Nhạc sĩ Văn An và những ca khúc để đời

15/07/2016

Nhạc sĩ Văn An là một trong số các nhạc sĩ Việt Nam đầu tiên được giải thưởng Nhà nước. Ông sinh ngày 5-5-1929, với tên thật là Nguyễn Văn An, quê Nam Định, từ nhỏ theo gia đình lên sinh sống ở Bắc Ninh. Khi Cách mạng Tháng Tám nổ ra, Văn An rất hăng say, cùng anh chị, chú bác lớn tuổi tham gia cướp chính quyền ở thị xã Bắc Ninh.


 Nhạc sĩ Văn An

Năm 1946, Văn An tham gia bộ đội. Ông công tác ở đơn vị chiến đấu và tại nhiều đoàn văn công, đoàn ca múa quân đội. Từ năm 1958, ông phụ trách chương trình “Văn nghệ quân đội” trên Đài Tiếng nói Việt Nam.

Suốt cuộc đời phục vụ cách mạng, phục vụ kháng chiến, Văn An đã có hàng trăm ca khúc phổ biến trong quần chúng. Trong đó có một số có thể coi là dấu son trong sự nghiệp sáng tác của ông. Cách nay hơn 60 năm, ngay sáng tác đầu tiên của ông đã thành công, để lại trong lòng quần chúng ấn tượng khó phai, đó là bài Đường lên Tây Bắc (1950), giai điệu hay, đẹp, nói lên tinh thần vượt qua muôn ngàn khó khăn, gian khổ của quân dân ta giải phóng miền Tây Bắc xinh đẹp của Tổ quốc. Có thể nói bài Đường lên Tây Bắc là bài nổi tiếng nhất của Văn An trong các sáng tác của ông thời kháng chiến chống Pháp.

Là một nhạc sĩ luôn gắn bó với “anh bộ đội Cụ Hồ”, Văn An có nhiều sáng tác về hầu hết các binh chủng trong quân đội. Nổi tiếng nhất là bài Ta ra trận hôm nay viết về bộ binh và bài Nhịp cầu nối những bờ vui viết về công binh. Ông sáng tác ca khúc Ta ra trận hôm nay vào khoảng 1972-1973 là lúc các đoàn chiến sĩ náo nức tiếp tục lên đường ra mặt trận. Bài hát thể hiện ý chí quyết tâm, tinh thần vượt khó khăn gian khổ của các chiến sĩ đồng thời nói lên tình cảm của tuổi trẻ “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, của những con người lãng mạn cách mạng, phơi phới lên đường như trẩy hội.

Ta ra trận hôm nay là một bài hát tập thể, một hành khúc được viết theo nhịp đi 2/4 với hai đoạn đơn, tiết tấu khỏe, dễ hát, dễ nhớ. Giọng La thứ được sử dụng trong khúc quân hành làm cho giai điệu vừa trầm hùng vừa trữ tình. Bài hát không kết thúc bằng chủ âm (nốt La) như thường lệ mà bằng át âm (nốt Mi). “Kết không hoàn toàn” (demi cadence) làm cho người nghe có ấn tượng là dòng người dài bất tận ra đi không dứt trên những dặm đường “hành quân xa” theo lời nguyện thề “đâu có giặc là ta cứ đi”.

Bài Nhịp cầu nối những bờ vui, NS Văn An sáng tác năm 1976, phổ thơ của Phan Văn Từ. Ông có nhiều dịp đi thực tế thâm nhập các đơn vị công binh, tham quan các buổi tập luyện của các chiến sĩ trong các đợt diễn tập ghép phà, làm cầu… Chứng kiến quá trình lao động vất vả cực nhọc của bộ đội công binh, ông nảy ra ý định sẽ sáng tác về các anh. Một hôm, Văn An tình cờ đọc được bài thơ của nhà thơ Phan Văn Từ có nội dung phù hợp với dự định của mình, thế là ông đem bài thơ ra phổ nhạc. Giai điệu của bài hát vừa trữ tình, tha thiết vừa mềm mại, chải chuốt, đậm đà màu sắc dân ca với cấu trúc gọn gàng, bút pháp khúc chiết:

Chiếc cầu là nơi hò hẹn của đôi ta
Đêm trăng sáng trên cầu anh thổi sáo
Đêm trăng sáng chân cầu em giặt áo
Nhịp cầu nối những bờ vui…

Những ca khúc của các nhạc sĩ khác trong quân đội viết về binh chủng công binh thường là những hành khúc, những bài hát tập thể nói về lao động nặng nhọc của các chiến sĩ công binh. Nhưng bài này lại khác hẳn, ông muốn tạo cho mình một cách thể hiện giai điệu trữ tình êm ái, thiết tha, đậm phong cách dân ca, hợp với thể loại đơn ca. Với cách làm độc đáo này, Nhịp cầu nối những bờ vui đã nhanh chóng hấp dẫn người nghe, thậm chí còn được dùng trong thể loại “tân cổ giao duyên” ở Nam bộ. Bộ Tư lệnh Công binh đã tặng thưởng NS Văn An về thành tích sáng tác ca khúc hay về công binh.

Viết về Bác Hồ kính yêu, Văn An có bài Đôi dép Bác Hồ (1970) rất nổi tiếng. Có một sáng tác về Bác Hồ kính yêu là ý nguyện chung của giới nhạc sĩ từng chiến đấu và trưởng thành dưới ngọn cờ của cách mạng Việt Nam. Văn An cũng vậy. Từ lâu ông có ước nguyện gửi lòng kính yêu Bác của mình vào ca khúc.

Năm 1969, khi Bác đi xa, trong những ngày đau thương năm ấy, đã có hàng trăm tác phẩm cả nước ra đời. Một hôm tình cờ bắt gặp bài thơ Đôi dép Bác Hồ của Nam Yên, ông cảm thấy đề tài khá độc đáo, liền phỏng thơ để viết nên ca khúc về Bác trong nỗi niềm xúc động mãnh liệt:

Đôi dép đơn sơ, đôi dép bác Hồ
Bác đi từ ở chiến khu Bác về
Phố phường, trận địa, nhà máy, đồng quê
Đều in dấu dép Bác về, Bác ơi!...

Giai điệu trang trọng, tha thiết, sôi nổi, mang đậm âm hưởng dân gian. Tác giả đã khéo léo sử dụng các điệu thức dân tộc Bắc, Nam, Xuân, Oán… với thủ pháp chuyển hệ (métabole) để giai điệu thêm phong phú, nhưng lại gần gũi. Nét nhạc nghe như lời kể chuyện tỉ tê, thông qua đôi dép cao su để nói lên sự bình dị, gần gũi quần chúng của một lãnh tụ của nhân dân, suốt đời cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Hơn 60 năm gắn bó với âm nhạc, giờ đây trái tim của nhạc sĩ Văn An đã ngừng đập. Giới âm nhạc cùng đông đảo chiến sĩ và công chúng cả nước thương tiếc Văn An, một nhạc sĩ - chiến sĩ suốt đời đem âm nhạc phục vụ nhân dân, đất nước, quân đội.

(Nguồn: http://baicadicungnamthang.net)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...