Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai và "người tình trăm năm"
Quê gốc ở Phú Yên, Trương Tuyết Mai thi vào trường nhạc, không ỷ lại là con em miền Nam tập kết, vốn liếng chị mang theo chỉ là lời ru của mẹ, sự ân cần chỉ bảo của cha và một năng khiếu bẩm sinh cùng ước mơ âm nhạc cháy bỏng.
Những ngày ở nhà hưởng ứng giãn cách phòng, chống dịch bệnh, tôi thường để nhiều giờ ngồi bên giá vẽ và thưởng thức âm nhạc. Nghe nhiều không chán những bài hát về Huế, trong đó có “Huế, tình yêu của tôi”, bỗng nhớ nhiều đến nhạc sĩ Trương Tuyết Mai. Tôi nhấc máy gọi cho chị ở TP Hồ Chí Minh để nói chuyện nhiều giờ qua điện thoại. Giọng nói dịu dàng ấm áp của chị giúp tôi hình dung vẻ yêu kiều vốn có của một người đàn bà đẹp, tài hoa và nhân hậu mà tôi từng gặp...
Tôi ít hơn chị 6 tuổi, còn nhớ 40 năm về trước, tôi từng mong có lần được nhìn chị thật gần, được thấy dịu dàng của chị và nghe chị kể về những xúc cảm làm nên tác phẩm của chị nhưng thật khó. Lúc đó chị nổi tiếng không chỉ vì là một trong số rất ít những phụ nữ có khả năng sáng tác nghệ thuật, có nhiều bài hát hay, là một trong những con chim đầu đàn của nữ nhạc sĩ Việt Nam, mà còn vì vẻ duyên dáng đằm thắm, chưa kể chị còn là bà mẹ bận bịu với 3 con đang tuổi học hành. Mãi sau này, trong một buổi ghi hình về những bài hát đi cùng năm tháng, tôi mới gặp chị và trở nên thân thiết.
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai.
Cuộc nói chuyện của chúng tôi hôm qua là về những năm tháng ấy. Trong đó, chúng tôi nói về sự bất hạnh của người những người đàn bà tài và đẹp, rồi cùng nhau cười vang với một kết luận “bất hạnh nhưng dễ chịu”...
Bất hạnh vì… đẹp
Quê gốc ở Phú Yên, Trương Tuyết Mai thi vào trường nhạc, không ỷ lại là con em miền Nam tập kết, vốn liếng chị mang theo chỉ là lời ru của mẹ, sự ân cần chỉ bảo của cha và một năng khiếu bẩm sinh cùng ước mơ âm nhạc cháy bỏng. Cái ước mơ ấy như ngọn lửa rực sáng trong tim khiến cho nhan sắc của chị càng thêm mặn mà, có thể thiêu đốt tất cả những gì xung quanh và điều không thể tránh là chị đã phải làm mẹ ở tuổi còn rất trẻ, khi mà chưa tốt nghiệp Khoa Kèn (sáo flute), của Trường Âm nhạc Việt Nam thời đó, dường như để chấm dứt những sự theo đuổi vô cùng nhiều của những người yêu... người đẹp.
Nhưng, trước khi quyết định làm vợ và làm mẹ, người con gái duyên dáng Trương Tuyết Mai có một mối tình huyền thoại mà cho đến bây giờ, nhiều cây bút trong đó có tôi muốn được chuyển thành kịch bản phim (và có thể sẽ hay nhất mọi thời đại) về chuyện tình đó: Trong thời buổi chiến tranh còn chưa chấm dứt hoàn toàn trên cả nước, chị đem lòng yêu G.Boudarel (quốc tịch Pháp), người hết lòng yêu Việt Nam, mới tốt nghiệp môn triết khoa ngữ văn Đại học Pháp, một người yêu chính nghĩa, yêu thế giới đại đồng. Tình yêu bắt đầu từ cái nhìn đầu tiên của hai người trong một quán cơm trên phố Hàng Bông.
Nhưng ngày đó, yêu một người ngoại quốc là điều không thể chấp nhận từ mọi góc nhìn của xã hội. Biết thế nhưng họ vẫn yêu, mặc dù chỉ dám yêu thầm kín. Mỗi lần gặp là một lần bối rối, một lần đau đớn. Và rồi, thời cuộc với những vấn đề rối rắm và éo le của chính nó khiến hai người phải chấm dứt cuộc tình, họ mang trong lòng một nỗi buồn câm lặng và chia tay trong tuyệt vọng.
Người đàn bà đẹp lấy chồng, “bỏ lại trái tim của mình ngoài cửa sổ”. Năm 1965, tốt nghiệp, chị về công tác tại Dàn nhạc Đài Phát thanh Giải phóng. Giai đoạn này, vừa làm một nghệ sĩ biểu diễn sáo flute, chị vừa âm thầm học sáng tác, lại còn muôn nỗi vất vả nhọc nhằn thời bao cấp nuôi con ăn học.
Đàn ông làm nghệ thuật đã khó, đàn bà làm nghệ thuật còn khó gấp bội. 2 lợi thế: tài năng và nhan sắc cho chị bao nhiêu thuận lợi thì làm chị khốn khổ bấy nhiêu vì lòng đố kỵ, cả vì... lòng yêu mà không được chị đáp đền. Những lần hôn nhân “không biết vì đâu mà tan vỡ” như người ta vẫn nói, chị rơi vào tình trạng nuôi con một mình và chèo lái con thuyền gia đình...
Tài năng và sự ngưỡng mộ…
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai và Gs Boudarel.
Nếu chấp nhận số phận, Trương Tuyết Mai sẽ chỉ dừng ở vị trí một diễn viên thổi sáo flute trong dàn nhạc, về già an phận, trông cậy vào các con. Nhưng, giấc mơ khôn nguôi về tác phẩm đã khiến chị đem tất cả nghị lực của mình vào việc học, chị tự mày mò và tìm học theo các bậc thầy để có thể bước trên con đường sáng tác... Và chị đã đạt được điều đó.
Trong khí thế hừng hực của những tháng năm miền Bắc hướng về miền Nam thân yêu, nhiều tác phẩm âm nhạc ra đời động viên sức quân và sức dân, có một bản hành khúc nhẹ nhàng, với âm hưởng dân gian miền Trung chất chứa tình yêu quê hương đất nước đã gây xúc động lòng người, là Xe ta ơi lên đường của chị vang lên trên Đài Tiếng nói Việt Nam (1967).
Rồi liên tiếp các tác phẩm theo thể hành khúc như: Thừa thắng ta đi, Tiếng hát nữ pháo binh Long An”, “Giữ vững mạch máu Tổ quốc”, “Hành khúc công nhân”, “Đà Nẵng ơi hát lên”... Giới chuyên môn cho rằng chị là nữ nhạc sĩ viết nhiều hành khúc nhất và thành công không kém giới mày râu.
Tên tuổi của chị đã được trọng nể nhưng không ngừng ở đó, năm 1985 chị đến với Huế, một địa danh đã gây nhiều cảm hứng sáng tạo cho các nhạc sĩ, từ đó sinh ra các tác phẩm đầy ám ảnh như: Trên sông Hương (Nguyễn Văn Thương), Đêm tàn Bến Ngự (Dương Thiệu Tước), Chiều mưa phố Huế (Châu Kỳ), Nhớ về quê mẹ (Vân Đông), Dòng sông ai đã đặt tên (Trần Hữu Pháp)... rồi vẻ đẹp Huế đã làm tên tuổi Trương Tuyết Mai một lần nữa sáng lên với bài hát Huế tình yêu của tôi.
Sử dụng tài tình chất liệu dân gian ấm áp mượt mà, sâu lắng của xứ Huế mơ mộng đầy tính tự sự nội tâm, một tình yêu tha thiết, với một bút pháp chuyên nghiệp chị đã biến bài thơ của Đỗ Thị Thanh Bình thành một tác phẩm âm nhạc tuyệt hảo. Bài hát đã như mốc son, đánh dấu một giai đoạn mới của ca khúc về Huế (sau năm 1975).
Gia tài âm nhạc của chị đến nay có tới hơn 300 tác phẩm, bao gồm ca khúc và hợp xướng nhưng không chỉ có thế, chị còn là tác giả thơ và văn xuôi. Cuốn Nghe trăng (thơ) và cuốn Lật từng mảnh ghép (văn xuôi) cho thấy chị có khả năng sáng tạo nghệ thuật đa dạng thể loại. Ở tuổi này, chị vẫn có tập thơ thứ sáu Gập ghềnh khúc đau gồm 97 bài (NXB Hội Nhà văn) đang chuẩn bị ra mắt bạn đọc... Dĩ nhiên, âm nhạc vẫn là thế mạnh hơn cả của chị…Cộng với khát vọng, đam mê và ý chí, nghị lực, Trương Tuyết Mai đã vượt qua các rào cản cuộc đời để đứng vững trên đôi chân của mình.
Nói như nhạc sĩ An Thuyên: “Tổ quốc, nhân dân ta sẽ không bao giờ quên nền âm nhạc cách mạng, “anh hùng và nhân văn” mãi mãi trường tồn. Một thời hào hùng không bao giờ được quên, những người góp phần làm nên thời đại ấy mãi được tôn vinh”.
Chuyện tình chưa chấm dứt…
Cuộc trò chuyện của tôi với chị hôm qua còn nhắc lại kỷ niệm đêm diễn 19/4/2014 nhân chị tròn 70 tuổi, tại Nhà hát Bến Thành chủ đề Trương Tuyết Mai - Nửa thế kỷ âm nhạc. Rất thành công với sự tham gia của các ca sĩ: NSƯT Cao Minh, Thùy Dung, Triệu Lộc, Hạ Trâm, Nam Khánh, các nghệ sĩ của Nhà hát Giao hưởng TP Hồ Chí Minh, nhóm Áo Lính và con gái Jazzy Dạ Lam của chị... Chị bảo với tôi, thời gian tất yếu làm cho con người già đi nhưng tâm hồn dành cho âm nhạc, thơ ca cũng như tình yêu với người xưa của chị thì không bao giờ vơi cạn.
Tôi nhắc đến câu thơ của chị: "Ước gì gói được hương hoa ấy/ gửi đến cho người ngàn dặm xa" (Ước). Nhắc đến "Giọt thầm khoan nhặt nông sâu/ nàng ôm đàn hát khúc đau nhân tình" (Khúc đau); Nhắc đến "Chỉ còn mỗi trái tim/ vẫn tươi trong lồng ngực/ vẫn cất lời tin yêu/ dẫu mưa chiều nắng sớm" (Chân dung tự họa)... Nhưng, chúng tôi nói nhiều về “người tình trăm năm của chị” Gs. G.Boudarel, người đã từ giã chị, từ giã cuộc đời vào năm 2003 tại Pháp.
Trước khi ông mất ít lâu, chị và ông cũng đã gặp lại được nhau, đã có những ngày tay trong tay, mắt nhìn theo mắt, đã có những ngày chỉ nhìn nhau mà trái tim cất tiếng hát, chỉ yêu thương mà quên đi những oan trái. Họ quên đi cái éo le của số phận, cái éo le không bút nào diễn tả nổi, khi tình yêu vô tư trong sáng đã bị nghi ngờ, lên án. (Ông từng bị Chính phủ Pháp tuyên án tử hình vắng mặt, tội phản quốc khi ông ủng hộ Việt Minh đấu tranh cho chính nghĩa). Cũng không nhắc đến cả cái án đã được Chính phủ Pháp bãi miễn, họ chỉ còn một nỗi lo duy nhất làm sao để có nhau mãi mãi... Một “cuộc vui ngắn chẳng tày gang”.
Gs G. Boudarel được hội “những người bạn G. Boudarel” gồm những nhà trí thức tên tuổi trên thế giới quan tâm chăm sóc, lo lắng những năm cuối đời. Trước khi mất, ông có di nguyện với bạn bè là tro cốt của ông một phần sẽ được rải tại Pháp, một phần dành cho Việt Nam để rải trên những dòng sông ông từng đi qua (từ chiến khu D ra chiến khu Việt Bắc).
Bình tro ấy hơn 16 năm sau được GS Nguyễn Ngọc Giao, một người bạn đồng môn hồi dạy Đại học Paris 7, giữ gìn, đã về tới Tân Sơn Nhất với sự chờ đón của nhiều mái đầu bạc. Nghệ sĩ Trương Tuyết Mai ra tận nơi, ôm bình tro ấy về nhà vào tháng 1/2020.
Tại nhà, từ lâu nhạc sĩ đã lập bàn thờ cho ông, sau khi cùng mọi người đem rải tro cốt ở 3 con sông (sông Bé, sông Hồng và sông Thu Bồn), nhạc sĩ để chiếc hộp đựng tro trên bàn thờ, hằng ngày nữ nhạc sĩ “trò chuyện” cùng ông. Ngôn ngữ của cuộc trò chuyện ấy khi là thơ, khi thì nhạc, khi là hương của những đóa hồng.
Câu chuyện của chị khiến tôi xúc động khôn nguôi.
(Nguồn: http://antgct.cand.com.vn/)