Văn Chung - Thổi hồn quê vào nhạc
Phạm Duy rất nể Văn Chung, ông viết: "Công đóng góp vào tiến trình tân nhạc của Văn Chung không phải là ít"
Những ngày đầu của nền tân nhạc Việt Nam, ở Hà Nội không khí thật sôi nổi và trẻ trung, bên cạnh nhóm Myosotic (Hoa Lưu Ly) của các nhạc sĩ: Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Nguyễn Thiện Tơ… năm 1939 lại xuất hiện nhóm Tricea với chủ soái Văn Chung.
Văn Chung tên khai sinh là Mai Văn Chung, sinh năm 1914 tại Hà Nội nhưng quê ở Phù Cừ, Hưng Yên. Sau trận lụt năm Quý Tỵ (1893), cha ông bỏ quê lên Hà Nội lấy mẹ ông làm nghề dệt cửi xe tơ. Bởi thế, ngay từ nhỏ, Văn Chung đã được nghe mẹ ngâm "Kiều", "Chinh phụ ngâm", "Nhị độ mai". Năm 12 tuổi, Văn Chung đã học đàn tranh với người cậu ruột. Những bản "Phú lục", "Lưu thủy" đã trở thành thân thuộc với ông. Vừa là sự ham mê trong sâu thẳm tâm hồn vừa là vì cậu ruột có cổ phần trong gánh hát chèo nên Văn Chung cũng rất mê chèo. Thêm nữa, tuổi thơ của ông vẫn có nhiều gắn bó với làng quê đồng bằng Bắc Bộ, bởi vậy sáng tác đầu tay của Văn Chung khi ông 21 tuổi (năm 1935) mang tên "Tiếng hát chăn trâu" là một ca khúc thiếu nhi như viết lại tuổi thơ của mình: "Nón mê đội đầu, sáo đeo bên sườn/Từ từ cưỡi trâu…". Có thể ông viết nhiều ca khúc thiếu nhi về sau này bởi ý nghĩ tuổi thơ là tương lai đất nước.
Khi thành lập nhóm Tricea, ông cùng các bạn đã tổ chức ngay một cơ sở in cũng mang tên Tricea. Tricea là sự gói ghém một tư tưởng tự tôn dân tộc của các nhạc sĩ. Chữ Tri là số 3. Tricea là 3C và 3A, là những chữ cái trong cái tên tiếng Pháp rất dài: Collection des Chante Compocéron Par des Artistes Annamites Ansoliés, nghĩa là: Nơi sưu tầm, xuất bản những bài hát của nghệ sĩ Việt Nam. Với chủ trương "Đi sát gần quần chúng", Văn Chung cùng các thành viên của nhóm cộng tác với các nhạc công khác tuyên truyền khá mạnh cho tân nhạc. Các ông dạy nhạc cho ai thích học và trình diễn các tác phẩm của mình liên tục.
Nặng lòng với nhạc ngũ cung
Cũng sử dụng ngũ cung như Thẩm Oánh, Văn Chung đã viết ra những bài hát về thiên nhiên như "Đóa hồng nhung", "Trên thuyền hoa", "Sóng vàng", "Khúc ca ban chiều"… Ngay cả bài "Bóng ai qua thềm" ghi ở đầu bài là nhịp tango, vẫn thấy ở đấy một Văn Chung nặng lòng với ngũ cung vô cùng: "Những lúc em ngồi suốt canh khuya bên đèn miệt mài cùng một manh áo len/ Vắng bóng anh, em chờ mong anh/Cố sức em đan thật nhanh…". Không biết bài hát có được lấy cảm hứng từ mối tình của cha mẹ ông hay chăng? Nhưng cái hơi ấm từ sợi len như ngăn bớt mùa đông lạnh giá được hát lên bằng giai điệu thật lãng mạn, thật xao xuyến. Trong bài "Hồ Xuân và thiếu nữ", phổ thơ Thế Lữ in Báo Ngày Nay năm 1941, Văn Chung lại bày tỏ sự nặng lòng với ngũ cung của mình trong việc thần nhập giai điệu vào những câu thơ song thất lục bát: "Trên mặt hồ in màu ngọc biếc/Cô em đang bơi một chiếc thuyền nan/Lửng lơ như cái chuồn chuồn/Rỡn đuôi trên nước chập chờn ghẹo hoa…".
Cũng nhờ cái duyên "đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu" này mà Văn Chung đã nhiều năm trước cách mạng tham gia Đoàn kịch Anh Vũ của Thế Lữ. Vở nhạc kịch "Tục lụy" của Thế Lữ do Lưu Hữu Phước soạn nhạc đã được Văn Chung dàn dựng rất đắc địa. Hai người cứ thế bên nhau rong ruổi với tình bạn vong niên đi biểu diễn nhiều nơi cho đến tận ngày Cách mạng Tháng Tám thành công.
Tạo ra ngôn ngữ âm nhạc riêng biệt
Chủ trương "đi sát gần quần chúng" và bản năng "thổi hồn quê vào nhạc" của Văn Chung đã được cộng hưởng bởi "Đề cương văn hóa Việt Nam" của Tổng Bí thư Trường Chinh với phương châm "Dân tộc - khoa học - đại chúng". Bởi thế, sau cách mạng và nhất là khi kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, cả Văn Chung và Thế Lữ đều cùng nhiều văn nghệ sĩ đã tình nguyện lên đường cùng dân tộc trường kỳ kháng chiến. Trong những năm tháng dấn thân ấy, Văn Chung đã thực sự tạo ra một ngôn ngữ âm nhạc riêng biệt của mình với những giai điệu thấm đẫm âm hưởng dân ca đồng bằng Bắc Bộ qua những ca khúc "Hò dân cày", "Thằng Nhai thằng Nha", "Ăn no đánh thắng" và đặc biệt là "Lỳ và Sáo" như một nhạc cảnh nhỏ gồm 2 nhân vật thiếu nhi Lỳ và Sáo với 2 cá tính trái ngược nhau nhưng đều góp công đánh giặc rất hiệu quả. Ca khúc đã được ca sĩ Trần Thụ thể hiện qua làn sóng phát thanh và được nhiều sàn diễn thể hiện qua các ca sĩ khác trở thành ca khúc nằm lòng của nhiều thế hệ thiếu nhi.
Không chỉ dừng ở dân ca người Kinh, khi mở chiến dịch biên giới, bên cạnh ca khúc ngắn "Vào Đông Khê" như một khúc son do hát đi hát lại được nhiều lần, Văn Chung đã là một trong những nhạc sĩ đầu tiên khai thác dân ca miền núi đưa vào tác phẩm của mình. "Pì noong ơi" là ca khúc như thế. Bên cạnh đấy, Văn Chung vẫn rất dung dị với ca khúc thiếu nhi "Đếm sao" viết tặng cô con gái mà đến bây giờ vẫn là một trong những ca khúc tiêu biểu của thiếu nhi Việt Nam và rồi lại chợt rất hàn lâm khi phổ bài thơ "Đợi anh về" của Xi-mô-nốp qua bản dịch của Tố Hữu. "Đợi anh về" là ca khúc phổ thơ khá độc đáo thời kháng chiến chống Pháp. Đến khi kháng chiến thành công, bên cạnh hành khúc "Tiến về Hà Nội" của Văn Cao là ca khúc "Quê tôi giải phóng" (đậm đặc dân ca đồng bằng Bắc Bộ mà chủ yếu là chèo) của Văn Chung đã thành tiếng reo vui của cả dân tộc lúc đó. Chỉ từ câu lục bát "Từ ngày giải phóng quê tôi/Mít tinh lại họp rợp trời cờ bay", Văn Chung đã chen vào giữa những câu đế "A là hô hoan hô" khiến niềm vui giải phóng cứ tỏa lan phơi phới…
Ông mất năm 1984 và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2012. Phạm Duy rất nể Văn Chung. Ông viết: "Công đóng góp vào tiến trình tân nhạc của Văn Chung không phải là ít".
Văn Chung cũng đã chơi rap từ sớm Bây giờ lớp trẻ sính nhạc rap, sinh ra đủ loại câu, thực ra ở Việt Nam, nhạc rap đã được sử dụng trong việc rao bán hàng cũng hệt như ở phương Tây từ lâu. Trong "Quê tôi giải phóng", Văn Chung cũng đã chơi rap từ sớm: "Ríu ra ríu rít từng đàn con nít/Dung dăng dung dẻ từng đàn con trẻ đi học ban ngày…". Sau đó, suốt một thập kỷ hòa bình ở miền Bắc, Văn Chung vẫn cứ tuôn trào những giai điệu "thổi hồn quê vào nhạc" như "Gái thôn Đoài, trai thôn Thượng", "Tính hẹn cùng tình"… và ca khúc thiếu nhi rất tinh tế "Lượn tròn lượn khéo" được thiếu nhi đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Vệt "thổi hồn quê vào nhạc" của Văn Chung kéo sang cả thời chống Mỹ qua "Ba cô gái" mang âm hưởng dân ca Thanh Hóa, mặc dù rất bận công việc quản lý các đơn vị biểu diễn văn nghệ. |
(Nguồn: http://nld.com.vn)