Nhạc sĩ Phó Đức Phương: 4 triệu đô la tiền tác quyền âm nhạc thu được 1 năm, có đáng để tôi hy sinh không?
Thế hệ của những người nghe nhạc Việt hơn 20 năm trước, chắc chắn còn nhớ cảm giác gai người khi nghe Trên đỉnh Phù Vân qua tiếng hát Mỹ Linh - bản thu đầu tiên. Mọi ấn tượng mạnh ban đầu đều khó phai, hệt như tình đầu mãnh liệt. Bằng ca khúc dữ dội đó, năm 1997, ca sĩ Mỹ Linh chính thức được gọi là Diva sau một vài năm đi hát.
Ở góc độ khán giả, Mỹ Linh hát Trên đỉnh Phù Vân đạt tới độ liêu trai ma mị, chinh phục hoàn toàn cảm xúc người nghe. Nhưng vẫn có những tình tiết mà tác giả chưa hài lòng. Sau này nhạc sĩ Phó Đức Phương cho hay, không thích Mỹ Linh đưa chất ca trù vào bài hát. Vì thế, nhạc sĩ đã hành động cũng chả giống ai, khi cho phát hành cassette có mỗi bài Trên đỉnh Phù Vân gồm hai bản thu, một của Mỹ Linh, một của người khác.
Phả toàn bộ sinh điện, cảm xúc vào ca sĩ trong khi làm nghề
- Thừa nhận rất nhiều ca sĩ hát tốt những ca khúc của mình. Mỹ Linh, Thanh Lam, Tùng Dương, Ngọc Tân thì hiển nhiên là những tài năng khác biệt song người mà nhạc sĩ Phó Đức Phương tâm đắc - cho đến nay - lại là một cái tên khác. Ca sĩ Minh Thu. Cô gái bẩm sinh có chất giọng đầy nội lực và quan trọng là sự tận lòng với âm nhạc. Cuộc đời sáng tạo âm nhạc của Phó Đức Phương không chỉ kỹ càng trong nhạc phẩm của mình mà còn cả trong việc đi tìm nhạc sĩ phối khí và ca sĩ thể hiện. Ở tuổi thất thập, ông mới hài lòng khi hội đủ được các yếu tố này trong CD Minh Thu hát Phó Đức Phương. Đĩa nhạc cũng cho thấy một Thu rất thật Thu, hoàn toàn khác với ngay cả những ca khúc của chính nhạc sĩ mà cô đã từng thu đĩa vào mấy năm trước.
CD Minh Thu hát Phó Đức Phương (2015) cho thấy một không gian âm nhạc mới trong những ca khúc công chúng đã quá quen. Qua báo chí, ông cũng dành rất nhiều lời tốt đẹp về CD này. Bốn năm về trước, Minh Thu luôn gắn với hai chữ nàng thơ của Phó Đức Phương.
Chả mấy khi có sự làm việc giữa một nhạc sĩ và một ca sĩ đến mức nghiêm túc, gian truân, tận tình và hết lòng đến như thế. Trước hết bản thân ca sĩ yêu những bài đó và biết rằng phải hát bằng được, đúng với tinh thần của những bài đó. Và vì thế sẽ chịu đựng tất cả những yêu cầu khe khắt của nhạc sĩ. Còn về phía tôi, không bao giờ tiếc công nếu ca sĩ hết lòng. Chuyện tôi tận tụy hết trách nhiệm là đương nhiên, là việc cả đời của tôi rồi, kể cả những người có thể còn chưa đạt level ca sĩ. Có những bài hát khi thu thanh trên phòng thu, Minh Thu ứa nước mắt. Vất vả quá, mệt mỏi quá. Song rồi lại lau nước mắt vào phòng thu tiếp. Giống như trèo lên vách núi cao, chân va phải đá chảy cả máu, ứa nước mắt nhưng sau đó lại đứng dậy đi tiếp. Tuy cũng có bài chưa được như ý, mà là bài quan trọng Hồ trên núi. Vì là bài thu cuối cùng, cả hai anh em đã kiệt sức, không còn sức để xử lý chi tiết từng ý, từng từ. 9 bài còn lại bài nào cũng là kỹ nhất trong số những người hát bài đó. Trong cái CD đó, tôi và Minh Thu quyết tâm sửa chữa lại những điều mà những ngôi sao kia bỏ lỡ trong tình tiết của bài hát. Chả hạn, cũng là cái từ / cụm từ đó thôi nhưng xử lý thêm một chút, nấc nghẹn một chút … nó khác. Bọn tôi làm được việc ấy là đưa cho thính giả biết đấy chỗ đó nó phải thế này nó mới đã. Bây giờ có ai muốn hỏi, tôi chỉ cần giới thiệu Chảy đi sông ơi mà Minh Thu hát, hoặc Trên đỉnh Phù Vân mặc dù đã có Mỹ Linh rồi nhưng tôi vẫn có thể yên tâm giới thiệu bản mà tôi dựng cho Minh Thu và cô ấy đã hát và nó đúng y sì ý của mình.
Nghe CD, nhận thấy một Minh Thu hết sức kỹ càng, tràn đầy rung động và vô cùng có trách nhiệm trong thể hiện từng nốt nhạc. Cô ấy mang đến cho người nghe một không gian âm nhạc tưởng quen lắm rồi mà lại khác lạ, “Phó Đức Phương” nhất. Nhưng sau CD tuyệt hay này, tên cô ấy vẫn trong tình trạng đom đóm khi thì khá nổi khi không, chứ không như Mỹ Linh một đêm thành Diva chỉ với Trên đỉnh Phù Vân.
Qua chuyện của Minh Thu phải thấy thành Diva là lĩnh vực khác, thuộc về cốt cách, nền tảng thế nào đó. Không phải cứ hát một vài bài hay hay là thành Diva. Diva có cá tính, có cái bướng bỉnh của nó. Minh Thu hát những bài của tôi, tôi thấy chuẩn lắm, yên tâm lắm nhưng khó bật lên. Vì dù sao vẫn là hát lại. Vả lại trong phòng thu thì làm rất kỹ nhưng lên sân khấu còn là cái hồn cái vía, là bản lĩnh của ca sĩ.
- Còn một cái tên khác, cũng từng lên đỉnh cùng với ca khúc của ông mà nay ít được nhắc tới - ca sĩ Lâm Phương. Như vậy có thể rút ra kết luận ông dùng ý chí của bản thân tác động mạnh mẽ vào các ca sĩ, để đạt được kết quả cao nhất?
Khi Lâm Phương hát Chảy đi sông ơi trong cuộc thi Sao Mai, nhiều khán giả ở tận Sài Gòn còn trầm trồ: Chưa bao giờ có người hát hay như vậy. Nhưng 7 năm sau, khi truyền hình tập hợp những ca sĩ tham gia giải và hát lại những bài đoạt giải thì hiệu ứng hoàn toàn khác. Mười phần vơi đi đến một nửa. Nhân đây, kể câu chuyện làm nghề. Khi Lâm Phương ở đỉnh điểm là lúc nào tôi cũng ốp bên cạnh, phả toàn bộ sinh điện và cảm xúc, cũng như trường hợp Minh Thu vậy. Thu âm phải ở trong phòng thu phải tuyệt đối im lặng, không được gây tiếng động nhưng Lâm Phương luôn bắt tôi phải đứng bên cạnh. Dường như thế cô ấy sẽ cảm thấy sinh điện hoặc là cảm hứng của mình trong bài hát từng câu từng chữ nó phả vào cô ấy. Tôi đứng bên cạnh không được quyền thì thầm, nhưng từng câu một cứ vật lộn, trăn trở bằng ngôn ngữ cơ thể. Và cái chính là cô ấy cảm thấy yên tâm. Từng cái nấc, nghẹn, từng hơi thở hít hà … Sau mấy năm những yếu tố đó không còn.
95% ca khúc tôi viết theo đơn đặt hàng
- Trước khi hát Trên đỉnh Phù Vân, Mỹ Linh tìm đến anh như thế nào ?
Không, đó là bài hát tôi viết theo đơn đặt hàng cho vở kịch Yêu trên đỉnh Phù Vân của đoàn kịch nói Hải Phòng (tác giả Nguyễn Khắc Phục, đạo diễn Ngọc Thủy). Ngọc Thủy là NSND, diễn viên kỳ cựu của đoàn và ông đã dựng vở đó.
- Đặt hàng mà như trút sâu từ trong tâm tư, như rút ruột ra mà viết?
95% ca khúc tôi viết là do đặt hàng. Kể cả bài mà chính tôi khóc và mọi người khóc đầm đìa là bài Về quê, cũng là đặt hàng. Khi ấy tôi chỉ đạo nghệ thuật, làm kịch bản và làm tổng đạo diễn của đoàn quan họ Bắc Ninh để đi hội diễn theo lịch của Bộ Văn hóa. Bấy giờ là đầu năm 98. Chả nhẽ đoàn quan họ năm nào cũng đem bài cũ ra hát. Vì thế tôi mới có ý tưởng táo bạo: Phải làm sao có những bài quan họ mới trong nhân dân, của ngày hôm nay, nó mới chứng tỏ sức sống của quan họ. Tôi nói với Sở với Đoàn là phải có mạng lưới những tác giả hiểu quan họ, yêu quan họ như người quan họ và họ tiếp tục viết những bài quan họ mới. Làm xong đề cương kịch bản, tôi mời hai tác giả viết ca khúc, cùng với tôi viết 3 bài hát mới với tinh thần đây là những bài quan họ của ngày hôm nay. Hai người kia cũng hoàn thành nhiệm vụ của chương trình. Bài Về quê dường như bây giờ lẫn thành bài dân ca của đất nước rồi. Đó là đúng tinh thần mà tôi đặt ra.
- Vâng, Đưa nhau ta thì về/ Đưa nhau ta thì về nơi mẹ đưa nôi/ Nơi sáo diều chơi vơi/ Với dòng sông bên lở bên bồi/ Bao nhiêu năm theo dòng đời đua chen /Phiêu bạt nơi phồn hoa cát bụi/ Đôi khi cánh cò xưa lạc vào giấc mơ tôi /Nước qua cầu thời gian trôi mau/ Nơi bền lâu là nơi lắng sâu/Thiếu quê hương ta về, ta về đâu? Anh nói đây là ca khúc theo đơn đặt hàng nhưng tôi hiểu đó còn là mệnh lệnh của trái tim. Những riêng khuất ẩn sâu trong tâm hồn nghệ sĩ “chẳng may” vút lên cùng thời điểm với một “đơn hàng”. Chẳng hạn như bài Trên đỉnh Phù Vân, viết theo hợp đồng cho vở kịch của đoàn Hải Phòng nhưng anh từng kể trong một bài báo, là đã được viết ra trong một cơn thất tình?
Tất tần tật là tôi nhập vào tình huống. Nhân vật của tôi đang thất tình. Tôi buộc phải thất tình cùng nhân vật.
- Anh đóng phim, diễn kịch có khi cũng nổi tiếng!
Nhân đây, lại kể câu chuyện này. Chảy đi sông ơi cũng một bài thất tình. Thất tình đến độ là con người trong bài đó đang từ trên triền đê tức tưởi chạy xuống sông định tự tử nhưng càng đến gần sông thì nhìn thấy con sông bao dung, đường bệ, thanh thản thì con sông đã thuyết phục con người ấy, càng ngày càng nguôi ngoai nỗi lòng. Cho nên ban đầu là Ơi con sông hiền hòa/ Chở đầy nước ngọt phù sa... phải hát trong tình trạng tức tưởi nén nước mắt. Rồi Sông mấy ngàn năm tuổi/ Miệt mài chảy mãi không nguôi/ Chuyện bao đời sông biết cả/ Mà sao vẫn trẻ mãi không già… Còn cái đoạn này không cần viết vào lời: Còn thân tôi đây này, tôi bị cái đứa mất dạy ấy, nó bội bạc làm cho tôi thân tàn ma dại, tôi chỉ muốn chết… Ca sĩ nào mà hát ra được điều ấy thì phải nói là tầng tầng lớp lớp cảm xúc.
- Còn nếu ca sĩ hát sai lời, sai tinh thần ca khúc của ông, thì sao?
Thì đau khổ, chứ biết làm sao.
- Ông là người hiền?
Quá hiền, quá rụt rè.
- Không, hình ảnh của nhạc sĩ Phó Đức Phương trên truyền thông không hiền, càng không thể nói là rụt rè.
Chắc chắn đó là do 18 năm tôi đấu tranh vì quyền tác giả. Người ta cảm thấy tôi là người đáo để, dữ dằn, chả biết sợ gì cả.
18 năm gian truân đấu tranh vì quyền tác giả âm nhạc Việt Nam
- Khó có thể tưởng tượng một nhạc sĩ tài danh và hiền lành, thay vì ngồi viết các bản nhạc mới, lại đi làm giám đốc Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) soạn thảo hàng trăm đơn thư, kiến nghị gửi đủ các cấp ban ngành, lóc cóc gõ cửa mọi phòng ban, dám “đấu” cả với lãnh đạo cấp cao của cơ quan quản lý Nhà nước, suýt nữa thì tỉ thí cả với một bầu sô khét tiếng maphia trong làng showbiz phía Bắc, lên tận sân khấu Nhà hát Lớn trước giờ biểu diễn để đòi tiền tác quyền…
Là do số mệnh, là tử vi của mình quy định thế.
- Tôi nghĩ khác. Hoặc giả như số mệnh mỗi con người được lập trình trước thì với Phó Đức Phương, cuộc đời luôn đẩy ông tới những tình thế bỗng dưng … thành người hùng?
Tôi vẫn khẳng định, mình vốn thờ ơ, lơ ngơ với mọi việc, thậm chí rụt rè trong mọi quan hệ. Song sự đưa đẩy của cuộc đời bỗng chốc giúp tôi phát hiện ra mình có thể mạnh mẽ, rõ ràng, quyết liệt và dám đương đầu. Có thời kỳ, Trung tâm với những yêu cầu và phản biện dữ dội, trở thành cái gai trong mắt của một vị chức sắc của Bộ Văn hóa thời đó. Họ muốn đánh sập trung tâm bằng cách yêu cầu công an kinh tế đến kiểm tra chúng tôi. Tôi bị ấm ức mất 15 phút. Mình làm đúng kia mà ! Nhưng sau 1 tuần, cậu trưởng đoàn kiểm tra đã đến, mang theo kết luận đây là một đơn vị vô cùng chuyên nghiệp.
- Trung tâm “của anh” đã được thành lập như thế nào? Tôi không tìm thấy trên mạng bất cứ thông tin nào liên quan đến việc này.
Hồi đó tôi là chuyên viên của Cục Nghệ thuật biểu diễn, Bộ Văn hóa. Quãng trước năm 2000, Cục Bản quyền Bộ văn hóa thường mời các tổ chức quốc tế đến nói chuyện. Sau vài cuộc thì tôi sáng bừng lên, giác ngộ. Hiểu về quyền tác giả, công ước Berne … thì sục sôi trong lòng ngọn lửa cần phải hành động. Không cần ai phân công, tôi làm một đơn kiến nghị gửi Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội với 200 chữ ký của các nhạc sĩ cả nước. Nội dung yêu cầu Đảng, Chính phủ, Quốc hội xem xét tình trạng xâm phạm quyền tác giả âm nhạc ở VN đã quá trầm trọng và bắt đầu phát tác những hiệu ứng xấu trong đời sống âm nhạc cũng như xã hội. Khoảng 2 tháng sau Hội Nhạc sĩ nhận được công văn của VPCP và VPQH yêu cầu Bộ Văn hóa -Thông tin phối hợp với Hội Nhạc sĩ VN tìm giải pháp khắc phục tình trạng này, báo cáo Quốc hội và Chính phủ. Đó là cú hích đầu tiên có tính chất chính sách Nhà nước để tạo điều kiện cho ra đời trung tâm này. Là một giải pháp để giải quyết bức xúc của giới nhạc sĩ cả nước.
Tuy nhiên, gần 2 năm sau tức là 2002 Trung tâm mới ra đời. Trước đó có tới gần 10 cuộc họp của Ban trù bị, gồm 5 cơ quan là Bộ Văn hóa, Cục Bản quyền, Hội Nhạc sĩ, Liên hiệp Hội VHNT VN, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ là tiền thân của Bộ Nội vụ sau này và tôi. Một số cuộc có mời luật sư của VN và quốc tế về quyền tác giả. Sau đó Ban trù bị ra quyết định thành lập Trung tâm Bảo vệ Quyền tác giả Âm nhạc VN theo mô hình của thế giới. Một tổ chức phi Chính phủ. Nó tương đương như một đơn vị cấp II của Hội Nhạc sĩ. Trong một thời gian dài, mối quan hệ giữa trung tâm và Hội Nhạc sĩ rất phức tạp. Cho đến bây giờ thì Hội đã thực sự ủng hộ chúng tôi mạnh mẽ. Buổi ban đầu Trung tâm có các nhạc sĩ Vũ Tự Lân, Hồ Quang Bình, Phan Phương, Đình Bảng, Nghiêm Bá Hồng … tham gia.
- Tôi được nghe rằng, anh từng vay nợ “đầm đìa” để Trung tâm hoạt động?
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội, bấy giờ là Thứ trưởng Bộ tài chính, với sự chia sẻ và thấu hiểu đã tạo điều kiện tài trợ cho Trung tâm 3 năm đầu, mỗi năm 200 triệu nhưng không để trả lương cho các thành viên. Nửa năm đầu anh em không ai có lương, tôi áy náy. Thế là tôi đi vay tiền để trả lương cho mọi người. Đầu tiên là vay của các tổ chức tương tự như mình ở quốc tế. Vay được 2 tổ chức như thế, được 10 ngàn đô. Sau khi tiêu hết số tiền này, lại tính chuyện đi vay. Tôi từng đến doanh nghiệp do ông Vũ Mão giới thiệu, nhưng họ phân tích cho tôi về những nguyên tắc tài chính, những rủi ro, kết quả là không vay được.
May mà còn có bạn bè. Tôi vay được 200 triệu của một ông bạn thuộc tầng lớp trung lưu ở Sóc Sơn. Một con người hồ hởi, hào sảng và yêu nhạc Phó Đức Phương, dĩ nhiên (cười). 200 triệu thời điểm đó bằng tầm 1 tỉ bây giờ, không lãi. Sau đó thì không phải vay ai nữa.
- Bạn bè, người thân cũng cản anh dữ lắm đúng không?
Khi hào hứng thì tôi làm chết thôi. Ông anh tôi, nhạc sĩ Phó Đức Vạn quyết liệt nhất. Ông ấy thương tôi, bỗng dưng lại dính vào công việc này, bị bôi xấu. Ông ấy từng bảo tôi trong một cuộc rượu : Vứt mẹ cái chuyện đòi tiền vớ vẩn này đi. Tôi điên hết cả người. Tôi bảo: Bác nói ở đây thì được chứ nói trước lá cờ nghĩa của ba quân thì em sẽ sai người chém đầu lấy máu tế cờ. Bởi những lời nói như vậy là bỉ báng một sự nghiệp thiêng liêng, làm nản lòng tướng sĩ…
- Khẩu khí của anh đúng là không hổ danh người cháu của chí sĩ Phó Đức Chính (1907 - 1930) - Nhà cách mạng Việt Nam, sáng lập viên, một trong những lãnh tụ của Việt Nam Quốc dân Đảng, cánh tay phải của Đảng trưởng Nguyễn Thái Học. Khi bị bắt và kết án tử hình, Phó Đức Chính từ chối xin chống án với câu nói đầy khí phách anh hùng: “Đại sự không thành! Chết là vinh! Còn chống án làm chi vô ích!”. Phó Đức Chính hiên ngang bước lên máy chém đã yêu cầu được nằm ngửa để xem lưỡi dao tử thần sẽ rơi xuống như thế nào. Quả là khí huyết “đội đá vá trời” của người chú vẫn cuồn cuộn trong huyết mạch của anh.
Đó là người thân. Còn bạn bè, thân như ông Nguyễn Khắc Phục cũng bảo tôi: Chúng tôi cần một nhạc sĩ chứ không cần ông giám đốc. Tôi phản biện: Ông nói thế không được. Quyền tác giả là vấn đề then chốt để có tác phẩm. Không có ai bảo vệ, sức đâu mà họ làm mãi. Vấn đề quyền tác giả là quan trọng nhất của chúng ta hiện nay. Ông Phục bảo: Quan trọng, nhưng để người khác làm. Tôi cãi: Lúc này chưa có ai làm được, chỉ có tôi.
- Ông có nghĩ là mình cực đoan, liều chết? Dấn thân? Hay ông có lý do gì khác để theo đuổi công việc hao tâm tổn sức lại vô vàn thị phi này? Có sự lãng mạn nào ở công việc này không?
Trước tiên, mình chính là một tác giả trong bao năm giời cay đắng chịu đựng sự thiệt thòi về quyền lợi. Mình không bảo vệ được chính mình. Tôi ý thức đây là công việc quan trọng của giới nhạc sĩ, phải làm bằng được.
Nhạc sĩ Doãn Nho, là người bạn người anh thân quý của tôi cách đây mấy năm có hỏi tôi được cái gì ở công việc này mà dám hy sinh niềm vui ghê gớm của một nghệ sĩ là sự sáng tạo. Tôi hiểu ông anh nhạc sĩ kính mến đó cũng có phần nào nghi ngờ rằng tôi có động cơ vụ lợi nào ở đây chăng ? Tôi mới bèn trả lời : Sáng tạo là một công việc gây hưng phấn tuyệt vời. Thế nhưng việc dấn thân mạo hiểm nó còn kích hoạt con người ta hơn cả sáng tạo. Tự vượt ra khỏi giới hạn của con người không phải là sáng tạo nhưng là khám phá. Khám phá chính bản thân mình. Điều đó có hưng phấn không ? Có chứ. Thậm chí còn mạnh mẽ hơn. Đó là cái chất lãng mạn tuyệt vời mà thử thách, gian truân mang lại. Nghe tôi nói vậy, ông Doãn Nho ắng đi độ 3 giây, rồi nói: Ừ mày nói thế tao yên tâm.
- Nhưng 18 năm qua cũng không ít chuyện sứt mẻ quan hệ với các nhạc sĩ vốn là đồng nghiệp không có ân oán gì với ông trước đó. Ông có cảm thấy nuối tiếc về điều đó?
Không. Tôi không tiếc gì hết. 18 năm công việc của chúng tôi không bao giờ yên ả. Cứ độ 2-3 năm lại có một lần “nổi sóng”. Nhạc sĩ không hiểu. Công chúng không hiểu. Cả nhà nước cũng không hiểu, nào là VOV, VTV, nào là Cục Nghệ thuật biểu diễn… Lúc nào chúng tôi cũng trong tình trạng đấu tranh. Tôi xác định với anh em ở Trung tâm rằng mình làm việc trên cơ sở giác ngộ và hiểu cốt lõi của luật pháp. Làm vì thấy nó là đúng. Đứng ngoài mọi sự khen chê và chỉ hoạt động theo nhận thức. Nhiều năm liền tôi không đọc cả những bài khen và chê Trung tâm.
- Mặc dù thị phi chưa bao giờ buông bỏ “ông giám đốc Phó Đức Phương” nhưng những người hiểu chuyện bảo rằng cần ghi công ông. Thậm chí các hội văn học nghệ thuật khác cũng thèm có một trung tâm hiệu quả như VCPMC mà chưa được. Nước mình hiện có 5 tổ chức bảo vệ quyền tác giả như thế này nhưng chỉ có Trung tâm Quyền tác giả Âm nhạc VN hoạt động có hiệu quả với tinh thần “sống chết”.
Hiện giờ, tôi đã rút khỏi vị trí Giám đốc Trung tâm và chỉ còn giữ vai trò Thường trực Hội đồng cố vấn. Người kế nhiệm là nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, bây giờ chức danh là Tổng giám đốc. Năm vừa rồi, trung tâm thu được hơn 100 tỉ đồng, tương đương trên 4 triệu đô la cho các nhạc sĩ VN và thế giới. Vậy thì 18 năm qua sự hy sinh của tôi có đáng không?
- Xin cảm ơn nhạc sĩ. Chúc nhạc sĩ luôn luôn dồi dào sức khỏe và cảm hứng để tiếp tục có những sáng tác mới và luôn luôn mạnh mẽ, rõ ràng, quyết liệt dám đương đầu tới cùng cho điều mà ông cho là đúng- như những năm qua.
Bài thơ mới sáng tác của nhạc sĩ Phó Đức Phương. Ông cho biết, tương lai có thể sẽ là một ca khúc. Khúc tự tình Sa Vĩ Có một ngày tôi về Sa Vĩ Hà nội, tháng Giêng, năm Kỷ Hợi. |
(Nguồn: http://daidoanket.vn/)