Nhạc sĩ Trương Quý Hải: Vang mãi khúc tráng ca về đồng đội

26/07/2019

Không chỉ được biết đến với ca khúc rất nổi tiếng Hà Nội mùa vắng những cơn mưa, nhạc sĩ Trương Quý Hải còn ghi dấu ấn trong lòng khán giả bằng những khúc tráng ca tri ân những người đồng đội đã ngã xuống để bảo vệ biên cương phía Bắc của Tổ quốc. Những ca khúc Thư về với mẹ, Về đây đồng đội ơi, Hát cho người còn sống… của anh đã khắc họa rõ nét những gian khổ mất mát và sự hy sinh thầm lặng của người chiến sĩ, gây xúc động mạnh mẽ cho người nghe.

1. Gần đây, tôi có nhiều cơ hội được tiếp xúc với nhạc sĩ Trương Quý Hải khi anh là khách mời đặc biệt trong chương trình truyền hình trực tiếp “Quán Thanh xuân”. Điều dễ thấy là mặc dù thường xuyên lên sóng truyền hình nhưng nhạc sĩ luôn xuất hiện với phong cách giản dị: Quần jean, áo phông không cổ, gương mặt đầy vẻ phong trần.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải là người có khiếu hài hước, những câu chuyện của anh kể trong “cánh gà” của trường quay luôn đầy ắp tiếng cười. Tuy nhiên, khi tôi đề cập đến những ca khúc tri ân đồng đội của anh, giọng anh bỗng chùng xuống, đôi mắt ánh lên sâu thẳm những nỗi buồn.

Anh kể, từ nhiều năm nay, cứ vào ngày giỗ trận của các chiến sĩ chiến đấu trên mặt trận Vị Xuyên (ngày 12-7), anh lại cùng đồng đội lên thắp hương tại Nghĩa trang Liệt sĩ Vị Xuyên (Hà Giang). Và mỗi năm trở lại nơi này là một lần anh không giấu được bồi hồi, xúc động khi nhớ về những năm tháng chiến đấu cùng đồng đội. Cùng với nén hương thơm, lần nào cũng vậy, anh đều đứng rất lâu bên những nấm mộ, kể cho đồng đội nghe về cuộc sống của anh, về đất nước hôm nay...

Ngược thời gian, năm 1984, Trương Quý Hải lên đóng quân ở Lào Cai, bấy giờ vết tích cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc từ năm 1979 vẫn còn hằn đậm ở nơi này. Trước âm mưu “vẽ lại đường biên giới” của địch, đơn vị của anh được lệnh hành quân từ Lào Cai sang Hà Giang. Chiến đấu ở mặt trận Vị Xuyên, những tổn thất trong cuộc chiến đấu này để lại trong anh những day dứt, xót xa suốt mấy chục năm qua.

Quầng đen trên đôi mắt người nhạc sĩ càng hằn rõ, như muốn thu lại những hồi ức đã liên tục trở đi trở lại. Anh nhớ như in trước khi vào trận đánh, bút được phát đến tay chiến sĩ để các anh ghi tên tuổi, quê quán của mình lên áo, phòng khi không thể trở về thì người thân còn có dấu hiệu mà nhận dạng. Thế nhưng, các chiến sĩ đã không ghi tên mình mà chuyền bút cho nhau để viết lên ngực áo lời tuyên thệ: “Quyết tử cho Tổ quốc!”.

“Ký ức thảm khốc về cuộc chiến trong tôi không phải ở những cuộc giao tranh đẫm máu, mà tất cả là ở những hình ảnh về đồng đội. Tôi nhớ nhất là anh Ninh bị thương mà vẫn tiếp tục chiến đấu. Đến lần bị thương thứ hai, anh em muốn đưa anh về nhưng anh quyết trụ lại. Lần bị thương thứ tư thì anh Ninh hy sinh, tay ôm chặt súng còn nguyên dòng chữ trên báng “sống bám đá đánh giặc, chết hóa đá bất tử”. Có những đồng đội bị thương chằng chịt trên người, phải cưa tay chân mà nghiến răng chịu đau chứ không hề kêu rên”, nhạc sĩ Trương Quý Hải xúc động.

Trong dòng ký ức miên man về câu chuyện cách đây 35 năm, nhạc sĩ Trương Quý Hải bảo, khi ấy nhiệm vụ của anh là thực hiện công tác tử sĩ, chôn cất anh em. Một lần, anh tìm thông tin trên người đồng đội đã ngã xuống nhưng chẳng có gì ngoài một tờ giấy vốn là vỏ bao thuốc lá Sa Pa, màu mực xanh thấm nhòe cùng máu đỏ. Ba chữ “Mẹ kính yêu!” vừa đập vào mắt, anh đã thấy như có luồng điện chạy dọc sống lưng, và bất giác nhớ đến người mẹ của mình.

Đêm ấy, không giấy bút, không đàn nhưng anh đã thay đồng đội “viết” tiếp lá thư còn dang dở. Thư về với mẹ - sáng tác đầu tay của anh cũng chính là trách nhiệm hoàn tất những dòng thư gửi đến bậc sinh thành thay cho người đồng đội vừa ngã xuống: “… Thư về với mẹ, còn đượm nồng khói đất chiến hào/ Thư về với mẹ, thấm máu đào bạn con vừa hy sinh/ Thư về với mẹ, lời nguyện thề vì đất nước trong lòng/ Thư về với mẹ, non sông sạch bóng thù, con sẽ về mẹ ơi!...”.

2. Trở về từ cuộc chiến đem theo biết bao nỗi niềm khắc khoải về đồng đội còn nằm lại nơi địa đầu Tổ quốc, trong đó có những người vẫn chưa tìm thấy hài cốt, Trương Quý Hải xót xa, day dứt và tận sâu trong tâm khảm anh luôn muốn làm một điều gì đó cho những người đã hy sinh. Chính những lần về lại chiến trường xưa mà chẳng biết phải thắp nhang ở những đâu mới gặp mặt được hết đồng đội, anh cùng những người bạn đã nảy ra ý định dựng Đài tưởng niệm trên cao điểm 468 để làm nơi an trú cho hương hồn đồng đội.

Năm 2014, vì bận công việc, anh đã không thể có mặt trong thời điểm làm lễ 100 ngày Đài tưởng niệm. Trong sự day dứt của bản thân, tự vấn trách nhiệm của người chiến sĩ tuyên văn (tuyên truyền văn hóa) trên mặt trận xưa, anh đã sáng tác ca khúc Về đây đồng đội ơi - giống như lời của anh em còn sống gọi những người đã hy sinh.

“Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in cái đêm ca khúc ấy ra đời, khi câu mở đầu ấy kết thúc, còn đang loay hoay chưa biết câu tiếp theo thế nào thì bỗng dưng trong đầu như có người đang khe khẽ hát những câu nối tiếp. Tôi nghĩ đây không phải là sáng tác của mình, mà là những lời đồng đội mình từ thế giới bên kia”, nhạc sĩ Trương Quý Hải nhớ lại.

Nhưng có điều thật đặc biệt là lần đầu tiên anh ôm đàn trước điểm cao 468 và hát: “Hãy về đồng đội ơi! Còn nằm khe đá hay thung sâu/ Về đây có nhau, như nguyện ước chiến hào/ Được hòa cùng bầy trẻ thơ bên sông Lô hát yên bình/ Quân dân nồng ấm nghĩa tình/ Hãy về đồng đội ơi! Người lính chiến mãi đôi mươi/ Về đây điếu thuốc lào, ấm chè chốt hồn nhiên nụ cười/ Bạn bè, đồng đội, người thân ôm nhau nước mắt chan hòa/ Biên cương hình bóng quê nhà…”, khi vừa dứt lời thì cũng là lúc Vị Xuyên đổ mưa trắng trời. Trong niềm xúc động nghẹn ngào, anh bảo hình như đồng đội đã nghe thấy lời anh hát, hình như đồng đội đã thấu hiểu nỗi lòng của những người còn sống.

3. Nhạc sĩ Trương Quý Hải kể, một người đồng đội nói với anh rằng: “Chúng ta đang được sống đời mình bằng cả phần đời còn lại mà những anh em hy sinh đã trao tặng”. Câu nói ấy cứ ám ảnh trong anh, những ký ức, suy nghĩ chập chờn để rồi trong phút tĩnh lặng anh đã nghĩ rằng, mình không chỉ là chiến sĩ tuyên văn cho người còn sống mà còn là chiến sĩ tuyên văn cho người đã hy sinh.

Và đó cũng là chất liệu để ca khúc Hát cho người còn sống ra đời, như những lời nhắn gửi của anh em đã hy sinh với những đồng đội còn sống trở về: “Biên cương đã sạch bóng thù/ Đồng đội ơi còn sống về đi/ Trở về mái ấm quê hương/ Tiện đường ghé thăm nhà tôi/ Nhà tôi góc phố, nhà tôi cuối làng/ Tôi biển cát trắng, tôi xóm bên sông/ Mẹ hay nước mắt cha thường lặng lẽ/ Em tôi ngoan lắm trăng non tóc thề/ Thay tôi tạ lỗi cha mẹ, đạo làm con chữ hiếu dở dang/ Nặng tình non nước lên đường, ngày về khói hương đoàn viên…”.

Nghĩ về những người đồng đội đã hy sinh, nhạc sĩ Trương Quý Hải trăn trở: "Anh và những người còn sống đều nghĩ rằng mình cũng chỉ đóng góp một phần nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ Tổ quốc, còn chính những người hy sinh mới là những anh hùng, là linh hồn của đất Việt, thân xác họ đã hòa vào đất mẹ, bền vững thêm thành lũy biên cương, còn hồn họ trở thành hồn đất nước".

Anh nói, hòa bình mà chúng ta có được hôm nay đã phải đánh đổi không chỉ bằng xương máu mà còn hơn cả xương máu. Vì thế bổn phận của chúng ta và nhất là người trẻ là phải làm cho cuộc sống ngày hôm nay tươi đẹp hơn để xứng đáng với sự hy sinh của các chiến sĩ.

Ở tuổi 56, ngẫm về cuộc đời, nhạc sĩ Trương Quý Hải chia sẻ, anh không thể hình dung nổi nếu ngày đó không vào quân đội, không tham chiến đấu thì liệu hôm nay sẽ có một nhạc sĩ Trương Quý Hải hay không?

Dường như với người nhạc sĩ tài hoa của mảnh đất Hà thành này, được sống và chiến đấu nơi chiến trường là một may mắn để rồi trở về đời thường anh vẫn tiếp tục ngân mãi khúc tráng ca về những đồng đội đã hy sinh.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải sinh năm 1963 tại Hà Nội. Trở về từ cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc, anh tiếp tục theo học Đại học Mỏ - Địa chất rồi Đại học Kinh tế quốc dân. Thời còn trẻ anh còn được biết đến là với cương vị nguyên là cán bộ Đoàn sôi nổi, nhiệt huyết và từng nhiều năm giữ cương vị Ủy viên Thường vụ Thành đoàn Hà Nội. Hiện anh đang làm việc tại tập đoàn FPT và thường xuyên xuất hiện trên truyền hình với vai trò một nhạc sĩ.

(Nguồn: http://www.hanoimoi.com.vn/)

 

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...