Những cái tên làm nên lịch sử âm nhạc Nga

06/11/2017

Mikhail Ivanovich Glinca – nhà soạn nhạc đưa âm nhạc Nga đến với thế giới

Âm nhạc Nga bắt nguồn từ những thời lịch sử xa xưa và những cơ sở ban đầu gắn liền với văn hóa và sinh hoạt của những bộ tộc Đông Xlavơ thời cổ đại.Trải qua một quá trình phát triển hàng thiên niên kỷ, phải đến thế kỷ 19 âm nhạc Nga mới định hình hoàn toàn thành một nền âm nhạc chuyên nghiệp bác học thật sự kinh điển. Tuy vào thế kỷ 18, trong sáng tác của các nhạc sĩ Fomin, Bortnyansky đã hình thành những nguyên tắc của tư duy giao hưởng, đã xuất hiện những tiền đề của nghệ thuật opera, nhưng phải đến những năm 30 của thế kỷ 19, với sáng tác của Mikhail Ivanovich Glinca (1804-1857), âm nhạc Nga mới bước đầu được thế giới biết đến rộng rãi.

Glinca là người sáng lập nền âm nhạc kinh điển dân tộc Nga, và là tác giả âm nhạc người Nga đầu tiên được thế giới công nhận. Ông xuất thân từ một gia đình điền chủ giàu có, có năng khiếu âm nhạc sớm phát triển, học và chơi đàn piano và violon từ thời còn nhỏ. Thời gian trẻ, ông thường tham gia biểu diễn với tư cách một ca sĩ không chuyên và chỉ đến năm 26 tuổi ông mới bắt đầu học sáng tác một cách nghiêm chỉnh. 29 tuổi Glinca đã sáng tác vở opera đầu tay đồng thời cũng là vở opera tầm vóc quốc tế đầu tiên của nền âm nhạc Nga, vở Ivan Susanin, được trình diễn thành công vào năm 1836. Vở opera thứ hai của ông, vở Ruslan và Lyudmila đã được trình diễn vào năm 1842. Những tuyệt  tác của ông, như bản Valse-Fantaisie, các romance Tôi nhớ phút giây diệu kỳ, Làn gió nhẹ trong đêm, các bản Ouverture Điệu Hota vùng Aragon, Đêm ở Madrid và bản Kamarinskaya là những tác phẩm đóng vai trò quan trọng trong sự hình thành của nền nhạc giao hưởng Nga. Glinca đã thâu tóm được những gì ưu tú nhất của các nhạc sĩ Nga đi trước ông và mở ra một giai đoạn phát triển mới cho nền văn hoá âm nhạc Nga.

Vào nửa sau của thế kỷ 19, âm nhạc Nga đã phát triển lên đến những đỉnh cao của văn hóa âm nhạc thế giới với những sáng tác của Piotr Ilich Tchaikovsky và của các nhạc sĩ trong “Nhóm khỏe”.

Nhóm khoẻ hay “Nhóm năm người” là tên gọi của nhóm nhạc sĩ “Trường phái âm nhạc Nga mới”, bao gồm các nhạc sĩ Balakirev, Cesar Cui, Borodin, Rimsky-Korsakov và đặc biệt là Mussorgsky. Làm nhiều nghề khác nhau, sống ở các nơi trên đất nước Nga, họ đã tập hợp ở Petersburg dưới sự lãnh đạo của Balakirev, do đó còn gọi là “Nhóm Balakirev” (tên gọi “Nhóm khoẻ” là do nhà lý luận âm nhạc Nga Stasov đặt cho). Nhờ sự nỗ lực tự học và sáng tạo, chẳng bao lâu họ đã xây dựng được một trường phái âm nhạc nổi tiếng trong lịch sử âm nhạc thế giới, có ảnh hưởng lớn không những đối với nền âm nhạc Nga và Xô viết sau này, mà cả nền âm nhạc Pháp và các dân tộc khác, đặc biệt là trường phái ấn tượng.

“Nhóm khoẻ” cộng tác với nhau trên cơ sở cùng một chí hướng, nhằm tập hợp các lực lượng của mình để đấu tranh cho những tư tưởng tiến bộ và những nguyên tắc nghệ thuật dân chủ,   đề cao tính hiện thực và tính nhân dân trong sáng tác của mình. “Nội dung của nghệ thuật là cuộc sống” đó là khẩu hiệu quán triệt đường lối nghệ thuật của họ. Chủ đề tổ quốc và chủ đề nhân dân là chủ đề quán xuyến của nhóm. Nhân vật trung tâm trong các sáng tác của họ là người nông dân lao động do đó các nhạc sĩ trong “Nhóm khoẻ” đã dựa trên âm nhạc dân gian nhất là âm nhạc dân gian nông thôn làm cơ sở để sáng tác.

Các nhạc sĩ trong nhóm đánh giá rất cao Berlioz và Liszt là những nhạc sĩ thiên tài đã đi đầu trong việc coi tính chất tiêu đề là nguyên tắc cơ bản của sáng tác giao hưởng. Các tác phẩm của nhạc sĩ Pháp Hector Berlioz (1803-1869) thường xuyên được biểu diễn trong các buổi hòa nhạc tại nhà của Balakirev và cuốn sách về phối khí của Berlioz là sách gối đầu giường của các thành viên trong nhóm.

Âm nhạc của nhạc sĩ Hungari Ferencz Liszt (1811-1886), đặc biệt là những tác phẩm có tiêu đề, thường được giới thiệu trong các cuộc hòa nhạc giao hưởng do Balakirev chỉ huy và được các nhạc sĩ trong nhóm nghiên cứu rất say sưa. Bản thơ giao hưởng Tamara của Balakirev và tranh-giao hưởng Giữa miền Trung á của Borodin được đề tặng Ferenc Liszt, các tác phẩm giao hưởng Sadko, Antara của Rimsky-Korsakov có nhiều yếu tố gần với các thơ giao hưởng của Liszt, còn Đêm trên Núi trọc của Mussorgsky chịu ảnh hưởng của Điệu nhảy Thần chết của Liszt.

Ngoài việc sáng tác, các thành viên trong “Nhóm khoẻ” còn tích cực hoạt động trong lĩnh vực báo chí. Cùng với các nhà lý luận âm nhạc Stasov và Serov, họ là những nhà tuyên truyền rất tích cực cho những tư tưởng tiên tiến và những quan điểm nghệ thuật dân chủ.

“Nhóm khoẻ” còn có công trong việc tuyên truyền giáo dục âm nhạc phổ cập trong quần chúng như mở trường âm nhạc không lấy học phí nhằm trau giồi kiến thức cơ bản và thực hành cho những người yêu nhạc trong lĩnh vực ca hát, đồng thời tổ chức các buổi biểu diễn để tuyên truyền cho các nhạc sĩ Nga và giới thiệu các nhạc sĩ nước ngoài.

Mily Alexeyevich Balakirev sinh ngày 2-1-1836 ở Nizhny Novgorod (thành phố Gorky ngày nay). Năm 1855 ông đến St. Petersburg gặp Glinka và tài năng của ông đã được Glinka chú ý. ở đây ông mau chóng trở thành một nhà hoạt động âm nhạc nổi tiếng với tư cách là một nghệ sĩ biểu diễn pianô có tài, nhạc sĩ sáng tác, nhà chỉ huy và lý luận âm nhạc.

Năm 1856, Balakirev thành lập “Nhóm khoẻ”, trở thành người lãnh đạo và hướng dẫn cho nhóm. Những sáng tác thành công nhất của ông là bản Oriental Fantasy Islamey cho piano  và giao hưởng thơ Tamara.

Cesar Antonovich Cui (1835-1918) là người sáng tác kém tài năng nhất trong “Nhóm khoẻ”, tuy nhiên ông lại đóng một vai trò to lớn trong lĩnh vực lý luận phê bình âm nhạc. Qua những bài bút chiến sắc bén trên báo chí ông đã đấu tranh tích cực cho những khuynh hướng hiện thực trong nền âm nhạc Nga, là người phát ngôn những quan điểm thẩm mỹ tiên tiến của “Nhóm khoẻ”.

Alexander Porfiryevich Borodin (1833-1887) là người sáng lập ra dòng giao hưởng anh hùng ca của Nga. Năm 1862 ông tham gia “Nhóm khoẻ”.Năm 1867, Borodin sáng tác bản giao hưởng số 1 và nhiều bản romance mang tính chất anh hùng ca như Nàng công chúa đang ngủ, Những bài hát của khu rừng tối, Biển, hoặc mang tính chất trữ tình như Những bài hát của tôi chứa đầy chất độc, Thanh âm lạc lõng… Sau bản giao hưởng số 1, Borodin viết tiếp giao hưởng số 2 (còn gọi là  Giao hưởng Dũng sĩ). Cùng thời gian đó, Borodin  viết opera Ông hoàng Igo. Ông còn sáng tác nhiều tác phẩm  âm nhạc thính phòng, nổi bật có hai bản tứ tấu cho đàn dây số 1 và số 2. Những tác phẩm lớn cuối cùng của Borodin là bức tranh giao hưởng có tiêu đề Giữa miền Trung á và giao hưởng số 3, chưa kịp hoàn thành thì ông từ trần.

Modest Petrovich Mussorgsky (1839-1881) là một trong những nhạc sĩ xuất sắc nhất của “Nhóm khoẻ”, có nhiều cách tân táo bạo, độc đáo trong âm nhạc, ảnh hưởng đến bút pháp của chủ nghĩa ấn tượng sau này.

Ông là nhà soạn nhạc hiện thực vĩ đại  của Nga vì ông đã nêu bật được những mâu thuẫn gay gắt của xã hội và sự phản kháng của quần chúng nhân dân lao động chống những chính sách phản động của Nga hoàng (thể hiện rõ nhất trong những sáng tác cho thanh nhạc và nhạc kịch). Ông thường dùng đề tài lịch sử để xây dựng nên những tác phẩm lớn mang tính hiện đại.

Ông rất ưa thích màu sắc phương đông trong tiểu thuyết Salammbô của nhà văn Pháp G.Flaubert nên đã viết vở nhạc kịch lớn đầu tiên dựa trên đề tài này. Bên cạnh vở nhạc kịch Salammbô, ông  sáng tác nhiều tác phẩm cho thanh nhạc – thính phòng như tập bài hát Những bức tranh nhân dân, tổ khúc cho piano Những bức tranh trong phòng triển lãm, khúc Fantasy-giao hưởng Đêm trên Núi trọc, vở nhạc kịch đồ sộ Boris Godunov. Sau đó, ông viết tiếp hai nhạc kịch nữa là Khovanshchina và Hội chợ Sorochintsy. Hai vở này chưa hoàn thành khi Mussorgsky chết (1881).

Rimsky – Korsakov sinh ngày 6-3-1844 ở thành phố Tikhvin trong một gia đình quý tộc. Năng khiếu âm nhạc được thể hiện rất sớm, nhưng theo truyền thống gia đình năm 12 tuổi Korsakov phải vào trường hải quân ở Petersburg. Năm 1865  Korsakov  sáng tác bản giao hưởng số 1 là giao hưởng Nga đầu tiên theo cơ cấu 4 chương. Sau khi tốt nghiệp trường hải quân  Korsakov đi thực tập trên biển quanh thế giới trong 3 năm. Chuyến đi biển này đã giúp ông những nguồn cảm hứng mới mẻ về những xứ sở xa lạ, đặc biệt là những cảm xúc về biển. Những cảm xúc này đã thể hiện trong các tác phẩm : giao hưởng Sadko, tổ khúc giao hưởng Sheherazade.v.v…). Ông viết nhiều tác phẩm opera nổi tiếng như Cô gái thành Pskov, Nàng Tuyết, Đêm tháng Năm, Đêm trước lễ giáng sinh, Vợ chưa cưới của Nga hoàng, Mozart và Salieri, Câu chuyện vua Saltan, Con gà trống vàng… Ngoài ra là giao hưởng Antar, capriccio Tây Ban Nha, bản Fantasy dựa trên những chủ đề Nga …

Những ảnh hưởng của các nhạc sĩ bậc thầy thế hệ đầu tiên   đối với một số nhạc sĩ Nga sau này như Rachmaninov, Scriabin, Lyadov, Lyapunov…là cực kỳ to lớn.

Sergei Vassilyevich Rachmaninov (1873-1943) là một trong những nghệ sĩ đàn piano xuất sắc nhất tầm cỡ thế giới, đồng thời cũng là một bậc thầy về sáng tác của nước Nga cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Giai đoạn sáng tác cuối đời của ông diễn ra tại Mỹ, nơi ông chuyển đến sinh sống từ năm 1917. Trong thời gian còn ở trong nước Rachmaninov đã có nhiều tác phẩm xuất sắc  như các vở opera  Aleko, Hiệp sĩ hà tiện, Francesca da Rimini, nhiều tác phẩm cho dàn nhạc như các giao hưởng số 1, 2, 3, Capriccio dựa trên những chủ đề Digan, Hòn đảo của những người đã chết, các bản concerto cho piano và dàn nhạc số 1, 2, 3, nhiều prélude, nocturne, moments musicaux… Những tác phẩm như bản Rhapsody dựa trên chủ đề của Paganini, Những vũ khúc giao hưởng, nhiều etude, sonate, biến tấu… được viết khi đã cư trú ở Mỹ.

Alexander Nikolayevich Scriabin(1872-1915) có nhiều sáng tác thời kỳ đầu chịu ảnh hưởng sâu sắc của truyền thống cổ điển Nga, nổi bật là cảm xúc trữ tình, nói về vẻ đẹp thiên nhiên và tình yêu cao đẹp, những ước vọng mang tính chất lãng mạn.

Đó là những tác phẩm cho đàn piano như Sonate số 2, nocturne,  concerto cho piano…

Những tác phẩm thời kỳ thứ hai của ông được tính từ những năm 1900. Lĩnh vực nổi bật là giao hưởng, gồm có giao hưởng số 1, số 2. Đặc biệt bản giao hưởng số 3 với tên gọi Bài thơ thần thánh đã đưa Scriabin lên địa vị một nhà giao hưởng nổi tiếng đương thời. Thời kỳ này ông còn sáng tác một loại tác phẩm cho đàn piano, trong đó có nổi lên  bản Sonate số 4 Khúc thơ bi tráng.

Sáng tác giao hưởng của Scriabin không nhiều (5 bản giao hưởng, 3 bản giao hưởng thơ : Những ước mơ, Bài thơ xuất thần, Bài thơ lửa, nhưng đây là một bộ phận quan trọng trong di sản của ông. Tác phẩm giao hưởng của Scriabin thường mang tính tiêu đề như truyền thống của các nhạc sĩ Nga trước ông.

Nhạc sĩ Anatoly Lyadov (1855-1914), học trò của Rimsky-Korsakov, với các thơ giao hưởng Hồ thần tiên, Baba Yaga, Kikimora, và nhạc sĩ Sergey Lyapunov (1859-1924), với các tác phẩm giao hưởng, concerto, Những biến tấu trên những chủ đề Ucraina… đã là những người thừa kế xuất sắc truyền thống của âm nhạc kinh điển Nga.

(Nguồn: https://vutulan.wordpress.com)

L

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...