Phỏng vấn Giáo sư Trần Văn Khê về giá trị của Tết xưa
Trong bối cảnh hội nhập, tiếp biến văn hóa hiện nay, cuộc sống ngày càng đi lên theo chiều hướng hiện đại, nhu cầu tinh thần của con người cũng ngày càng phong phú, đa dạng, tuy nhiên, việc gìn giữ và lưu truyền những phong tục tốt đẹp thể hiện tinh thần dân tộc của người Việt Nam, vẫn là việc làm cần thiết, nhất là với thế hệ trẻ. Đặc biệt, những phong tục được thể hiện rõ rệt nhất ở những ngày Tết, từ lúc đưa ông Táo về trời đến khi hạ nêu để kết thúc một dịp hội hè. Nhân dịp năm hết tết đến, PV VN có buổi gặp gỡ, trò chuyện với Giáo sư Trần Văn Khê về những giá trị truyền thống của Tết Việt xưa.
P.V: Thưa Giáo sư (GS), tại sao người Việt mình lại nói “ăn Tết” chứ không phải là “mừng Tết”.
GS Trần Văn Khê: Chữ “Tết” do chữ “Tiết” mà thành, “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu và “Đán” là buổi sáng sớm.
Đối với người Việt “ăn” không phải chỉ là đem những món dinh dưỡng cho cơ thể bằng những động tác nhai, nuốt… mà còn được xem như một nét sinh hoạt quan trọng nhứt trong đời sống: “Dĩ thực như thiên” (coi việc ăn uống như trời), trong dân gian cũng thường nói “Có thực mới vực được đạo”.
Chúng ta bắt đầu dạy cho trẻ mới lớn là dạy cho bé biết “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Xem qua các truyền thuyết trong thời kỳ tiền sử, chúng ta cũng thấy cái ăn là quan trọng. Khi vua Hùng muốn truyền ngôi lại cho con, thì bảo rằng ai tìm được món ăn ngon nhứt sẽ được nhường ngôi. Rốt cuộc, người con tìm ra món “bánh chưng – bánh dầy” được cha truyền ngôi báu. Trong huyền thoại “Thánh Gióng”, một đứa trẻ 3 tuổi, khi ăn mấy chảo cơm đã vươn mình to lớn và đánh đuổi giặc Ân. Trong ca dao, tục ngữ cũng có rất nhiều câu nói về “ăn”.
Người Việt làm lụng suốt cả năm chỉ mong no đủ ba ngày Tết. Ngày Tết chỉ có ăn thôi mà không làm nữa. Và ta có những món ăn rất đặc biệt và đa dạng trong ngày Tết. Từ thực tế đó, ta có thể hiểu được vì sao người Việt mình không nói “mừng Tết” mà thường nói “ăn Tết”.
P.V: Nếu xét về phong tục thì tết VN và TQ có gì khác không thưa thầy?
GS Trần Văn Khê: Về phong tục, hai bên đều giống nhau. Nhưng với Việt Nam chúng ta là “mồng một Tết Cha, mồng 2 Tết Mẹ, mồng ba Tết Thầy”. Cái Tết là ngày để mình nghỉ ngơi, thư giãn, biết ơn, biết nghĩa, rồi thì giải trí chơi đùa 2-3 ngày. Trung Quốc thì không làm y như mình nhưng Tết cũng là dịp để cho người ta gặp gỡ nhau. Thành ra cũng múa lân, múa rồng rồi cũng nghỉ chơi, hoặc cũng đánh cờ, đánh bầu cua cá cọp, đánh tam hường…
P.V: Vậy thì, thưa thầy giá trị nào của Tết Việt là quan trọng nhất ?
GS Trần Văn Khê: Tết là lễ kỷ niệm, trong đó có ba chuyện quan trọng. Thứ nhất là nhớ về cội nguồn, vì vậy, Tết phải rước ông bà về, nhắc cho con cháu trong nhà nhớ lại ông tổ mình là ai, để biết cội biết nguồn. Thứ nhì, phải nhớ tới ơn thầy dạy mình là ai, thầy thuốc là ai, cha mẹ sanh thành là ai. Cái Tết là để báo ân. Mình nhớ lại cội nguồn, nhớ lại những cái gì mình mang ơn và trả ơn. Đó là một phong tục rất tốt. Ngoài ra, còn có những phong tục khác như trong 2 -3 ngày Tết mình chế ngự những cái xấu của bản thân: miệng không nói tiếng xấu, người chủ nợ không đòi nợ, cha mẹ không mắng con, chửi con, láng giềng gặp nhau là cười chớ không gây gổ. Tất cả những cái đó, là những nét phong tục hết sức tốt.
P.V: Nếu nhà nước ta lấy Tết làm một sản phẩm văn hóa để giới thiệu ra nước ngoài thì Tết Việt Nam có cái đặc sắc để giới thiệu không, thưa thầy?
GS Trần Văn Khê: Theo thầy, Tết đâu phải là sản phẩm văn hóa. Tết chỉ là lễ đầu năm. Nước nào cũng có cái đầu năm của nó. Tuy nhiên, Tết mình có nét đặc sắc riêng, như thầy đã nói, Tết là biết nguồn cội, biết ơn, biết nghĩa, làm cho cái cơ thể mình được khỏe khoắn, không ăn bậy, làm những món ăn, có thể nói là, để được lâu, như ở trong Nam là thịt kho nước dừa ăn với dưa giá, còn ở ngoài Bắc thì là thịt đông với dưa hành, thịt mỡ, bánh chưng, trong Nam còn là bánh tét. Rồi thì gói nem, lạp xưởng, những món để ngày Tết khỏi phải làm bếp như ngày thường. Trước đây, tùy thời tiết mà các món ăn để được lâu hay chỉ được vài ngày. Bây giờ có tủ lạnh thì để mấy ngày cũng được. Tết cũng là một chặng “dừng chân” nghỉ ngơi, vui chơi, sau một năm dài quần quật với mưu sinh… Vậy thội.
P.V: Đối với những phong tục Tết đã mất, thầy có cảm thấy tiếc nuối không?
GS Trần Văn Khê: Tiếc lắm chứ, vì đó là những cái tốt, mất đi rồi thì trẻ con sau này đến ngày Tết sẽ không biết ông cha mình, tổ tiên mình là ai. Thanh niên thì chơi như Tây vậy, cũng khui sâm banh, đi nhảy đầm, mấy ngày Tết chỉ đi chơi vậy thôi. Tết cũng như một dịp nghỉ lấy hơi, không còn chuyện cám ơn thầy, cám ơn cô, không có những sinh hoạt văn hóa, trọng vật chất nhiều hơn tinh thần. Ăn uống, vui chơi, nhảy đầm, ôm… đó là phong tục của Phương Tây, mà giờ mình bỏ cái của mình đi để bắt chước, là một chuyện hết sức sai lầm. Đó là mình bỏ cái tốt mà lấy cái không tốt.
Cũng có những cái mà mình bỏ cũng không sao. Ví dụ như cây nêu, sau khi đưa ông Táo về trời, nhà không có ai giữ, thì dựng cây nêu lên cho ma quỷ đừng tới. Bây giờ mình không tin có ma quỷ thì cây nêu cũng không cần dựng nữa. Rồi đốt pháo, ngày xưa là một tục lệ làm cho ma quỷ sợ và cũng tạo niềm vui vì tiếng pháo nghe giòn tan. Sau này, người ta thấy nó hại môi trường, tốn hao. Nếu bỏ đốt pháo cũng không hại gì, chỉ là mất vui chút thôi.
Nhưng việc nhớ đến tổ tiên, biết ơn, biết nghĩa, chế ngự, cho tật xấu của mình không biểu hiện vào ngày Tết để làm đẹp lòng người khác, mang niềm vui cho người khác chứ không gây hiềm khích, hận thù… Đó là những phong tục cần phải giữ gìn, đừng để mất đi.
P.V: Phong tục Tết nào trong gia đình mà thầy nhớ nhất?
GS Trần Văn Khê: Gia đình thầy là gia đình nhạc sĩ ở Đông Hòa, Vĩnh Kim, Tiền Giang. Thành ra, ngày mồng hai Tết là ngày hội họp ông bà con cháu trong gia đình biết đờn. Sáng dậy, sau khi cúng ông bà xong rồi thì ngồi đờn, người lớn trong nhà đờn một số bản, nếu trẻ con đứa nào đờn giỏi có thể hòa đờn cùng. Khi đờn như vậy không chỉ có gia đình nghe, làng xóm nghe mà đôi khi còn có người ở nơi khác tới để nghe, ai cũng thích nghe hòa nhạc theo đúng phong cách đờn ca tài tử. Thầy vẫn còn nhớ tới bây giờ, nghĩ lại mà tiếc quá. Bây giờ không còn ai hòa đờn hết, tản lạc hết. Sinh hoạt của người ta cũng khác, Tết nhất đâu có ai ở không mà ngồi nghe nhạc, uống trà rồi ăn mứt khơi khơi. Nhưng đối với thầy, đó là một phong tục rất tốt mà tới bây giờ lâu lâu thầy vẫn còn nhớ, tiếc.
P.V: Vậy theo như thầy, lớp trẻ hiện nay vẫn còn có thể giữ được những phong tục Tết xưa không?
GS Trần Văn Khê: Cái đó là tùy theo gia đình. Đâu phải tự lớp trẻ muốn giữ mà giữ được. Lớp trẻ đâu có biết ông bà, tổ tiên là gì nếu như cha mẹ không nói cho các cháu nghe. Các cháu chỉ biết có ba mẹ sanh ra mình là đủ rồi. Mà bây giờ nếp sống trong gia đình hết sức lạc lõng, nếp sống trong trường học cũng lạc lõng, nếp sống trong xã hội lại càng lạc lõng. Cho nên văn hóa ứng xử của con người ở nước ta bây giờ đang xuống cấp lắm. Trong gia đình có mấy chuyện đơn giản, gọi dạ bảo vâng, đi thưa về trình, kính trên nhường dưới, mà cũng không làm được. Cha mẹ kêu, con dạ thưa, thì… mắc cỡ, coi đi thưa về trình là bị lệ thuộc.
Rồi cha mẹ cũng vậy, chỉ lo vật chất mà ít để ý về cách ứng xử, văn hóa của con cái. Cha mẹ bỏ mất bổn phận của mình, và nghĩ mình làm vậy là tiến bộ, là tôn trọng sự độc lập, tự do của con cái. Đó là đánh mất phận sự của cha mẹ đối với con cái. Rồi trong trường học, chương trình học dạy biết nói, biết viết, biết làm toán, nhưng không dạy biết ứng xử, không dạy biết luân lý, không dạy biết văn hóa… Vì vậy lớp trẻ có nhớ tới nguồn cội, nhớ tới những phong tục truyền thống của ông bà không là trách nhiệm của cả gia đình, nhà trường và xã hội…
P.V: Xin cám ơn thầy và kính chúc thầy năm mới luôn vui và mạnh khỏe.
(Nguồn: http://www.tranvankhe.vn)