SOLOVIOV-SEDOI: Chim họa mi già như còn ngân nga khúc hát
Soloviov-Sedoi, người nhạc sĩ Nga đã từ lâu được nhiều thế hệ người nghe Việt Nam rất yêu thích từ những bài hát thời chiến tranh vệ quốc Chiều hải cảng, Lên đường, Đàn lên baian của tôi, Chim họa mi, Bạn cùng trung đoàn giờ nơi đâu đến những bài hát thời bình như Chiều Moskva…
Vasili Pavlovich Soloviov sinh ngày 25-4-1907 tại Sankt-Peterburg trong gia đình công nhân. Học nhạc rất sớm, tốt nghiệp trung học ông chơi đàn piano cho rạp chiếu bóng, đài phát thanh địa phương.
Nhưng mãi những năm 1929-1936 Soloviov mới học xong trung cấp và tốt nghiệp Nhạc viện Rymsky Korsakov (Leningrad) với giao hưởng thơ Nữ du kích, tổ khúc piano và một số ca khúc hay.
Vì hơn bạn học hàng chục tuổi lại vào đời sớm, Soloviov được đặt tên Sedoi (Bạc phơ) và nghệ danh “Soloviov-Sedoi” đã gắn bó với đời ông.
Mặc dù có nhiều tác phẩm khí nhạc, opérette, như vũ kịch Taras Bulba diễn ở Nhà hát lớn Kirov - Leningrad…, Soloviov-Sedoi vẫn được xem là nhạc sĩ hàng đầu của ca khúc, tình ca ngắn gọn, dễ thuộc, dễ phổ biến. Soloviov-Sedoi được tặng giải thưởng Stalin (1943 và 1947), giải thưởng Lenin (1959), danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân (1967) và nhiều danh hiệu cao quý khác. Ông là nghệ sĩ nhân dân đích thực khi ca khúc của ông phổ biến hết sức rộng rãi.
Năm 1960, Hội Nhạc sĩ Leningrad xuất bản tuyển tập 100 ca khúc của Soloviov-Sedoi. Chỉ nhìn qua danh mục tác phẩm có thể hình dung Soloviov-Sedoi như một người lính phong trần xông pha trận mạc các nẻo đường chiến tranh, trái tim ông rung động với người lính chiến, phi công, thủy thủ, chiến sĩ xe tăng, cán bộ địa chất, nông trường viên…
Chính vì vậy, khi nghe Chiều hải cảng chúng ta cảm nhận được không khí chia tay cảm động của người lính thủy và người yêu…
Cùng hát nào bạn ơi!
Chiều xuống, chiều dần rơi
Chúng ta sẽ nhổ neo lên đường mai này…
Điệp khúc:
Chào nhé! Thân thiết Cảng mến yêu ơi!
Ngày mai ta sẽ vắng xa rồi
Giờ đến lúc chia phôi
Tàu sẽ hướng biển khơi
Khăn ai lau nước mắt rơi đầy vơi.
Hoặc nếu như Chim họa mi lừng danh của Aliabiev (1787-1851) vui tươi và khoe giọng của loài chim danh ca thì Chim họa mi - nhạc Soloviov-Sedoi, lời thơ Phatianov - là phút giây khắc khoải nhớ quê của người lính đêm mùa hè nghe tiếng chim họa mi hót giữa lúc ngừng tiếng đại bác.
Sau chiến tranh, nhiều cựu binh trở về quê hương nhưng cũng không ít người lưu lạc xứ người. Có lẽ vì thế nhiều người đã bâng khuâng hát Bạn cùng trung đoàn giờ nơi đâu?:
Đêm hè về ánh trăng vàng chiếu khắp thôn làng
Chiến trường không một tiếng súng xa hờn oán
Giờ này anh về đâu
Hỡi người bạn cũ cùng trung đoàn
Đã chiến đấu cùng nhau trên dặm đường xa.
Nếu giờ này bạn hiền còn thiếu một gia đình
Xin bạn đừng ngại ngần về xóm quê tôi.
Miền đồng quê phì nhiêu.
Nông trường lời hát hòa êm đềm.
Có nhiều cô đẹp như tiếng ca ban chiều.
Âm nhạc Soloviov-Sedoi mang đậm chất dân ca Nga với điệu thứ êm đềm trữ tình. Thể loại hai đoạn có điệp khúc được ông ưa sử dụng cả trong bài trữ tình và hành khúc.
Chỉ riêng Chiều Moskva ông gói gọn trong thể một đoạn 3 câu, mà câu 3 nhắc lại câu 2 tạo nên cao trào và cân đối với câu 1 với sơ đồ 7 + 8 + 8:
Chiều thanh vắng là đây
Êm đềm gió rì rào
Và mơn man
Cho đến suốt đêm thâu
Anh có biết chăng rằng
Mối tình yêu nồng thắm
Moskva luôn rực rỡ đẹp sao
Anh có biết chăng rằng
Mối tình yêu nồng thắm
Moskva luôn rực rỡ thế nào?
Nhạc sĩ Soloviov-Sedoi mất ngày 2-12-1979 tại Sankt-Peterburg, hưởng thọ 72 tuổi.
Năm nay kỷ niệm 110 năm ngày sinh của ông, cũng là 38 năm ngày ông ra đi, nhưng bài hát của ông vẫn sống cùng năm tháng như tiếng hót chim họa mi mãi ngân vang.
Bài Chiều Moskva được nhiều nước trình diễn, như: Midnight in Moscow do Kenny Ball and his Jazzmen trình diễn năm 1962, Paul Mauriat phối âm hòa tấu tại Paris năm 1965; Kvällar i Moskvas förstäder do Jan Johansson trình diễn năm 1967; và năm 2013 dàn đồng ca The Boy Choir of Glinka (Nga) có chuyến lưu diễn Mỹ và nhiều nước rất thành công, trong đó có biểu diễn bài ca bất hủ Chiều Moskva của Soloviov-Sedoi.
(Nguồn: http://honvietquochoc.com.vn)