Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội: Âm nhạc Hà Nội vẫn giữ được bản sắc

23/02/2021
 

Hội Âm nhạc Hà Nội là “chiếc nôi” đặc biệt nuôi dưỡng tình yêu Hà Nội của những nhạc sĩ tâm huyết với mảnh đất ngàn năm văn hiến. Khó có thể kể hết số tác phẩm về đề tài Hà Nội đã được khơi gợi, hình thành và tỏa sáng từ bệ đỡ này. Những đổi thay của cuộc sống, đặc biệt là đời sống âm nhạc hiện nay càng đặt ra yêu cầu tiếp tục giữ vững vai trò bệ đỡ, giữ cho “ngôi nhà âm nhạc” duy trì bản sắc. Cuộc trò chuyện với nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh, Chủ tịch Hội Âm nhạc Hà Nội đã được diễn ra xung quanh vấn đề này.

- Những ngày này, Hà Nội đã sẵn sàng cho Lễ kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội. Nhìn lại chặng đường 10 năm qua của âm nhạc Hà Nội, theo ông, có những dấu ấn gì đáng kể?

- Không chỉ 10 năm qua, mà trong suốt chiều dài lịch sử, Hà Nội vẫn là một trung tâm âm nhạc lớn của cả nước. Tuy nhiên, 10 năm qua cho thấy sự phát triển phong phú của âm nhạc Hà Nội với nhiều thành tựu. Bên cạnh nét sôi động từ những pop, rock, rap..., âm nhạc Thủ đô vẫn giữ được bản sắc, đậm chất Hà Nội. Thủ đô chính là địa chỉ giữ lại dòng âm nhạc chính thống của Hà Nội và cả nước.

- Ca khúc viết về Hà Nội là “đặc sản” của nhiều thế hệ nhạc sĩ đã gắn bó với mảnh đất này, Thủ đô cũng là một trong những đề tài lớn của Hội Âm nhạc Hà Nội. Ông đánh giá như thế nào về những sáng tác về Hà Nội trong giai đoạn vừa qua?

- Khó có thể kiểm đếm chính xác số ca khúc về Hà Nội được viết trong 10 năm qua, nhưng tôi nghĩ, con số đó là rất lớn, có khi tới hàng nghìn. Các nhạc sĩ sáng tác rất nhiều, có những bài rất nổi tiếng - của nhạc sĩ lớn tuổi cũng có, nhạc sĩ trẻ cũng có. Ngoài ca khúc còn có nhạc thính phòng, hợp xướng, cả những vở opera, ballet... Đáng lưu ý, năm 2019, Hội Âm nhạc Hà Nội tổ chức Trại sáng tác ca khúc với chủ đề “65 năm Giải phóng Thủ đô (1954 - 2019)”, đã thu hoạch được nhiều tác phẩm tốt, như: Sắc thu Hà Nội của Vũ Huyền Ngọc, Hà Nội thành phố vì hòa bình của Đậu Hoài Thanh, Tháng tư Hà Nội của Đức Giao, Hà Nội vào thu của Kiều Đình Kiểm... Đặc biệt là nhạc kịch Hoa lửa của nhạc sĩ Ngô Quốc Tính viết dựa trên ý tưởng tác phẩm Lũy hoa của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng và bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi.

- Hà Nội đang “thay da đổi thịt” từng ngày. Vậy Hà Nội trong âm nhạc có sự chuyển biến như thế nào qua góc nhìn của các nhạc sĩ trong một thập niên qua, thưa ông?

- Phải nói rằng đề tài Hà Nội tuy rất cụ thể nhưng cũng rất rộng, là thử thách với nhiều thế hệ nhạc sĩ luôn phải đào sâu tìm tòi, khai phá. Các nhạc sĩ vẫn đang sáng tác, viết về tình yêu Hà Nội, ký ức chiến tranh, vẻ đẹp đất và người Hà Nội... Nhưng cảm xúc của họ cũng đã thay đổi. Nhiều ca khúc hướng vào đời sống cá nhân, miêu tả Hà Nội đời thường như một buổi cà phê, trà đá vỉa hè, những người già tập dưỡng sinh hay một buổi ngắm trăng trên hồ Tây... Hà Nội hiện lên trong âm nhạc giản dị hơn, không nhất thiết phải là âm hưởng hào hùng, cũng không phải là tình yêu xa vắng nhớ nhung... như giai đoạn trước. Người trẻ bây giờ nói về Hà Nội bằng sự quan sát tinh tế, mượn những thứ rất nhỏ để nói về một Hà Nội đẹp, đáng yêu...

Âm nhạc rất đa dạng. Các nhạc sĩ trẻ vận dụng ngôn ngữ mới của âm nhạc hiện đại vào sáng tác, như có thể thấy qua tác phẩm của Nguyễn Đức Cường, Nguyễn Thị Hiền, Mạnh Hùng...

- Như nhạc sĩ vừa chia sẻ, thập niên vừa qua có nhiều sáng tác mới về Hà Nội và cũng có những thành tựu âm nhạc nổi bật. Nhưng cũng phải nói thật, công chúng vẫn đặt câu hỏi tại sao gần đây không có nhiều ca khúc hay về Hà Nội như các giai đoạn trước?

- Đây cũng là điều khiến chúng tôi trăn trở. Số lượng ca khúc rất nhiều nhưng vì sao thiếu vắng “đỉnh cao”? Tôi xin nói thẳng, đó một phần là vì âm nhạc thị trường tràn ngập. Cứ nhìn những sân chơi âm nhạc trên truyền hình hiện nay mà xem. Rất tiếc khi phải nói rằng, đó là sự náo loạn. Quá nhiều sân chơi dành cho nhạc vàng, nhạc sến, quảng cáo thì toàn dùng nhạc chế..., điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến sinh hoạt âm nhạc chính thống và thẩm mỹ âm nhạc của công chúng nói chung. Có rất nhiều vấn đề nhưng các nhạc sĩ nhiều khi vì ngại động chạm nên không nói. Các đơn vị phát hành, đài truyền hình... phải chịu áp lực về kinh tế, chúng tôi rất hiểu điều đó, nhưng làm như vậy thì chúng ta dần mất đi sân chơi cho những nhạc sĩ chính thống và cơ hội để ca khúc hay, mới đến được với công chúng sẽ ít đi.

- Nói như vậy nghĩa là còn nhiều ca khúc về Hà Nội sáng tác xong rồi “nằm kho” phải không, thưa ông?

- Nói chung không chỉ với tác phẩm về đề tài Hà Nội mà hầu hết tác giả hiện nay muốn đưa tác phẩm đến với công chúng đều phải tự thân vận động. Như các nhạc sĩ của Hội Âm nhạc Hà Nội hiện nay, họ sáng tác rồi tự bỏ tiền túi ra thu âm, trung bình khoảng 5 triệu đồng một bài, chọn ca sĩ có tiếng thể hiện tác phẩm của mình thì phải mất 10 - 15 triệu đồng. Đó là số tiền lớn đối với những nhạc sĩ đã nghỉ hưu, tuy nhiên, chúng tôi sẵn sàng bỏ tiền ra để đứa con tinh thần của mình đến được với người nghe, nhất là với những bài hát về Hà Nội. Tinh thần của các nhạc sĩ Hà Nội là như thế.

- Hội Âm nhạc Hà Nội đã có giải pháp gì để hỗ trợ hội viên trong việc quảng bá tác phẩm?

- Đây là một câu hỏi khó bởi chúng ta đều biết, hội hiện nay không có kinh phí để thực hiện những việc như thế. Chúng tôi dùng uy tín của hội cũng như uy tín cá nhân để thẩm định, lựa chọn tác phẩm, giới thiệu tới những “sân chơi” phù hợp. Chẳng hạn như hiện nay, theo tôi, chỉ còn một mô hình sinh hoạt âm nhạc đậm chất Hà Nội là cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội - được tổ chức 2 năm/ lần. Sân chơi này góp phần giới thiệu tác phẩm viết về Hà Nội rất tốt vì bắt buộc thí sinh phải hát những bài về Hà Nội. Cũng tại đây, nhiều sáng tác mới về Hà Nội đã đến được với công chúng, trở nên nổi tiếng.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đang phối hợp với Truyền hình Nhân Dân thực hiện chương trình Tình yêu Hà Nội vào các ngày thứ bảy của tuần cuối cùng mỗi tháng. Đây cũng là cố gắng rất lớn của Hội Âm nhạc Hà Nội. Chương trình được thực hiện từ 2 - 3 năm nay, mỗi tháng giới thiệu khoảng 4 - 5 ca khúc mới, tuy nhiên, tiếng vang không lớn, chưa đạt được hiệu quả như mong muốn.

- Vậy thì, theo ông, đâu là giải pháp để dòng chảy âm nhạc Hà Nội có được một chỗ đứng vững chắc hơn?

- Vấn đề mấu chốt vẫn là làm thế nào để tác phẩm đến được với công chúng. Âm nhạc chính thống phải là dòng chủ lưu thì mới có một nền âm nhạc tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Mà muốn làm được điều đó thì phải có kênh phát hành do Nhà nước hỗ trợ, bởi nếu không thì dòng nhạc này khó có thể cạnh tranh với “nhạc thị trường” cũng như các loại hình giải trí khác. Việc mà hội đang làm là cố gắng giữ vững “nếp nhà” cho âm nhạc Hà Nội nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung.

- Trân trọng cảm ơn nhạc sĩ!

Bài: Hương Trà

(Nguồn: http://hanoimoi.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...