Ước nguyện chưa thành của hai đại thụ âm nhạc
GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sĩ Phạm Duy đều có ước nguyện trước ngày qua đời mà ít người biết đến.
GS-TS Trần Văn Khê và 2 đĩa hòa âm với nhạc sư Vĩnh Bảo trước 1975 - Ảnh: Nguyễn Á
GS-TS Trần Văn Khê chờ đợi mòn mỏi
Đáp ứng ý nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, từ tháng 3.2015, một đơn vị sản xuất băng đĩa nhạc đứng ra tiến hành thực hiện cho ông 2 đĩa CD Chân phương hoa lá (hòa tấu nhạc dân tộc) và Mơ mòng khi xưa. Trong 11 ca khúc ở Mơ mòng khi xưa có 3 ca khúc do Trần Văn Khê sáng tác và 8 ca khúc của các tác giả khác. Thế nhưng, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Công văn số 492/NTBD - QLBĐ ký ngày 15.6.2015) đã từ chối cấp phép 4 bài trong đó gồm Hờn sông Gianh (Lưu Hữu Phước), Lồng vàng và chim xanh (Trần Văn Khê), Lịch sử loài người, Biển sau giông tố - đều của Lê Thương với lý do: “Nội dung chưa phù hợp để phổ biến trong thời điểm hiện nay”.
Trước đó, GS-TS Trần Văn Khê đã nộp hồ sơ bổ sung, đề nghị cấp phép phổ biến bài hát sáng tác trước 1975 và giải thích hoàn cảnh ra đời của từng ca khúc, nêu nguyên nhân vì sao ông chọn hát những ca khúc của thân hữu.
Nhạc sĩ Phạm Duy mong cấp phép các ca khúc của ông
Cuối năm 2012, khi nhạc sĩ Phạm Duy lâm trọng bệnh, Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên có đến nhà ông thăm. Nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng, thời gian của ông không còn nhiều nên mong muốn lớn nhất là xin Nhà nước xem xét cấp phép cho những tác phẩm của mình. Thứ trưởng Vương Duy Biên khi đó rất chia sẻ với ước nguyện này và cho biết sẽ chỉ đạo xem xét để có thể trả lời cho nhạc sĩ trong thời gian sớm nhất.
Thứ trưởng Bộ VH-TT-DL Vương Duy Biên đến thăm nhạc sĩ Phạm Duy
cuối năm 2012 - Ảnh: N.V
Trong những tác phẩm mà nhạc sĩ Phạm Duy muốn được cấp phép phổ biến thời điểm đó, ông đặc biệt mong trường ca Con đường cái quan được phổ biến. Tuy nhiên, tâm nguyện này cuối cùng đã không thành, và đến nay tác phẩm này vẫn chưa được cấp phép.
Không nên cấm
Nhạc sĩ - nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha nhận định: “Ca khúc Hờn sông Gianh đã được in trong cuốn sách Sử ca Việt Nam do Nhà xuất bản Trẻ phát hành. Vậy vì sao Cục NTBD lại cấm? Cục nên thành lập hội đồng chuyên môn cao, mời các chuyên gia, chứ không thể đứng ra làm hết việc đó”.
Theo lời của nhạc sĩ Thụy Kha, chúng tôi đã đi tìm cuốn Sử ca Việt Nam trong Thư viện Quốc gia VN. Cuốn sách được Nhà xuất bản Trẻ xuất bản vào năm 2003, được Cục Xuất bản cấp giấy phép vào ngày 27.6.2003. Trong đó, có đăng đầy đủ bản nhạc và ca từ ca khúc Hờn sông Gianh của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước.
Bà Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc Nhà xuất bản Trẻ, chịu trách nhiệm xuất bản cuốn Sử ca Việt Nam nói: “Theo quy trình, chúng tôi đăng ký kế hoạch đề tài với Cục Xuất bản, sau khi được Cục Xuất bản đồng ý, giám đốc nhà xuất bản sẽ ký giấy phép để xuất bản. Việc Cục Xuất bản cấp phép cho Sử ca Việt Nam, trong đó có bài Hờn sông Gianh, trên cơ sở là một xuất bản phẩm trong khi cũng bài hát đó nhưng xin phép dưới dạng một nhạc phẩm thì chưa được Cục NTBD cho phép, đó là sự bất cập trong quản lý. Tôi nghĩ, báo chí cũng nên vận động, tác động như thế nào đó để bài hát này được phổ biến như ước nguyện của GS-TS Trần Văn Khê”. |
“Ca khúc có nội dung tư tưởng không rõ ràng”
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Minh Tuấn - Trưởng phòng Quản lý biểu diễn của Cục NTBD về quyết định chưa cấp phép phổ biến 4 ca khúc trong CD của GS-TS Trần Văn Khê.
Thưa ông, lý do vì sao Cục NTBD đưa ra quyết định chưa cấp phép phổ biến 4 ca khúc này?
Ngày 19.4, Cục có nhận hồ sơ đề nghị cho phép phổ biến các bài hát sáng tác trước và trong năm 1975, dự kiến phát hành trong CD của GS-TS Trần Văn Khê. Cục NTBD đã thành lập hội đồng nghệ thuật thẩm định nội dung các tác phẩm này. Hội đồng nghệ thuật đánh giá GS-TS Trần Văn Khê là người có công lớn với nền nghệ thuật, âm nhạc dân tộc nên họp đến lần thứ 4, nghe đi nghe lại 4 lần để đánh giá kỹ các tác phẩm trong album của GS-TS Trần Văn Khê, sau đó đi đến quyết định 4 tác phẩm nói trên có phần ca từ mang nội dung chưa phù hợp để cho phép phổ biến.
Cụ thể, những nội dung chưa phù hợp là những nội dung nào, thưa ông?
Chẳng hạn như Hờn sông Gianh, hội đồng đánh giá tác phẩm này không rõ nội dung tư tưởng. Sau 40 năm thống nhất đất nước, với những ca khúc có nội dung tư tưởng không rõ ràng, nếu được phổ biến có thể có tác dụng xấu. Ca từ bài hát này không phù hợp với thời đại hòa bình, phát triển, xây dựng đất nước. Tất cả những tác phẩm chưa cho phép phổ biến đều có nội dung không phù hợp với giai đoạn phát triển đất nước hiện nay, có tác phẩm mang nội dung không phù hợp với truyền thống, văn hóa của dân tộc, hoặc có nội dung tư tưởng không phù hợp với chủ trương, đường lối gắn kết, hợp tác, phát triển của đất nước.
Vậy đâu là những tiêu chí để tác phẩm được cấp phép phổ biến?
Những tác phẩm phù hợp với quy định của pháp luật, về tư tưởng, về giá trị nghệ thuật, về nội dung, tư tưởng hướng về tình yêu, xây dựng quê hương đất nước, hội đồng sẽ đề nghị cho cấp phép phổ biến. |
(Nguồn: http://thanhnien.vn)