Nhạc sĩ Phó Đức Phương - Cái gàn có trong máu
Nếu Dương Thụ có bài hát đầu tiên “Nhớ làng xưa” vào năm 1962 thì cũng khoảng thời gian đó Phó Đức Phương có Những cô gái quan họ. Dương Thụ học khoa Văn thì Phó Đức Phương học khoa Toán trường ĐH Sư Phạm. Nếu Dương Thụ cũng gặp 'vấn đề' lý lịch rất đỗi long đong thì Phó Đức Phương cũng thuộc thành phần tiểu tư sản trí thức nên phải đi làm công nhân nông trường Cửu Long Hòa Bình. Cho đến năm 22 tuổi chàng thanh niên họ Phó mới quay về vào trường Âm nhạc Việt Nam.
Cũng khó tính như nhau nhưng Phó Đức Phương được 3 ông kia đặt cho biệt hiệu 'gàn', mãi sau này khi cùng làm việc với ông ở Trung tâm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN (VCPMC) tôi mới thấy hết độ gàn của ông.
Xin kể một ví dụ, đang là một người đang ở đỉnh thành công về âm nhạc bỗng nhiên ông bỏ đấy đi làm chuyện bản quyền, một việc mất rất nhiều tâm sức, phải học từ đầu về luật Sở hữu trí tuệ (SHTT) và thuộc muôn vàn các nghị định, thông tư, phải biết các hạch toán tài chính kế toán… nghĩa là những việc sẽ triệt tiêu cảm xúc sáng tạo nghệ thuật.
Hồi đầu, chưa có nguồn kinh phí, ông phải chạy vạy khắp nơi vay mượn để duy trì bộ máy, với niềm tin ngây thơ về sự tuyệt đối của Luật pháp nên quá trình vận hành bộ máy trong một môi trường pháp luật chưa nghiêm, sở hữu trí tuệ còn là khái niệm mới mẻ trong cả quan trí lẫn dân trí, ông đã vấp phải muôn vàn thử thách.
Thương em, nhạc sĩ Phó Đức Vạn đã khuyên Phó Đức Phương bỏ cuộc trở về với sáng tác nhưng không ngờ, ông em nổi xung: "Nếu anh còn nói nữa trước đồng nghiệp của em ở VCPMC, em sẽ chém đầu anh lấy máu tế cờ" (cờ đây, có ý nói là cờ bảo vệ quyền tác giả âm nhạc).
Hay một ví dụ khác, bất cứ ca sĩ nào đến xin hát bài hát của ông, ông đều muốn tập cho họ hát đúng các note của mình. Phó Đức Phương bảo: "Cứ hát đúng của tớ là sẽ hay". Trong khi các ca sĩ đều muốn là người sáng tạo thứ hai để mang dấu ấn cá nhân họ vào bài hát đó. Thế là giữa ông và họ đôi khi là những trận hò hét, cáu bẳn, hờn dỗi và nước mắt...
Nhưng nếu bạn biết rõ ông là người quê Văn Giang - Hưng Yên, gọi nhà chí sĩ cách mạng tham gia cuộc khởi nghĩa Yên Bái thất bại Phó Đức Chính là chú ruột, người bị Pháp tử hình cùng nhóm 13 người của Nguyễn Thái Học, người đã yêu cầu được nằm ngửa, không bịt mắt để "nhìn rõ lưỡi dao tội lỗi…" chém xuống cổ mình, trong khi 12 người còn lại đều bịt mắt nằm xấp thì bạn thấy cái gàn kia có từ trong dòng dõi.
Gàn còn ở chỗ ấy và nhiều chỗ khác nữa. Ví dụ: Ai cũng thấy Mỹ Linh hát Trên đỉnh Phù Vân đạt tới độ liêu trai ma mị, chinh phục hoàn toàn cảm xúc người nghe thì tác giả của nó, Phó Đức Phương lại không thích Mỹ Linh đưa chất ca trù vào bài hát. Bản ghi của Mỹ Linh năm 1996 về bài hát này, cho đến nay vẫn được coi là đỉnh của thành công nhưng ông lại còn tìm thêm Minh Thu (2015) và Thu Phương (2016) hát.
Song, những buổi làm việc giữa nhạc sĩ và ca sĩ cũng có nhiều nước mắt vì sự kỹ tính của ông. Với ông, dứt khoát “hãy hát đúng nhạc của tôi đã, sau muốn phiêu bao nhiêu thì tùy…”. Còn với ca sĩ, nhất là những ca sĩ hàng đầu, những người giàu cá tính sáng tạo thì “làm sao để bài hát đạt nhất, chinh phục cảm xúc người nghe nhất mới là hiệu quả”.
Cái gàn còn thể hiện ở việc ông học tiếng Anh. Hồi còn là giám đốc VCPMC, nhiều người bảo, đã cao tuổi học ngoại ngữ khó vào, đừng học nữa, nhưng ông bảo: "Tớ rất xấu hổ khi đi họp ở nước ngoài, phải nhờ người khác nói hộ, đọc báo cáo hộ”. Thế là ông cứ kẽo kẹt học, khi đi nước ngoài ông tự đọc báo cáo, tự trao đổi bàn bạc công việc dù có thư ký đi cùng…
Trong kho tàng tác phẩm của mình Phó Đức Phương có tới trăm bài hát, bài nào cũng đều gây ấn tượng: Chảy đi sông ơi, Cánh đồng tình yêu, Con sông tuổi thơ, Hồ trên núi, Huyền thoại hồ núi Cốc, Không thể và có thể, Mặt trời biển cát và em, Một thoáng Tây Hồ, Mộng mị Sapa, Nha Trang thu, Nơi áo Chàm hồ xanh Ba Bể, Thành phố biển xanh và cát trắng, Trên đỉnh Phù Vân, Về quê, Vũ khúc con cò, Lội dòng sông quê…
Giống Dương Thụ, bài nào của Phó Đức Phương cũng được những ca sĩ hàng đầu như: Ngọc Tân, Mỹ Linh, Thanh Lam, Bằng Kiều, Tùng Dương… lựa chọn. Phó Đức Phương cũng kỹ tính như Dương Thụ trong âm nhạc của mình, trong ca từ, trong hòa âm phối khí, kỹ tính khi dựng tiết mục, cái gì cũng làm tới cùng, khó mấy cũng không bỏ cuộc.
Quá kỹ đến mức xung quanh mình nhiều đồng nghiệp làm show, nhiều đơn vị muốn đứng ra tổ chức show riêng cho ông nhưng 50 năm qua, trừ một lần làm chung show “Cánh diều & Lưu lạc” với Ngọc Đại, Phó Đức Phương không nghĩ đến làm show, không nghĩ đến kinh doanh theo cả nghĩa lãng mạn nhất. Mặc dầu, cho đến giờ sau 18 năm làm việc ở VCPMC, nơi người ta nói ông kiếm ra tiền thì Phó Đức Phương vẫn là một dân nghèo thành thị đúng nghĩa nhất.
Nhà riêng của ông chỉ có 49m2 trong ngõ Văn Chương đông đúc và chật chội, nội thất không có vật gì đáng giá trừ chiếc đàn piano. Mãi đến cuối năm 2017, ông mới dọn về ngôi nhà 80m2 ở Âu Cơ, là ngôi nhà người ta gán nợ cho ông. Nếu sở hữu ngôi nhà đó hoàn toàn, Phó Đức Phương có thể lại là một con nợ… Cuối năm 2016, với sự giúp đỡ của nhiều người, Phó Đức Phương mới mở được show mang tên “Trên đỉnh Phù Vân” với sự tham gia của nhạc sĩ Đỗ Bảo (hòa âm phối khí, chỉ huy dàn nhạc) cùng các ca sĩ: Tùng Dương, Bằng Kiều, Thu Phương, 5 dòng kẻ…
Nghe Trọng Tấn hát ''Về quê''
Nếu không phải tất cả thì cũng đến 95% các bài hát của ông đều bắt đầu từ những đặt hàng. Bài Về quê cũng là nhận đặt hàng mà viết nhưng vừa viết vừa khóc: “Đưa nhau ta thì về/ Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi/ Nơi sáo diều chơi vơi/ Với dòng sông bên lở bên bồi/ Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen /Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi/ Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi /Nước qua cầu thời gian trôi mau/ Nơi bền lâu là nơi lắng sâu/Thiếu quê hương ta về, ta về đâu?”. Tác giả khóc, người nghe khóc vì đó là những lời của trái tim, của nỗi nhớ và tình yêu khôn nguôi về quê hương đất nước.
Bài Trên đỉnh Phù Vân Phó Đức Phương cũng viết theo hợp đồng cho vở kịch của đoàn Hải Phòng nhưng có lẽ nó được “bung ra” từ một cơn thất tình tiềm ẩn thuở nào của chính tác giả. Ông bảo, chả cứ Trên đỉnh Phù Vân mà Chảy đi sông ơi cũng một bài từ thất tình mà thành. Thất tình đến độ từ triền đê tức tưởi chạy xuống sông định tự tử nhưng càng đến gần sông thì người thất tình nhìn thấy một dòng sông bao dung và thanh tao, vĩ đại mà thanh thản nên đã dừng lại: "Ơi con sông hiền hòa/ Chở đầy nước ngọt phù sa...", âm nhạc diễn tả tình trạng nước mắt nén lại. "Sông mấy ngàn năm tuổi/ Miệt mài chảy mãi không nguôi/ Chuyện bao đời sông biết cả/ Mà sao vẫn trẻ mãi không già…". Âm nhạc, giãi bày, da diết, tình cảm… bài này có lẽ Ngọc Tân đồng cảm nhất nên đã thể hiện rất thành công, là bài hát đinh mà ca sĩ chọn cho những show diễn riêng của mình.
Cũng như Dương Thụ, Phó Đức Phương cũng đọc “thiên kinh vạn quyển”, cũng cầm kỳ thi họa, chỉ có điều vì nghèo nên ông không có điều kiện thể hiện những điều ông ấp ủ. Không thể hiện được gì ở diện tích 49m2 trong cái ngõ Văn Chương chật hẹp, Phó Đức Phương làm cái vườn treo trên tầng mái, cũng lan, cũng cúc, cũng trúc cũng… hồng. Và chính ông là người chăm tưới tắm.
Đến khi dọn về Âu Cơ, dù chưa chính thức là nhà của mình nhưng Phó Đức Phương bảo: "Cả đời tớ ước ao có được mảnh đất để trồng vườn, giờ thì cũng chặng cuối rồi, chắc chả hy vọng nữa nên thôi, tớ lại làm vườn trên mái". Và một cái vườn rộng hơn một chút trên cao lại được làm ra để rồi bạn bè anh em mỗi khi đến có chỗ uống trà, có thể phóng tầm mắt ra phía xa nơi sông Hồng lộng gió…
Vợ Phó Đức Phương hiện tại trẻ hơn ông nhiều tuổi, là nhà thiết kế thời trang Lê Lan Anh. Con trai ông đang học thạc sĩ tại Boston, Mỹ - là một nhạc sĩ trẻ đã có những sáng tác đáng ghi nhận. Hai người con gái đầu cũng đều có công việc tốt đẹp trong lĩnh vực nghệ thuật.
Thanh Lam - Tùng Dương hát "Huyền thoại Hồ Núi Cốc''
Vốn ghét công nghệ, vì nó cũng dễ triệt tiêu cảm xúc nhưng cách đây mấy tháng, người ta bỗng thấy ông chia sẻ lại bài hát Huyền thoại Hồ Núi Cốc trên fanpage. Ông bảo, sau mười mấy năm tất bật và tận lực với công việc bản quyền tác giả âm nhạc, đến giờ cũng phải dành thời gian chăm sóc cho những sáng tác của mình để nó có độ phổ biến rộng hơn ngõ hầu đáp ứng được mong mỏi của bạn bè yêu nhạc.
Có người nghe nói Phó Đức Phương đang có vấn đề về sức khỏe gì đó liền hỏi, ông chỉ cười đáp lại: "Ở tuổi này không bệnh nọ thì tật kia, có gì mà ngại". Còn tôi, bỗng nhớ bài hát của Phó Đức Phương: "Đường trần thì quá hẹp, lắm vực nhiều khe… Ngược xuôi bôn ba nay ta về nhà ta. Nhà ta mênh mông trăng tràn bốn bề…".
Phó Đức Phương vẫn là người như vậy, khó và kỹ trong nghề nhưng dễ và ấm áp với bạn bè, sống luôn lạc quan, coi sống chết là tự nhiên như mọi lẽ.
(Nguồn: https://vietnamnet.vn/)