Nhớ mãi một nhạc sỹ tài danh
Đó là Lê Yên, tác giả bài hát rất nổi tiếng "Bộ đội về làng" (phổ thơ của Hoàng Trung Thông): "Các anh đi ngày ấy đã lâu rồi. Xóm làng tôi còn nhớ mãi...". Bài này là một trong những bài hát rất hay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1946 -1954).
Bài hát phổ biến đến mức chẳng những ở vùng tự do, hầu như ai cũng biết, mà còn lây lan cả vào vùng địch chiếm đóng - hồi đó gọi là vùng địch hậu hay "vùng Tề".
Người ta ưa thích bài hát này bởi có giai điệu nhẹ nhàng, vui tươi, tha thiết với chất liệu âm nhạc rất dân tộc, gần gũi với dân ca. Lại đề cập đến tình quân dân như cá với nước là nội dung nổi bật trong nhiều sáng tác văn nghệ thời kỳ này, cũng là mối quan hệ thiêng liêng mà Đảng ta khi ấy rất đề cao, coi là yếu tố quyết định tạo nên mọi chiến thắng.
Có lẽ chỉ cần một ca khúc xuất sắc như "Bộ đội về làng" cũng đủ đưa Lê Yên lên hàng những nhạc sỹ nổi tiếng ở nước ta. Nhưng ông còn có thêm nhiều bài khác rất hay, có giá trị được truyền tụng một thời. Đó là "Ngựa phi đường xa" (còn có tên "Đoàn kỵ binh Việt Nam"): "Ngựa phi, ngựa phi đường xa, tiến trên đường cát trắng, trắng xóa, tiến trên đường nắng chói, chói lóa. Cánh đồng lúa in sát chân trời mây, mây xanh lam...".
Nghe bài hát này, ta thấy rõ tác giả biểu hiện tiếng vó ngựa trên đường, lúc phi nước đại dồn dập hối thúc, lúc lại đi thong thả, chậm rãi qua những cánh đồng lúa ngát xanh, lộng gió, có lúc vang tiếng ngựa hý, quân reo. Bài hát như những thước phim bằng âm thanh vô cùng sinh động về đoàn kỵ binh.
Sinh thời, có lần Lê Yên kể cho tôi nghe về nguyên cớ ra đời bài hát này: Hồi nhỏ, ông rất thích đi xem xiếc. Tiết mục ưa thích nhất là những diễn viên cưỡi ngựa ở mọi tư thế, điều khiển những chú ngựa bất kham rất tài tình trong phạm vi sân khấu nhỏ mà họ có thể đứng, ngồi, nằm trên lưng ngựa rồi nhảy lên, nhảy xuống trong lúc ngựa vẫn phi nhanh. Thế là về nhà, cậu bé đòi mẹ mua con ngựa gỗ để phi.
Lớn lên, khi trở thành nhạc công chơi đàn vi-ô-lông trong các nhà hàng, tiệm nhảy, chàng thanh niên Lê Yên có dịp làm quen với nhiều ca khúc phương Tây, nhất là của Pháp. Nhưng ông tỏ ra không thích thú bằng nghe các bài dân ca, đặc biệt là dân ca vùng đồng bằng Bắc Bộ (ta thấy rõ khi ông đưa chất liệu này vào bài "Bộ đội về làng").
Năm 1945, nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu thích xem xiếc có tiết mục phi ngựa, ông quyết định viết một bài hát về kỵ binh Việt Nam. Lúc viết, ông không nghĩ bài hát lại nhanh chóng lây lan, mà chỉ nghĩ mình ghi lại bằng âm nhạc kỷ niệm tuổi thơ mà thôi.
Cố nhạc sỹ Lê Yên và bản in đầu tiên ca khúc nổi tiếng "Bẽ bàng".
Một lần - vào năm 1970 - tôi đến chơi nhà một người bạn ở phố Nam Ngư (gần phố Phan Bội Châu - Hà Nội), thấy một bác gầy còm, hom hem, người nhỏ thó nhưng có gương mặt rất thông minh, trí tuệ, lại đeo chiếc kính "đít chai" dày cộp. Tôi tò mò hỏi thì được biết đó là nhạc sỹ Lê Yên. Tôi nghe danh ông từ lâu, thuộc lòng nhiều bài hát của ông (ngoài mấy bài vừa nhắc ở trên, ông còn có "Xuân nghệ sỹ hành khúc", "Trận Đoan Hùng", "Nhớ" - phổ thơ Thanh Hải, "Kể vè thắng Mỹ"... Nay mới biết mặt.
Ngồi trong nhà bạn nhưng tôi cứ quan sát mãi ông đang lúi húi làm gì đó ngoài sân (hồi đó, các hộ ở Hà Nội vẫn chung sân chứ chứa "khép kín" như sau này). Lúc đó, Lê Yên mới ở độ tuổi ngoài 50 (ông sinh năm 1917) nhưng dáng vẻ khoan thai, có phần chậm chạp. Do ngưỡng mộ những tác phẩm của ông từ lâu mà tôi trỗi dậy nhu cầu làm quen.
Tôi chào ông ngay bằng "anh" mà không "bác" mặc dù ông ở tuổi cha. Lúc đó, tôi là một anh chàng mới tốt nghiệp đại học được vài năm, đang là một giảng viên đại học, tất nhiên ông không thể biết tôi. Ông đáp lại bằng một nụ cười rất hiền và giọng nói nhỏ nhẹ, cho tôi cảm giác ông dễ gần, chứ không xa lạ mặc dù đã rất nổi tiếng từ lâu.
Cuộc gặp gỡ với ông tuy mới chỉ lần đầu nhưng đã rất thân mật. Ông nói chuyện cởi mở, chân tình. Tôi hỏi ông đủ thứ chuyện xoay quanh âm nhạc, những ca khúc nổi tiếng của ông. Khi hỏi về bài "Bẽ bàng" mà thế hệ cha, anh tôi ai cũng biết được ông viết ra như thế nào thì ông cho biết đó là một trong những bài ông sáng tác từ rất sớm, lúc mới chưa đầy 20 tuổi.
Nghe những ca từ mở đầu bài này: "Tình duyên đôi ta bẽ bàng. Đành để muôn năm lỡ làng. Còn nói ái ân làm chi...?", tôi đánh bạo hỏi thì được biết đó là một ca khúc... thất tình! Số là khi ấy, ông vừa chớm nở tình yêu với một người con gái thì bị gia đình cô ta ngăn cản. Họ không đồng ý cho con gái đến với người đánh đàn ở các quán ăn, tiệm nhảy. Mặc dù rất yêu chàng trai hiền lành, đánh đàn giỏi, nói chuyện có duyên nhưng cô đã không cưỡng lại được cha mẹ, đành đoạn tình với chàng nhạc sỹ trẻ. Buồn quá, ông viết bài "Bẽ bàng" để kỷ niệm mối tình đầu không thành này. Tôi ngỏ ý muốn nghe lại.
Ông cho biết các đĩa than ghi âm bài này từ mấy chục năm trước đã không còn. Ông lại đang viêm họng nên không thể hát, đã lấy đàn vi-ô-lông tấu lên giai điệu cho tôi nghe. Tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy ông cầm ác-xê (arcé: chiếc cần kéo trên dây đàn để phát ra tiếng) bằng tay trái - tức là ngược với mọi người khác (thông thường, dùng tay phải). Chơi vi-ô-lông-xen (cello), ông cũng kéo ngược như thế. Ông cho biết đã quen như vậy từ nhỏ, lúc mới hơn 10 tuổi bắt đầu làm quen với hai cây đàn này. Chỉ kéo đàn mới như vậy, còn mọi việc khác thì thuận tay phải như mọi người.
Lê Yên là một trong những nhạc sỹ đầu đàn của dòng tân nhạc Việt Nam, cùng thời với Nguyễn Xuân Khoát, Văn Chung, Doãn Mẫn và một số nhạc sỹ khác sau này không có dịp gia nhập đội ngũ những nhạc sỹ đi theo cách mạng đến cùng. Riêng Lê Yên, ngay từ những sáng tác đầu tiên đã không giống các nhạc sỹ khác là chịu ảnh hưởng nhiều ở âm nhạc phương Tây, mà đã thắm đượm phong vị âm nhạc dân tộc. Điều đó khiến về sau, ngoài sáng tác, ông còn là nhà nghiên cứu âm nhạc dân tộc, đặc biệt có nhiều thành tựu trong lĩnh vực nhạc tuồng.
Bên cạnh việc tiếp tục viết ca khúc, Lê Yên dành nhiều thời gian làm nhạc cho cải lương, chèo và nhiều hơn cả là tuồng. Có thời gian, hầu như ông rất ít có mặt ở nhà mà luôn di chuyển khắp các đoàn tuồng từ Nam chí Bắc để cộng tác với các đạo diễn sân khấu.
Ông cũng là một trong những giảng viên đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Tìm hiểu, đắm mình vào âm nhạc dân gian, cổ truyền là niềm đam mê bất tận của Lê Yên. Hầu như không có ca khúc nào là ông không dùng chất liệu âm nhạc dân gian một vùng nào đó.
Tiếp xúc với Lê Yên, tôi như được giàu có thêm rất nhiều kiến thức về nghệ thuật truyền thống. Lui tới nhiều với ông, trở nên thân thiết, ông coi tôi như một học trò, một đứa em, người bạn vong niên. Nhất là khi gia đình ông chuyển về ở Cầu Giấy, ông có hẳn một phòng riêng biệt lập với cả nhà. Vậy nên bạn bè, học trò, đồng nghiệp lại càng có điều kiện lui tới đàm đạo với ông.
Ngày ấy - thập niên 80 của thế kỷ trước - nơi đây vẫn là huyện Từ Liêm, ngoại thành nên nhà ông có vườn, đất rộng. Dinh cơ của ông cứ như khu nhà vườn ở ngoại thành bây giờ. Lâu không thấy tôi đến chơi, ông lại lọc cọc đạp xe đến khu tập thể Fafim (Ngã Tư Sở) tìm tôi bởi hồi đó chưa có điện thoại để liên lạc.
Đi viết nhạc cho đoàn nào, ông lại kéo tôi đi cùng. Hồi đó, tôi là phóng viên nghệ thuật ở một tờ báo nên các đoàn cũng sẵn sàng mời đến thăm để viết bài giới thiệu. Trong vở, thường có nhiều khúc hát, lúc đầu ông nhờ tôi viết giúp lời ca. Về sau, ông "khoán trắng" cho tôi viết toàn bộ ca khúc. Được ông tín nhiệm, tôi dốc toàn bộ khả năng và sức lực để hoàn thành. Ông tỏ ra hài lòng.
Tôi không đồng ý đề tên mình trong phần tác giả "âm nhạc" in ở tấm pa-nô vì nghĩ chủ yếu phần âm nhạc vẫn là của ông, tôi chỉ như học trò giúp thày chút ít, không đáng kể, nhưng ông vẫn không nghe. Chỉ khi tôi nói: "Hay là ca khúc dở, không tương xứng với toàn bộ phần âm nhạc của anh?", thì ông mới chấp nhận ý của tôi.
Năm 1998, nghe tin Lê Yên qua đời khi tôi đang ở xa Hà Nội. Lúc về, chỉ còn được đến trước bàn thờ thắp mấy nén nhang tưởng niệm ông. Tôi buồn bã, bị hẫng hụt một thời gian dài, thấy như người ruột thịt của mình mất đi vậy. Từ đó, tôi không còn người thày, người anh, người bạn lớn rất uyên bác và giàu sức sáng tạo nữa để thường xuyên lui tới học hỏi và thổ lộ mọi điều.
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)