Nhớ nhạc sĩ Phạm Đình Sáu

23/07/2015

Vào độ tuổi tám mươi, đã vượt cái ngưỡng lớp người xưa nay hiếm, nhạc sĩ Phạm Đình Sáu vẫn say mê sáng tác.

 

Tôi còn nhớ vào một buổi sáng cách thời gian Phạm Đình Sáu qua đời không lâu lắm, khi tôi đến thăm ông tại căn nhà số 103 phố Nguyễn Khuyến Hà Nội, thì ông đang quần áo chỉnh tề, chuẩn bị cùng anh con cả - nhạc sĩ Phạm Ngọc Khôi - đi tới Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông vui vẻ bảo với tôi rằng ông đến để thu thanh ca khúc mới do ông sáng tác - bài "Cõi lặng" (Thơ Nguyễn Khoa Điềm). Sau đó ít lâu, ông lại thông báo với tôi rằng vừa sáng tác xong một ca khúc có chủ đề rất lạ. Nội dung ca khúc này dựa trên thông tin mà ông đọc trên một tờ báo kể về một cựu chiến binh đã trở lại chiến trường xưa thăm mộ người yêu - một đồng ngũ hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước - và rồi làm lễ cưới linh hồn liệt sĩ ấy. Bằng trải nghiệm cuộc đời, bằng tình yêu tha thiết với nghệ thuật và với con người, nhạc sĩ Phạm Đình Sáu đã viết rất thành công ca khúc "Đám cưới một linh hồn" dựa trên chủ đề đó. Hai tác phẩm mới nhất này của Phạm Đình Sáu tươi rói sức sống, ra đời vào buổi hoàng hôn của cuộc đời ông, cho thấy nhạc sĩ yêu đời và ham sáng tạo biết chừng nào...

Ca khúc “Khúc hát đảo quê hương”, Sáng tác: Phạm Đình Sáu, Trình bày: Quý Dương

Là một nhạc sĩ được đào tạo cơ bản (tốt nghiệp đại học chuyên ngành sáng tác tại Trung Quốc), lại hoà mình trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước suốt ba thời kỳ vẻ vang của dân tộc (chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, hoà bình thống nhất), Phạm Đình Sáu đã để lại cho chúng ta một di sản âm nhạc quý giá. Ông sáng tác khá nhiều thể loại, từ ca khúc đến tổ khúc giao hưởng, hợp xướng, nhạc thính phòng, nhạc cho kịch, cho phim, trong đó nhiều nhất là ca khúc. Nhạc sĩ còn viết cả hợp xướng không nhạc đệm 4 bè có lĩnh xướng (ngày nay chắc ít có ai bỏ thời giờ làm những việc công phu như vậy). Các tác phẩm của ông thuộc nhiều thể loại nhưng thống nhất với nhau ở chỗ nhạc sĩ luôn luôn trau dồi nghệ thuật, thể hiện sự trăn trở tìm tòi, sáng tạo cho ngôn ngữ âm nhạc và văn học (ca từ). Nét nhạc, lời ca luôn luôn hoà hợp với nhau, tạo nên một chỉnh thể nghệ thuật, với chất trữ tình trong sáng, thiết tha, giàu cảm xúc nội tâm, sâu lắng. Giai điệu khi thì mượt mà gần với dân ca, khi thì mới mẻ thể hiện sự tìm tòi nghiêm túc theo phương hướng dân tộc hiện đại. Ngôn ngữ âm nhạc giản dị, êm ái, không ồn ào, nhiều khi như những lời tâm sự, tự nhủ chân thành. Đánh giá về nghệ thuật ca khúc Phạm Đình Sáu, trong tập ca khúc "Khúc hát đảo quê hương" của ông, xuất bản năm 1982, Nhà xuất bản Văn hoá viết: "Về khúc thức, anh (lúc này nhạc sĩ còn trẻ nên NXB gọi là anh - PVL) đã mạnh dạn tìm tòi mở rộng kết cấu thông thường của ca khúc. Có khi anh đã dùng thủ pháp tái hiện tính cách và sắc thái của đoạn nhạc nào đó bên trên thay cho việc tái hiện những câu nhạc và giai điệu đã xuất hiện (không hoặc có biến hoá)".

Nói đến sáng tạo là nói đến cảm xúc, là sự rung động với cuộc sống. Với âm nhạc, sự sáng tạo càng đòi hỏi nghệ sĩ phải có cảm xúc hết sức mạnh mẽ và chân thực, để làm bật ra từ tâm hồn mình những nét nhạc có sức lôi cuốn, đi sâu vào lòng công chúng. Để có xúc cảm như vậy, người nghệ sĩ lại phải sống một cuộc sống cao đẹp, giàu lý tưởng, thấm đượm tính nhân văn. Miệt mài sáng tác suốt khoảng sáu mươi năm, nhạc sĩ Phạm Đình Sáu đã luôn luôn giữ cho mình ngọn lửa nồng ấm trong tâm hồn. Nghiên cứu các tác phẩm âm nhạc của ông, ta thấy hiện lên chính chân dung của ông với một cuộc sống biết mấy đẹp đẽ. Qua các tác phẩm ấy, thấy bộc lộ rõ lòng biết ơn vô hạn của người nghệ sĩ với Tổ quốc, nhân dân, quê hương, với Đảng, với Bác Hồ... Ông tự bộc bạch qua ca khúc "Lớn lên dưới cờ Đảng": "Tôi đã lớn lên giữa vòng tay đồng chí/Trong tình thương của Đảng bao la/Trong đấu tranh xoá cuộc đời nô lệ/Trong bước quân hành qua những chặng đường xa/Từ những tháng năm đầy khó khăn gian khổ/Đảng đã cho tôi thấy ánh sáng chân trời/Và đã cho tôi bao niềm tin rạng rõ/Sức mạnh căng đầy và dào dạt những niềm vui"... Ông luôn luôn tự hào về Tổ quốc, về Đảng: "Biết mấy tự hào/ Ôi! Việt Nam Tổ quốc ta! đất nước của mùa xuân. Tổ quốc quang vinh, Tôi muốn hát vang mãi bài ca Tổ quốc. Ôi, tự hào biết bao được đứng trong đội ngũ của Đảng ta"...

Với tình yêu Tổ quốc, đồng bào nồng nàn như vậy, nhạc sĩ Phạm Đình Sáu đã sống thuỷ chung như mảnh đất quê hương... đã phấn đấu đi lên trên tuyến đầu vững chắc, giữa những dòng lũ lửa trào dâng... Nhạc sĩ tràn đầy tinh thần lạc quan, và bằng ca khúc, ông truyền niềm lạc quan ấy cho đồng bào: Dẫu hôm nay còn bao vất vả/Ánh bình minh đã rạng rỡ chân trời... Mỗi ngày qua thêm ngời sáng cuộc đời ta. Mừng mùa xuân, ta cùng đi tới, tay cầm tay, rạng rỡ nụ cười. Từ đổ nát vang câu ca phơi phới/Xoá đau thương/Ta xây lại đời ta...

Thuộc lớp người con cháu so với ông, suốt thời học cấp ba rồi vào chiến trường tham gia kháng chiến, tôi luôn luôn yêu mến và được những ca khúc của Phạm Đình Sáu cổ vũ, nâng bước quân hành. Một trong những ca khúc của ông đã ăn sâu vào ký ức tôi là "Khúc hát đảo quê hương". Ca khúc này viết về một hòn đảo của Tổ quốc nhưng có sức khái quát cao, với một bút pháp tìm tòi, có sự giao thoa các điệu thức, tạo nên một âm hưởng rất dân gian, gần gũi mà lại mang âm hưởng cận hiện đại, nét nhạc sảng khoái, đầy lạc quan, đầy sức chiến đấu, nhất là đoạn phát triển mang tính thôi thúc, đã động viên tôi cũng như nhiều đồng chí vượt qua mọi thử thách của cuộc chiến đấu để đi tới ngày toàn thắng.

Phạm Đình Sáu đã sống một cuộc đời đầy lý tưởng và giầu tình yêu thương. Chất lý tưởng, tình cảm đẹp đẽ ấy đã thấm sâu vào tác phẩm của ông cho đến tận lúc ông từ biệt thế giới này. Ông đã chung thuỷ vô ngần với cách mạng, với gia đình, với bạn bè, đồng nghiệp... để rồi, như một lẽ tự nhiên, ông đã nhận được sự thuỷ chung của cuộc sống. Khi ông ngã bệnh và khi ông lâm chung, lúc nào bên ông cũng có mặt người thân, bạn bè, đồng nghiệp, học trò... Mọi người lo lắng cho ông, chăm sóc ông bằng tình cảm đầy yêu thương và kính trọng. Vào hồi 21 giờ 45 phút ngày 28 tháng 2 năm 2007, nhạc sĩ Phạm Đình Sáu vừa lặng lẽ ra đi tại bệnh viện Việt Đức, thì tin buồn đã bay đi khắp nơi, thu hút về bệnh viện này biết bao con người quý trọng ông, người trong gia đình có mà người ngoài gia đình cũng có. Các cơ quan, đoàn thể đều tận tâm lo cho tang lễ của ông: từ Cục Nghệ thuật biểu diễn (nơi ông từng là Cục trưởng), tới Nhạc viện Hà Nội, Đại học Văn hoá nghệ thuật Quân đội (nơi ông giảng dạy, nay có nhiều học trò của ông đã trở thành lãnh đạo), Viện Âm nhạc (nơi ông từng là quyền Viện trưởng), rồi Hội Nhạc sĩ Việt Nam (nơi ông từng là Uỷ viên Thường vụ)... Tới tận lúc đưa linh cữu ông về quê nhà (Đình Bảng, Bắc Ninh) cũng không vợi số người đưa tiễn ông. Ngay sau lúc Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng kết thúc điệu nhạc Hồn tử sĩ để tiễn ông về Cõi lặng thì dàn Quân nhạc cất lên những bản nhạc do ông sáng tác: Những thành phố bên bờ biển cả, Khúc hát đảo quê hương, Biết mấy tự hào - Việt Nam Tổ quốc ta... Trong không khí tang lễ, nét nhạc hào hùng, tràn đầy tinh thần lạc quan đem đến niềm an ủi cho những người thân của nhạc sĩ, và cũng báo hiệu rằng những tác phẩm âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Đình Sáu sẽ còn ngân vang giữa cuộc đời này - hôm nay, mai sau - góp phần làm đẹp cho cuộc sống và cổ vũ nhân dân vững bước hướng tới một mùa xuân chói lọi...

(Nguồn: http://vanhien.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...