THẦY CỦA TÔI
(Tưởng nhớ cố Nhạc sĩ Hoàng Vân nhân ngày Nhà Giáo Việt Nam 20 tháng 11 năm 2018)
Thấm thoát đã hơn năm mươi năm (1965 – 2018) - kể từ khi tôi bắt đầu viết nhạc. Để đạt được ước muốn ấy, tôi đã không ngần ngại chọn con đường vòng gập ghềnh đầy chông gai từ một diễn viên flute chuyên nghiệp chuyển sang sáng tác - một lĩnh vực hoàn toàn lạ lẫm, nhưng tôi yêu và thiết tha với nó. Nhiều lúc nhớ lại chuyện cũ, bao niềm vui, nỗi buồn trong ký ức lại kéo về. Những niềm vui nho nhỏ không thiếu, nhưng chuyện buồn phiền thì nhiều vô kể - nhất là những năm đầu mới chập chững bước vào cái nghiệp “thương vay khóc mướn”.
Ðôi lúc tôi cũng chán nản, tưởng không thể theo đuổi nổi con đường mình chọn. Nhưng làm cách nào để vươn tới đích? Thật nan giải!… Rồi may mắn cũng mỉm cười với tôi. Ngoài những bài học tiếp thu được từ lớp tác khúc của thầy Lê Yên trong khóa tập huấn ở trường Âm nhạc Việt Nam (1966) – đặc biệt là nghệ thuật phổ thơ; tôi còn được thầy Hoàng Vân hướng dẫn và chỉ vẽ thêm nhiều kiến thức khác nữa trong sáng tác. Mặc dù không có bằng cấp của trường lớp về sáng tác, nhưng tôi lại có những bài học quý vô cùng của các thầy trao cho. Người xưa có câu: “Nhất tự vi sư”. Nhạc sĩ Hoàng Vân không dạy tôi chữ mà dạy viết nhạc. Ông không chỉ dạy tôi một ngày mà nhiều tháng, nhiều năm. Ông là một người thầy quá đặc biệt đối với tôi.
Có những lúc thầy nghiêm khắc kinh khủng, nặng nhẹ không tiếc lời:
- Trương Tuyết Mai, tôi thấy em khó lòng theo đuổi con đường này. Chỉ vài chủ đề dân ca các dân tộc miền núi mà em cũng không phân biệt được. Em nên làm vợ, làm mẹ và thổi flute cho tốt là ổn rồi. Sáng tác âm nhạc ở nước ta xưa nay không dễ rơi vào tay phụ nữ đâu!
Một buổi lên lớp khác của mùa hè năm 1968, tôi từ nơi sơ tán ở Thái Nguyên đem bài về Hà Nội cho thầy xem. Ông đã mắng mỏ không tiếc lời khi bài vở tôi làm không mạch lạc. Hôm đó thầy đang đánh piano bài “Hành khúc công nhân” của tôi để kiểm tra, bỗng dưng dừng phắt lại, bực bội cầm cây bút máy Anh Hùng gạch mạnh hai đường xéo trên trang viết làm rách toạc cả giấy. Ông nói: “Ðoạn một được rồi, nhưng đoạn hai em lại phát triển một cách ngớ ngẩn, phần chuyển đoạn cũng chẳng ra gì” và bút phê hai chữ: “Bố láo!” to tướng, bắt tôi phải làm lại.
Tôi co rúm người vì sợ và xấu hổ. Lời phê bình của thầy kinh khủng quá. Nó làm tổn thương và như nghiền nát tôi - vốn là người mong manh đa cảm, tôi có cảm giác mình thật nhỏ bé, vô tích sự. Nếu không vững vàng và không quá đam mê viết lách, tôi đã buông tay và yên phận lùi lại phía sau từ lâu rồi. Điều lạ là sau nhiều lần sửa chữa bài tập “ngớ ngẩn” đó, tôi vẫn thấy tiếc cách làm đầu tiên, vì có lẽ đã tự cho nó hay và đẹp rồi, giờ bỏ đi thật khó. Và tôi quá kém cỏi, cứ lẩn quẩn không thoát được khỏi cái khung cố hữu của bản thảo ban đầu. Lần nào lên lớp cũng không được thầy thông qua bài. Nhiều lúc tôi cảm thấy mệt mỏi và bất lực thật sự.
Đầu năm 1974 “Hành khúc công nhân” được phổ biến sau nhiều lần sửa chữa. Nó cô đọng và sắc sảo hơn nhiều so với bản thảo ban đầu của tôi. Ca khúc đã được ca sĩ Ngọc Tân và Huy Hùng trình bày lần đầu tiên trên Đài Tiếng nói Việt Nam trong năm ấy. Tôi nghĩ, thầy đang ở đâu đó nếu nghe được chắc cũng hài lòng về cô học trò của mình. Bây giờ tôi mới hiểu những điều cần thiết thầy phải làm để giúp đỡ học trò mình vươn lên, không những trong lãnh vực chuyên môn mà còn cho họ sự tự tin, quyết tâm đi hết con đường mình chọn - quả thật không dễ dàng. Cứng rắn nhưng không áp đặt. Dìu dắt, trao đổi mà vẫn giữ được cái riêng. Thầy tôi là như vậy đó.
***
Tôi trân quý và yêu kính nhạc sĩ Hoàng Vân không chỉ vì ông từng là thầy của tôi, mà còn vì ông là một người tài năng, đức độ. Chắc ai cũng biết nhạc sĩ Hoàng Vân là một trong số rất ít những “cây cao bóng cả” của “làng nhạc” Việt Nam. Là một nhạc sĩ toàn năng trong nền âm nhạc Việt Nam thế kỷ 20 và thế kỷ 21. Đã đóng góp cho Tổ quốc, cho dân tộc chúng ta một gia tài âm nhạc đồ sộ. Chỉ trong ca khúc thôi, hầu như giai đoạn nào, lĩnh vực nào ông cũng để lại những tác phẩm điển hình, nổi trội. Tôi rất khâm phục về sự giàu có vốn liếng âm nhạc vùng miền của ông. Ông đã khéo léo vận dụng vốn liếng quý giá đó vào từng tác phẩm của mình, để “viết cái gì là đều ra cái đó” với đường nét giai điệu vừa sang trọng mà giản dị, vừa mới mẻ mà huyền ảo. Giai điệu của ông mượt mà, nồng nàn. Kỹ thuật sáng tác già dặn. Luôn luôn có sáng tạo và không lặp lại mình.
Từ “Hò kéo pháo” viết cho quân đội trong chiến dịch Điện Biên Phủ (1954), thật mạnh mẽ rắn rỏi, đến “Chào anh Giải phóng quân, chào mùa xuân đại thắng”(1968) thật hoành tráng, sáng chói với nhịp điệu như tác phẩm cần phải thế. Từ trường ca “Tôi là người thợ lò” vạm vỡ, tự hào, đến “Nhớ” (thơ Nguyễn Đình Thi) với giai điệu mượt mà tha thiết. Viết về Bác Hồ kính yêu, có lần ông tâm sự với tôi: “Các nhạc sĩ đã viết về Bác rất nhiều, thầy cũng sẽ viết. Nhưng không phải theo lối “Bác ơi, Bác hỡi” mà phải tìm một cách khác, vẫn tải được hết tấm lòng của dân và công lao trời biển của Bác đối với dân tộc”. Và “Người chiến sĩ ấy” ra đời – rất khác biệt. Ca từ vừa mộc mạc, gần gũi lại vừa thành kính. Một bài “tụng ca” mà âm nhạc rất hào sảng, chân thành và cũng đầy kiêu hãnh.
Giống như tằm ăn dâu phải nhả tơ, dâng đời những óng chuốt đẹp vô ngần. Nhạc sĩ Hoàng Vân thâu nhận âm nhạc vùng miền một cách tự giác đầy hào hứng. Ông thẩm thấu điều ấy vì biết chắc chắn nó vô cùng quan trọng cho người viết nhạc. Và khi âm nhạc của ông tuôn tràn ra giấy, nó nhuyễn và nhẹ nhàng như hơi thở của ông vậy. Điều đó không phải tự nhiên mà có. Ông phải dày công thâu nhận, sàng lọc và tích lũy nhiều lắm. Nó còn tỏ rõ quan điểm sáng tác cũng như tấm lòng của ông với vốn quý của tiền bối. Ta không hề thấy những điệu hò, điệu lý hay ví dặm… lồ lộ trong tác phẩm của ông, vì nó đã tan hòa vào máu huyết ông rồi. Nhờ vậy mà hàng loạt tác phẩm của ông ra đời mang đậm dấu ấn Hoàng Vân chứ không thể lẫn vào đâu được. Ông tài tình vận dụng âm hưởng Việt Bắc trong “Nổi trống lên rừng núi ơi”, âm hưởng Tây Nguyên trong “Tiếng cồng giải phóng – tiếng cồng chiến thắng”(bút danh Y Na), âm hưởng đồng bằng Bắc bộ trong “Bài ca giao thông vận tải”, “Tình yêu của đất và nước”, âm hưởng đồng bằng Nam bộ trong “Trên đường tiếp vận” (bút danh Y Na), rồi âm hưởng Bắc miền Trung đặc sệt trong “Quảng Bình quê ta”, nhưng vẫn rất khó tìm thấy đường nét ấy ở trong điệu dân ca nào. Những ca khúc mang giai điệu mênh mang, sang trọng và lãng mạn của nhạc sĩ Hoàng Vân cũng không thiếu. Tôi còn nhớ những năm sau 1954, miền Bắc có được cuộc sống hòa bình, thì âm nhạc của ông bay bỗng, phiêu linh và nồng nàn vô cùng. Ta có thể thấy rất rõ trong “Những cánh buồm”, trong “Bài ca người thủy thủ”. Hay chất trầm tư, suy tưởng cũng rõ nét trong “Tình yêu Hà Nội”, “Nhớ” (thơ Nguyễn Đình Thi)… Có phải vì vậy mà âm nhạc của ông đã đi vào lòng người thật tự nhiên, dịu dàng và ngọt, rồi ở lại trong đó - ấm áp, bền lâu? Điều ấy càng được khẳng định hơn nữa qua chương trình Gala “Giai điệu tự hào” của Đài Tuyền hình Việt Nam cuối năm 2014. Chương trình Gala có 22 ca khúc, mà hết 6 bài của nhạc sĩ Hoàng Vân – đó là Hò kéo pháo, Người chiến sĩ ấy, Quảng Bình quê ta, Tôi là người thợ lò, Chào anh Giải phóng quân – chào mùa xuân đại thắng và Mùa hoa phượng nở. Nó thực sự là những đóa hoa thắm, rực rỡ hương sắc mà nhạc sĩ đã dâng tặng cho cuộc đời này.
Song song với ca khúc, nhạc sĩ Hoàng Vân còn có cả một khối lượng lớn viết cho giao hưởng, hợp xướng, khí nhạc và nhạc phim. Đó là những bản giao hưởng thơ “Thành đồng Tổ quốc”, “Giao hưởng số 1” vô cùng hào sảng, đẫm đầy chất anh hùng ca nhưng vẫn tha thiết. Đó là những bản hợp xướng và dàn nhạc giao hưởng: “Vượt núi”, “Hồi tưởng”, “Việt Nam muôn năm”... Mỗi bản là một màu sắc âm nhạc khác biệt. Hòa âm quyện chặt với tiết tấu và sắc thái đã cho ta cảm giác lúc thì vạm vỡ kiêu hãnh, lúc thì trầm buồn miên man trong suy tưởng, khi thì bay lên bát ngát dạt dào đầy tự hào. Trong lĩnh vực khí nhạc, ông có nhiều tác phẩm thành công như Fugue cho piano, Tổ khúc cho hautbois và piano, Rhapsodie cho violon, độc tấu kèn basson Hành khúc con voi, độc tấu flũte Vui được mùa, Hoa thơm bướm lượn, âm nhạc cho vũ kịch Chị Sứ, Concerto cho piano và dàn nhạc v.v… Ông cũng đã để lại khá nhiều phần âm nhạc trong các phim truyện kinh điển của nền điện ảnh nước nhà. Đó là các phim “Con chim vành khuyên” (1962, đạo diễn: Nguyễn Văn Thông), “Nổi gió” (1966, đạo diễn: Huy Thành), “Vĩ tuyến 17 ngày và đêm” (1972, đạo diễn: Hải Ninh), “Em bé Hà Nội” (1974, đạo diễn Hải Ninh) “Mối tình đầu” (1977, đạo diễn: Hải Ninh) ...
Qua tác phẩm, ta càng thấy nhạc sĩ Hoàng Vân đã hết lòng vì cuộc đời. Hoàn cảnh nào ông cũng trải lòng ra để lắng nghe, để thấu hiểu và chia sẻ. Ông đã dành trọn tâm huyết cho âm nhạc. Đã tận tụy dâng hiến tất cả khả năng của mình cho cuộc sống này không ngoài tiêu chí Chân Thiện Mỹ. Ông là một người thật sự hồn hậu, chỉ đắm đuối âm nhạc, không mưu cầu chút gì cho lợi ích riêng. Sự nghiệp âm nhạc của ông thật sáng chói, là tấm gương vô cùng đẹp cho các thế hệ nhạc sĩ tiếp nối noi theo.
Sài Gòn, 16.11.2018