“Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”

10/07/2013

“Ôi nhớ nhung hoài vạt áo xanh”(1)

Hôm nay tròn 18 năm ngày giỗ nhạc sĩ Văn Cao (10/7/1995-10/7/2013), hoinhacsi xin giới thiệu vài dòng cảm nghĩ của một người yêu nhạc sinh năm 1987 – một đại diện thế hệ 8X có tuổi thơ lớn lên cùng những giai điệu bài hát của nhạc sĩ Văn Cao.

1994, năm đó mừng thọ ông mình 70 tuổi. Tại một nhà hàng nhỏ trên gác hai gần ga Hàng Cỏ, lần đầu tiên mình gặp bà Thúy Băng. Bấy giờ mình còn nhỏ lắm lắm và những điều mình biết về Văn Cao chỉ là một ca khúc của ông - "Làng tôi" (1947), vẫn thường lặp đi lặp lại mỗi khi tập đàn và học xướng âm. Không thể nhớ tối đó đã nói những chuyện gì, chỉ là cả bữa ăn ngồi trong lòng phu nhân nhạc sĩ Văn Cao.

1 năm sau nghe tin Văn Cao mất.
Lúc đó mình đã thuộc "Làng tôi" (1947), "Ngày mùa" (1948), "Tiến về Hà Nội" (1949), "Sông Lô" (1947)...

1997, mình bắt đầu tập hát "Trương Chi" (1943), "Thiên Thai" (1943), bởi vì tìm thấy ở hai ca khúc đó những tâm sự của các nhân vật mình yêu thích trong mấy truyện cổ tích, trích từ bộ "Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam" (Nguyễn Đổng Chi). Trẻ con tất nhiên chẳng biết cô đơn là gì, lấy đâu ra mà chia sẻ được nỗi niềm của người thiếu phụ:

Em ngồi đan áo
Lòng buồn vương vấn
Em thương nhớ chàng
Người ơi, còn biết em nhớ mong?

("Buồn tàn thu" - 1939)

Văn Cao sinh năm 1923, 16 tuổi viết "Buồn tàn thu". 11 năm kể từ lúc tập hát ca khúc này, mình vẫn không thể nào hiểu được từ đâu mà chàng thiếu niên Văn Cao có thể cầm bút viết nên?!!

Những năm tháng đó có một giai điệu trở thành quen thuộc. Thật ra bấy giờ trong băng đĩa ở Hà Nội chủ yếu vẫn hát ca từ của "Đàn chim Việt". Chỉ đến khi ở nhà có internet, tức là 2001 mình mới được biết đến một phần lời hoàn toàn khác, tiền thân của "Đàn chim Việt", tức là ca khúc "Bến Xuân" (1942). Chương trình "70 năm tình ca trong tân nhạc Việt Nam" trên sóng phát thanh đài SBS Úc Châu do Hoài Nam biên soạn có đoạn rằng:

"... Mùa xuân năm 1947 nàng tái ngộ Văn Cao ở Việt Trì. Trong lần hạnh ngộ ấy, theo lời yêu cầu của một người trong nhóm nghệ sĩ hiện diện, chàng du ca Phạm Duy đã ôm đàn hát lại bản "Bến Xuân". "Bến Xuân" của ngày nào chứ không phải "Bến Xuân" của thời kháng chiến, khi mà với một dụng ý nào đó người ta đã đổi tựa thành "Đàn chim Việt", đặt ra những lời ca mới như "Thái Nguyên tung hoành" thay cho "giấc mơ ven đồi", "Bắc Sơn kia thời tung cánh" thay cho "thấy chim ghen lời âu yếm" của "Bến Xuân" xưa...".

Cũng phải nói thật là, cho đến hôm nay đó vẫn là ca khúc Văn Cao mà mình không đủ can đảm để cất tiếng hát, chẳng rõ vì sao nữa?


*Ảnh: Văn Cao qua ngòi bút kí họa của Trịnh Công Sơn (1988)

Nghe Bến xuân do Ánh Tuyết trình bày: 

(1) Tiêu đề trích từ bài thơ "Một đêm đàn lạnh trên sông Huế" của Văn Cao, bài thơ được viết vào khoảng năm 1940, trong chuyến vào Nam của Văn Cao

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...