không ồn ã, xô bồ như những chương trình ca hát rầm rộ dành cho giới trẻ hiện nay. Những giọng hát cất lên từ ước muốn được trẻ mãi, xanh mãi. Nghe những giọng hát ấy, lão nhạc sĩ thấy lòng an nhiên. Bởi ở đây có những người cùng trang lứa như ông, họ đang hát để tìm nguồn vui sống, để quên đi đời ưu phiền, để thấy rằng đời ngả dốc bên kia vẫn mãi là màu xanh bất diệt.

Nhớ lần song ca bài "Cuộc đời vẫn đẹp sao" với một thí sinh, ông bỗng thấy sao mình yêu đời quá, sao thấy mình trẻ lại qua gần một thế kỉ dài. "Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào/ Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích ...". Ông khe khẽ hát, chợt nhìn ra khu vườn nhỏ trước nhà, vườn vẫn xanh quyện tiếng chim hót. Mải chuyện, ông vội vã kêu vợ đỡ dậy lấy thùng tưới. Đã đến giờ khu vườn tắm mình trong làn nước mát rượi từ bàn tay ân cần của người nhạc sĩ già...

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...