Nhạc sĩ An Thuyên: Tôi xin mọi người đừng lạm dụng cái từ "đạo nhạc"

12/06/2014

PV: Xin chào nhạc sĩ An Thuyên. Là một “cây đa cây đề” trong giới âm nhạc Việt Nam, nhạc sĩ có quan tâm nhiều đến những sáng tác gần đây của những nhạc sĩ, ca sĩ trẻ với những ca khúc được coi là rất “hot”?

Nhạc sĩ An Thuyên: Ấy! Tôi còn trẻ mà... nỡ lòng nào bạn cho tôi lên "cây đa, cây đề" sớm vậy? Hiện tôi đã và đang có nhiều nhiều học trò, nhiều bạn trẻ yêu tôi lắm, vì đơn giản là tôi luôn yêu lớp trẻ và luôn lắng nghe họ. Tôi đã có lần nói trên chương trình " Bài hát Yêu thích" rằng: "Xin làm viên gạch lát đường cho lớp trẻ tiến lên!".

PV: Xin được hỏi nhạc sĩ, trên thế giới từ hàng trăm năm nay và ngay tại các trường âm nhạc hiện nay thì việc viết giai điệu, ca từ cho một bản nhạc đã có sẵn hòa thanh để làm nên một ca khúc, có được coi là một lao động nghệ thuật?

Nhạc sĩ An Thuyên: Ai qua tạo ở các trường âm nhạc đều phải làm những bài tập như vậy. Viết giai điệu cho một hoà thanh cho sẵn, hoặc ngược lại, viết hoà thanh cho một giai điệu có sẵn, đấy là những bài tập. Khi làm công việc sáng tác, quy trình cũng như thế, có thể một hay nhiều người cùng làm, điều quan trọng ai tham gia viết phần nào phải chính danh phần đó. Đó là điều bắt buộc.

PV: Và như vậy thì, thưa nhạc sĩ, liệu rằng trên thế giới có nhiều trường hợp tương tự như Charles Gounod viết ca khúc Ave Maria nổi tiếng với phần hòa âm của Johann Sebastian Bach hay không?

Nhạc sĩ An Thuyên: Có rất nhiều và đã có nhiều tuyệt phẩm. Tất nhiên, ông C.Gounod và ông J. Bach luôn được ghi là đồng tác giả nhé! Chính vì thế nên ngày nay, có hàng triệu bản beat được tải lên mạng Interrnet để mọi người sử dụng. Trên mạng đã hình thành cả tên “Chợ beat”. Ngay ở Việt Nam, lớp trẻ dùng beat nước ngoài là phổ biến. Mọi người đang coi chuyện đó là bình thường và đây chính là "nguyên nhân của mọi nguyên nhân".

PV: Nhưng việc tác giả sau khi viết giai điệu và ca từ, không ghi kèm tên của người sáng tác hòa thanh vào ca khúc của mình rõ ràng là một thiếu sót rất lớn. Trong những trường hợp đó, chúng ta phải gọi là gì, thưa nhạc sĩ?

Nhạc sĩ An Thuyên: Tôi xin mọi người đừng lạm dụng cái từ " đạo nhạc" vì cái đó nhiều khi không chính xác thì oan uổng cho người ta. Đã từng có thời một nhạc sĩ lớn bị báo chí, dư luận rùm beng lên, chụp cho người ta cái mũ chết người "đạo nhạc", rồi Nhà nước phải giám định và công bố không đạo nhạc. Âu cũng giải oan cho người có công, mà công rất lớn cho ngành nhạc. Nhưng "được vạ má sưng", có ai cùng báo chí xin lỗi người ta một câu đâu...?

PV: Một trường hợp cụ thể: Ca sĩ Sơn Tùng M-TP với hàng loạt ca khúc hot trong giới trẻ, hiện đang bị dư luận mổ xẻ trái chiều nhau. Ông nghĩ thế nào?

Nhạc sĩ An Thuyên: Ta nên bình tĩnh và thẳng thắn nhìn vào cái tổng thể, mới thấy sự việc lớn hơn nhiều. Trường hợp của Sơn Tùng, tôi chắc chắn là đã có cái sai và lặp lại nhiều lần, nhưng gọi là đạo nhạc thì tôi thấy không nên. Vì cái sai của các cháu là cái sai cá thể trong tổng thể. Lại nữa, các cháu còn quá trẻ, mới bước vào đời, ta chụp cái mũ to tát ấy sẽ là sự gập ghềnh cho tương lai các cháu. Tôi nghĩ các cháu đang hành động vô thức, chưa đủ bản lĩnh, trí tuệ và sự từng trải để cẩn trọng trước sau. Mà nói thật nhé, lỗi là của người lớn nữa đấy. Tại sao các cháu làm vậy không ai nhắc nhở cháu, rồi lại còn tung hê lên, sao này, tài năng nọ, giải thưởng này, danh hiệu kia, rồi còn đưa vào hàng "gương mặt thân quen", xếp ngang với những danh tài trong nước và cả thế giới nữa? Phải yêu các cháu, để rồi gọi đúng tên sự sai sót, giúp Tùng và các cháu khác hiểu rõ chính mình mà làm tốt hơn. Vấn đề cốt lõi ở đây bản quyền! Ta đã vi phạm bản quyền với thế giới có hệ thống và lâu dài rồi. Sơn Tùng và một số cháu khác như tôi biết đã lấy các bản Beat nước ngoài trái phép, dù là Beat miễn phí. Quan trọng hơn nữa là cháu Tùng đã không công khai danh tính, nguồn gốc các bản Beat đó khi đưa công bố tác phẩm, mà chi giới thiệu: sáng tác Sơn Tùng. Từ cổ chí kim không ai bỏ tên người cộng tác làm nên tác phẩm với mình cả! Một điều nữa, việc không công khai và ghi danh chủ sở hỡi các bản Beat đó làm để chơi vui bầu bạn thì còn có thể bỏ qua, nhưng ở đây các cháu lại mang đi thi, được giải thưởng to, biểu diễn nhiều lần có thu nhập cao, phát hành Album, làm nhạc chuông, nhạc chờ có kinh doanh dài dài.v.v làm cho việc vi phạm bản quyèn càng thêm nghiêm trọng. Dẫn đến vi phạm bản quyền cả hệ thống từ công ty quản lý trực tiếp tới hệ thống kinh doanh, tới những nơi trao giải thưởng... đâu chỉ có các cháu? Đây là thói quen đã rất phổ biến ở nước ta, đáng báo động, cần sớm xóa bỏ, bởi nó chỉ có ở xã hội kém văn minh, vừa vi phạm pháp luật, vưa tự đánh mất bẳn sắc dân tộc. Thử hỏi, ta cứ cổ suý cho cách làm đó, mai đây ta có một nền âm nhạc Việt Nam lệ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài, hồn cốt nước ngoài, người Việt Nam chỉ biết "mê" nhạc nước ngoài thì hỡi ôi... Ta đang có một thị trường âm nhạc nhập lậu tràn lan, đem về "gia công", rồi đem ra cho công chúng núp dưới hai chử "giải trí". Bài học về nghề nuôi cá lớn lao của chúng ta, cá thì của ta mà thức ăn thì của ngoại. Không mua được thức ăn ngoại thì nghề cá biết đi về đâu?

"Hoà bình là gốc của Nhạc"! ( Nguyễn Trãi), Hội nhập lấy gốc từ Văn hoá. Nhạc của ta như thế đâu có phải thứ nhạc của một dân tộc hoà bình, đang mưu cầu thịnh vượng. Hội nhập với thế giới để giàu mạnh hay ta tự hoà tan? Ta đang thua âm nhạc nước ngoài ngay trên sân nhà, đau đớn lắm chứ! Là con dân Việt, chắc chắn các nghệ sĩ ai cũng nghĩ như tôi.

PV: Theo nhạc sĩ, chúng ta cần phải làm gì để hạn chế tình trạng đó, nhưng cũng không “bóp chết” sự sáng tạo nghệ thuật trong âm nhạc theo những quy tắc thông thường đã được thế giới áp dụng?

Nhạc sĩ An Thuyên: tình hình âm nhạc hiện nay không còn là vấn đề chuyên môn, nghề nghiệp nữa, mà là vấn đề đi chệch hướng, sùng ngoại đến cả những thứ người ta đã bỏ đi. Chắc mọi người cũng đồng tình với tôi. Cái chìa khoá cho các nghệ sĩ và đại công chúng yêu nhạc, cùng các nhà tổ chức và kinh doanh âm nhạc hãy làm tất cả vì lòng tự tôn dân tộc, sống chết cho dân tộc, học ngoại cũng là vì dân tộc tốt hơn. Các lớp nghệ sĩ và công chúng lớp trước đã làm được những điều vẻ vang đó, ta nên luôn học theo.

Với các cơ quan quản lý, các phương tiện truyền thông, quảng cáo liên quan đến âm nhạc, các tổ chức kinh doanh âm nhạc hãy hợp tác với nhau, đồng tâm thực hiện tốt luật sở hữu trí tuệ, bản quyền âm nhạc trong và ngoài nước. Nước ngoài người ta nghiêm khắc lắm. Việc vi phạm bản quyền âm nhạc nước ngoài "phải báo động đỏ!". Nếu không, một nguy cơ lớn ta sẽ bị trừng phạt.

"Bài hát yêu thích" của chúng ta là một chương trình nghệ thuật lớn, có uy tín trong công chúng. Ta hãy nói không với các bản Beat nước ngoài không rõ nguồn gốc! Tại sao không? Làm gì thì làm, đừng để vi phạm pháp luật rồi hệ luỵ.

Với Sơn Tùng và một số cháu khác cho phép tôi nói riêng vài lời: "Bác nghĩ, các cháu là những người còn rất trẻ, rất thông minh, bác rất yêu, rất tin. Hãy công khai nói lời sai sót của minh. Hãy học hỏi trao dồi chuyên môn, vượt lên trên những lời khen chê trước mắt, cảnh giác với cái "ảo" đang hiện hành, đâu đó đang cám dỗ các cháu, để chuẩn bị cho mình một con đường dài xây vinh quang thật hơn . Bình tĩnh chấp nhận những thử thách cho dù rất khắc nghiệt để bước đi mình vững chắc hơn. Sai thì sửa, bác cũng thế thôi. Trước mắt, bác nghĩ các cháu nên cộng tác với các nhạc sĩ nội, viết Beat cho cháu đi, bác thấy nhiều người giỏi lắm. Bác tin cháu sẽ thành công hơn. Công chúng yêu nhạc sẽ còn yêu cháu thật hơn!".

Cám ơn phóng viên Lại Ngọc Dung - PGĐ Truyền thông và Phát triển Thương hiệu của Chương trình "Bài hát yêu thích" đã cho tôi cơ hội để phát biểu những chính kiến của mình, để nói lên những lời rất nôm na chân thành như vậy. Có gì mong được sự chia sẻ của mọi người.

PV: Vâng, xin cảm ơn nhạc sĩ!

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...