Những "bài thơ" của Chopin

13/11/2014

Thời hoa niên và tình yêu âm nhạc trong tôi đã được nuôi dưỡng từ trái tim nhạy cảm và rất đỗi dịu dàng của người nhạc sĩ thiên tài Chopin. sự kiện nóng

Mỗi câu nhạc của Chopin với tôi đều quen thuộc. Giờ đây những bản nhạc của Chopin vẫn giúp tôi sống lại những hồi ức ngày xưa, những kỷ niệm đã quên lãng từ lâu: những lá thư, những câu nói, những ánh nhìn, cánh đồng, dòng sông, những buổi chiều, hàng cây rực nắng, trò chơi tuổi nhỏ, mùi hương thảo mộc…

Ở tận cùng nỗi nhớ của tôi, là Chopin.

Nhà thơ của cây dương cầm

 

“Âm nhạc của Chopin không kể chuyện hay vẽ một bức tranh. Nó biểu cảm và đầy tính bản thể, nhưng vẫn là nghệ thuật thuần khiết. Âm nhạc của Chopin là ngôn ngữ chung của nhân loại. Khi chơi Chopin, tôi biết rằng tôi đang giao cảm với trái tim con người”, Rubinstein - danh cầm người Mỹ gốc Ba Lan, một nghệ sĩ thể hiện nhạc phẩm của Chopin rất thành công, đã nói như vậy.

Âm nhạc của Chopin, từ preludes (dạo khúc), những bản nortunes (dạ khúc), mazurkas (vũ khúc dân gian Ba Lan), những impromptus (khúc ứng tác)… đều có nội dung sâu sắc và đẹp đẽ.

Tất cả những ý nghĩ xưa kia ẩn giấu, những tình cảm xưa kia đắn đo, mọi nghi ngờ trong nỗ lực chế ngự và những khát vọng ta cố gắng xoá mờ… bây giờ hiển hiện rõ ràng và bừng sáng giữa khoảng không mênh mông của âm nhạc, chẳng khác nào có một tri kỷ đã đọc thấy ta như đọc một cuốn sách, từ tờ bìa đến từng trang cũ.


Piano Concerto No. 1 in E minor

Âm nhạc của Chopin, âm nhạc của tình cảm và nội tâm, mà ở thế giới đó, mỗi nghệ sĩ khi chơi nhạc đều có thể tự do thể hiện theo thâu nhận riêng của mình.

Bản thân chất liệu âm nhạc ấy không hề có giới hạn về cảm xúc hay tiết điệu. Một thứ âm nhạc không kém phần chặt chẽ, quy tắc, nhưng vẫn phóng khoáng và tinh tế vô cùng.

“Hãy chọn một đêm hè, trăng khuyết, ngồi dưới một khóm tử đinh hương, hít thở không khí tịch mịch và ngát thơm, trong ánh trăng non thượng tuần… sau đó hãy chơi, hay lắng nghe bản dạ khúc cung Đô thứ thăng trưởng bất hủ của Chopin…”, một cuốn sách dạy đàn tôi tình cờ đọc được trong một tiệm sách đã viết như vậy.

***

Tôi không thể nào diễn đạt được vẻ đẹp thanh nhã của âm nhạc Chopin: thuần khiết, u hoài, cuồng nhiệt và đắm say? Trầm tĩnh, êm ái, thanh tao và buồn vĩnh cửu…?

Nỗi buồn, những ưu tư gây đến nhiều phiền muộn trong đời sống, nhưng nỗi buồn đau được thể hiện bằng âm nhạc lại mang đến những khoái cảm hết sức mãnh liệt.

Người nghệ sĩ thiên tài ấy lúc nào cũng tạo được một không gian, một trạng thái, một thế giới cảm xúc, và rất nhiều chất thơ.

“Chopin khác với Christopher Columb ở chỗ đã phát hiện ra không phải một thế giới, mà nhiều thế giới”, Franz Liszt, nhà soạn nhạc nổi tiếng đương thời với Chopin đã bình luận như vậy.

Chopin và âm nhạc, Chopin và tâm hồn con người

 

Âm nhạc của Chopin đi vào lòng người ở những không gian nhỏ (chứ không phải trong khán phòng rộng lớn, với dàn nhạc vĩ đại như Beethoven hay Mozart).

Một phòng nhỏ, một cây dương cầm, những người bạn quây quần, không có ánh đèn sâu khấu. Chỉ có những âm thanh mang một sức mạnh mãnh liệt và tinh tế, nỗi u uẩn và sự gần gũi, những điều mỏng manh và nhẹ nhàng như một làn gió…

Người nhạc sĩ của tôi chuyên về đoản khúc hơn những bản nhạc lớn cho piano và dàn nhạc. Cả đời sáng tác, Chopin chỉ có ba concerto, hai trong số đó là viết cho hai người yêu cũ lúc Chopin còn rất trẻ, còn với người tình cuối (là tiểu thuyết gia nổi tiếng) George Sand, Chopin không có bản nhạc lớn nào tặng nàng.

Có lẽ trong tình yêu không có chỗ cho sự so sánh về cái hoành tráng lớn lao và những điều nhỏ bé, mà chỉ có chân thành hay không chân thành mà thôi.

Nhạc phẩm của Chopin được viết riêng cho piano. Tôi đặc biệt thích âm thanh cơ bản và thuần khiết ấy.

Piano là nhạc cụ giàu tần số cảm xúc, mặc dù không giàu màu sắc và gây ấn tượng ngay từ đầu, mà ngấm dần qua thời gian. Có lẽ vì âm thanh của nó cơ bản và thuần khiết quá, đến nỗi đôi khi khó mà nhận ra điều đó. (Người ta nói rằng chỉ nên lắng nghe piano với sự bình an, thanh thản và đơn giản nơi tâm hồn)

Chopin thường dùng bàn đạp (pedal) của piano để có được các cấp độ về sắc nhạc, tiếng vang và thử nghiệm nhiều về cách bấm phím mới. Ngay cả những bài tập luyện ngón (études) của Chopin cũng trở thành những nhạc phẩm mang chất lượng biểu diễn.

Chopin có 21 bản Nortunes. Tất cả đều đẹp đẽ trọn vẹn, nhịp độ vừa phải, đa số nhuốm vẻ u hoài, suy tư lặng lẽ, giai điệu tưởng như uỷ mị mà chứa đựng sức sống mãnh liệt.

Còn 52 bản mazurka của Chopin lại chứa đựng nỗi buồn xa xứ mênh mông, những tia nắng hy vọng về một đất nước Ba Lan tự do và rạng rỡ,… thứ tình cảm chẳng thể diễn đạt thành lời, mà biểu hiện giản dị trong âm thanh tinh tế của cây dương cầm.

***

 

Chẳng thể chơi Chopin quá dịu dàng. Vì người nhạc sĩ của tôi đã mạnh mẽ xiết bao! Và cũng không thể chơi Chopin thô kệch quá. Vì Chopin cũng chính là con người kiểu cách và lịch thiệp nhất!

Xin được nói thêm, âm nhạc trong bộ phim nổi tiếng “The pianist” (bộ phim đoạt giải Cành cọ vàng của đạo diễn Roman Polanski) hầu hết cũng là của Chopin (ngoại trừ bản sonata Moonlight của Beethoven)…

Ám ảnh nhất là cảnh viên sỹ quan Đức đứng lặng khi bản 13 Nocturne in Cis-moll, Op. posth của Chopin cất lên. Góc quay tuyệt đẹp với ánh sáng hắt ngược siêu thoát, đối lập với sự rách rưới đói khát của người nghệ sĩ đang lướt những ngón tay tím bầm trên phím đàn.

Ở bên ngoài, những viên sỹ quan Đức khác cũng đang đứng nghe dưới tuyết lạnh… Âm nhạc của Chopin đã mạnh mẽ hơn cả cái đói rét cồn cào cả một tháng, xoá mờ cả ranh giới về chính trị. Những con người của 2 giới tuyến đã cùng lặng nghe và chìm đắm trong thế giới của Chopin…

Chopin, với tôi, là minh chứng cho thấy nhạc cổ điển không hề “khó nuốt”. Đơn giản nhất, đó chính là một cách diễn đạt về tình cảm con người dành cho nhau, một cách diễn đạt vượt không gian, thời gian, ngôn ngữ, văn hoá, tôn giáo, lịch sử…

Ở trong đó, chúng ta được thấy người chúng ta yêu thương, bản ngã của họ, hình bóng của họ, và những điều mà không một lời nói nào có thể biểu đạt…

 
Bản nhạc: VALSE No. 9 “LỜI TỪ BIỆT”
Tác giả: Frédéric Chopin
Thể hiện: Arthur Rubinstein

(Nguồn: http://tuanvietnam.vietnamnet.vn)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...