Thomas Adès: Giữa những bậc tiền bối

03/08/2020

Nhạc trưởng kiêm nhà soạn nhạc và nghệ sỹ piano Thomas Adès trò chuyện về việc tìm hiểu một cách cặn kẽ âm nhạc của những nhà soạn nhạc như Beethoven, Janáček, Barry và của chính mình.

Nhà soạn nhạc Thomas Adès

Gần đây có rất nhiều phát ngôn gán ghép thêm ý nghĩa cho các tác phẩm cổ điển, ví dụ như các bản giao hưởng từ số 6 trở đi của Mahler được gán với tầm nhìn về cả xung đột toàn cầu lẫn sự sụp đổ của trật tự châu Âu cũ. Tuy nhiên với Thomas Adès, anh không làm “khổ công” các nhà phê bình bằng cách đấy mà đã chỉ ra ngay “tuyên ngôn” của mình trong America: A Prophecy (Nước Mỹ: Lời tiên tri), tác phẩm được dàn nhạc New York Philharmonic công diễn lần đầu vào cuối năm 1999. Tự nó đã là một lời tiên tri dài 15 phút vào công cuộc chinh phục man rợ trước đây của những người Tây Ban Nha khi xâm chiếm thuộc địa ở Thế giới mới với ca từ bằng tiếng Maya, “Chúng sẽ đến từ phía Đông. Chúng sẽ thiêu rụi cả bầu trời... Các thành phố của ngươi sẽ sụp đổ. Việc này đã được báo hiệu trước...” Sau sự kiện 11/9, các dàn nhạc Hoa Kỳ đã biểu diễn rất nhiều lần tác phẩm này.

Trong âm nhạc của mình, Adès thường mạo hiểm lại gần những ranh giới – của cao độ, của sự phức tạp về nhịp điệu, của sự sống và cái chết – và nhìn sâu vào khoảng trống. “Tôi thích nó đi dọc theo một bên của đường cao tốc. Chỉ cần đi chệch hướng một bước, bạn sẽ bị nghiền thành nhiều mảnh.”

Dường như Thomas Adès thích nhìn lại lịch sử. Tại BBC Proms 2013, nhà soạn nhạc đã chỉ huy buổi trình diễn lần đầu Totentanz, lần này thiết lập một cái nhìn của người Đức thời Trung cổ về Thần Chết. Ở đây, Thần Chết quét qua vùng đất trong một chuỗi các cuộc đối thoại gay gắt kéo dài nửa giờ, vồ lấy hết kẻ không may mắn này đến kẻ không may mắn khác mà không phân biệt tuổi tác hay địa vị xã hội, từ giáo hoàng, đến nông dân và con trẻ.

Trong thế giới của các nhà soạn nhạc bậc thầy

Dưới góc nhìn này, lịch sử cuộn chảy như một dòng sông trong mùa băng tan, lồng lộng hiện ra cả theo cách Adès giải thích điều khiến anh viết nhạc lẫn theo cách anh đánh giá các nhà soạn nhạc mình yêu quý. Một trong các nhà soạn nhạc như vậy là Gerald Barry. Tôi gặp Adès vào đầu năm mới, tại hậu trường ở Convent Garden khi đang dàn dựng vở opera Alice’s Adventures Under Ground (Cuộc phiêu lưu của Alice dưới mặt đất) của Barry sáng tác trên phần lời của Lewis Carroll, tác phẩm gần đây nhất trong số nhiều tác phẩm mà nhà soạn nhạc người Ireland đã giao phó cho anh. Sự tin tưởng của Barry đã được Adès và cả dàn nhạc Britten Sinfonia đền đáp một cách hậu hĩ trong chuỗi hòa nhạc kéo dài ba năm cùng các bản thu âm trực tiếp kèm theo, hiện được Signum 1 phát hành, gồm các tác phẩm của Barry và Beethoven – và Beethoven (2008) của Barry, bản phổ nhạc bức thư gửi ‘Người yêu bất tử’ bằng một giọng điệu mãnh liệt.

Barry có lối viết phức tạp khó tưởng tượng nổi nhưng khét tiếng là đòi hỏi cao đối với các nghệ sỹ biểu diễn tác phẩm của mình. Adès xác nhận: “Người ta sẽ thường xuyên thấy ông lảng vảng xung quanh các buổi diễn tập với một máy đếm nhịp trong tay, điều khiến tim của các nhạc trưởng đập nhanh hơn. Gerald cảm thấy âm thanh sẽ có hiệu quả đặc biệt ở nhịp độ này mà không có hiệu quả ở nhịp độ khác, và quả thực nó đúng với âm nhạc của ông.” Âm nhạc của Gerald Barry không đem lại cho người nghe cảm giác thanh thản. “Nó rất dữ dội. Ông ấy là nhà soạn nhạc duy nhất hiện nay biết cách viết nhạc về chủ đề chiến tranh, thứ âm nhạc đầy rẫy những hình ảnh khủng khiếp và khơi gợi sự giận dữ, ví dụ như The Conquest of Ireland (Cuộc chinh phục Ireland) trong sê-ri thu âm với Signum.”

Giữa Beethoven và Barry có hình bóng của Janáček, tác giả của các tác phẩm piano mà Adès đã quen thuộc từ thời thơ ấu. Hai mươi năm trước, anh đã thu âm một số tiểu phẩm như Christ the Lord Is Risen cho hãng EMI với những âm thanh được chơi hết sức tinh tế nhưng tiếc lại không được mấy đón nhận. Giờ đây với Signum, anh xây dựng một kế hoạch lâu dài đầy tham vọng là thu âm các chùm tác phẩm piano lớn. “Tôi bị mê hoặc bởi cách thức kỳ lạ mà nó được ký âm, cách nó đứng cách một khoảng so với những tác phẩm của thế kỷ 19. Janáček tìm cách thể hiện mới ngay từ nhịp điệu tác phẩm.”

Khi được trao giải thưởng Leos Janáček vào năm 2018, Adès đã tới Brno nhận giải và dành thời gian đến thăm ngôi nhà của nhà soạn nhạc. “Có một loại sương mù đặc biệt – đang ở giữa mùa đông – nơi những ngọn tháp lờ mờ hiện ra trước mắt bạn và bạn thực sự tin rằng có những mụ phù thủy. Trong âm nhạc Janáček, có một cảm giác thực sự là nhà soạn nhạc trước ngưỡng cửa của một cái gì đó khác, đang nhìn trước ngó sau khi đang rời bỏ đế chế Áo-Hung. Trong chương kết của In the Mists, có những khoảnh khắc bạn nghĩ rằng bạn đang ở trong một phòng khách thế kỷ 19 thuộc loại ông từng sống, và khi dòng âm nhạc trôi đi, bạn nhận ra rằng không có gì là thật: đằng sau bức tường phòng khách chỉ là sương mù và vách núi.”

Trong thế giới nội tâm

Trong âm nhạc của mình, Adès thường mạo hiểm lại gần những ranh giới – của cao độ, của sự phức tạp về nhịp điệu, của sự sống và cái chết – và nhìn sâu vào khoảng trống. “Tôi thích để âm nhạc  đi dọc theo một bên của đường cao tốc. Chỉ cần đi chệch hướng một bước, bạn sẽ bị nghiền thành nhiều mảnh.” Cương vị Đối tác nghệ thuật của Dàn nhạc giao hưởng Boston mà anh nắm giữ đã mang lại một bản thu âm Totentanz mới cho hãng Deutsche Grammophon mà một lần nữa đặt Adès vào vai trò một nhà tiên tri kỳ lạ.

Đi cùng Totentanz trong CD là In Seven Days (2008), tác phẩm viết cho piano và dàn nhạc và thường được biểu diễn với sáu màn hình video hiển thị. Anh viết bè solo cho nghệ sĩ piano Kirill Gerstein, người mà lịch trình giữa buổi công diễn lần đầu In Seven Days ở Boston vào năm ngoái và cuối năm sau ken đặc 50 buổi biểu diễn được xếp lượt. Tác phẩm này ẩn chứa muôn vàn thách thức với nghệ sĩ biểu diễn.  Adès nói quan điểm của mình “Với những nghệ sỹ biểu diễn xuất chúng mà tôi ngưỡng mộ, việc họ chơi nhanh như thế nào không thành vấn đề. Tôi cho rằng, việc ngồi bên đàn và chơi mọi nốt như yêu cầu của nhà soạn nhạc là chưa đủ, nó còn bao hàm cả cách người nghệ sĩ trải nghiệm toàn bộ những điều anh ta cảm nhận từ bản nhạc theo một cách nào đó – cả sự điên rồ lẫn tinh thần cao quý mà nhà soạn nhạc gửi gắm trong tác phẩm. Dĩ nhiên không phải ai cũng thích điều đó”.

Adès được lòng giới hâm mộ Mĩ. Vào tháng 5 năm ngoái, khán giả tại phòng hòa nhạc Walt Disney đã hoan nghênh anh nhiệt liệt tại buổi công diễn lần đầu của Inferno, được thiết kế làm màn đầu tiên của một vở ballet dài, The Dante Project. Khi chúng tôi trò chuyện vào tháng 1 năm nay thì một tác phẩm khác của anh là Purgatorio and Paradiso “đã được tập dượt xong xuôi và chỉ còn đợi sự reo hò” như thế. Có thể trong buổi công diễn lần đầu ​​tại Royal Ballet, người ta chỉ có thể xem... virus bởi các nhà hát ở London đều tắt đèn trong thời gian giãn cách xã hội vì Covid-19 – nhưng nhạc trưởng Gustavo Dudamel và dàn nhạc Los Angeles Philharmonic sẽ dành thời gian tập dượt toàn bộ tổng phổ tại nhà và chuẩn bị cho việc lên đường lưu diễn vào năm tới.

Anh đã nghĩ ra kịch bản của The Dante Project cùng biên đạo múa Wayne McGregor. “Wayne đã chỉ cho tôi thấy rằng để thiết lập một ngôn ngữ hình thể cho một chương nhạc cần một chút thời gian. Tôi luôn nói rằng một tác phẩm nên càng ngắn càng tốt, nhưng ballet là một ngoại lệ; nó phù hợp với sự phóng khoáng. Âm nhạc được viết ra và diễn tấu theo cách phải tôn trọng sự chuyển động của các vũ công nếu không họ có thể sẽ không thể múa nổi.”

Inferno bám gần như sát vào chuyện kể theo thể thơ terza rima của Dante, minh họa những nơi chốn trong địa ngục dành cho những kẻ lầm đường lạc lối, những người tự vẫn, những nhà phê bình và những “người làm nghề bói toán”; lại cả những người thăm dò ý kiến nữa. Adès đã nghĩ đến chuỗi các vũ điệu có chủ đề ngọt ngào trong màn hai của The Nutcracker. “Tôi nghĩ rằng điều thú vị nhất đối với một vở ballet sẽ là cảm giác kỳ lạ khi thực hiện nó hoàn toàn theo truyền thống, nhưng ở địa ngục; để nhắc nhở mọi người về thế giới của Tchaikovsky nhưng sau đó đưa họ đến một nơi khác. Purgatorio sử dụng những lời cầu nguyện của người Do Thái lấy từ giáo đường Do Thái Ades ở Jerusalem - Tôi không thể bị buộc tội chiếm dụng văn hóa vì chúng mang đúng tên tôi trên đó! Paradiso là một cái gì đó khác, liên quan nhiều hơn đến nỗi ám ảnh của tôi với những đường xoắn ốc. Tôi sẽ không lọt vào danh sách những người hạnh phúc.”

(Nguồn: https://www.tiasang.com.vn/)

1. Signum Records, còn được biết đến là Signum Classics, là một hãng thu âm nhạc cổ điển ở Vương quốc Anh được thành lập năm 1997.

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...