Sức mạnh một Quốc gia không chỉ nằm ở vũ trang, ở tài chính… mà phải ở cả văn hóa
Là một trong những tài năng của nền khí nhạc Việt Nam đương đại, nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng đã được xướng tên tại lễ trao tặng Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực văn học - nghệ thuật 2017.
Trong cuộc đối thoại với Chuyên đề An ninh thế giới cuối tháng, anh dành nhiều thời gian nói về “lõi” văn hóa, về văn hóa gốc, về âm nhạc Việt Nam đương đại... Ở đó, bạn đọc bắt gặp không ít những suy tư, băn khoăn của một người làm nghề nghiêm túc và có phần như… lạc thời. Trần Mạnh Hùng tự nhận anh là người cô độc, lúc nào cũng cô độc.
- Xin bắt đầu câu chuyện bằng Giải thưởng Nhà nước mà anh nhận được vừa qua. Hình như đây là giải thưởng hiếm hoi mà những người theo đuổi giao hưởng thính phòng nhận được thì phải, thưa anh?
+ Những người hoạt động trong lĩnh vực giải trí, họ nhận được quá nhiều sự ưu ái của công chúng, đặc biệt là giới truyền thông. Chưa kể, có nhiều giải thưởng vinh danh họ nữa. Những người viết nhạc giao hưởng thính phòng như tôi đâu có nhận được sự quan tâm nhiều như vậy. Nếu không có giải thưởng nào như Giải thưởng Nhà nước vừa qua, chắc chẳng bao giờ những nghệ sỹ như chúng tôi được tôn vinh cả.
- Anh nói vậy thì nghe chua chát quá...
+ Đúng là có gì đó chua chát thật. Nhưng bạn cứ để ý mà xem, những giải thưởng mà báo chí hay giới truyền thông tôn vinh trong thời gian qua đều mang những cái tên nghe rất lớn lao, chắc bạn cũng biết rồi. Tôi không bài xích âm nhạc giải trí và không bao giờ có ý định bài xích.
Âm nhạc giải trí rất cần thiết trong đời sống thưởng thức và ít nhiều, nó cũng mang lại một giá trị nào đó. Tuy nhiên, nó không phải là đỉnh cao để chúng ta tôn vinh quá nhiều như vậy. Ở đó, sự hi sinh, mất mát, đánh đổi không có nhiều. Bản thân những nghệ sỹ tham gia vào hoạt động giải trí - họ cũng thu lợi được rất nhiều.
- Khi anh nói như vậy, có nhiều người sẽ phật ý đấy, thưa anh.
+ Tôi không có ý động chạm đến một ai cụ thể. Điều tôi muốn nói hướng tới những người khởi xướng, những người trao giải, những người nắm giữ quyền lực về truyền thông cũng như tài chính.
Tôi nghĩ, tầm nhìn của họ cần có sự thay đổi. Có những thứ cần được khích lệ, đầu tư; có những thứ tự nó đã hoạt động rất mạnh rồi, chúng ta không cần đầu tư hay chú trọng vào đó nữa. Chúng ta không nên dành sự quan tâm quá lớn cho những thứ mà tự nó đã nảy nở, muốn dừng lại cũng không dừng được.
Chúng ta không nên tiếp thêm năng lượng vào những hoạt động về âm nhạc thị trường bởi không cần ai tác động vào thì tự bản thân nó cũng đã rất mạnh rồi. Ngược lại, có những thứ như âm nhạc cổ truyền - là bộ mặt của quốc gia, là cái cần được chú trọng vào, hay những âm nhạc đỉnh cao của nhân loại như thính phòng, nhạc kịch,... cần được truyền thông và những nhà đầu tư quan tâm vào hơn.
Hiện tại, ở nước ta, âm nhạc cổ truyền và cả âm nhạc đỉnh cao vận hành hoàn toàn nhờ vào sự tự giác và tâm huyết của nghệ sỹ là chủ yếu. Hoàn toàn là những nỗ lực mang tính cá nhân. Đôi khi, hai lĩnh vực này cũng được các tổ chức của Nhà nước hỗ trợ, nhưng không phải là nhiều.
Trong khi đó, xã hội không chú ý lắm. Mà xã hội mới là sức mạnh tiềm lực. Chúng ta không thể cái gì cũng trông vào ngân sách nhà nước được. Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn đó là, sức mạnh xã hội Việt Nam không tập trung vào những giá trị cốt lõi, không hỗ trợ, không ủng hộ các hoạt động âm nhạc truyền thống hoặc âm nhạc giao hưởng thính phòng, nhạc kịch.
- Nhưng nói đi cũng phải nói lại, thứ nghệ thuật được xem là “nhí nhố” lại được công chúng đón nhận; trong khi đó, thứ nghệ thuật được xem là đích thực thì lại không được lòng công chúng...
+ Điều này liên quan tới giáo dục âm nhạc từ nhỏ. Không phải tự nhiên mà ở các nước phương Tây, những ngành nghệ thuật đích thực được quan tâm và có một vị trí hết sức quan trọng trong dòng chảy văn hóa của họ. Giáo dục âm nhạc của ta trong các trường phổ thông quá tập trung vào dạy các kĩ năng đọc nốt nhạc cho học sinh.
Với quan điểm của tôi, đó là một cách làm không hay bởi ngay cả nghệ sỹ chuyên nghiệp có năng khiếu sẵn, được học các kĩ năng đọc và viết nốt nhạc ở trường nhạc 1-2 buổi/tuần, còn không có sự tiến bộ, nói gì trẻ em - đa phần không có năng khiếu âm nhạc.
Tôi cho rằng, biến những giờ học nhạc trong trường phổ thông thành những giờ thưởng thức âm nhạc, sẽ hay hơn. Các em sẽ nhìn thấy bằng mắt những hình ảnh nhạc cụ, nghe những bản nhạc chơi từ những nhạc cụ đó, biết tên các nhạc cụ. Việc nghe đủ các dòng nhạc khác nhau, từ pop, rock, dân gian... cho đến opera, thính phòng, giao hưởng, cũng giống như việc nếm trải rất nhiều thứ âm nhạc vừa đa dạng vừa hạnh phúc đối với trẻ em.
Sau 3 cấp học, lúc ra trường, các em sẽ nếm đủ các thứ nhạc trên thế giới, lúc đó khó có ai qua mắt được các em về chất lượng âm nhạc, và các em sẽ quyết định được việc mình thích loại âm nhạc nào. Giống như lúc bé, ta tắm ở ao, hồ làng ta thấy dễ chịu. Nhưng nếu chúng ta cứ mãi thế, chúng ta chẳng có nhu cầu đi ra biển. Nếu như một lần đã tắm ở biển rồi, chúng ta sẽ thay đổi quan điểm.
- Vậy thì, giáo dục âm nhạc Việt Nam đang có một sự lệch chuẩn?
+ Tôi không nói là lệch chuẩn, sư phạm âm nhạc cũng đang làm theo chuẩn của họ đấy chứ. Chỉ là thiếu sự sáng tạo và không hiệu quả. Thực ra, âm nhạc sinh ra để đáp ứng nhu cầu cảm xúc của con người. Trẻ em không cần thiết phải biết nốt nhạc nhưng trẻ em cần được nhà trường giới thiệu cho biết thưởng thức nhiều thể loại âm nhạc, để sau này khi lớn lên, các em trở thành những khán giả “sành nhạc” biết được mình thích gì và nó ra sao.
- Phần lớn công chúng Việt Nam hờ hững với những loại hình nghệ thuật truyền thống hoặc đỉnh cao. Truyền thông quá chú trọng vào âm nhạc giải trí. Tiềm lực Nhà nước lại có hạn. Giới đại gia Việt Nam thì sao? Họ có ủng hộ không?
+ Rất hiếm nhưng cũng có. Đó là những người không chỉ có tiềm lực về kinh tế mà họ còn có tầm nhìn về văn hóa, trí thức. Ví dụ gần đây nhất, có một công ty tư nhân đầu tư và đặt hàng tôi viết một chuỗi 11 tác phẩm cho chương trình Khúc giao hòa ngày xuân (đã công diễn hồi tháng 1/2016). Đây là một chương trình đồ sộ, công phu và cũng là một chương trình đặt hàng lớn nhất từ trước đến nay mà tôi từng viết.
Âm nhạc giao hưởng thính phòng, hay một số loại hình nghệ thuật đỉnh cao như hội họa, sân khấu của châu Âu trong thế kỷ XVII, XVIII, XIX cho đến bây giờ vẫn phát triển, vì sao như vậy? Không phải tự nhiên đâu. Sự phát triển ấy được bảo tồn một cách bền vững không phải do hoàng tộc, nhà nước đầu tư là chính, mà chủ yếu là bởi vì họ có một tầng lớp quý tộc vừa có quyền lực, tài chính vừa có phông trí thức, văn hóa lớn.
Đến một lúc nào đó, mọi người sẽ nhận thức được rằng, sức mạnh của một quốc gia không chỉ nằm ở lực lượng vũ trang, ở những nhóm có sức mạnh về tài chính mà còn nằm trong cả văn hóa nữa. Nó như một thứ an ninh văn hóa vậy. Nếu không biết khai thác sức mạnh đó, quốc gia đó khó có thể gọi là quốc gia hùng cường được.
- Đúng là, văn hóa truyền thống làm nên diện mạo của một quốc gia, cũng là yếu tố làm cho văn hóa Việt Nam khác biệt văn hóa Hàn, văn hóa Nhật,... hay bất cứ vùng đất nào trên thế giới. Thế nhưng, hiện nay đang có một sự pha tạp không hề nhỏ từ làn sóng nhập khẩu văn hóa từ các nước; trong khi đó, những người tâm huyết với văn hóa Việt Nam đang có xu hướng lão hóa, các bạn trẻ thì chẳng mặn mà gì...
+ Tất nhiên ở đâu, âm nhạc đại chúng cũng phát triển cả thôi. Việt Nam mình cũng không ngoại lệ. Đây là thời thế giới phẳng mà. Nên để việc đó phát triển bình thường. Nhưng điều chúng ta đang nói ở đây là, có những thứ cần phải có sự hỗ trợ mang tính chất chiến lược, để dồn vào đó.
Ví dụ, những thứ đỉnh cao của nhân loại như thính phòng nhạc kịch, giao hưởng; hay một cái quan trọng hơn cả những cái này là văn hóa cổ truyền của dân tộc. Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, ngay cả Ấn Độ họ làm điều này rất tốt. Nếu không có văn hóa, chúng ta không còn là Việt Nam nữa.
Văn hóa gốc quan trọng lắm. Ngay cả những nghệ sỹ gốc Việt nổi tiếng trên thế giới, họ vẫn hướng về Việt Nam theo một cách nào đó. Bởi dù họ sống ở nước ngoài thì âm nhạc của họ, cũng không thể nào bằng người bản xứ ở đó được. Họ vẫn là người Việt hát nhạc quốc tế. Nếu không có yếu tố Việt trong tác phẩm của họ, thì những người thuộc quốc gia khác sẽ không thấy sự thú vị khi xem những tác phẩm của họ. Văn hóa gốc, làm nên sự khác biệt, làm nên cá tính văn hóa của một quốc gia, làm nên cá tính nghệ thuật của một người nghệ sỹ.
Những nghệ sỹ gốc Việt vẫn phải bám chặt lấy gốc rễ, cái cổ truyền của quê hương hình chữ S này. Họ phải trở về, luôn hướng về đất mẹ. Giống như những cái rễ bám chặt vào, họ phải luôn kết nối với đất mẹ. Có như thế, mới tạo ra sự hấp dẫn với những vùng cư dân khác.
Hiện tại, chúng ta có nhiều sức mạnh, văn hóa là một trong những sức mạnh nhưng chúng ta chưa biết cách khai thác nó. Dưới góc độ của một người làm nghề, tôi thấy, tiềm lực phát triển âm nhạc nói riêng và văn hóa nói chung dựa vào âm nhạc cổ truyền, văn hóa bản địa của Việt Nam mình gần như còn đang bị bỏ ngỏ. Tất cả vẫn là một mỏ quặng rất lớn và mới được khai thác manh mún bằng cuốc xẻng, chưa được khai thác một cách quy mô, khoa học, toàn diện.
- Anh đánh giá sức mạnh truyền thông trong câu chuyện phát triển văn hóa này ra sao?
+ Truyền thông mang tính định hướng, giới thiệu đến công chúng, làm cho công chúng biết được đâu là nghệ thuật, đâu là giải trí. Nếu truyền thông không biết kiểm soát; thay vì chỉ ra cho người ta thấy đây là cái trụ cột của ngôi nhà, chúng ta phải bảo vệ, gìn giữ nó thì họ lại bảo vấn đề kia mới quan trọng.
Từ đó, công chúng có thể sẽ bị hiểu sai. Sự phát triển sẽ mất cân bằng. Truyền thông giống như việc ta dán cái mác vào đồ vật và bảo đây là cái gì. Nó là biển chỉ đường, hướng dẫn người ta rẽ phải, đi thẳng hay đường cấm.
- Nghĩa là, trong thời gian qua, truyền thông đã chỉ đường sai?
+ Như tôi chia sẻ ở trên, họ đang quá tập trung vào những thứ mà để tự nhiên nó cũng phát triển mạnh. Lắm lúc tôi cảm thấy, họ đang tôn vinh âm nhạc giải trí và coi nó là đỉnh cao của nghệ thuật. Điều đó càng lôi kéo sự chú ý của công chúng vào đó, gây nên sự mất cân bằng cũng như gây hại cho sự phát triển văn hóa trong tương lai.
Chúng ta nên dành sự khen chê, sự hỗ trợ,... cho những thứ quan trọng. Phải xây dựng những đỉnh núi, những đỉnh cao âm nhạc như những cái cột vững chắc. Chỉ khi nào có những cái cột này thì mái nhà văn hóa nghệ thuật Việt Nam mới mạnh được.
- Nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng từng gây nhiều bất ngờ khi kết hợp jazz với chèo, dân ca của một số dân tộc thiểu số và giao hưởng thính phòng... Song, thể nghiệm của anh không phải lúc nào cũng được người khác đón nhận. Có ý kiến cho rằng như thế là “phá” nghệ thuật đấy...
+ Trên thế giới, người ta vẫn thể nghiệm mà. Giống như người da trắng lấy người da vàng, da vàng lấy người da đỏ, người da đỏ lấy người da đen... Bình thường mà. Bản thân con người cũng là vật thể nghiệm pha trộn giữa các nền văn minh, văn hóa, nói gì đến âm nhạc.
Nếu không có pha trộn, không có phát triển, cải biên, âm nhạc sẽ mãi mãi dừng lại ở thời ban sơ - khi mà người ta cầm con ốc hay khúc xương để thổi, hòn đá để chọi vào nhau. Bản thân nghệ thuật là không ngừng vận động. Ngay cả thứ âm nhạc cổ truyền mà chúng ta đang nói đến, cũng không phải là thứ âm nhạc của thế kỷ XVI, XVII, XVIII nữa. Trước đó cả ngàn năm, nó còn khác nữa.
Sẽ có 2 khuynh hướng: Một là tôn trọng và giữ gìn những đặc trưng cơ bản vốn có của loại hình nghệ thuật; hai là khuynh hướng phát triển, cải biên nó. Và tôi nghĩ, phải cùng một lúc tồn tại song song 2 khuynh hướng này. 2 khuynh hướng không nên quay sang phê phán, nhòm ngó nhau. Mỗi người một việc. Mục đích đều vì sự phát triển của văn hóa.
- Anh thấy âm nhạc Việt Nam đang ở trình độ nào so với âm nhạc thế giới?
+ Tôi thấy có một khoảng cách rất lớn giữa âm nhạc Việt Nam và âm nhạc thế giới. Tôi cho rằng, nghệ sỹ phải là những người kéo gần được khoảng cách đó lại.
Nếu bạn nhìn nhạc rock, jazz, vốn là 2 dòng nhạc nằm trong vốn liếng của âm nhạc thị trường thì Việt Nam có thể đứng ở vị trí nào trong dòng nhạc thị trường? Ngay bản thân dòng chảy âm nhạc thị trường, chúng ta đã thua cuộc rồi.
Không so sánh với châu Âu, Phi, Mỹ, chỉ so sánh trong châu Á thôi - thì ngay cả với Đông Á như Hàn, Nhật, Đài Loan, Hong Kong, Trung Quốc... chúng ta cũng chưa thể so sánh với họ được. Chúng ta chỉ có thể so sánh với các nước trong khối ASEAN mà thôi; nhưng đã bao giờ các bạn trẻ Việt Nam, kể cả khán giả, lẫn người làm trong nghề đặt vấn đề, ngay trong khối ASEAN, âm nhạc thị trường Việt Nam đứng ở vị trí nào?
Với quan điểm của tôi, âm nhạc thị trường Việt Nam chỉ hơn Lào và Campuchia mà thôi. Ngay cả Thái Lan, Singapore, Việt Nam còn chưa bằng. Đấy là mới nói về nhạc thị trường, chưa nói tới giao hưởng, thính phòng. Có người còn quả quyết, giao hưởng thính phòng của ta đi sau thế giới cả trăm năm.
Việt Nam của chúng ta tôn vinh nhau, với những danh xưng, giải thưởng. Tất nhiên những giải thưởng này chỉ mang tính động viên. Nhưng cũng nên nhìn lại rằng, người nước ngoài sang Việt Nam mình, họ có nghe ngôi sao của mình hát không, có bỏ tiền ra mua đĩa ngôi sao của mình không?
Họ sang đây làm gì, họ đi Nha Trang, đi Vũng Tàu, họ ra đảo Phú Quốc,... họ thưởng thức những cái mà ông trời cho chúng ta. Là thiên nhiên sẵn có. Còn văn hóa do bàn tay con người tạo ra, có bao giờ chúng ta tự hỏi, nhà hát mở ra, có ai người nước ngoài đến và đi xem không? Thực ra, chúng ta phục vụ cho nhau thôi. Và chúng ta tôn vinh nhau. Chúng ta thần tượng nhau, ngây ngất nhau. Nhưng mà chúng ta có mang cái đó ra thế giới được không?
- Nhưng chúng ta vẫn có những nghệ sỹ tham dự các festival quốc tế, vẫn có một số nghệ sỹ đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi âm nhạc quốc tế đấy thôi, thưa anh.
+ Có nhiều chương trình festival đi theo con đường giao lưu văn hóa, chứ bản thân nghệ sỹ của ta chưa phải là một thương hiệu... để họ chủ động mời. Chúng ta chưa đến mức xuất khẩu âm nhạc, xuất khẩu văn hóa. Các ngôi sao ca nhạc của chúng ta tổ chức các show ở châu Âu, Mỹ nhưng thực ra là phục vụ kiều bào, chứ không phải là người nước ngoài ở đó.
Tôi nghĩ, chúng ta phải làm sao để tiến tới mức tự làm và xuất khẩu văn hóa của chúng ta sang nước ngoài. Tại sao chúng ta không nghĩ đến những cái lớn hơn? Chúng ta vẫn đang tự sướng với những thành quả của chúng ta mà thôi. Mà những thành quả đó đối với thế giới cũng chưa phải là một cái gì đó ghê gớm cả.
- Có những khán giả họ mạnh tay chi tiền mua những tấm vé 2-3 triệu đồng để đi xem liveshow của một ngôi sao đang nổi nào đó nhưng có khi, họ lại tiếc tiền với những tấm vé chỉ 200.000 - 500.000 đồng hoặc không quan tâm tới những chương trình biểu diễn nghệ thuật cổ truyền hoặc thính phòng... Chúng ta nên hiểu câu chuyện này ra sao?
+ Vẫn phải trở lại với câu chuyện lúc đầu là giáo dục âm nhạc ở trường phổ thông. Các giáo viên dạy nhạc đã không hoàn thành được tốt công việc của mình, đó là mang âm nhạc đến với các cháu. Họ chỉ mang một phần nhỏ của âm nhạc. Họ dành quá nhiều thời gian để bắt các cháu học môn học mà nó thuộc về kĩ năng của người làm nhạc. Dạy viết nốt nhạc, đọc nốt nhạc là kĩ năng của người học nhạc.
Tôi nghĩ người Việt Nam mình chưa đến giai đoạn đó. Trước khi học kĩ năng, phải yêu thích âm nhạc đã. Đối với trẻ em Việt Nam, việc giới thiệu các loại nhạc, các bài thi trắc nghiệm giúp các em biết đây là nhạc cụ gì, kia là nhạc cụ gì, phong cách âm nhạc gì sẽ hợp lý hơn. Giáo viên dạy nhạc nên biến giờ học nhạc thành một giờ tìm hiểu âm nhạc vừa thú vị, vừa bổ ích.
Tôi còn nhớ thời trước đi học, những giờ học nhạc chán lắm, học sinh chẳng muốn đi học. Giáo viên dạy nhạc ở các trường cũng không được đánh giá cao. Trong quan điểm thông thường của người Việt mình, giáo viên dạy toán, văn, tiếng Anh... mới quan trọng. Nhưng cũng cần phải nói thêm rằng, chính họ đã biến môn học của họ thành một môn học tẻ nhạt và chán ngắt, họ đã không biết khai thác sức mạnh của âm nhạc.
Ở 3 cấp của các nước tiên tiến, trẻ em học nhạc, sau khi học xong cấp 3, trình độ tương đương với trung cấp âm nhạc chuyên nghiệp của Việt Nam mình. Họ cũng học về sáng tác, hòa âm, họ cũng học về nhạc cụ và đủ các thứ nhạc; thậm chí ở một số trường cấp 3, còn có cả dàn hợp xướng trong trường. Sau khi tốt nghiệp, họ giỏi đều, toàn diện.
Với mặt bằng chung của một trường cấp 3 chuẩn như vậy, khi tốt nghiệp, chính họ là một lực lượng khán giả hết sức cao cấp và cái họ đánh giá, là cái mà nghệ sỹ phải quan tâm đến. Đó là một đám đông chất lượng.
Họ chính là người đặt dấu nặng, là người kết thúc việc đánh giá liệu cái đó có hay, có đẹp hay không. Lúc đó, câu chuyện giá vé mà bạn đề cập, sẽ không phải là một cái gì đó đáng bàn nữa, bởi lúc đó họ sẽ có một ứng xử văn minh với những chương trình có hàm lượng tri thức, nghệ thuật cao.
- Anh vừa nhắc đến cụm từ “đám đông chất lượng”. Nhưng thường thì, đã là “đám đông” thì làm gì có chất lượng?
+ Nghệ thuật lúc nào cũng thuộc về đám đông. Nhưng như thế nào là đám đông? Khi nhìn vào đám đông, chúng ta thấy gì? Đám đông có phải là khi chúng ta nhìn trong làng này, anh này có phải người bơi giỏi nhất không, chị kia có phải hát hay nhất không?
Hay trong thành phố này, cô ấy có phải là ngôi sao không, hay nhìn trong đất nước này, anh ấy đã thật sự là xuất sắc nhất chưa? Tôi không muốn nói về đám đông ấy. Ta phải nhìn cái số đông không phải ở trong làng, trong thành phố, trong đất nước này. Nếu nhìn vào thì đó là một đám đông đóng khung, phải nhìn về một đám đông lớn hơn.
Có người hỏi tôi, sao anh không chạy theo số đông? Tôi đang chạy theo số đông đấy. Nhưng là số đông theo quan điểm của tôi, là số đông mà tôi hướng đến, mong muốn hướng đến. Đó là đám đông của nhân loại.
- Xin cảm ơn nhạc sỹ Trần Mạnh Hùng.
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn)