Ở ta cái gì cũng đắt, trừ… nhạc giao hưởng!
Trở lại với chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi” do báo Vietnamnet tổ chức (diễn ra thường niên vào chiều 2.9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội), sau 3 năm vắng bóng, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng đã quyết định phối mới lại gần như toàn bộ các ca khúc có trong chương trình. Một cố gắng, theo Trần Mạnh Hùng, là để “hoàn thiện nốt những phần việc dang dở trước đây” của tác giả các ca khúc vượt thời gian.
“Chưa năm nào hứng khởi như năm nay”
- Từng gắn bó nhiều năm với “Điều còn mãi”, vì sao lần này anh lại quyết phối khí mới gần như toàn bộ các ca khúc có trong chương trình?
- Thật ra thì nhiều tác phẩm được biểu diễn trong các chương trình hòa nhạc “Điều còn mãi” trước đây cũng đều là bản phối mới của tôi từng thực hiện ở cuộc này hay cuộc khác, nhưng ở mức mới tinh 100% thì đúng là chỉ có ở cuộc này. Vì trong những lần mà tôi tham dự, phải nói đây là lần đầu tiên “Điều còn mãi” có được thời gian chuẩn bị kỹ càng và công phu đến vậy. Nếu như có năm, thời gian chuẩn bị cập rập đến nỗi sát giờ diễn 2 - 3 ngày mới xong kịp bản phối cuối thì lần này, toàn bộ 8 ca khúc do tôi đảm nhiệm phần phối khí đã xong từ trước đó nửa tháng. Trung bình mỗi ca khúc tôi có chừng 3 ngày để chăm chút bản phối mới nên cảm xúc cũng chín muồi hơn và làm việc với tinh thần hứng khởi hơn.
- Hồng Vy - vợ anh là một trong 3 ca sĩ lần đầu tiên được mời tham gia “Điều còn mãi”. Bản phối cho “người nhà” có vì thế mà được chăm chút hơn không?
- Trong chương trình, Hồng Vy sẽ trình diễn ca khúc “Cảm xúc Tháng Mười” (Nguyễn Thành và Tạ Hữu Yên). Điều mà tôi muốn chăm chút ở đây là làm sao phải vẽ nên một Hà Nội thật tinh tế và hào hoa trong một ngày tháng 10 lịch sử, nhưng sẽ thiên về Hà Nội hiện đại hơn là một Hà Nội cổ kính, trong những ca từ và giai điệu giàu âm vang ấy: “Không thể nói trời không trong hơn/ Và mắt em xanh khác ngày thường. Khi đoàn quân kéo về mùa thu ấy/ Nhịp trống rung ba mươi sáu phố phường”. Với tôi, cảm xúc trước tác phẩm mới là điều quan trọng nhất!
“Bản phối đắt nhất là giữ được hồn cốt tác phẩm”
- Chủ nhân của rất nhiều giải thưởng thường niên từ Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là những cách tân mạnh dạn: Pha jazz với chèo, trộn giao hưởng, nhạc nhẹ và nhạc dân tộc…, liệu sẽ đưa ra những phép pha trộn đáng kể nào cho “Điều còn mãi” 2016?
- Như đã thấy, không phải ca khúc nào trong “Điều còn mãi” cũng đều thuộc dòng nhạc thính phòng, thế nên tự nó cũng đã đòi hỏi một sự pha trộn trong khi chuyển soạn, để có thể hát được cùng dàn nhạc giao hưởng. Chẳng hạn như ca khúc “Hồ trên núi” do Tùng Dương thể hiện, bản thân sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương đã là ca khúc mang âm hưởng dân gian, Tùng Dương là ca sĩ nhạc nhẹ và ở đây là trình diễn cùng dàn nhạc giao hưởng. Thế nên, đòi hỏi tôi vừa phải xác lập nên một không gian hòa âm mang phong thái lịch lãm của thính phòng, lại vừa phải đặt trên nền những giai điệu gần gũi với âm nhạc dân gian, nhưng một mặt vẫn phải mang hơi thở, tiết tấu của nhạc nhẹ… Hay như ca khúc kết thúc chương trình: “Đất nước trọn niềm vui” (Hoàng Hà), với nhiều người hát, cũng là bài toán khó đối với tôi khi phải tính toán sao cho phù hợp với từng người lĩnh xướng…
- Phối mới các ca khúc đã ăn sâu vào trong tiềm thức người nghe nhạc là việc làm khá mạo hiểm. Vì sao anh không chọn cho mình lối đi an toàn hơn?
- Thật ra tôi không gọi đó là làm mới. Mà chỉ là hoàn thiện nốt những phần việc mà các nhạc sĩ sáng tác trước đây còn làm dở, do chưa có đủ điều kiện để hoàn thiện nó: Phải làm nhanh, để phục vụ chính trị; hoặc các điều kiện kỹ thuật có tính bổ trợ như phối khí, thu âm… của mấy chục năm về trước cũng chưa được chuyên nghiệp như sau này. Nhưng bù lại, các ca khúc tiền chiến hay cách mạng lại thường mang một hồn cốt rất đẹp, nên điều quan trọng nhất là phải cố giữ cho được cái hồn cốt ấy. Điều tôi mong muốn là làm sao để khi ca khúc ấy vang lên, nó phải chính là nó nhất, đúng như nó đã từng ăn vào tâm trí người nghe, thì đó mới là bản phối đắt nhất. Muốn làm gì thì làm, cũng phải cố mà giữ cho được cái hồn đó, vì có thế, những ca khúc đó mới sống được đến tận hôm nay…
- 4 năm sau quyết định “Nam tiến” vì “người nghèo thì nên vào Sài Gòn, nơi nhà rẻ hơn, đất rộng hơn…” - như anh từng nói vui, liệu anh đã… bớt nghèo?
- Theo cách hiểu thông thường thì chắc tôi vẫn là một người nghèo, như nhiều nhạc sĩ theo đuổi dòng nhạc này ở ta. Vì Việt Nam cái gì cũng đắt, trừ… nhạc giao hưởng (cười). Nhưng một mặt, tôi vẫn cho là mình không nghèo, khi luôn được sống hết mình với cái nghề mà mình yêu thích. Nếu phải lựa chọn ngược lại, thì đó sẽ không phải là ý nghĩa cuộc sống của tôi.
- Xin cảm ơn anh!
Chương trình hòa nhạc quốc gia “Điều còn mãi 2016” do báo Vietnamnet tổ chức hiện đã bước sang năm thứ 7. Năm nay, như thường lệ, chương trình sẽ diễn ra lúc 14h, ngày Quốc khánh 2.9 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, được truyền hình trực tiếp trên VTV3. Sau bản Quốc ca quen thuộc, chương trình dự kiến sẽ được mở màn bằng tác phẩm “Chào mừng” (Trọng Bằng) – từng được công diễn năm 1986, nhân kỷ niệm 10 năm đất nước thống nhất, và sau đó là các ca khúc vượt thời gian: Người là niềm tin tất thắng, Cảm xúc tháng Mười, Tình ca Tây Bắc, Quảng Bình quê ta ơi, Đất nước trọn niềm vui… , với sự tham gia của các ca sĩ: Đăng Dương, Tùng Dương, Hồng Vy, Lê Anh Dũng, Thành Lê. Chỉ huy dàn nhạc: Nhạc trưởng Lê Phi Phi.
|
Theo Đại biểu nhân dân