Tài năng lớn và tình yêu lớn

15/11/2018

Người nhạc sỹ có tài năng lớn và một tình yêu cũng rất lớn đó lại là người rất tự biết mình. Đó là một phẩm chất không dễ có. 

Nghĩ mãi, tôi mới tìm được cái “tít” trên để nói về người nhạc sỹ mình rất đỗi nể trọng cả về tài năng và đức độ. Ông quả là có một tài năng lớn và một tình yêu cũng rất lớn. Đó là Hoàng Hiệp (1931 - 2013) - một tên tuổi quá quen biết với công chúng yêu âm nhạc qua nhiều ca khúc nổi tiếng: “Câu hò bên bờ Hiền Lương”, “Vào lăng viếng Bác”,“Ngọn đèn đứng gác”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, “Nhớ về Hà Nội”, “Kỷ niệm dòng sông tuổi thơ”, “Mùa chim én bay”, “Lá đỏ”, “Đất quê ta mênh mông”... và nhiều bài khác không thể kể hết.

Riêng về lĩnh vực sáng tác ca khúc trong dòng âm nhạc cách mạng, tôi cho rằng phải xếp Hoàng Hiệp vào chiếu trên cùng những tên tuổi như Lữu Hữu Phước, Đỗ Nhuận, Văn Cao, Huy Du, Nguyễn Đức Toàn, Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Xuân Hồng… Bởi ông có quá nhiều tác phẩm hay, có giá trị rất cao cả về tư tưởng, tình cảm lẫn thẩm mỹ.

Ca khúc của ông luôn khiến người nghe rung động mạnh, gieo vào họ những tình cảm cao đẹp, luôn hòa trộn tình riêng tư với tình yêu Tổ quốc, dân tộc. Nhưng không bao giờ có chút gì gọi là “lên gân” mà ông đã chuyển tải những tình cảm lớn đó trong những giai điệu đẹp, rất tìm tòi, uyển chuyển, mềm mại, sâu lắng, đi vào lòng người.

Cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp.

Nói một cách nôm na, dễ hiểu, ca khúc của Hoàng Hiệp nghe thì sướng tai, hát thì sướng miệng. Nếu làm một cuộc điều tra xã hội học xem nhạc sỹ Việt Nam nào có nhiều bài hát được số đông công chúng thuộc đủ mọi lứa tuổi, tầng lớp xã hội ưa thích nhất, tôi tin sẽ là Hoàng Hiệp. Với ông, số lượng tác phẩm luôn đi kèm với chất lượng và độ lan tỏa trong công chúng.

Lại nữa, nhiều bài của ông có sức sống vĩnh hằng chứ không chỉ rộ lên một thời gian rồi lụi tắt mà những bài tôi vừa dẫn trên là minh chứng. Cách đây khoảng chục năm, tôi được Nhà xuất bản Thanh niên đặt hàng thực hiện một cuốn sách có tiêu đề “100 nhạc sỹ tiêu biểu của Việt Nam thế kỷ 20” với yêu cầu cụ thể: Mỗi nhạc sỹ chọn một ca khúc hay nhất kèm lời giới thiệu về nhạc sỹ đó, không quá 300 âm tiết. Đến Hoàng Hiệp, tôi mất nhiều thời gian để lựa chọn bài tiêu biểu vì ông có khá nhiều như đã nói, không biết lấy bài gì mà bài nào cũng rất tầm cỡ, nổi tiếng như nhau.

Điều thú vị có lẽ ít người phát hiện là hầu như Hoàng Hiệp chỉ viết ca khúc ở giọng "thứ" (mineur) mà rất ít khi viết điệu "trưởng" (majeur). Vậy mà nghe nhạc của ông thấy rất phong phú, đa dạng, không bài nào giống bài nào, không chỉ một “e” như nhiều tác giả chuyên nghiệp đã mắc phải. Ông là “Thánh ca khúc” còn ở tài phổ thơ.

Trong số hàng mấy chục bài nổi tiếng của ông thì phổ thơ người khác chiếm tỷ lệ lớn hơn những bài ông tự làm lời. Có những bài thơ lúc đọc tôi thật khó hình dung khi phổ, nhạc sỹ sẽ xoay xở thế nào để có thể trở thành bài hát hay bởi thơ dài, nhiều lời, ví như bài “Em vẫn đợi anh về” của nhà thơ Xôviết Simonov do Lê Giang dịch.

Vậy mà Hoàng Hiệp đã tạo nên bài hát rất hiệu quả, được nhiều bạn trẻ ưa thích. Có thể coi đây là một trong những bài tình ca hay nhất trong dòng âm nhạc cách mạng hiện đại của Việt Nam. Nhạc sỹ không cắt xén, thêm bớt nhiều lời thơ, gần như để nguyên để phổ. Thật tài tình là bài hát vẫn rất ổn về khúc thức, không gây cảm giác dài dòng, rườm rà: “Năm tháng đội mưa rừng/ Ngày đêm vùi sương gió/ Em vẫn chờ vẫn đợi/ Vẫn đợi anh về…” Hoặc như trường hợp bài “Trường Sơn Đông, Trường Sơn Tây” phổ thơ của Phạm Tiến Duật. Thường thì thơ 7 chữ trở lên rất khó phổ nhạc.

Nhưng Hoàng Hiệp vẫn rất cố gắng hạn chế sự thay đổi, thêm bớt lời của người làm thơ để cố gắng giữ nguyên. Nhưng bài hát cuối cùng vẫn rất hay. Khó, tài ba hơn người trong việc phổ thơ là ở chỗ đó. Trong một lần ngồi đàm đạo, thần đồng thơ một thời Trần Đăng Khoa cho tôi biết là có nhiều người phổ bài thơ “Chút thơ tình của người lính biển” nhưng chỉ có bài của Hoàng Hiệp là anh ưng ý, thấy đúng với cảm xúc của mình.

Nhà thơ tỏ ra rất có “gu” âm nhạc và cảm ơn sự đồng cảm của nhạc sỹ để phổ nên bài thơ của anh mà không thể có một giai điệu nào phù hợp hơn. Ca khúc này là một trong những “mối tình” đẹp nhất, có “duyên”, “hạnh phúc” nhất giữa thơ và nhạc. Nhạc ấy phải đi với thơ ấy và thơ ấy không thể cất cánh thêm nếu không sánh cùng nhạc ấy.

Trong giới văn nghệ sỹ, nhất là thơ và nhạc vẫn có một thực tế: Đời sống riêng tư rắc rối, nhiều người đa tình, đa đoan, đa duyên và…đa hệ lụy. Không phủ nhận rằng chính nhờ những cái “đa” này mà nhiều tác phẩm bất hủ, sống mãi với thời gian đã ra đời. Không ít người đã hơn một lần “đò” trong cuộc đời, viết đến “tập 2”, “tập 3”, có khi “tập n” trong đời sống hôn nhân.

Cố nhạc sĩ Hoàng Hiệp và vợ.

Ngoài ra, còn nhiều bóng hồng lượn lờ hoặc đã xâm nhập hẳn vào đời sống tâm hồn nhiều thi sỹ, nhạc sỹ thì không thể kể xiết. Những Phạm Duy, Đoàn Chuẩn, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Tý…và nhiều thi sỹ đã viết nên các tác phẩm để đời từ những “phi vụ” như thế. Vậy nhưng Hoàng Hiệp thì khác hẳn. Nếu biết rõ đời sống ái tình của ông, hẳn là tất thảy các chị em đều sẽ thêm ngưỡng mộ, trân quý ông hơn. Và các chị em sẽ có cớ để chấn chỉnh các “ông xã” là nghệ sỹ hoặc có máu “nghệ”: Các chàng đừng có mà lấy nê léng phéng, phong tình để sáng tác. Hãy học ông Hoàng Hiệp. Ông ấy “chân phương” mà sáng tác vẫn rất hay, giai điệu rất ướt át, lôi cuốn.

Thật vậy, chuyện ái tình của Hoàng Hiệp thì đáng để các đấng mày râu làm văn nghệ phải nghiêng mình, ngả mũ… chào thua cái đức thủy chung, trọn vẹn với bạn đời. Trong một lần tiếp xúc với ông tại TP.Hồ Chí Minh, tôi tò mò hỏi: “Anh có nhiều bài hát về tình yêu lứa đôi rất hay, nổi tiếng. Giai điệu quá ướt át, lãng mạn đầy sức quyến rũ. Hẳn là anh phải có nhiều kỷ niệm trong đời liên quan đến các bóng hồng?”.

Hoàng Hiệp mỉm cười. Ông vốn không phải người có “lợi khẩu” trong giao tiếp với bản tính kín đáo, ít nói, nhưng cũng tỏ ra hào hứng trả lời câu hỏi của tôi - tâm sự thì đúng hơn. Ông cho biết: Cả đời, ông chỉ quen biết rồi yêu một người duy nhất. Đó là người vợ của ông. Tất cả những bài tình ca có yếu tố “anh, em, nhớ, thương” của ông đều lấy cảm xúc từ tình yêu đối với vợ mình. Từ đó mà khái quát lên thành cái chung của mọi đôi lứa, đặc biệt là luôn gắn với đất nước, xã hội. Không có bài nào ông viết từ hình bóng ai khác, để tặng ai khác.

Ai chứ riêng Hoàng Hiệp thì tôi hoàn toàn tin lời ông nói. Nhiều nhạc sỹ từng làm việc và quan hệ nhiều, lâu với ông đều “chứng giám” điều này. Khi tôi hỏi trường hợp phổ bài thơ “Đợi anh về” của Simonov (qua bản dịch của Lê Giang), có giai điệu bịn rịn thương nhớ và tình cảm thủy chung son sắt, chắc nhạc sỹ phải gửi gắm vào một bóng dáng nào đó đang ở xa thì ông chậm rãi kể về sự ra đời của ca khúc nổi tiếng này.

Đó là những năm tháng giặc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại rất khốc liệt ở miền Bắc. Một lần, ông đạp xe về nơi vợ mình sơ tán. Thấy cô chủ nhà tuy có chồng đi bộ đội xa nhưng rất vui tươi, hay nói hay cười, ông nói với cô: “Chồng cô đi xa mà cô có vẻ không nhớ ông xã nhỉ?”. Cô gái lấy chiếc gối còn ướt đẫm cho nhạc sỹ xem rồi nói: “Đây, đêm nào em cũng khóc vì nhớ chồng đây. Không lẽ ban ngày lại tiếp tục khóc nữa”.

Hoàng Hiệp rất hối hận về câu hỏi của mình. Ông nghĩ tới việc phổ bài thơ của nhà thơ Xôviết mà mình đã biết từ lâu. Thế là bài hát ra đời. Bài thơ này trong kháng chiến chống thực dân Pháp cũng đã có hai nhạc sỹ phổ nhạc nhưng không được công chúng biết tới. Hoàng Hiệp cho biết tình yêu sâu nặng với vợ là động lực để ông sáng tác, trong đó có những bài tình ca rất hay mà công chúng vẫn tán thưởng.

Người nhạc sỹ có tài năng lớn và một tình yêu cũng rất lớn đó lại là người rất tự biết mình. Đó là một phẩm chất không dễ có. Thường thì vẫn “văn mình, vợ người”. Nhưng Hoàng Hiệp thì rất biết điểm yếu, sở đoản của mình. Còn chuyện vợ thì ông đã ngược lại, luôn “vợ mình”. Một lần tôi nói là trong lĩnh vực sáng tác âm nhạc, Hoàng Hiệp viết thứ gì cũng hay, xuất sắc.

Ông nói luôn: “Không. Mình chỉ sở trường ca khúc mà không về khí nhạc. Tuy có làm nhạc cho một số bộ phim, vở diễn nhưng thua nhiều anh em khác. Trong ca khúc, mình không sở trường viết bài hát tập thể và thiếu nhi”. Ông dẫn luôn bài “Bài ca thanh niên xung phong” của mình ra và tự cho rằng không thành công nên chẳng đâu hát.

Hoàng Hiệp quê ở An Giang. Ông sinh năm 1931. Từ sau năm 1954 đến 1975 sống ở miền Bắc. Sau đó vào sinh sống ở TP Hồ Chí Minh. Ngày 9/1/2013, ông qua đời tại đây, hưởng thọ 82 tuổi. Ông được Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 2000 và Huy hiệu 65 tuổi Đảng ngay trước ngày mất 1 ngày (8/1/2013). 

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...