Thần tượng thời thơ ấu của W.Mozart

06/12/2016

Khi Wolfgang mới lẫm chẫm biết đi, cô bé Nannerl bốn tuổi rưỡi đã là thần tượng của em mình. Theo nhà nghiên cứu Maynard Solomon, “lên ba tuổi, Mozart đã hứng thú học nhạc vì trông thấy cha dạy đàn cho chị; cậu bé muốn được như chị."


Maria Anna Mozart thời nhỏ (1763) – bức chân dung được cho là do họa sĩ Lorenzoni (1721–1782) vẽ.

Maria Anna Walburga Ignatia Mozart, còn gọi là Marianne hay Nannerl, sinh năm 1751 tại Salzburg, lớn hơn Wolfgang năm tuổi. Lên bảy tuổi, cô bắt đầu được cha dạy chơi đàn harpsichord.

Ông Leopold Mozart đã đem theo Nannerl và Wolfgang trong các chuyến lưu diễn ở nhiều thành phố như Vienna và Paris để giới thiệu tài năng của các con. Trên yết thị quảng cáo những ngày đầu, tên của cô đôi khi còn nổi bật hơn cả tên cậu em trai sau này sẽ rất nổi tiếng của mình. Người ta chú ý đến cô bởi tài năng chơi harpsichord và piano xuất sắc. Tuy nhiên theo từ điển âm nhạc New Grove, “từ năm 1769 trở đi cô đã không còn được thể hiện tài năng nghệ thuật của mình trong những chuyến đi với em trai vì đã đến tuổi kết hôn.”

Có bằng chứng cho thấy Nannerl có soạn nhạc vì vẫn còn những lá thư do Wolfgang viết khen ngợi tác phẩm của chị. Nhưng vô số thư từ do người cha viết lại chẳng bao giờ nhắc đến bất kỳ tác phẩm nào của cô con gái và cũng chẳng có tác phẩm nào trong đó còn được lưu giữ đến ngày nay.

Ngược lại với em trai mình, người đã tranh cãi và rốt cục không vâng theo mong muốn của cha trong vấn đề sự nghiệp và hôn nhân, Nannerl hoàn toàn phụ thuộc vào cha. Cô yêu Franz d’Ippold, một đại úy và gia sư riêng, nhưng bị cha buộc phải khước từ lời cầu hôn. Wolfgang đã giúp Nannerl đứng lên đấu tranh cho ý nguyện của bản thân nhưng không kết quả. Cuối cùng Nannerl kết hôn với thẩm phán Johann Baptist Franz von Berchtold zu Sonnenburg vào năm 1783 và cùng chồng định cư ở St. Gilgen, một ngôi làng cách nhà cha mẹ đẻ khoảng 29km. Berchtold đã hai lần góa vợ và có năm đứa con từ hai cuộc hôn nhân trước. Nannerl giúp chồng nuôi các con riêng và cũng sinh ba con.
Khi Wolfgang mới lẫm chẫm biết đi, cô bé Nannerl bốn tuổi rưỡi đã là thần tượng của em mình. Theo Maynard Solomon1, “lên ba tuổi, Mozart đã hứng thú học nhạc vì trông thấy cha dạy đàn cho chị; cậu bé muốn được như chị. Hai đứa trẻ rất thân thiết và đã phát minh ra một thứ ngôn ngữ bí mật. Chúng tưởng tượng ra ‘Vương quốc của Bach’ trong đó chúng là vua và hoàng hậu. Thư từ giữa hai chị em những ngày đầu đầy trìu mến và thân tình.”

Wolfgang đã viết một số tác phẩm cho Nannerl biểu diễn trong đó có Prelude và Fugue giọng Đô trưởng K. 394 (1782). Wolfgang cũng gửi cho chị đang ở St. Gilgen bản sao các piano concerto của mình (từ bản số 21 trở về trước, tính đến năm 1785).

Các nhà âm nhạc học có nhận định khác nhau về mối quan hệ giữa hai chị em ở tuổi trưởng thành. Theo New Grove, Wolfgang “vẫn gắn bó thân thiết với chị”. Ngược lại, Maynard Solomon cam đoan rằng về cuối đời Wolfgang và Nannerl bị dòng đời xô đẩy đến chỗ ly tán hoàn toàn. Ông nhận thấy sau chuyến Mozart tới thăm Salzburg vào năm 1783 cùng người vợ mới cưới Constanze, thì hai chị em không tới thăm nhau lần nào nữa. Họ cũng chưa từng gặp con cái của nhau, thư từ thì chỉ còn lác đác và cuối cùng là ngưng hẳn vào năm 1788.

Sau khi Wolfgang qua đời một năm, Nannerl bắt gặp cuốn tiểu sử do Franz Xaver Niemetschek viết năm 1798 về cuộc sống của Mozart ở Vienna và theo quan điểm của Constanze, có nhiều nội dung mới mẻ đối với Nannerl. Trong một bức thư năm 1800, cô viết: “Cuốn tiểu sử do Niemetschek soạn đã làm hồi sinh trong tôi những tình cảm của người chị dành cho cậu em trai vô vàn yêu quý đến mức tôi thường tan chảy thành nước mắt, bởi vì chỉ đến bây giờ tôi mới hiểu rõ cảnh ngộ đáng buồn mà em tôi lâm vào.”
Chồng của Nannerl mất năm 1801. Cô mang theo các con chung và riêng của chồng trở về Salzburg sống bằng nghề dạy nhạc. Về già, Nannerl gặp lại Constanze và giúp người chồng mới của Constanze là Georg Nikolaus von Nissen hoàn thành cuốn tiểu sử Mozart bằng cách cho mượn bộ sưu tập thư từ của gia đình.
-------
1 Nhạc sĩ, nhà sản xuất âm nhạc, đồng sáng lập hãng thu âm Vanguard Records.

(Nguồn: http://tiasang.com.vn)

Tags:

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...