Những chàng Cole, Lennon và Bach không ai biết

23/02/2021
Tác giả: Hiền Trang

"Người bạn tuyệt vời nhất mà một ca khúc có thể có được", đó là lời bình của người dẫn chương trình khi Nat King Cole xuất hiện trên sóng truyền hình và hát ca khúc When I fall in love (Khi tôi sa vào tình yêu).

Ít tháng sau, Nat King Cole qua đời vì bạo bệnh. Ngày đưa tiễn ông, hàng ngàn người đứng bên ngoài than khóc. Trong số những người khiêng quan tài của ông, có Frank Sinatra, có Robert F. Kennedy - vị chính trị gia lẫy lừng và là người em trai của John F. Kennedy. Trên Wikipedia, có hẳn một đoạn chi tiết nói về những ngày cuối đời và cái chết bất ngờ của Nat ở tuổi 45.  

Còn vào những ngày cuối tháng Sáu năm nay, Freddy Cole qua đời trong lặng lẽ. Một số tờ báo đưa tin, nhưng không nhiều, và tin tức lọt thỏm trong trùm tin về COVID-19, về phong trào chống phân biệt chủng tộc, về tranh cử tổng thống. Trên Wikipedia, phần về cái chết của Freddy cũng chỉ vỏn vẹn mấy từ: Freddy Cole mất ngày 27 tháng 6 năm 2020, thọ 88 tuổi.

Freddy Cole là em trai của Nat King Cole. Cũng như Nat King Cole, Freddy là một nghệ sĩ jazz. Nhưng không như anh trai, ông không nổi tiếng đến thế, lại càng không phải một huyền thoại, dù ông đã chơi nhạc suốt 6 thập niên. Ông tự gọi mình là The Cole nobody knows (Chàng Cole không ai biết), cái tên ấy theo ông từ tên album đến cả bộ phim tài liệu ngắn về âm nhạc của ông, trong khi gọi anh trai mình là The Cole everybody knows (Chàng Cole ai cũng biết).

Bạn gần như khó có thể kiếm được thông tin nào cụ thể về cuộc đời và sự nghiệp của Freddy. Ngay cả khi ông trả lời phỏng vấn, hầu hết các câu hỏi cũng xoay quanh người anh trai vĩ đại của ông - người nghệ sĩ của những bản tình ca bất hủ.

Tôi bắt đầu nghe Freddy Cole không bao lâu trước, một cách tình cờ, qua một album ông dùng để tri ân người anh. Ông hát Mona Lisa chậm rãi hơn và ít sống động hơn Nat King Cole, nhưng vô cùng bí ẩn, cách nhấn nhá nhẹ nhàng như nụ cười phớt trên môi người đàn bà trong bức chân dung nổi tiếng. Với It’s only a paper moon (Đó chỉ là mặt trăng giấy), ông tiếp tục hát với sự thư giãn nhiều hơn Nat, và "sự thư giãn" - đó chẳng phải là một trong những phẩm chất mà vì nó người ta mê say Nat?

Rồi tôi nghe nhiều hơn các album của Freddy Cole, những album ông hát các ca khúc của riêng mình, và một câu hỏi xuất hiện trong đầu tôi và mãi lửng lơ ở đó: Tại sao Freddy Cole không nổi tiếng? Tại sao Nat King Cole có thể nổi tiếng đến thế, nhưng Freddy Cole thì không? Âm nhạc của Freddy Cole hoàn toàn không đòi hỏi thời gian để thẩm thấu, nó ngon như rượu vang, ngon ngay từ ngụm đầu và càng uống càng thấy ngon hơn.

Hai chàng Cole: Nat King Cole (bên trái) và Freddy Cole, một người ai cũng biết và một người không ai biết.

Tôi mãi đến bây giờ không thể giải đáp câu hỏi ấy, cho đến khi xem A star is born phiên bản rất thành công của Bradley Cooper và Lady Gaga năm 2018, và trong phim có một nhân vật đã nói thế này: "Thật ra thì vào những năm 20, 30, tôi là một nam danh ca. Mà thực tế thì, rất nhiều người nghĩ là tôi còn hay hơn Frank Sinatra nữa". 

Cũng có thể anh ta bốc phét, nhưng cũng có thể anh ta đã thật sự hay hơn Sinatra. Nói cho cùng, người ta có thể hát hay hơn Sinatra nhưng Sinatra thì chỉ có một. Không phải tất cả những người nổi tiếng nhất đã chắc là những người giỏi nhất. Nói ra điều này không phải để hạ thấp Nat King Cole hay Frank Sinatra. 

Họ là những thiên tài đại diện cho cái thời mà âm nhạc lãng mạn nhất, sang trọng nhất, bay bổng nhất. Nhưng tài năng không phải tất cả. Và lí do mà Freddy Cole không bao giờ có thể như anh trai mình: không phải vì ông kém cỏi hơn, mà vì danh tiếng là vấn đề số phận.

Cuộc đời rất công bằng. Freddy không được phú cho sự nổi tiếng như Nat. Nhưng điều mà ông được tận hưởng trong khi Nat thì không, đó là tuổi già. Năm 2018, khi đã 86 tuổi, Freddy vẫn ra album mới, My mood is you (Tâm trạng của anh chính là em), tiếng hát và ngón đàn piano vẫn mê hoặc. 

Trong album này có bài Almost in love (Gần như là yêu), cái hay là hồi còn sống Nat King Cole cũng hát một bài tên là Almost like being in love (Gần như là đang yêu). Và khi nghe hai bản, trong khi Almost like being in love của Nat King Cole sáng rực chói chang thì Almost in love của Freddy Cole lắng đọng gần như vĩnh cửu. Có lẽ cũng rất giống cuộc đời từng người họ.

Sử gia âm nhạc Will Friedwald mô tả giọng hát của Nat King Cole như bóng đèn sợi đốt. Bạn chạm vào ông và mọi thứ sáng bừng. Hãy thử nghe album Those lazy hazy crazy days of summer (Những ngày hè lười biếng chếnh choáng điên cuồng), và dù nơi bạn sống có đang là mùa đông thì bạn cũng cảm tưởng như mùa hè đang ùa vào phòng mình. 

Cuộc đời Nat cũng vậy, một cuộc đời ngắn nhưng đoạn nào cũng chói sáng. Freddy thì khác, âm nhạc của ông êm ái như một buổi chạng vạng, và cuộc đời ông cứ thế cứ thế bình lặng trôi qua. Một số người sống như thiêu thân, sống mãnh liệt và chết mãnh liệt, như Nat King Cole. Một số sống lâu để được làm những gì mình thích, như Freddy Cole. Không cần sự ghi nhận, vì bản thân việc sống đến tuổi ấy mà vẫn làm chừng ấy thứ đã là một sự ghi nhận của thời gian.

Câu chuyện của Freddy Cole đôi khi khiến tôi nghĩ đến Sean Lennon, cậu con trai của John Lennon và Yoko Ono. Dù trường hợp của Sean rất khác. Freddy có những tài năng mà tôi cho là không thua gì Nat, còn Sean, dù xét theo khía cạnh nào anh cũng khó mà sánh được với cha anh, một kẻ mộng mơ vĩ đại, một tinh thần nổi loạn bất khuất, một nhạc sĩ liên tục phá vỡ những giới hạn của âm nhạc đại chúng.

Chân dung Bach cha (trong khung tranh) và Bach con.

Nói về mình, Sean thật thà cho hay: "người ta chỉ nhìn tôi như thằng con hư hỏng chẩy thây của John và Yoko". Cũng như Freddy Cole mãi mãi là chàng Cole không ai biết, thì Sean Lennon cũng chỉ là chàng Lennon không ai quan tâm. Một trong những dự án được để ý nhất của anh có lẽ là khi anh cộng tác cùng nữ ca sĩ đang lên Lana Del Rey trong ca khúc Tomorrow never came (Ngày mai không bao giờ đến), mà như một sự trêu ngươi của số phận, cái tên bài hát na ná Tomorrow never knows (Ngày mai không bao giờ biết), một trong những sáng tác quan trọng nhất trong sự nghiệp của John Lennon nói riêng và The Beatles nói chung.

Ngay trong những giờ phút nổi bật nhất của mình, Sean cũng dường như không vượt qua được cái bóng của người cha huyền thoại. Rất nhiều những người con của các thành viên Beatles đều ca hát, nhưng họ đều không quá thành công. Người ta chỉ nhớ đến Dhani Harrison qua các dự án tưởng niệm cha anh, tay guitar George Harrison. Zak Starkey cũng là một tay trống như cha mình, Ringo Starr và anh cũng từng chơi cho những ban nổi tiếng như The Who, Oasis, nhưng đều là khi họ đã qua thời đỉnh cao cả rồi. 

Con trai của Ngài Paul McCartney cũng là một nhạc sĩ, nhưng sản phẩm tiêu biểu nhất của anh có lẽ là khi anh được cộng tác cùng cha anh. Giả sử như họ theo một con đường khác hẳn, có lẽ họ đã "thành công", như nhà thiết kế thời trang Stella McCartney đã hoàn toàn vượt thoát khỏi cái bóng của cha mình. Song, sự thành công không có một thước đo chung.

"Tôi sẽ nói rằng, lí do duy nhất khiến tôi thích thú âm nhạc là vì cha mẹ mình", Sean Lennon nói. Thay vì phủ nhận sự ảnh hưởng của cha mẹ để tìm một chỗ đứng riêng, một cá tính riêng, anh thẳng thắn thừa nhận vì cha mẹ mà anh yêu âm nhạc. Câu trả lời ấy hết sức dũng cảm. Với Freddy Cole cũng thế, ông không đổi tên, không tách hẳn ra khỏi Nat King Cole, ông vẫn ca ngợi người anh của mình, tri ân người anh của mình, và bằng cách ấy, tự ông đã khiến cho người ta có ấn tượng rằng ông chỉ là cậu em của Nat.

Nhưng sự đánh giá của dư luận có quan trọng không, một khi họ đã được sống với giấc mơ đời mình? Đâu phải ai sinh ra cũng để đi vào lịch sử.

Như Bach chẳng hạn. Ngày hôm nay, nhắc tới Bach, tất cả mọi người đều nghĩ đến Johann Sebastian Bach. Nhưng Bach còn có một cậu con trai, một người mà lúc sinh thời cũng vô cùng nổi tiếng, nổi tiếng ngang ngửa cha: Carl Philipp Emmanuel Bach. Thậm khoảng cuối thế kỷ 18, khi nhắc tới Bach là nhắc tới Carl chứ không phải Johann. 

Cả Haydn lẫn Beethoven đều ngưỡng mộ Bach con với những sáng tạo vô song, đầy bất ngờ và đầy tự do. Mozart thậm chí còn nói: "Bach là cha. Chúng ta là con", và Bach này là Carl Bach. Thế nhưng, đến thế kỷ 19, một phong trào mà sau được nhắc tới như Cuộc Hồi Sinh Bach diễn ra, với Felix Mendelssohn đi đầu, đưa Bach cha trở lại vũ đài lịch sử, và lần này là mãi mãi. Cái tên Bach con theo thời gian lại mờ nhạt dần đi.

Một con người chỉ có trách nhiệm duy nhất là sống hết mình, trong cuộc đời nhỏ nhoi của mình, còn danh tiếng, nó luôn luôn thuộc về vấn đề số phận.

(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...