Nhạc sỹ Trần Chung: Hữu xạ tự nhiên hương
Trong làng sáng tác nhạc Việt Nam, có một trường hợp khá độc đáo và thú vị. Đó là rất nhiều người ưa thích, thuộc nằm lòng nhiều bài hát của cùng một tác giả mà không mấy ai biết tới tên người nhạc sỹ làm nên những tuyệt phẩm ấy: “Đêm Trường Sơn nhớ Bác”, “Bài ca Trường Sơn”, “Chiều biên giới”, “Hát mừng non nước hôm nay”, “Về thăm mẹ”, “Khi chúng tôi vào lò”, “Cúc Phương ơi!”... Tác giả của những bài hát này là Trần Chung – nhạc sỹ cả đời chỉ làm việc ở một cơ quan duy nhất là Đài Tiếng nói Việt Nam.
Cái tên Trần Chung có phần không quen thuộc so với một số nhạc sỹ nổi tiếng khác cùng thời như Hoàng Vân, Văn Ký, Nguyễn Đức Toàn, Huy Du, Huy Thục, Hoàng Hiệp, Xuân Hồng… Nhưng những bài hát của Trần Chung thì lại rất quen biết. Và một điều thú vị nữa là với người nhạc sỹ này, số lượng tác phẩm luôn đi liền với chất lượng. Số ít bài kể trên chỉ là một tỷ lệ nhỏ trong kho tàng tác phẩm đồ sộ của ông.
Thường thì tác phẩm hay, có giá trị, được công chúng mến mộ sẽ khiến tác giả trở nên nổi tiếng. Nhưng với Trần Chung hình như đã nằm ngoài quy luật này. Có lẽ vì ông là người luôn bình dị, làm việc một cách thầm lặng, không ồn ào, khoa trương.
Công việc ăn lương của ông ở Ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam là cùng với một người nữa lo chương trình “Khắp nơi ca hát”. Hàng tháng, ông phải tới các địa phương, nhà máy, xí nghiệp, trường học… để thu thanh những chương trình do quần chúng ca hát có chất lượng để đem về phát sóng.
Sau khi biết ông chính là tác giả những bài hát mà họ rất ưa thích, họ đã mời ông viết cho họ bài hát nói về đơn vị của mình. Vậy nên ta thấy ông có rất nhiều bài dạng “địa phương ca”, “cơ quan ca”, “đơn vị ca” như “Mùa xuân trên thành phố dệt” viết về Nam Định, “Hát ở mỏ thiếc Tĩnh Túc”, “Bình minh nông trường”, “Cúc Phương ơi!”, “Bài ca người thợ đường dây” (ngành điện), “Trên những con đường quen thuộc” (thương nghiệp)…
Nhiều nhạc sỹ viết những bài hát loại trên, sau khi lĩnh tiền của đơn vị rồi vĩnh viễn xếp bản nhạc vào tủ vì ít chất lượng nghệ thuật nên không ai biết tới. Ngay nơi mời sáng tác cũng chỉ khen xã giao rồi không sử dụng. Nhưng những bài hát vừa kể trên của Trần Chung thì luôn được vang trên làn sóng và đã có đời sống lâu bền.
Ngoài việc tận tụy với vợ con, Trần Chung chỉ có hai hứng thú: Sáng tác bài hát và… uống rượu. Lúc nào trong túi xách của ông cũng có một cút rượu (ông chỉ dùng túi xách giống như loại túi của dân phe chợ đen thời bao cấp mà không dùng ca-táp hoặc túi đeo vai). Trong túi này, ông đựng vài thứ lặt vặt gồm các bản nhạc, thuốc lá, bật lửa và luôn có rượu. Nhưng ông chỉ uống nhâm nhi, mỗi lần một ngụm và không bao giờ say xỉn.
Ông có thể uống bất cứ lúc nào thấy thèm, kể cả lúc đang… họp. Không bao giờ có ai thấy ông say để có những cử chỉ và ngôn từ không chuẩn. Ông cũng rất ít khi nhậu tại quán. Gặp ai thân giữa đường, nếu gần nhà thì ông mời về uống rượu, dùng cơm. Món “mồi” cũng rất đạm bạc, chỉ là lạc rang hoặc đậu phụ luộc chấm tương. Ông chỉ nói chuyện liên quan đến sáng tác, ca hát. Đừng thấy trong mọi bài hát của ông luôn xuất hiện đại từ “anh”, “em” với những giai điệu rất trữ tình, ướt át, lôi cuốn mà nghĩ ông lai láng, đa tình, “để tình trang trải với muôn nơi” mà cánh mày râu trong giới nghệ sỹ thường dễ vướng phải.
Quả Trần Chung là trường hợp hiếm hoi. Có thể nói ông là một nhạc sỹ rất lãng mạn trong việc sáng tạo nên những giai điệu đầy sức quyến rũ nhưng lại luôn như là mặc áo cà sa, đi đứng nhẹ nhàng, khoan thai nơi cửa chùa. Ai mà tán chuyện trai gái, bông phèng, cợt nhả với các bóng hồng trước mặt ông thì ông chỉ mỉm cười đầy thông cảm chứ không bao giờ phụ họa.
Tôi nhớ có lần, khi ca sỹ Huy Hùng còn sống, một lần anh trêu nữ ca sỹ Minh Phúc bằng việc đọc một câu thơ ngẫu hứng rất “tệ” vừa tự “sáng tác”: “Minh Phúc con ông Đồ Phồn. Người thì bé nhỏ, cái… thì to” (ca sỹ Minh Phúc là con gái nhà văn Bùi Huy Phồn, tức Đồ Phồn). Huy Hùng vốn là nghệ sỹ rất vui tính tuy có lúc đùa bỡn hơi quá đà nhưng được mọi người quý mến. Anh rất hay nói chuyện tiếu lâm, thuộc nhiều thơ “tục” của Hồ Xuân Hương và thường trêu các nữ ca sỹ. Huy Hùng đọc hai câu thơ trên giữa chỗ có đông ca sỹ và nhạc sỹ. Mọi người cười rộ rất vui vẻ.
Ca sỹ Minh Phúc thì mặt đỏ như gấc, đấm thùm thụp vào lưng Huy Hùng bộc lộ sự phản ứng. Riêng Trần Chung chỉ mỉm cười, không nói gì. Một lần có người hỏi phu nhân của nhạc sỹ: “Ông Chung nhà bà suốt ngày sáng tác, anh anh, em em ở khắp nơi. Vậy mà bà chịu được à?” (chả là hầu như bài hát nào của Trần Chung cũng có đại từ nhân xưng “anh, em”).
Bà trả lời: “Sống với ông ấy đã mấy chục năm, tôi phải hiểu chứ. Công việc sáng tác của ông ấy là như vậy. Ông ấy có thể gọi mọi đối tượng nói đến là “em” (“Em ơi! Mùa xuân đến rồi đó/ Thắm đỏ ngàn hoa sắc mặt trời”). Ông ấy hiền như đất, chỉ biết có vợ con và sáng tác”. Quả là một người vợ thật đáng quý vì đã rất hiểu chồng và đặc thù công việc của chồng. Dễ gì người vợ nào cũng được như vậy, nhất là công việc của bà lại khác xa với nghề nghiệp của chồng.
Với những đóng góp lớn bằng những tác phẩm có giá trị lâu bền, Trần Chung được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (năm 2001). Có lẽ nhạc sỹ nào có được giải thưởng danh giá này cũng từng một số lần xuất hiện trên báo chí, truyền hình. Nhưng Trần Chung thì không. Chỉ sau khi ông qua đời vào năm 2002, Đài Truyền hình Trung ương mới đến gặp phu nhân của ông đề nghị làm một chương trình giới thiệu – cũng chỉ là việc phát lại một số ca khúc nổi tiếng của ông kèm lời giới thiệu về thân thế, sự nghiệp.
Lúc còn sống, Trần Chung rất ngại lên báo, lên đài. Ông chỉ thích thầm lặng làm việc như con tằm nhả tơ. Tôi nhớ mãi cách đây đã khá lâu. Khi đó, tôi là phóng viên âm nhạc ở một tờ báo. Nhân số kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động 1/5, đồng chí Tổng biên tập có trao nhiệm vụ cho tôi phỏng vấn hoặc giới thiệu một nhạc sỹ có nhiều sáng tác về công nhân, viên chức.
Tất nhiên, tôi nghĩ ngay đến Trần Chung vì ông là nhạc sỹ có nhiều bài hát hay về các ngành, nghề lao động. Khi tôi báo cáo với Tổng biên tập về người mình sẽ viết, mới nghe tên Trần Chung, ông đã nhíu lông mày tỏ ý chưa nghe nhiều tên này. Nhưng khi tôi hát qua một loạt bài của vị nhạc sỹ viết về lao động, công nhân các ngành, nghề thì ông gật gù nhận ra ngay. Tuy nhiên, người nhạc sỹ tôi rất đỗi yêu quý lại nhất định không đồng ý để viết về mình.
Ông nói: “Mình chưa có gì đáng kể. Cậu hãy viết về người khác”. Ông cứ khiêm tốn để khăng khăng từ chối như vậy. Đến khi tôi gần như phải năn nỉ: “Anh ơi, em đã báo cáo lên đồng chí Tổng biên tập rồi, đã vào kế hoạch bài vở rồi. Giờ mà thay đổi lại thì khó cho em quá. Anh cứ khiêm tốn vậy nhưng công chúng thì lại rất yêu thích nhiều bài của anh mà”.
Có lẽ nể và thương tôi, ông mới đồng ý, nhưng yêu cầu tôi cho ông đọc qua bài viết trước khi đăng. Tất nhiên là tôi chiều ông. Và ông đã đề nghị lược bỏ nhiều đoạn, thay nhiều từ ông cho là đề cao ông quá, ví như ông không thích dùng các từ, cụm từ: “nổi tiếng”, “sống mãi với thời gian”, “ít người sánh bằng”, “mẫu mực về thể loại ca khúc”… mặc dù đó hoàn toàn là sự thật được nhiều người thừa nhận. Ông nói: “Các cụ dạy rồi, “hữu xạ tự nhiên hương”, không cần đề cao nhiều, có chút giá trị gì thì tác phẩm sẽ tự nhiên lan chuyền, mọi người sẽ biết”.
Bài hát của Trần Chung dù viết về những đề tài rất “khô” nhưng có giai điệu luôn “ướt át” tức là nghe lôi cuốn, đậm chất trữ tình. Có thể thấy điều này ở một loạt bài ông viết về các ngành nghề (đã dẫn ở trên). Bởi vậy mà có rất nhiều cơ quan, địa phương, nhà máy, xí nghiệp đặt hàng ông sáng tác. Nhưng ông không dễ nhận lời nếu nơi đó ông ít hiểu biết.
Nhiều lần đang ngồi chơi ở nhà ông, tôi chứng kiến những người ở các đơn vị đến mời ông sáng tác bài hát cho họ. Ông nói có thể nhận lời nếu thu xếp được thời gian và cơ sở tạo điều kiện để về tận nơi tham quan, tìm hiểu thực tế. Họ nói cần bài ngay mà lại chưa thể thu xếp được thời gian để mời ông về, rồi đưa ra mấy bài thơ do sếp của họ sáng tác, trong đó đề cập đầy đủ nội dung hoạt động của cơ sở. Ông cứ việc phổ thành bài hát hoặc dựa vào đó mà đặt lời. Họ cũng ứng luôn tiền trước cho ông. Nhưng ông vẫn từ chối.
Họ nói: “Nhạc sỹ đã có hai bài phổ thơ rất hay là Đêm Trường Sơn nhớ Bác và Bài ca Trường Sơn. Vậy mong nhạc sỹ giúp chúng em như vậy”. Trần Chung không biết giải thích với họ như thế nào, đành nói là cứ để lại thơ, may ra sẽ phổ được. Nhưng không thể hứa trước điều gì. Và tất nhiên là ông từ chối nhận khoản tiền “tạm ứng” kia. Lần khác, ông lại từ chối khi có đạo diễn điện ảnh đến mời ông sáng tác nhạc cho bộ phim của họ.
Ông nói: “Tôi chỉ biết viết ca khúc, chứ không biết làm nhạc cho phim vì việc này cần khả năng phối khí, viết nhạc không lời”. Người đạo diễn đề nghị ông cứ viết các ca khúc theo yêu cầu của kịch bản rồi họ sẽ nhờ nhạc sỹ khác thực hiện phần nhạc không lời. Nhưng ông nói: “Ai lại thế. Anh hãy mời họ làm tất cả thì hơn”.
Trần Chung lặng lẽ, âm thầm, khiêm tốn làm việc để rồi tỏa hương qua từng tác phẩm, nhưng lại luôn biết từ chối với một ý thức rất khe khắt với bản thân trong sáng tác. Ông qua đời đã 14 năm (mất năm 2002), nhưng những bài hát của ông vẫn còn sống mãi trong sự ngưỡng mộ của công chúng.
(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn)