Nhạc sĩ VĂN KÝ: Cái thực sẽ đi vào lòng người

20/03/2018

Nhạc sĩ Văn Ký đã nhiều tuổi nhưng tinh thần còn minh mẫn. Ông vui vẻ trao đổi với chúng tôi về quá trình sáng tác trong những năm tháng lịch sử, về những bài ca không quên của ông.

(Ảnh: Nhạc sĩ Văn Ký. Nguồn: HV112)

* TV: Ông đã đến với âm nhạc như thế nào? Do năng khiếu? Do truyền thống của gia đình hay sự ngẫu nhiên của số phận?

Nhạc sĩ Văn Ký: - Tôi đến với âm nhạc có lẽ là do sự ngẫu nhiên của số phận. Tôi sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở Nam Định gần Phủ Giầy. Ở đó sau này tôi mới biết cũng là nơi sản sinh ra nhiều tài năng của đất nước. Bố tôi là một ông đồ. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên lớn lên một chút mẹ gửi tôi vào Nông Cống (Thanh Hóa) để ông chú nuôi ăn học. Tôi tham gia Cách mạng từ rất sớm (năm 1943). Năm 1944 tôi bị mật thám Pháp bắt ở đây. Tôi còn nhớ tên mật thám đánh tôi rất đau, quay điện và tra tấn rất dã man. Khi thấy tôi không khai, hắn quay sang mời tôi uống trà, hút thuốc lá, ăn bánh kẹo rồi hỏi: “Anh có tin Cách mạng sẽ thành công hay không?”, tôi trả lời: “Có chứ!”. Nghe vậy tên mật thám nổi khùng lại đè tôi xuống đánh tiếp. Sau này tôi mới hiểu Niềm Tin rất quan trọng, chính vì niềm tin mà tay mật thám mới lồng lộn lên như thế. Cuối cùng, sau cuộc Nhật-Pháp đảo chính, chúng thả tôi ra. Sau Cách mạng thành công, tôi là huyện đội trưởng của huyện Nông Cống. Thời điểm này tỉnh không có văn công, chúng tôi có 3 anh em lập thành một ban nhạc và đi biểu diễn cho quần chúng khắp nơi. Tôi còn nhớ Bí thư tỉnh Thanh Hóa lúc đó là ông Thân biết chuyện liền chuyển tôi ra khỏi quân đội cho đi học âm nhạc tại Nghệ An. Lứa đi học này còn có nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. Những thầy giáo dạy tôi sáng tác đầu tiên là nhạc sĩ Lê Yên, Nguyễn Văn Thương. Còn có các thầy giáo vốn là nhạc sĩ của dàn nhạc Trung Bộ từ trước năm 1945 hướng dẫn chúng tôi về mặt kỹ thuật.

Tốt nghiệp khóa học này tôi được cử vào chiến trường Bình Trị Thiên cùng với nhạc sĩ Minh Hiến, Hải Châu. Nhóm chúng tôi gồm 3 anh em vừa đi vừa sáng tác, biểu diễn, qua các vùng địch hậu ba tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên. Hầu như đêm nào cũng phải di chuyển vì có báo động giặc càn. Nhiều lần biểu diễn sát vùng căn cứ địch, phải che đèn đi nhưng người xem vẫn đông nghịt. Tôi còn nhớ thời kỳ này nhà văn Bùi Hiển cũng công tác ở vùng đó. Hòa bình lập lại, tôi được học âm nhạc ở trình độ cao hơn do các chuyên gia Nga và Trung Quốc sang dạy. Có thể nói là tôi đã qua đại học âm nhạc ở trong nước. Tới năm 1968, tôi và một nhóm các nhạc sĩ khác như Vĩnh Cát, Vũ Trọng Hối, Trần Kiết Tường, Ngô Huỳnh được cử đi Nga đào tạo trên đại học. Tôi được học với hai giáo sư - Kujamiarốp và Bruxilốpki (những thầy giáo rất nổi tiếng) đào tạo rất kỹ lưỡng và bài bản. Các ông rất tôn trọng sự sáng tạo, cá tính của học trò, các ông luôn nói rằng học trò cần phải phát huy sáng tạo, giữ cá tính của riêng mình, người thầy chỉ gợi ý mà thôi. Hồi đó chúng tôi được đào tạo tại Kadắcxtan. Âm nhạc ở đây rất gần với âm nhạc ngũ cung của Việt Nam. Năm 1970 học xong tôi về nước, đi chiến trường và tiếp tục sáng tác.

* Ông sáng tác Bài ca hy vọng trong trường hợp như thế nào, thưa ông?

- Tôi sáng tác Bài ca hy vọng năm 1958, lúc đó đối phương không thực hiện Hiệp định Genève, âm mưu gây chiến tranh, chia cắt đất nước. Đã có người hoang mang trước thực trạng đó. Tôi muốn khẳng định trong tôi niềm tin tất thắng của Cách mạng. Bài hát này không mang tính thời sự, thậm chí niềm tin được thể hiện lãng mạn, mơ mộng và bay bổng. Chính vì vậy mà Bài ca hy vọng cũng có người không đồng cảm, thậm chí còn có lúc suýt bị cấm. Nhưng rồi quần chúng nhân dân, kể cả những chiến sĩ đang bị giam cầm, tra tấn trong nhà tù đế quốc, đã đồng cảm, hưởng ứng và Bài ca hy vọng sống trong tim mọi người. Cho đến hôm nay người ta vẫn không quên nó.

* Bài hát này đã được các chiến sĩ hát rất nhiều ở khắp nơi, thậm chí các tù nhân hát trước khi lên pháp trường. Ông có kỷ niệm nào với bài hát này?

- Có một lần tôi đi vào Hồ Xá (Vĩnh Linh) vào những năm bom đạn ác liệt. Tôi vừa đạp xe đến đầu làng thì nghe loa phóng thanh đang đọc truyện Sống như anh của Trần Đình Vân, đúng đến đoạn những người tù hát Bài ca hy vọng. Tôi xúc động quá không đạp được nữa, phải ngồi xuống vệ đường một lúc để trấn tĩnh lại. Thời đó, muốn gửi một tấm bưu thiếp bằng bàn tay cũng phải vòng vèo qua nước này nước nọ mới đến được tay người nhận. Như vậy, cả một Bài ca hy vọng đã được gửi từ Bắc vào Nam, đến tận những chiến sĩ đang bị đối phương giam cầm, tra tấn như một thông điệp về niềm tin và tình yêu. Đó là vinh dự lớn nhất cho bài hát của tôi.

* Một trong những bài hát của ông cũng rất được yêu thích là Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi...

- Bài này tôi viết năm 1966 khi nghe kể về một cô giáo được cử đến dự Đại hội Anh hùng Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Cô giáo tên là Tô Thị Rỉnh, người Tày, đã tự nguyện lên núi cao dạy học cho người Mông. Tôi nghe mà xúc động quá. Ngoài giờ dạy, cô còn vá quần áo, tắm giặt cho các cháu. Ngay đêm đó tôi về và viết suốt đêm cho tới sáng thì bài hát hoàn thành. Sự xúc động trước câu chuyện dạy học của cô giáo Tày này truyền qua tôi đã được kể lại trong bài hát. Cho nên có thể nói rằng cái thực đã rung động trái tim con người.

* Có phải ông sáng tác bài Nha Trang mùa thu lại về ngay tại thời điểm thành phố mới giải phóng?

- Ba tháng sau khi miền Nam giải phóng, tôi vào Nha Trang - một thành phố thanh bình, yên tĩnh và tuyệt đẹp. Đất nước vừa trải qua một cuộc chiến tranh ác liệt và quá dài. Tôi xúc động bởi sự đối nghịch đó. Ngồi bên bờ biển, tôi ghi lại mấy dòng cảm xúc đầu tiên. Hai năm sau thì bài hát ra đời. Tốp ca nữ Nha Trang là người hát nó trong hội diễn. Và Ái Vân là ca sĩ đầu tiên thu nó ở Đài truyền hình Nha Trang. Riêng Nha Trang thì coi bài này là “tỉnh ca” và bài hát cũng được nhiều ca sĩ cả nước hát và được nhiều giải thưởng trong các cuộc thi lớn. Tôi cũng đã được lãnh đạo thành phố trao giải thưởng về bài hát này.

* Ngoài các sáng tác về ca khúc, ông còn yêu thích những thể loại nào nữa?

- Năm 1969 khi đang học ở Nga tôi có viết bản giao hưởng K’Nhí. K’Nhí là tên một cô gái miền Nam. Hai năm thì viết xong, bản giao hưởng này đã được các dàn nhạc ở Nga và Đức biểu diễn rất nhiều lần và cũng được công chúng vỗ tay tán thưởng trong các buổi biểu diễn. Toàn bộ Tổ khúc giao hưởng này đã được xuất bản ở Mátxcơva. Ngoài ra tôi còn viết nhiều tiểu phẩm khí nhạc cho các loại nhạc cụ.

* Trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của mình, ông cảm thấy những điều gì đã làm được và những điều gì mong muốn mà chưa làm được?

- Những điều tôi đã làm được chỉ là góp phần một chút vào trong kho tàng âm nhạc. Tôi cũng muốn viết thêm những tác phẩm lớn nhưng bây giờ tuổi cao sức yếu nên cũng khó.

* Xin cảm ơn về cuộc trò chuyện thú vị và xin chúc ông một năm mới sức khỏe dồi dào và có thêm sáng tác mới!

                                                                                                                                                                     Tác giả: Thiên Việt

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...