Tài năng và sự khiêm nhường

27/08/2019

Cái tên Nguyên Nhung có thể không hẳn đã quen biết trong công chúng rộng rãi. Nhưng những bài hát của ông thì lại rất phổ biến, chiếm được sự ngưỡng mộ của nhiều người mà kể tên hẳn là nhiều thế hệ công chúng không xa lạ: "Từ trên đỉnh núi", "Chiếc đàn môi", "Cờ ba nhất phấp phới bay", "Bài ca bên cánh võng".

Từ lâu, thiên hạ vẫn lưu truyền nhận định: "Người có tài thường có tật", tức là những người có tài năng nổi trội thường mắc tật dở. Tôi từng cả quyết lời nhận định ấy không phải ở trường hợp nào cũng đúng vì vẫn có những người tài mà không có tật gì, thậm chí là tấm gương sáng về tư cách, đạo đức, là chuẩn mực để người khác noi theo. Nếu được dẫn chứng, tôi xin nhắc đến Nguyên Nhung - người nhạc sỹ nổi tiếng, là bậc đàn anh, bạn vong niên của tôi, nhận giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật từ năm 2001.

Cái tên Nguyên Nhung có thể không hẳn đã quen biết trong công chúng rộng rãi. Nhưng những bài hát của ông thì lại rất phổ biến, chiếm được sự ngưỡng mộ của nhiều người mà kể tên hẳn là nhiều thế hệ công chúng không xa lạ: "Từ trên đỉnh núi", "Chiếc đàn môi", "Cờ ba nhất phấp phới bay", "Bài ca bên cánh võng", "Chim yến bay", "Tổ quốc tôi"…

Sở dĩ như vậy vì ông hầu như rất ít khi xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Tôi chơi thân với ông từ lâu, lại có nhiều năm làm phóng viên ở một tờ báo chuyên về văn hóa nghệ thuật, từng vài lần đặt vấn đề viết về ông nhưng đều bị từ chối.

Ông nói thật dễ hiểu: "Rất cảm ơn Nguyễn Đình San. Mình biết ông quý mến, ưu ái mình. Nhưng thôi. Bản thân việc được Nhà nước ghi nhận đã nói lên chút đóng góp nào đó của mình rồi. Hà tất phải viết gì thêm". Tôi nói với ông: "Đã đành như vậy. Nhưng anh ơi! Đâu phải ai cũng thực sự xứng với cái phần thưởng cao quý đó. Chẳng phải đã có một vài trường hợp bị dư luận ì xèo đó sao". Tôi nói vậy vì khi đó, sau khi công bố danh sách các tác giả được trao các giải thưởng (Hồ Chí Minh hoặc Nhà nước) đã có một vài trường hợp bị dư luận dị nghị, cho rằng không xứng đáng. Nhưng Nguyên Nhung vẫn một mực: "Thôi. Cứ để các tác phẩm đến với công chúng một cách tự nhiên và để họ thưởng thức từ trái tim họ. Đâu phải do nhà lý luận hoặc nhà báo đề cao mà công chúng yêu thích tác phẩm hơn. Thêm nữa, ông yêu quý mình thì thể nào lúc viết cũng sẽ không tránh khỏi việc tán dương thêm. Mình ngượng lắm".

Nhạc sĩ Nguyên Nhung.

Ông đã nói đến thế thì đương nhiên là tôi phải tôn trọng mà …chào thua! Thật đáng quý, nể tính cách đó của ông khi có người khác đã chủ động đặt thẳng vấn đề với tôi là hãy viết về họ, nhấn mạnh ý họ xứng đáng được giải thưởng Hồ Chí Minh chứ không thể chỉ giải thưởng Nhà nước. Tất nhiên là tôi không nhận lời với ý nghĩ coi thường.

Sinh năm 1933, quê tại huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, Nguyên Nhung sớm vào bộ đội ngay từ năm mới 17 tuổi. Yêu thích văn nghệ từ nhỏ, đặc biệt có năng khiếu âm nhạc, ông biên chế ở đội văn nghệ Trung đoàn 18 Bình - Trị - Thiên.

Đến năm 1960, ông được điều về công tác ở Đoàn Văn công Tổng cục Chính trị. Đến năm 1963 được cử đi học sáng tác ở Trường Âm nhạc Việt Nam (tiền thân của Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam hiện nay) rồi trở về Đoàn văn công trên. Những năm cuối trước khi nghỉ hưu, ông là cán bộ sáng tác của Phòng Văn nghệ Quân đội.

Như vậy, gần như cả đời ông gắn bó với quân đội. Nhưng ngoài một số ca khúc về lực lượng vũ trang, ông đã mở rộng phạm vi sáng tác sang các đề tài khác và để lại nhiều tác phẩm có giá trị như đã kể. Để chuẩn bị cho việc kỷ niệm 15 năm ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1960, một cuộc sáng tác âm nhạc lớn về đề tài Tổ quốc, đất nước được phát động.

Nguyên Nhung đã tham gia. Nhiều nhạc sỹ khác đã ca ngợi Tổ quốc một cách trực diện bằng những ca khúc chính luận hoặc hợp xướng. Nguyên Nhung có cách nói riêng dịu nhẹ nhưng không kém phần sâu sắc bằng bài hát "Từ trên đỉnh núi".

Trước đó, ông từng có thời gian đi tìm hiểu thực tế ở Tây Bắc, được đắm chìm vào kho tàng dân ca của các dân tộc ít người nơi đây. Ông đã ca ngợi đất nước sau 15 năm ra đời đang trưởng thành bằng lời một người mẹ H'mông ru con: "Giờ đây con ơi! Con như cành lá mùa xuân vươn lên cùng đất nước đang nảy lộc đâm chồi…".

Bài hát lấy chất liệu từ điệu Khổng mí nhủa - một làn điệu dân ca quen thuộc của dân tộc H'mông vùng núi Tây Bắc. Sau khi được thu thanh và phát trên làn sóng Đài Tiếng Nói Việt Nam, bài hát nhanh chóng được công chúng, đặc biệt là phụ nữ đón nhận, trở thành một trong những bài hát ru con hay nhất từ trước đến nay. Trong kho băng của Đài Tiếng nói Việt Nam, có đến hơn 10 giọng nữ thể hiện bài này.

Nguyên Nhung là nhạc sỹ không thiên về số lượng tác phẩm. Ông viết ít và công bố lại càng ít hơn. Nhưng viết kỹ, trau chuốt, tìm tòi công phu về ngôn ngữ âm nhạc cũng như trong việc soạn ca từ. Giai điệu của ông lúc sang trọng (như các bài "Bài ca bên cánh võng", "Tổ quốc tôi", "Chim yến bay"), khi lại dân dã, giản dị (như "Từ trên đỉnh núi", "Chiếc đàn môi").

Kết hợp được cả hai tính chất đó trong một chủ thể sáng tạo quả là quý hiếm vậy. "Bài ca bên cánh võng" là một ca khúc độc đáo về ý tứ văn học, có sự tìm tòi công phu về ngôn ngữ thể hiện với hình tượng âm nhạc khá "đắt". Trong mấy cuộc kháng chiến chống xâm lăng vừa qua, các nhạc sỹ khác thì ra sức hô hào, động viên, cổ vũ bộ đội hành quân tiến lên phía trước.

Riêng Nguyên Nhung thì lại tìm đến một "tứ" thú vị: Nói đến những phút dừng chân, nghỉ ngơi, thư dãn giữa chặng đường hành quân. Nhưng qua đó, người nghe thấy được tâm thế, phẩm chất, tình cảm của những người lính cách mạng, những anh bộ đội Cụ Hồ: "Dừng chân bên suối võng đưa. Nhìn trời cao trong xanh lồng lộng. Bông hoa rừng thơm mát…" và: "Võng theo ra chiến trường. Võng theo ta giải phóng. Tổ quốc ơi muôn năm vững bền hai đầu…".

Tác giả tạo nên hình tượng nhịp võng đung đưa, nhịp nhàng, biểu hiện tâm trạng thanh thản, thư thái với tâm thế của người đang làm chủ chiến cuộc, đang trên đà chiến thắng hoàn toàn trong một ngày không xa. Nếu cho tôi được chọn một bài hát biểu hiện sinh động nhất, sâu sắc nhất đời sống tâm hồn, tinh thần của người lính cách mạng, tôi sẽ chọn "Bài ca bên cánh võng". Cũng như vậy, tôi cho rằng đây là một trong những bài hát đặc sắc nhất viết về cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.

Một lần tôi hỏi Nguyên Nhung: "Bài "Chiếc đàn môi" của anh rất hay và độc đáo. Sao anh không tiếp tục viết tình ca?". Rất thành thật, ông cho biết cũng có viết được vài bài nữa, nhưng tự thấy không hay nên đã xé bỏ. Có bài ông đã hoàn thành, chỉ đợi gặp được ca sỹ phù hợp là tiến hành tập để thu thanh trên Đài.

Nhưng rồi qua một đêm, hôm sau trở dậy bỗng thấy chưa ưng ý nên dừng ý định trên. Lại có bài lúc viết xong, cảm thấy đã yên tâm, trao cho ca sỹ, chỉ chờ ngày thu thanh. Vậy mà rồi ông vẫn cứ xin rút lại vì bỗng thấy có chỗ chưa ổn. Ông tìm cách sửa lại nhưng không ra được phương án hay nhất. Thế là cũng bỏ không thương tiếc. Sự khó tính rất đáng trân trọng này đã cắt nghĩa vì sao số lượng ca khúc của ông không nhiều nhưng lại có chất lượng vượt trội.

Nguyên Nhung là người sống rất giản dị, chân tình với phong cách xuề xòa, hòa đồng. Ai cũng có thể trở thành bạn thân thiết của ông nếu có sự đồng cảm. Trong "ba thứ lăng nhăng nó quấy ta", ông không mắc thứ nào. Bạn bè chỉ cần hé lời nhờ ông việc gì, ông cố gắng hết mình, không tính toán hơn thiệt. Ông luôn vị tha mà sẵn sàng hy sinh quyền lợi bản thân cho người khác.

Có lần có nơi mời ông sáng tác bài hát cho họ. Do bận việc gì đó, ông đã nói họ mời tôi thay thế. Thực ra ông hoàn toàn có thể nhận lời vì nơi mời không câu thúc thời gian. Tất nhiên là tôi không thể nhận lời khi người ta có ý muốn mời ông. Ông nói với tôi: "San không nhận lời thì mình cũng đành phải xin lỗi họ, vì cùng một lúc không thể làm nhiều việc. Sáng tác không thể tham, không thể ép được. Đầu óc mình đang rỗng tuếch. Sáng tác ca khúc sẽ chẳng ra gì….".

Ông luôn trân trọng tác phẩm của người khác mà không mắc tật "văn mình, vợ người". Rất lãng mạn trong các tác phẩm, đời sống tinh thần khá bay bổng nhưng chuyện riêng tư lại đơn giản, chân phương. Sau khi phu nhân qua đời vào năm 1982, ông tái giá và sống êm đềm đến lúc qua đời vào năm 2009. Phút ông lâm chung, tôi ở rất xa nên không kịp về. Nhưng không hiểu sao cho đến hôm nay, đã 10 năm kể từ ngày ông ra đi vĩnh viễn, tôi có cảm giác như ông vẫn đang sống, và thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp nhau. 

Vâng. Ông đã sống mãi trong tôi cùng tất cả những người yêu quý tác phẩm và con người ông - một nghệ sỹ tài năng nhưng rất giản dị, khiêm nhường, hiền hòa, đôn hậu.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...