Nhạc sĩ Phú Quang: Hà Nội và những chuyện bây giờ mới kể
Hà Nội khi tôi bay ra tiết trời đổ lạnh. Một bản tin trước giờ bay mà tôi đọc được là tiết trời miền Bắc trở rét đột ngột như bất ngờ có một cơn áp thấp nhiệt đới từ Tây Bắc tràn xuống.
1. Đầu năm lòng người dễ chùng lại vì những đổi thay, những chuyến đi. Cũng như thế, trước một chương trình ca nhạc nghệ thuật đầy chiến tích như Duyên Dáng Việt Nam để tiếp tục tạo được những thành công mới, những dấu ấn ngột khởi vẫn là niềm thúc hối không dễ có nếu như không muốn nói là tự ve vuốt nhau. Bởi thế tôi bất ngờ khi đầu giờ chiều chạy tổng duyệt chương trình tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia đã thấy xuất hiện nhạc sĩ Phú Quang.
Ông xuất hiện vào lúc các ca sĩ, nghệ sĩ nhốn nháo, ồn ào đang hỏi và đợi xem ai sẽ tiếp tục lên sân khấu để có thể về sớm hay chạy show. Phú Quang lặng lẽ ngồi vào hàng ghế trống đầu tiên đối diện màn kép với nụ cười thanh tú, dễ gây thiện cảm. Ông đợi đến lượt mình như bất kể mọi người. Không đòi hỏi một sự ưu tiên khi mà ông có thể đề nghị chuyện đó. Bất cứ ai trông thấy Phú Quang cũng vui và dành cho ông sự ngưỡng mộ xứng đáng. Người nhạc sĩ đã gắn bó cuộc đời mình với Hà Nội bằng những ca khúc bất hủ: Em ơi Hà Nội phố, Chiều phủ Tây Hồ, Hà Nội ngày trở về, Hà Nội và em khi thu chớm đông sang… và hàng loạt những bài khác.
2. Gặp lại anh Phú Quang. Hai anh em biết nhau khi còn ở Sài Gòn. Nhà anh khuất trong con hẻm nhỏ gần cầu Thị Nghè, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh. Năm thứ hai đại học tôi ở trọ sau lưng khu cảng Ba Son, đường Ngô Tất Tố - Thị Nghè - sông Sài Gòn gần đó nên tìm đến chơi với anh. Tôi đã ký tặng anh tập thơ đầu tay Giọng nói mơ hồ của mình. Ngoảnh lại ký ức. Bài hát Em ơi, Hà Nội phố tôi nghe đầu tiên vào năm 1990. Khi ca khúc vừa mới ra đời, chưa thực sự nổi tiếng. Đó cũng là lần đầu một thằng bé 17 tuổi bỏ nhà ở Đà Nẵng, một mình ra Hà Nội bằng xe lửa với một hành trình xuyên đêm ngỡ dài dằng dặc như vậy... Tôi biết sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang Em ơi Hà Nội phố này do Trịnh Thy Giang tức Giang Guitar giới thiệu. Anh là con trai của nhà thơ Lối nhỏ Dư Thị Hoàn và thi sĩ Trịnh Hoài Giang. Khi đó Giang đã chơi nhạc và có lập một ban nhạc trẻ khá nổi tiếng ở Hải Phòng.
Có lẽ vì thế mà có thông tin về những ca khúc mới chăng? Ví dụ như trường hợp bài hát này của anh Phú Quang. Ngay cả người Hà Nội lúc ấy cũng chưa nhiều người được nghe. Chúng tôi gặp nhau ở Hà Nội vì cùng đoạt giải thưởng Tác phẩm Tuổi Xanh do báo Tiền Phong kết hợp với trường viết văn Nguyễn Du tổ chức lần đầu tiên. Đợt này có nhiều cây bút đoạt giải nổi tiếng về sau này như nhà văn Hoàng Tố Mai, Đỗ Hoàng Diệu, nhà thơ Nguyễn Vĩnh Tiến, Ngô Tự Lập, Lê Thanh Hà, Võ Tấn Cường, Huỳnh Minh Tâm, Nguyễn Thị Tâm Đăng... Còn nhớ buổi chiều chúng tôi thả bộ trên phố Huế và Giang hỏi tôi có biết bài này không, một ca khúc mới về Hà Nội mà theo Giang là hay nhất! Vượt qua những sáng tác bao cấp mang tính ngợi ca minh họa một chiều đèm đẹp và thô thiển quá nhiều lúc bấy giờ.
Để tôi đã sững sờ nghe lần đầu tiên Em ơi Hà Nội phố của Phú Quang qua giọng bè trầm Giang hát “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố / Bỗng thấy mình không nhớ nổi một con đường”... Sau này mới biết rõ đó là những câu thơ của Phan Vũ. Chỉ có nhà thơ mới chạm tới được tần số kỳ diệu tột cùng của một niềm xao động như vậy!... Anh Phú Quang phổ rất nhiều thơ có lẽ tìm thấy sự giao cảm kỳ diệu đó?! Mà đúng, anh hiếm khi viết lời. Chỉ chọn phổ những bài thơ... Như ý một bài thơ của Ý Nhi trong Ánh chớp của số phận. Cuộc đời thực sự có bao nhiêu số phận? Một số phận có bao nhiêu ánh chớp? Và người nghệ sĩ sáng tác có được bao khoảnh khắc, ánh chớp để viết nên một ca khúc hay và kỳ diệu như Em ơi, Hà Nội phố ?
3. Nét độc đáo chính là cảnh tổng đạo diễn Đinh Anh Dũng dùng hình ảnh nhạc sĩ Phú Quang ngồi bên cây đàn piano như một dấu ấn đặc biệt cho điểm nhấn phần 3 chương trình Xuân của DDVN 28 lần này “Những mùa xuân không quên”. Phú Quang tự sự trong tiếng đàn của chính mình về ký ức tháng 12 mùa Xuân 1972 khi Hà Nội nằm trong tầm hủy diệt của Mỹ vì những trận bom B52. Mà về sau, đã trở thành những hình ảnh đắt giá và ám ảnh trong âm nhạc ông “Mùa đông năm ấy tiếng dương cầm trong căn nhà đổ / Tan lễ chiều sao còn vọng tiếng chuông ngân”. Và chính bài hát Em ơi, Hà Nội phố này đã được Ban biên tập chương trình DDVN chọn làm điểm nhấn cho mùa xuân không quên ở Hà Nội. Bài hát này sẽ do dàn hợp xướng và dàn giao hưởng hàng chục người kết hợp diễn tấu. Bắt đầu bằng những tâm tình của chính nhạc sĩ. “Tôi đã đi qua những mùa xuân và quả đúng là có những mùa xuân không bao giờ quên.
Như mùa xuân 1972, cả khu phố Khâm Thiên đổ nát trong tiếng bom của máy bay Mỹ. Nhiều nhân viên của bệnh viện Bạch Mai đã ngã xuống. Và hình ảnh khắc sâu trong trí nhớ tôi, cậu thanh niên mới 23 tuổi ngày ấy thành những vết hằn. Đó là ở bên cạnh nhà tôi, có một gia đình đã bị chết hết vì nằm trong tọa độ của bom. Cả gia đình chỉ còn một bà mẹ già. Và hơn 25 người là con cháu bà đã bị chết. Hình ảnh những y tá đưa từng xác chết đi qua mặt người mẹ làm tôi xúc động đến ám ảnh. Chiến tranh đã tạo nên cái ác, độ hủy diệt ghê rợn nhất mà không ai mỗi chúng ta có thể hình dung ra được…”. Đạo diễn Đinh Anh Dũng rất tâm đắc với trường đoạn này trong kịch bản chương trình ca nhạc nghệ thuật Duyên Dáng Việt Nam của anh lần 28 chủ đề Xuân này. Anh chăm chút từng thước phim tư liệu mà mình có. Anh muốn tái hiện cái giá quá đắt của hòa bình.
Và mỗi trái tim Việt Nam hôm nay và mai sau phải gìn giữ. Nhạc sĩ Phú Quang cũng cảm ơn nhà thơ Phan Vũ. Ông bật mí câu chuyện lần đầu mới kể, đó là ông đã tiếp xúc, được nghe bài thơ dài Hà Nội phố này ở Sài Gòn chứ không phải Hà Nội như nhiều người trước đây vẫn liên tưởng. Đó là một bài thơ dài như trường ca. Khi Phan Vũ đọc và đưa cho Phú Quang, ông đầy xúc động. Phú Quang đã nói ngay sẽ phổ nhạc bài thơ này! Và mỗi người Việt Nam đã có một tình yêu đầy tự hào với Em ơi, Hà Nội phố. Tất cả những ai yêu nhạc Phú Quang đều được nghe bài hát này được dàn dựng công phu và mới mẻ trong chương trình DDVN 28 chủ đề Xuân.
(Nguồn: http://motthegioi.vn)