Sự nghiệp âm nhạc của Phạm Tuyên
Nhạc sĩ Phạm Tuyên
Không quá lời nếu nói rằng người Việt Nam nào cũng biết ít nhất một vài câu hát của Phạm Tuyên. Trẻ em hát “Trường của chúng cháu là trường mầm non” - bài hát mà bố mẹ, hoặc ông bà các bé đã hát. Rồi Như có Bác trong ngày đại thắng được hát tập thể (có lần những người yêu bóng đá ra nước ngoài cổ động của Đội tuyển Việt Nam đã hát vang bài này trên khán đài sân vận động ngoại quốc). Rồi dân các vùng miền khắp nơi trên đất nước ta hát bài Phạm Tuyên viết về quê hương của mình…
Sự phổ cập rộng rãi các bài hát của Phạm Tuyên thể hiện thành công nhiều mặt trong sáng tác của ông, cả về số lượng và chất lượng. Phạm Tuyên đã viết hơn bảy trăm ca khúc với nhiều đề tài, nhiều xúc cảm, sử dụng các chất liệu âm nhạc đa dạng, thủ pháp linh hoạt, bút pháp phù hợp giản dị và không hề lặp lại về giai điệu.
***
Nhạc sĩ từng nói: “Ở đâu có niềm vui nỗi buồn, những ước mơ thầm kín hay những khát vọng cháy bỏng, ở đó có âm nhạc”. Những yếu tố này có ở khắp nơi và có thường xuyên trong đời sống con người. Và, ông cũng nói rằng ông viết theo cảm xúc. Bởi vậy, căn cứ vào đề tài các ca khúc của Phạm Tuyên thì cảm xúc âm nhạc của ông thật phong phú. Nó trải rộng trên nhiều mảng đề tài.
Đề tài lịch sử - chính trị
Phạm Tuyên có nhiều bài hát đề tài lịch sử - chính trị được yêu thích.
Viết về Đảng là đề tài khó, rất dễ rơi vào tình trạng khô cứng về cảm xúc âm nhạc, khuôn sáo về ca từ.
Nhưng các bài hát của Phạm Tuyên không thế. Ông đã tìm được những ý thơ hay phù hợp như của nhà thơ cộng sản Pháp Louis Aragon phổ trên nền nhạc tha thiết nhẹ nhàng: “Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng” (câu này cũng là tên của bài hát). "...Trước như tuổi thơ tôi nào biết được. Máu tôi đỏ và tim tôi yêu nước. Tôi chỉ biết là đêm tối mênh mông… Đảng tôi ơi cám ơn Người dạy dỗ. Từ đấy lòng tôi sướng vui, đau khổ và tình yêu căm giận hóa lời ca…” Câu cuối này không chỉ có tính tự sự với nhà thơ mà cả với người nhạc sĩ Việt Nam này.
Rồi từ câu nói của Paul V. Coutourier - chiến sĩ cộng sản Pháp “Chủ nghĩa Cộng sản là mùa xuân của nhân loại” Phạm Tuyên viết bài "Đảng cho ta một mùa xuân" với giai điệu tươi sáng, rộn ràng, với ca từ bay bổng: “…Đảng truyền cho ta một niềm tin ở tương lai. Đảng đã mang về tuổi xuân cho nước non. Thế giới quanh ta hân hoan ngàn tiếng cười…”
"Màu cờ tôi yêu" phổ thơ Diệp Minh Tuyền như âm hưởng của một khúc hát ru thể hiện tình cảm gắn bó với Đảng qua màu cờ - và “màu cờ đỏ ấy là lời tình yêu”.
Ba bài hát về Đảng của ông luôn được các ca sĩ chuyên nghiệp và không chuyên hát trong những dịp lễ long trọng của cách mạng.
Bài "Khi ta có mặt trời chân lý" nhạc sĩ đã khéo léo đưa khổ thơ 4 câu đầu tiên của bài "Từ ấy" rất quen biết của Tố Hữu vào bài hát.
Hai bài "Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng" và "Đảng cho ta một mùa xuân" được xếp vào danh sách 10 bài hát hay nhất về Đảng và về đất nước trong cuộc bình chọn do Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 2000.
Tình cảm với Đảng của nhạc sĩ gắn liền với tình cảm với lãnh tụ. Ông có nhiều bài ca ngợi Chủ tịch Hồ Chí Minh như Từ làng Sen, Việt Bắc nhớ Bác Hồ, Suối Lênin, Ngày thống nhất Bác đi thăm. Và cách mà ông ca ngợi lãnh tụ được ông tâm sự: “Khi viết về Bác Hồ, tôi không viết theo lối ngợi ca một vị lãnh tụ cao siêu, cách xa vời vợi đối với dân chúng mà muốn nói lên những phẩm chất tốt đẹp của dân tộc Việt Nam dã được kết tinh ở Bác”. Vì vậy mà những bài hát này có ý nghĩa hơn việc ca tụng một nhân vật lịch sử và nhờ thế rất gần gũi với người nghe, người hát.
Tình cảm đối với Bác Hồ, sự gắn bó giữa lãnh tụ với dân tộc, với chiến thắng của toàn dân được thể hiện ngắn gọn súc tích trong bài "Như có Bác trong ngày Đại Thắng". Bài hát chí có bốn câu. Hai câu đầu nói đến Bác Hồ - nhắc nhở công lao của Bác, là tiếng reo vui của toàn dân trong chiến thắng nhớ ngay đến vị lãnh đạo kính yêu của mình. Hai câu sau như một sự tóm tắt lịch sử - công lao đóng góp của dân tộc. Và kết bằng một câu như khẩu hiệu “Việt Nam - Hồ Chí Minh” nhắc lại 4 lần - đầy ý nghĩa, đầy tự hào.
Phạm Tuyên viết nhiều ca khúc bám sát kịp thời lịch sử đấu tranh cách mạng của dân tộc. Ông được mệnh danh là “người chép sử bằng âm nhạc”.
Một số ví dụ: thời kháng chiến chống Mỹ, ông viết chương "Miền Nam anh dũng bất khuất" trong tổ khúc hợp xướng 4 chương "Tổ quốc". Bài "Tiếng hát những đêm không ngủ" được viết khi phong trào đấu tranh chống Mỹ của học sinh sinh viên rất sôi động ở miền Nam. Sau này các nhạc sĩ như Trần Long Ẩn, Tôn Thất Lập, Trương Quốc Khánh cho biết bài hát này được coi là ca khúc của phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh và ghi nhận sức cổ vũ của bài hát với tuổi trẻ miền Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ.
Giữa đợt máy bay B52 Mỹ ném bom Thủ đô, Phạm Tuyên viết "Hà Nội - Điện Biên Phủ" trong đêm 27 tháng 12 năm 1972, ngày 29 báo Nhân Dân in ca khúc, ngay cạnh đó có dòng chữ “Hà Nội đang thắng một trận Điện Biên Phủ trên không”. Từ đó xuất hiện tên Trận Điện Biên Phủ trên không để gọi tên chiến thắng đánh B52 Mỹ trên bầu trời Hà Nội. (Bài Như có Bác trong ngày Đại Thắng cũng được Phạm Tuyên sáng tác ngay trong ngày giải phóng miền Nam, hôm sau được phát sóng và ngay lập tức được mọi người hát).
Khi nghe Đài báo tin quân giặc tràn qua biên giới phía Bắc, ngay đêm 17 tháng 2 năm 1979, Phạm tuyên viết ca khúc "Chiến đấu vì độc lập tự do".
Sáng tác kịp thời nhanh nhạy mà không hề là vội vàng, những bài hát ấy của Phạm Tuyên vẫn có sức cuốn hút, cùng với chủ đề - đề tài phù hợp còn là các giai điệu hay nên có sức lan tỏa nhanh.
Cảm xúc sáng tác về con người Việt Nam trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc của Phạm Tuyên rất phong phú. Ông đã có những bài hát được nhiều người hát. "Đêm trên Cha Lo" (viết về bộ đội biên phòng) được đưa vào danh sách Những bài hát hay nhất về Bộ đội biên phòng trong cuộc bình chọn do Bộ Tư lệnh Biên phòng và Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1999. Rồi "Những cánh chim Hồng Gấm" (tấm gương của nữ liệt sĩ miền Nam); "Chiếc gậy Trường Sơn" (thanh niên nông dân miền Bắc đi vào cuộc chiến đấu giải phóng miền Nam) là bài hát nằm trong danh sách mười bài hát hay nhất về Trường Sơn do Binh đoàn Trường Sơn và Đài TNVN tổ chức bình chọn.
Nhân vật trong các ca khúc của Phạm Tuyên còn là những người lao động ở nhiều ngành nghề. "Bám biển quê hương" ca ngợi đất nước và vẻ đẹp mạnh mẽ của những ngư dân chinh phục biển làm giàu cho đất nước. "Những ngôi sao đêm", "Bài ca người thợ mỏ" (đã được lấy làm nhạc hiệu của Đài PT Quảng Ninh) ca ngợi công nhân vùng mỏ than Cẩm Phả hăng hái sản xuất và chiến đấu.
Cảm xúc âm nhạc về nông dân có "Con kênh ta đào", "Những người con gái đồng chiêm".
"Bài ca người thợ rừng" được viết ngay trong chuyến nhạc sĩ đi thực tế ở lâm trường Hương Sơn (Hà Tĩnh) là hình ảnh những công nhân lâm nghiệp chịu gian khổ mà lạc quan: “Rừng ơi! Ta đã về đây. Mang sức của đôi tay lao động khó khăn không quản ngại. Rừng ơi trong tiếng ca hôm nay vang lên cuộc đời sáng tươi trong tương lai”.
"Yêu biết mấy những con đường" là tình cảm dành cho giao thông - vận tải trong chiến tranh những con đường “dạn dày lửa khói nặng tình thương. Đường từ hậu phương trăm mối ra chiến trường. Ngày về chiến thắng qua những con đường”. Từ một ngã tư đường phố là cảm xúc những ngày đầu tiên Hà Nội có đèn tín hiệu giao thông - có hình bóng những người công an trong khi miêu tả cuộc sống sinh động rộn ràng.
Gần như đi bất cứ nơi nào gặp gỡ với con người và thiên nhiên nhạc sĩ đều có xúc cảm gửi vào các bài hát. Có thể kể thêm một số bài hát như Có một nông trường, Chúng tôi về với nhà nông, Như đóa mai trắng (viết sau khi đi thăm bệnh viện Bạch Mai); Lời chào từ sân ga, Trên chiếc xe màu lửa (viết về lính cứu hỏa); Lòng đất mẹ gọi anh (về những người đo đạc địa hình); Trái tim hiến dâng cho tuổi trẻ (ngành giáo dục); Em bé và người đưa thư (ngành bưu điện)… Hầu như ông không bỏ sót đề tài nào về hoạt động của người Việt Nam xây dựng và bảo vệ đất nước.
Ông đã làm tới ba chục ca khúc về các vùng miền, từ Cao Bằng, Hà Giang… trở vào Quảng Bình, Huế, Trường Sa… đến Tây Nguyên, Đắk Lắk, Cần Thơ… và nhiều bài về Hà nội. Trong những bài về Hà Nội, "Hà Nội - Điện Biên Phủ" đã đi vào lịch sử, còn bài "Có một mùa thu Hà Nội" được UBND thành phố Hà Nội tặng bằng khen trong đợt vận động sáng tác kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Một nhạc sĩ giàu cảm xúc sáng tác như vậy không thể thiếu những bản tình ca, ở đó ca ngợi những mối tình đẹp, nhiều khi gắn bó với hiện thực đất nước như "Giá em đừng yêu anh" là lời của chàng trai yêu tha thiết nên thương người yêu phải đợi chờ vì “anh sẽ còn phải đi đến chân trời bão nổi. Bảo vệ cuộc đời mới của Tổ quốc yêu thương!” Rồi những Lá thư dưới gối, Biển và em, Vợ chồng người thợ rừng, v.v… Chắc chắn những gì kể ra đã dài mà vẫn chưa bao hết các đề tài - thực chất là cảm xúc âm nhạc - của Phạm Tuyên.
Nhưng có một khu vực đề tài rất quan trọng, rất nên được nhấn mạnh trong sự nghiệp sáng tác của Phạm Tuyên là âm nhạc dành cho thiếu nhi. Ông viết tới khoảng hai trăm bài cho các lứa tuổi thơ: mẫu giáo, nhi đồng, thiếu niên. Ông đã từng nói: “Tôi dấn thân cho mảng đề tài này”. Sự dấn thân cộng với tài năng đã làm ra nhiều bài hát hay cho trẻ em, những bài hát ru cho những người mẹ. Nhiều bài hát được nhiều thế hệ trong một gia đình hát. Phạm Tuyên viết nhạc cho trẻ em với những nét trong sáng, giản dị, hình tượng âm nhạc và giai điệu đẹp, phù hợp với tâm - sinh lý của các em nên dễ hát, dễ nhớ.
Khởi nguồn sáng tác ca khúc cho thiếu nhi của Phạm Tuyên có thể coi là từ 1950 sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan Lục quân Trần Quốc Tuấn ông được phân công làm đại đội trưởng Trường Thiếu sinh quân Việt Nam. Thương yêu các em nhỏ tuổi xa gia đình lên tận rừng núi, thấy các em thích ca hát mà chỉ có bài hát người lớn (dù rằng các bài ấy hợp với ý chí, lý tưởng của cả các em nữa), Phạm Tuyên đã viết những bài phục vụ cho sinh hoạt tập thể của các em như Em vào thiếu sinh quân, Lớp học rừng,…
Bài hát viết cho thiếu nhi của Phạm Tuyên vừa vui tươi vừa có tính giáo dục khéo léo về nhiều mặt. Có những bài giàu chất lý tưởng và ước mơ tốt đẹp như Tiến lên đoàn viên, Hành khúc đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Tự hào là em các anh, Cánh chim Điện Biên, Hát tiếp bài ca Trường Sơn… Nhiều bài trong nhóm này đã trở thành bài hát truyền thống của Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh.
Có những bài hát về tình bạn, tình đồng đội như "Gặp nhau dưới trời thu Hà Nội" (bài này được bình chọn vào danh sách những bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ XX do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Đài TNVN và Đài THVN tổ chức), "Sơn ca ơi hát lên", "Bài ca gặp mặt", "Mùa xuân tình bạn", "Múa với bạn Tây Nguyên"…
Có những bài truyền cảm hứng về tình yêu đất nước như Hát mừng Tổ quốc, Hoa phượng đỏ…
Có những bài gợi cho các em tình yêu thiên nhiên như Hoa mùa xuân, Trăng ơi từ đâu đến, Về Phong Nha về miền cổ tích; tình yêu gia đình như Gió từ tay mẹ, Tháng tư năm ấy bố về…; tình cảm với thầy cô giáo như Tiễn thầy giáo đi bộ đội, Bàn tay cô giáo…
Có khi đó là bài hát về mong ước giản dị mà thiết thân không phải chỉ với các em: Em muốn quanh em có hòa bình.
Nhạc sĩ không quên giáo dục các em ý thức lao động qua các bài Em ra vườn rau, Em làm trực nhật, Những bàn tay vàng, Bầy chim ngoan…
Viết nhạc cho tuổi thơ Phạm Tuyên có những ca khúc hay về sinh hoạt vui chơi của các em, như Chiếc đèn ông sao, Múa sư tử thật là vui, Hoa loa kèn thổi kèn chiến thắng…
Nhạc sĩ có tấm lòng ưu ái với trẻ khuyết tật bất hạnh nên đã viết những bài như Tiếng hát (thơ Nguyễn Kim Ân), Bạn em (thơ Hữu).
Ông cũng có nhiều bài hát dành cho trẻ em ở các vùng miền khắp đất nước như Thành phố mười mùa hoa (Thành phố Hồ Chí Minh), Hoa đỏ quanh núi Bà Đen (Tây Ninh), Bên sông Bảo Định (Tiền Giang)… Gần như tỉnh nào cũng có bài hát cho thiếu nhi tỉnh đó, nhiều nhất là các bài cho thiếu nhi ở Hà Nội, ví dụ: Hát dưới trời Hà Nội, Ngày hội bên Hồ Gươm, Hoa nhài Tràng An, Ba mươi sáu sợi phố.
Bài "Chú voi con ở Bản Đôn" nhạc sĩ viết khi đến Đắk Lắk không phải chỉ thiếu nhi và dân bản địa hát mà được hát khắp nơi và được dùng làm nhạc hiệu của Đài PT-TH Đắk Lắk.
Phạm Tuyên có những bài hay và dễ hát cho trẻ mẫu giáo, rất nổi tiếng như Trường cháu là trường Mầm Non, Cô và mẹ, Cả tuần đều ngoan, Đêm pháo hoa… Bài "Trường cháu là trường Mầm Non" được ông sáng tác theo yêu cầu của trường Mầm Non (phố Bông Nhuộm, Hà Nội) nơi ông gửi con gái, rồi trở thành bài hát chung của các trường mẫu giáo ở Việt Nam, có trường còn thay “Mầm Non” bằng tên của trường mình như “Hoa Lan, Hoa Mai” hoặc “Hoa Cúc Phường 13”. Hai câu hát “Cô và mẹ là hai cô giáo. Mẹ và cô đây hai mẹ hiền” được một trường ở Cao Bằng viết treo ở phòng họp như hai câu đối.
Nhận thức rằng đồng dao là một kho tàng văn hóa dân gian phong phú và giá trị, phản ánh nhiều mặt của đời sống trẻ em nước ta đến nay vẫn còn nguyên giá trị, đầy đủ ý nghĩa giáo dục mà vui, ông phổ nhạc nhiều khúc đồng dao hấp dẫn trẻ em mà dễ hát, ví dụ: Bà còng đi chợ, Cái Bống là cái Bống bình, Con cò đi đón cơn mưa, Tu hú là chú bồ các…
Ông đã viết nhiều ca cảnh cho thiếu nhi - một loại hình sân khấu tổng hợp, âm nhạc là chủ đạo kết hợp diễn xuất kịch, đọc thơ, nhảy múa, vở diễn không dài. Những tiết mục ca cảnh này vừa giúp các em bộc lộ khả năng, vừa làm hoạt động văn nghệ của trẻ thêm sinh động nên rất được các em chú ý. Có thể kể một vài ví dụ: Con thỏ trắng, Chú voi ngoan…
Người ta gọi Phạm Tuyên là “nhạc sĩ của tuổi thơ” vì ông sáng tác nhiều và rất nhiều bài trong số đó được hát phổ cập, được yêu thích. Vì vậy ông đã được Tổ chức Kỷ lục Việt nam ghi nhận là “Nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc về thiếu nhi được phổ biến rộng rãi nhất” cách đây ba năm. Đến bây giờ khi không còn sáng tác nữa ông vẫn canh cánh một nỗi lo là thiếu nhạc sĩ viết cho tuổi thơ.
Cũng bởi tình yêu con trẻ đó, nhạc sĩ viết nhiều bài hát ru như: Lời ru trên đất lửa, Khúc hát ru của người mẹ trẻ, Dòng sữa mẹ, Câu hát mẹ ru… với giai điệu đượm chất dân ca, với những hình ảnh quen thuộc của cuộc sống bình thường.
Ca từ
Phạm Tuyên có nhiều ca khúc phổ thơ hoặc phỏng thơ. Những bài hát này, ông đã tận dụng ý tưởng, từ ngữ và âm điệu của câu thơ, cùng với giai điệu tạo nên vẻ đẹp, đôi khi bất ngờ.
Ví dụ bài Con kênh ta đào - lời thơ của Bùi Văn Dung. Bên cạnh nét “tả thực” như “mồ hôi muối lưng áo em bạc trắng”, “giọt mồ hôi tròn lăn trên đất long lanh”, tiếp đó vẫn là hình ảnh thực mà hơi bay bổng “Tóc em búi gió vương xòa trên má” rồi, bất ngờ và rất lạ, rất lãng mạn “Trời quê hương rất quen mà rất lạ. Cứ xanh trong thăm thẳm ở trên đầu”.
Gửi nắng cho em - cũng là thơ của Bùi Văn Dung, là một ý rất “siêu thực”, thấm đẫm tình người “muốn gửi cho em một ít nắng vàng. Thương cái rét của thợ cày thợ cấy nên cứ muốn chia đều cho ngoài ấy. Có tình thương tha thiết của trong này”. Rồi là một phát hiện ít người nói đến của cây đào - gắn bó với mùa đông, với Tết của Hà Nội. “Anh hiểu sức vươn của những cành đào, qua giá rét vẫn đỏ hoa ngày tết” để chỉ sức mạnh vượt khó của người phụ nữ.
Màu cờ tình yêu là bài thơ ca ngợi Đảng được viết rất tinh tế của nhà thơ Diệp Minh Tuyền. Vẻ đẹp được miêu tả trong lời thơ - trở thành ca từ của bài hát, là vẻ đẹp dẫn dắt con người “trong đêm tối, lúc mưa sa”, “trong vui sướng, giữa đau thương”… màu cờ đỏ vẫn sáng lòa hồn tôi”, “màu cờ đỏ vẫn thắm màu lòng tôi”, ca ngợi Đảng mà không có từ Đảng, nhưng ai cũng hiểu đúng khi nhạc sĩ tập trung vào thể hiện sức mạnh của màu đỏ - màu cờ có hình búa liềm.
Trong những sáng tác trọn vẹn cả giai điệu và ca từ, ông chọn ngôn ngữ giản dị, dễ thấm vào người nghe. Đôi khi bắt đầu từ một câu miêu tả hình ảnh thực như trong Hà Nội - Điện Biên Phủ: “Bê năm hai tan xác cháy sáng bầu trời” rồi khai triển những ý trừu tượng khi nói đó là “hào khí Thăng Long”, khi gọi những làn đạn - tên lửa phòng không là “Rồng ta lao vút tới vây bắt lũ hung thần”- gắn với truyền thuyết về lịch sử Hà Nội. Truyền thống vẫn hiện diện và gắn bó với con người ngày hôm nay trong dòng đời.
Bài Chiến đấu vì độc lập tự do, tính chân thực và trực tiếp bắt đầu từ tên bài đến những câu hát đầu tiên: “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới. Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu. Quân xâm lược bành trướng dã man. Đã giày xéo mảnh đất tiền phương. Lửa đã cháy và máu đã đổ trên khắp nẻo biên cương”, rồi từ đó ca ngợi giá trị tinh thần vĩnh hằng của dân tộc: “Ôi nước Việt yêu thương. Lịch sử đã trao cho Người một sứ mệnh thiêng liêng. Mang trên mình còn lắm vết thương. Người vẫn hiên ngang ra chiến trường. Vì một lẽ sống cao đẹp cho mọi người: Độc lập - Tự do!”.
Tính uyển chuyển trong cách viết ca từ khá rõ. Thí dụ Bài ca người thợ rừng sự khẳng định chủ đề ca ngợi những người thợ rừng bắt đầu một cách khá mới lạ bằng hai câu hỏi “Ai bảo rừng xanh là quái ác. Ai bảo Trường Sơn là nắng rát?” Rồi tiếp đó mới là lời xác nhận của nhân vật chủ thể. Những câu hỏi ấy ý nghĩa mạnh hơn cả những câu khẳng định.
Trong Chiếc gậy Trường Sơn, nhân vật của bài hát đang trong khí thế trên đường vào Nam chiến đấu giữa cảnh núi rừng hùng vĩ “nơi núi mờ xa mà ta chưa qua”, có câu hát “Trong bước đi nghe tiếng đồng quê. Nghe gió reo bờ tre gốc lúa, nghe tiếng người mến thương vẫn dặn dò” gợi lên đầy xúc động tình cảm và phẩm chất của những người thanh niên nông dân thời chiến.
Đôi khi nhạc sĩ dùng ca từ như một khẩu hiệu ăn ý với giai điệu, như bài Như có Bác trong ngày Đại Thắng. Cả bài chỉ có bốn câu sau đó là câu “khẩu hiệu” “Việt Nam - Hồ Chí Minh” (4 lần) - Hát như hô lên khí thế, thậm chí người ta cứ hát mãi bốn câu này cũng được.
Một vài bài Phạm Tuyên viết ca từ ngắn gọn, mạnh mẽ, đường nét rõ ràng, sử dụng âm nhạc giản dị khiến người ta liên tưởng tới sức mạnh và giá trị của những bức tranh cổ động giúp người nghe nhận thức nhanh và gây ấn tượng mạnh khi yêu cầu thực tế cần phải như vậy.
Viết cho thiếu nhi ông diễn đạt theo cách nói, cách nghĩ của trẻ em, ví dụ: “Ngày mai thầy lên đường đi làm anh bộ đội” - không viết “đi bộ đội” (Tiễn thầy giáo đi bộ đội), “chú voi con ở Bản Đôn chưa có ngà nên còn trẻ con” - không viết “còn trẻ con nên chưa có ngà” theo cách nói luận lý của người lớn (bài Chú voi con ở Bản Đôn).
Âm nhạc
Bút pháp đa dạng và uyển chuyển. Lúc dùng lối tự sự (Đảng đã cho tôi sáng mắt sáng lòng), lúc theo kiểu kể chuyện (Chiếc gậy Trường Sơn, Từ làng Sen, Vợ chồng người thợ rừng), lúc như một lời kêu gọi (Chiến đấu vì độc lập tự do), có lúc có đoạn như một khẩu hiệu (Như có Bác trong ngày Đại Thắng).
Phạm Tuyên dùng chất liệu âm nhạc rất đa dạng, sử dụng thích hợp với đề tài và chủ đề âm nhạc. Trước tiên nên kể đến chất âm nhạc dân gian của các vùng miền.
Viết Việt Bắc nhớ Bác Hồ nhạc sĩ khai thác dân ca Tày - tộc người sinh sống nhiều ở vùng này. Bài Từ làng Sen phảng phất âm hưởng của điệu vè, điệu dân ca Nghệ - Tĩnh. Chiếc gậy Trường Sơn là cách sử dụng khéo léo âm luật của dân ca Bắc Bộ. Đêm Cha Lo, Bám biển quê hương là những bài hát có dấu ấn của dân ca hoặc điệu hò khoan Quảng Bình. Những cánh chim Hồng Gấm, như nhà nghiên cứu âm nhạc Lư Nhất Vũ đánh giá: “Nhạc sĩ Phạm Tuyên vận dụng nhuần nhuyễn điệu thức dân ca Nam Bộ”. Những bài hát ru của ông là âm nhạc đã được tinh chế từ các điệu ru con truyền thống. Những bài viết theo đồng dao khai thác được âm hưởng và nhịp điệu của đồng dao cổ truyền. Chú voi con ở Bản Đôn có hình bóng của dân ca Tây Nguyên. Những bài hát có nhân vật người nước ngoài cũng được nhạc sĩ xác định dấu ấn bằng chất liệu dân ca bản địa. Khúc hát hòa bình cho em bé châu Mỹ thoáng có nét biến tấu âm nhạc của người da đen nước Mỹ, còn Gảy đàn lên hỡi người bạn Mỹ là chất rock rất quen thuộc của âm nhạc đại chúng Mỹ.
Phạm Tuyên sử dụng chất liệu dân gian một cách nhuần nhuyễn, có sự tiết chế đủ để nhận thấy mà không lấp đi dấu ấn của nhạc sĩ - và chính sự khéo léo phối hợp này lại tạo nên một phần tính cách âm nhạc của ông.
Nhịp và tiết tấu được xử lý linh hoạt cho phù hợp với nhạc cảm.
Bình thường Phạm Tuyên hay dùng nhịp 2/4. Nhưng có lúc ông chuyển tiết tấu rất khéo để mở rộng khả năng thể hiện của nhịp 2/4. Cách sử dụng tiết tấu đã tạo nên sự sôi nổi trong Bài ca người thợ rừng ở những câu hát đầu, rồi lại trở về với tính trữ tình êm ả như những lời tâm sự.
Chiếc đèn ông sao viết theo tiếu tấu của nhịp trống múa sư tử, tạo nên không khí rộn ràng của đêm hội rất phù hợp với tính hiếu động của trẻ em. Bài Khi ta có mặt trời chân lý, đến đoạn đưa khổ thơ bốn câu bảy chữ trong bài Từ ấy của Tố Hữu (Từ ấy trong tôi bừng nắng hạ. Mặt trời chân lý chói qua tim. Hồn tôi là một vườn hoa lá. Rất đậm hương và rộn tiếng chim.) nhạc sĩ đã thay đổi tiết tấu cho phù hợp với âm điệu của bốn câu thơ đó và làm cho đoạn nhạc mang chất sôi động, lôi cuốn sau một đoạn nhạc êm ả.
Phạm Tuyên sử dụng nhịp rất linh hoạt, như một thủ pháp thích hợp. Những thành công trong các bài ca ngợi Đảng ngoài việc tìm được ý thơ còn là sự thông minh và độc đáo khi dùng nhịp valse. Valse là điệu nhạc thường dùng để diễn tả tình cảm, nó tạo ấn tượng mềm mại, êm ái, quấn. Việc chọn nhịp 3/8 cho các bài Đảng cho tôi một mùa xuân, Màu cờ tôi yêu, nhịp 3/4 cho bài Tiến lên đoàn viên… làm cho các ca khúc này thấm đượm chất tình cảm, trữ tình, dễ đi vào lòng người. Người biểu diễn còn có thể đung đưa theo nhịp nhạc trong khi hát, hòa nhập với âm nhạc và tránh được sự khô cứng khi thể hiện các bài hát chủ đề chính trị.
Ca khúc của Phạm Tuyên không chỉ lan tỏa rộng trong nước mà có bài còn vượt qua biên giới Việt Nam.
Nhạc sĩ kể lại một hôm ông đang công tác ở CHDC Đức thì có một tiến sĩ người Đức đến tặng ông bài Chiếc đèn ông sao với lời dịch ra tiếng Đức. Những chữ tượng thanh “Tùng dinh dinh” vẫn giữ nguyên. Dịch cho trẻ em Đức hát.
Nhạc sĩ Nhật Bản Ajinomoto đến nước ta nhiều lần để chuẩn bị sáng tác về Việt Nam, ông gặp Phạm Tuyên để xin lấy bài Như có Bác trong ngày Đại Thắng làm giai điệu chủ đề cho Tổ khúc giao hưởng về Việt Nam vì ông thấy khắp nơi mọi người hát bài này và theo ông “bài hát này ca ngợi nước Việt Nam ở thời đại Hồ Chí Minh”. Ban nhạc của Ajinomoto đã biểu diễn ở Hà Nội và Quảng Ninh. Trong các chương trình ấy, nhà soạn nhạc Nhật Bản mời hai ca sỹ Việt Nam hát bài này ở giữa bản nhạc. Cũng có một nữ khách du lịch người Nhật Bản đến Việt Nam, trong một cuộc vui đã hát bài Hoa anh đào và Như có Bác trong ngày Đại Thắng. Tiếng hát những đêm không ngủ được hãng băng đĩa của Đảng Cộng sản Nhật Bản dịch lời ra tiếng Nhật, thu thanh và phổ biến năm 1979. Bài ca người thợ rừng được in trên báo Nhật Bản, đoàn hợp xướng thanh niên Santama (Tokyo) sang thăm Việt nam biểu diễn trên sân khấu Nhà hát Lớn.
Bài Tiếng chuông và ngọn cờ được thiếu nhi nước ngoài như Mêhicô, Chilê… hát dưới hình thức hợp xướng khi đến thăm Việt Nam, v.v…
Với một sự nghiệp âm nhạc phong phú đồ sộ như vậy, Phạm Tuyên là một trong những nhạc sĩ lớn của âm nhạc Việt Nam. Thành quả của ông cho thấy tài năng (bao gồm năng khiếu, cảm xúc, vốn tri thức - văn hóa, cách sử dụng kỹ thuật viết nhạc...), tình yêu lớn lao sâu đậm với âm nhạc và với con người, cùng với đó là cả một quá trình lao động miệt mài, nghiêm túc của nhạc sĩ.