Nhớ nhạc sĩ Lê Chí Trung

01/11/2018

Thời gian những năm đầu giải phóng khoảng năm 78-79 tôi vào làm việc ở ngành văn hóa Tỉnh, lúc đó chưa gọi là Sở, còn  gọi Ty Văn hóa Thông tin do chú Bảy Dũng làm Trưởng ty (Võ Trí Dũng). Tôi làm công việc viết lách và âm nhạc nên mới được biết anh Lê Chí Trung là một nhạc sĩ kháng chiến ra công tác tại ty, người ta thường gọi là anh Hai Trung.

Anh rất hòa nhã vui vẻ nên dễ gần gũi, ai cũng thích. Lúc đó tôi phụ trách văn nghệ bên Phòng thông tin cổ động, còn anh là Trưởng phòng văn nghệ quần chúng nên công việc liên đới anh em thường gặp nhau trao đổi. Biết tôi có khiếu viết lách nên anh hay nhờ tôi viết hộ bản tin, giới thiệu chương trình, tác giả, tác phẩm... Sau nầy khi Tây Ninh kết nghĩa với tỉnh Hà Bắc, rồi thành lập Trường trung cấp Văn hóa nghệ thuật nên có tăng cường thêm một số nhạc sĩ ngoài Bắc vào hoạt động như Tạ Quang Tố (tác giả bài Bài ca nhớ thương, Tây Ninh nơi đầu sóng ngọn gió), Phan Chi Tu (đã mất), chị Hiếu (giáo viên âm nhạc)... Chúng tôi thường xuyên gặp gỡ, giao lưu văn nghệ.

Hình: Lê Chí Trung (áo đen) và tác giả bài viết trong một lần đi sáng tác ở Tân Biên. 

Nhạc sĩ Lê Chí Trung sinh năm 1940 tại Gia Lộc Trảng Bàng, năm 1962  khi còn độ tuổi đôi mươi, theo tiếng gọi non sông anh đã thoát ly vào vùng kháng chiến, nhờ có năng khiếu văn nghệ  làm ở tiểu ban văn nghệ TW Cục miền Nam. Sau Giải phóng năm 1975  được bố trí về ngành văn hóa và đã qua nhiều chức vụ quản lý như Trưởng đoàn văn công Tây Ninh, Trưởng đoàn ca múa nhạc, Trưởng phòng văn nghệ quần chúng…Tuy lớn tuổi nhưng anh luôn tham gia các đợt thực tế sáng tác do Hội tổ chức, anh sáng tác không nhiều. . Nhạc anh cũng giống như một số nhạc sĩ kháng chiến hồi đó mang nhiều âm hưởng dân ca Nam bộ, rất bình dị dễ hát... Trong tập ca khúc Về Tây Ninh do Hội VHNT TN xuất bản năm 2004 có ba bài: Chiều về trên công trường, Xuân về hát tặng bài ca, Tây Ninh rực lửa tiến công. Bài gây ấn tượng nhất có lẽ là Tây Ninh rực lửa tiến công. Có lần anh tâm sự với tôi thật ra bài nầy anh sáng tác đã lâu, từ thời điểm 1975 khi theo đoàn quân về  giải phóng thị xã Tây Ninh, như vậy, bài nầy để trong ngăn kéo thời gian dài, trên 30 năm sau mới in trong Tuyển tập kể trên và cũng êm ắng một thời gian, cho đến năm 2011 khi chúng tôi đi sáng tác ở Vườn quốc gia Lò Gò Sa Mát (do Chi hội Âm nhạc tổ chức) thì bài nầy mới được vang lên trước sảnh lớn của văn phòng Vườn quốc gia Lò Gò Sa Mát (do nhạc sĩ Trần Quang Cường dàn dựng - nhóm tam ca  nam hát). Một giai điệu rất hào hùng, sôi nổi, tiết tấu nhanh chắc gọn, lời ca giàu hình ảnh như khí thế như đoàn quân tiến công vào trận địa: “Đêm nay lại lên đường xuyên qua rừng băng đồng, lửa tiến công cháy bừng ngày đêm cao ngút trời, thời cơ đã đến rồi lũ Mỹ Ngụy tơi bời, ánh lửa hờn sáng rực đầu lê ta lấp lánh...”. Và chuyển qua đoạn điệp khúc nét nhạc rất tươi, rất sôi nổi: “Tây Ninh ơi! Đất nước gấm hoa bao đời, bao năm qua bom đạn xe tăng Mỹ cày xới lúa nát xác xơ nhà tan thôn hoang vắng lạnh Tây Ninh kiên cường đêm ngày quật khởi vùng lên giục giã đoàn ta nhanh bước lên đường....”. Nghe xong một số anh em hỏi tôi bài của ai mà nghe hào hùng, hay quá? Sau nầy nhiều sự kiện đã sử dụng bài nầy như chương trình Giai điệu phương Nam, trong các Lễ hội... cho thấy một bài hát có cơ duyên của nó, từ đó lan rộng mãi…

Khi ấy tôi và anh được đoàn sắp ngủ chung một phòng nên có dịp tâm sự nhiều, tôi nhớ lúc đó vào mùa bóng đá Châu Âu - Cúp C1 mới biết anh là tay ghiền đá banh hạng nặng, hai anh em lên giường rồi, đã nửa khuya tôi liếc qua còn thấy anh cựa mình trằn trọc không ngủ được, hỏi ra mới biết muốn xem đá banh một hai kêu tôi đi tìm chỗ nào có tivi để xem? Làm sao tôi biết? Anh lại cứ thao thức chắc lưỡi mãi làm tôi ngủ không được, bỗng anh nhớ lại hồi chiều ăn cơm dưới nhà ăn có thấy cái tivi, như bắt được vàng anh rủ tôi băng băng giữa đêm khuya đi coi đá banh. Trong đợt nhận giải Văn học nghệ thuật Xuân Hồng lần thứ nhất năm 2013 thì anh cũng được tặng thưởng cùng chung với 16 văn nghệ sĩ kháng chiến có nhiều đóng góp cho nền văn nghệ Tây Ninh như soạn giả Xuân Phát, Thanh Hiền, họa sĩ Tam Bạch, Võ Đồng Minh, nhạc sĩ Xuân Hồng, nhà thơ Xuân Quang…  

Sau nầy tôi đưa bài hát Tây Ninh rực lửa tiến công của anh lên mạng thì mọi người biết nhiều hơn nữa, vì tánh anh trầm lắng không phô trương, sáng tác rồi để đó ai muốn làm gì thì làm, vả lại anh cũng không rành internet, đi họp cũng vậy ai nói gì thì nói, anh cũng im lặng, anh em quý mến là vậy!

Gia đình anh cũng có truyền thống văn nghệ, ngoài anh còn có  người em ruột anh Lê Chí Khối - nhạc sĩ sinh hoạt trong Chi hội Âm nhạc Tây Ninh. Hai anh em hoạt động xông xáo từ những năm đầu giải phóng và có nhiều đóng góp cho Tỉnh nhà (Chí Khối có bài Tình ca bên hồ rất nhiều người biết). Cách đây vài năm, năm 2015 thì phải, hay tin anh mất mà tôi ở xa không về kịp đốt cho anh nén nhang trong tình văn nghệ, thương nhớ một người anh văn nghệ Tây Ninh chân thành đáng kính.

Nghe Tây Ninh rực lửa tiến công - Lê Chí Trung: 

https://www.nhaccuatui.com/bai-hat/tay-ninh-ruc-lua-tien-cong-va.dvx4nqo0ErR7.html

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...