Vĩnh biệt Phó Đức Phương - nhạc sĩ của những sứ mệnh
Nhạc sĩ Phó Đức Phương thời kỳ còn làm giám đốc VCPMC- Ảnh: N.M.Hà
Kể từ sáng tác đầu tay Những cô gái quan họ viết năm 21 tuổi, Phó Đức Phương đã ghi tên mình trong số những nhạc sĩ nối dài truyền thống âm nhạc dân tộc. Những sáng tác của ông như Trên đỉnh phù vân, Chảy đi sông ơi, Hồ trên núi, Không thể và có thể, Một thoáng Tây hồ, Huyền thoại hồ núi Cốc, Về quê, Vũ khúc con cò, Lội dòng sông quê... sử dụng chất liệu dân gian nhuần nhuyễn, tinh tế luôn dễ dàng lay động những tâm hồn Việt Nam và vẫn vang lên trên những sân khấu lớn, dù trong nước hay hải ngoại.
Vũ khúc con cò do Lan Hương thể hiện tại liveshow cuối cùng của nhạc sĩ Phó Đức Phương- Ảnh: N.M.Hà
Phó Đức Phương viết những giai điệu đầu tiên khi đang học lớp 7 ở trường Nguyễn Trãi, Hà Nội. Mặc dù sau này học khoa Toán ĐH Sư phạm, nhưng vẫn nung nấu ý định “chết trên phím đàn”, nên đã thôi học năm cuối để tìm cách thi vào Nhạc viện. Do việc chuyển trường thời ấy không dễ dàng nên ông phải đi đường vòng bằng cách lấy lý do gia đình khó khăn, xin tạm nghỉ học để đi làm nông trường viên ở Hòa Bình năm 1965. Say mê âm nhạc dân gian, nên ngay từ khi chưa thi vào Nhạc viện, ông đã từ tìm tòi học hỏi các nghệ nhân chèo, tuồng, ca trù, quan họ, bài chòi…
Phó Đức Phương là một trong những nhạc sĩ làm nhạc nhiều nhất cho sân khấu và điện ảnh. Có thể kể ra hàng chục bộ phim được ông làm nhạc như Những đứa con, Trăng rằm, Lưu lạc, Giông tố, Vũ khúc con cò... hay nhiều vở kịch như Hồn Trương Ba da hàng thịt, Nguồn sáng trong đời. Tôi và chúng ta, Nghêu sò ốc hến, Thầy khoá làng tôi, Rừng trúc... Ông cũng tự hào là người chuyên viết sáng tác theo đặt hàng mà sản phẩm đầu ra vẫn là các ca khúc giàu cá tính và được đông đảo công chúng yêu mến. Năm 2001, ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.
Cá tính và tinh thần vì sự nghiệp chung của Phó Đức Phương còn thể hiện qua việc sẵn sàng bỏ ra 18 năm đời mình để khai phá công tác bản quyền âm nhạc. Khi đang mang trong mình trọng bệnh, ông vẫn không tiếc nuối thời gian đã hy sinh cho bản quyền. Ông tâm sự: “Công việc bản quyền mặc dù có lãng phí thời gian dành cho âm nhạc đối với riêng mình nhưng thực ra nó là cái giá xứng đáng phải trả. Bởi nếu không có một người rất hiểu biết và sẵn sàng hy sinh vì nó thì bản quyền âm nhạc không được như bây giờ. Không còn cách nào khác, mình phải hy sinh. Và không riêng gì mình mà công chúng và nói mạnh một chút nữa là nền âm nhạc Việt Nam phải chịu sự hy sinh đấy. Bởi tác phẩm của tớ đồng thời là của công chúng và của đất nước. Khi bỏ ra 18 năm làm quyền tác giả bao nhiêu bài đã bị mất đi. Nhưng cái đấy đất nước và công chúng yêu nhạc phải chấp nhận để tớ làm cái việc có mục đích và ý nghĩa xa hơn. Tức là đem lại lợi ích cho tất cả các nhạc sĩ. Để rồi sau đó mới có nhiều tác phẩm âm nhạc hay hơn”.
Phương Anh trình diễn Hội thề Mê Linh trong liveshow Khúc hát phiêu ly- Ảnh: N.M.Hà
Những năm tháng cuối cùng nhạc sĩ xác định sẽ dành để viết những bản hùng ca ghi lại những trang sử chói lọi của dân tộc. Ông đã kịp hoàn thành Bạch Đằng bản hùng ca sông thiêng, Mãi mãi Việt Nam, Lời thề sông Hóa (về Trần Hưng Đạo) đến Hội thề Mê Linh (về Trưng Vương)… Bài ca thần chim Lạc sáng tác từ khi chưa làm bản quyền được coi là khởi đầu cho mạch ca khúc này. Và ông “sẵn sàng coi đó là một trách nhiệm một sứ mệnh, một món nợ và đồng thời là một vinh dự”. Thậm chí ông tâm niệm mình phải khỏi bệnh để hoàn thành sứ mệnh ấy. “Nên có một nhạc sĩ đứng ra âm nhạc hóa tất cả những trang sử vàng chói lọi của Việt Nam,” đó là tâm sự của Phó Đức Phương trong lần cuối tôi trò chuyện cùng ông sau liveshow Khúc hát phiêu ly.
Theo đại diện gia đình nhạc sĩ: “Ông ra đi mà chưa kịp trăng trối dặn dò với con cái, vì ông không biết mình sẽ ra đi nhanh đến thế. Sự ra đi của ông là sự bàng hoàng nỗi đau vô hạn cho gia đình, vì trước đó ông còn rất phấn khởi và hy vọng sẽ có những tiến triển về sức khỏe”. Vâng, những dự định của ông có thể còn dang dở, nhưng những dấu ấn âm nhạc Phó Đức Phương để lại sẽ không phai mờ trong tâm khảm nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt.
Tang lễ được cử hành ngày 24/9/2020 (tức ngày 8 thán 8 Canh Tý) tại Nhà tang lễ Bộ Quốc Phòng số 5 Trần Thánh Tông, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Lễ viếng vào hồi 11h30 - 12h45
Lễ truy điệu vào hồi: 12h50