Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng: 'Áo vest hay áo dài cũng luôn cần thợ may giỏi'
Ngày 29/1 tới, tại Nhà hát TP.HCM sẽ diễn ra đêm nhạc đặc biệt mang tên OSSSO Fusion Musical Experience (OFME) với chủ đề Khúc giao hòa ngày Xuân. Đây là dự án âm nhạc khá mới mẻ, giới thiệu về đất nước và con người Việt Nam thông qua việc thưởng thức âm nhạc và trải nghiệm các giá trị văn hóa bằng việc phối hợp nhạc cổ truyền dân tộc Việt Nam với giao hưởng và nhạc nhẹ.
Chương trình này có sự tham gia của các nhạc sĩ và nghệ sĩ nổi tiếng thuộc nhiều thể loại âm nhạc của Việt Nam như nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Hoàng Kim Quang, nhạc trưởng Trần Vương Thạch, nhạc sĩ Nhất Lý, nhóm Mặt trời đỏ và đặc biệt, có cả sự tham gia của nhạc trưởng nổi tiếng thế giới Marius Stravinsky.
Nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng nói rằng dự án này có thể không phải là đầu tiên tại Việt Nam nhưng anh hy vọng nó sẽ tạo ra một sự phát triển mới cho âm nhạc dân tộc.
* Sau hơn 2 năm gây chú ý với album Jazz pha chèo, giờ thì anh trở lại với một dự án cũng gây tò mò không kém, “pha” nhạc cổ truyền với giao hưởng thính phòng. Chắc hẳn anh muốn đưa một thông điệp nào đó?
- Ngay từ khi bắt đầu, dự án đã tìm được những con người cùng chí hướng. Nghệ sĩ Hồ Nga, nhạc sĩ Kim Quang đã từ lâu theo đuổi mục đích mang đến cho nhạc dân tộc một sức sống mới nên khi gặp ý tưởng này thì chúng tôi thấy rất hay và quyết định sẽ làm cùng nhau.
Theo đó, tinh thần của chương trình sẽ gồm 3 ngôn ngữ: Giao hưởng, nhạc nhẹ và nhạc dân tộc và hướng đến những điều sau: đậm đà bản sắc dân tộc cổ truyền, hấp dẫn giới trẻ, và lấy được cảm tình của giới chuyên môn.
Để làm được điều ấy đối với chúng tôi là chuyện không đơn giản. Giới chuyên môn chấp nhận nhưng công chúng lại không thích, hoặc ngược lại. Do vậy, chúng tôi phải lấy nền tảng, kỹ thuật, cách tổ chức của âm nhạc giao hưởng châu Âu để tạo nên một không gian đủ để chuyển tải độ tinh tế trong phối âm và mạnh mẽ bởi sự kết hợp đồng thời số lượng lớn các nhạc cụ làm bệ đỡ.
Tiếp đó, thổi vào nó một luồng sinh khí đương đại bằng cách dùng nhạc nhẹ với tiết tấu hiện đại. Hòa âm phối khí là kiểu giao hưởng nhưng tiết tấu là của nhạc nhẹ. Cả hai điều ấy sẽ được dùng để tôn vinh mô típ nhạc dân tộc. Tôn vinh những họa tiết dân tộc từ những làn điệu, âm sắc…
* Theo anh, có những giới hạn nào mà âm nhạc dân tộc đang gặp phải ở thời kỳ mới và có những bức thiết nào chúng ta cần phải làm để đưa dòng nhạc này đến gần công chúng hơn nữa?
- Chúng ta đã qua giai đoạn khó khăn, đã có những thành tựu về phát triển kinh tế và giờ đến lúc chúng ta cần phải chú trọng nhiều hơn nữa cho việc phát triển văn hóa. Những giai đoạn trước đây chúng ta làm về nhạc nhẹ, nhạc thị trường, nhạc giao hưởng là đi học người ta. Đó là thời kỳ học hỏi và tôi nghĩ bây giờ muốn phát triển văn hóa là phải đưa cái văn hóa của mình ra được với thế giới.
Sẽ có rất nhiều cách để làm điều ấy và cách mà chúng tôi đang làm là một trong số đó. Chúng tôi không phải là người khởi đầu cho khuynh hướng này nhưng tôi rất hy vọng nó sẽ tạo ra một sự phát triển mới cho văn hóa dân gian.
* Theo anh sự hứng thú mà chương trình này đem lại sẽ nằm ở đâu?
- Tôi tin điều này sẽ nằm ở phần âm nhạc dân gian. Khi kế hoạch đã phác xong thì chúng tôi đã quyết định đi nghiên cứu âm nhạc ở 3 vùng văn hóa chính: Tây Nguyên, Tây Bắc và Chăm Pa tại Ninh Thuận. Đây là những vùng có nhiều yếu tố Đông Nam Á nhất trong âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Yếu tố lạ sẽ gây đột biến, tôi nghĩ vậy.
* Anh cũng từng cho ra một sản phẩm âm nhạc vào năm 2013, Yếm đào xuống phố với việc pha jazz với chèo và cũng gây nhiều sự chú ý của công chúng. Ý tưởng đó có giống với ý tưởng lần này của anh?
- Nó cùng xu hướng nhưng khác về cách thức so với dự án này. Đối với tôi, khi pha trộn bất cứ dòng nhạc nào với nhau thì quan trọng nhất người pha phải hiểu rõ về nó. Anh phải là một thợ may giỏi, phải biết “mix” vẻ đẹp của áo vest và áo dài để làm sao khi ra một sản phẩm, cho dù nhiều chiều dư luận nhưng không ai nghi ngờ về độ hiểu biết của anh.
Khi bạn chưa may được, hoặc chỉ mới may được một trong số ấy, thì đừng nên nghĩ đến việc pha trộn.
Khi bắt tay làm chương trình này, chúng tôi tự hỏi nhau: chúng ta có hiểu về giao hưởng không, có biết gì về nhạc nhẹ không và có đủ khả năng để làm nhạc dân tộc không? Vì khi câu trả lời là “có” thì chúng tôi mới dám làm.
* Anh đặt niềm tin gì vào chương trình này: đem cổ điển phương Tây đến gần hơn công chúng Việt qua âm nhạc cổ truyền Việt Nam hay ngược lại?
- Chắc chắn là hình thức thứ 2, đưa âm nhạc cổ truyền, âm nhạc Việt đi xa hơn.
* Cảm ơn anh!
(Nguồn: http://thethaovanhoa.vn)