Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên: Tình yêu và sự nghiệp song hành cùng âm nhạc

02/08/2020

Nguyễn Văn Hiên là nhạc sĩ trưởng thành trong phong trào thanh niên TP Hồ Chí Minh những năm đầu sau giải phóng. Ông sáng tác nhiều ca khúc cổ vũ tinh thần chiến đấu, lao động sản xuất, xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh phía Nam và những ca khúc dành cho lứa tuổi thiếu nhi. Có một điều đặc biệt khi nhắc đến người nhạc sĩ đất võ Bình Định này là chính âm nhạc - nghề mà ông theo đuổi suốt cuộc đời lại là cái duyên gắn kết ông với người bạn đời yêu quý, chung thủy của mình.

Nguyễn Văn Hiên trong cảm nhận của tôi là người khá sôi nổi, trẻ trung, nhiệt huyết, hài hước… Cũng đúng thôi, cái nghề đã vận vào con người ông, vì ông có thời gian dài gắn bó với công tác học sinh, sinh viên tại thành phố mang tên Bác. Những năm đầu sau giải phóng, ông cùng nhóm 6 nhạc sĩ, sau đều là những tên tuổi lớn của nền âm nhạc Việt Nam: Trịnh Công Sơn, Thanh Tùng, Tôn Thất Lập, Trần Long Ẩn, Nguyễn Ngọc Thiện, Từ Huy thành lập nhóm “Những người bạn”. Chính nhóm nhạc này đã tạo động lực cho các nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc hay đến nay vẫn còn in sâu trong trí nhớ người nghe.

Bên cạnh sáng tác, Nguyễn Văn Hiên còn là một người dẫn chương trình trên sóng HTV.

Trong cuộc trò chuyện với ông gần đây, ông cho biết mình đến với âm nhạc như một sự ngẫu nhiên kỳ diệu của số phận. Tuổi thơ ông đắm chìm trong âm nhạc. Nhiều đêm, bạn bè của người cha tụ tập ở nhà ông để cùng hòa tấu đàn mandoline, guitar, sáo trúc... Và cũng nhiều đêm ông ngủ quên trong tiếng nhạc êm đềm bên tai. 

Lớn lên, ông chơi đàn mandoline, guitar, đệm nhạc trong các buổi sinh hoạt lớp hoặc liên hoan của trường nhưng chưa bao giờ nghĩ sau này sẽ trở thành nhạc sĩ. Với ông, nhạc sĩ là người ở một “cái cõi” nào đó thiêng liêng mà ông khó lòng mơ ước. Với vốn liếng ít ỏi về âm nhạc trong phong trào sinh viên, được bạn bè động viên, ông đã mạnh dạn tập tành sáng tác những ca khúc cho bạn bè cùng hát. Và từ đó, như cái nghiệp, ông bước chân vào con đường sáng tác lúc nào không biết. 

Năm 1987, ông thi vào Nhạc viện TP Hồ Chí Minh. 5 năm học đại học đã cho ông biết bao kiến thức và càng học ông càng thấy mình bé nhỏ trước một biển nhạc mênh mông. Cuối tháng 7/1978, khoảng 400 sinh viên khóa A Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh lên đường đến biên giới Tây Nam đào hào, đắp các tuyến đê biên giới và cắm chông. 

Giữa tiếng súng rền vang đêm ngày, các bạn sinh viên đã hăng say lao động không mệt mỏi. Chính trong thời gian này ông đã sáng tác ca khúc “Chiều biên giới” và lần đầu tiên ông nghe ca khúc của mình được trình bày trên màn ảnh nhỏ của Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh qua tiếng hát của ca sĩ Kiều Bạch. Ông thấy lòng xao động, nhận ra mình đã yêu cô ca sĩ này ngay từ lần ấy.

Trong ký ức của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên thì người vợ của ông lại cho rằng ông không phải là mẫu người mà bà thích. Nhược điểm lớn nhất là ông nhỏ con quá, nhưng ông lại tạo ấn tượng bởi chính cặp mắt trong sáng và mơ màng. Sau này, vợ ông từ giã nghiệp cầm ca để làm nhà giáo. Đó cũng là một sự “hy sinh” cho gia đình, biết lùi lại để chồng tiến. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên kể, tuy không còn là ca sĩ nhưng vợ ông vẫn say mê âm nhạc. Những lúc làm việc nhà, vợ ông lại hát những bài hát xưa của ông. Lúc rảnh rỗi, ông đàn cho bà xã hát những khúc tình ca gợi lại một thời đong đầy kỷ niệm.

Có lẽ trong kho tàng âm nhạc Việt Nam, “Chiều biên giới” là một bài hát đặc biệt, bởi có đến 4 nhạc sĩ cùng lấy nhan đề này đặt cho “đứa con tinh thần” của mình. Ngoài Nguyễn Văn Hiên còn có nhạc sĩ Trần Chung (phổ thơ Lò Ngân Sủn), Thiếu tướng, nhạc sĩ Vũ Hiệp Bình và nhạc sĩ Đức Miêng (đặt lời mới theo điệu Mười nhớ của dân ca quan họ Bắc Ninh). 

Tuy mỗi bài hát đều chất chứa nỗi niềm riêng của các tác giả, thế nhưng khi giai điệu của “Chiều biên giới” vang lên, ai trong chúng ta cũng không khỏi bồi hồi, xúc động về một vùng biên nào đó, nơi có những người chiến sĩ không quản ngại khó khăn, vất vả ngày đêm cầm chắc cây súng bảo vệ biên cương Tổ quốc. 

Và ngay tại thời điểm sáng tác khi tình hình chiến sự trong nước rất căng thẳng, “Chiều biên giới” của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đã như một lời hiệu triệu thanh niên lên đường nhập ngũ.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên trong một lần ra Trường Sa.

Bên cạnh mảng ca khúc dành cho người lớn, Nguyễn Văn Hiên còn hướng ngòi bút đến các em nhỏ. Ông kể, vào những năm 80 của thế kỷ trước, các nhạc sĩ đi trước thường bảo ông phải viết cho thiếu nhi những bài hát sao cho dễ hát, dễ nhớ, dễ thuộc. Tuy nhiên, ngay thời điểm đó, ông đã có suy nghĩ, viết ca khúc cho thiếu nhi thì phải xét đến yếu tố nông thôn hay thành thị, ở miền Nam, miền Trung hay miền Bắc, vì ở mỗi vùng các em lại có những suy nghĩ khác.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên tiết lộ: “Đến đầu thế kỷ 21, sự đòi hỏi trong thưởng thức âm nhạc của thiếu nhi đã có sự thay đổi. Các em yêu thích những ca khúc ấn tượng và mới lạ. Với ca khúc cũ, vốn quá quen thuộc, khi hát, các em sẽ trình diễn theo phong cách mới, có sự thay đổi mạnh mẽ về tiết tấu. Vậy nên, khi viết cho các em, tôi cố gắng nắm bắt tâm lý, cảm xúc trẻ thơ để giúp tác phẩm đến thật gần với các em hơn. Chỉ có bắt nhịp đúng tâm tư, tình cảm, cảm xúc của trẻ thơ, để các cháu nhỏ thấy được mình trong đó thì các em mới yêu thích. Ngoài ra, trong lời ca, tôi vẫn chú trọng hướng dẫn các bạn nhỏ hướng về điều tốt đẹp. Việc nhạc sĩ phải hóa thân vào đời sống của thiếu nhi để nói lên tiếng nói của các em là yếu tố quan trọng để tác phẩm đến được với các bạn nhỏ”.

Một trong những ca khúc tiêu biểu của ông ở thể loại âm nhạc thiếu nhi, đó chính là “Hổng dám đâu”. Năm 2000, ca khúc này đã lọt vào Top 50 bài hát thiếu nhi hay nhất thế kỷ 20 trong cuộc bình chọn do Trung ương Đoàn tổ chức. Bài hát có sức sống đến ngày hôm nay là bởi vì nó gần gũi với thiếu nhi, đến độ trở thành câu cửa miệng: “Hổng dám đâu, em còn phải học bài…” không chỉ của thiếu nhi mà của cả người lớn.

Sinh ra và lớn lên trên đất võ Bình Định, nhiều năm công tác tại thành phố mang tên Bác và từng giữ những cương vị quan trọng như: Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP Hồ Chí Minh, đại biểu HĐND TP Hồ Chí Minh nhưng ông vẫn không nguôi trách nhiệm với quê nhà. Vì thế, khi làm luận văn cao học tại Nhạc viện TP Hồ Chí Minh, ông đã chọn đề tài “Nhạc võ Tây Sơn” để nghiên cứu và được Hội đồng Khoa học nhà trường đánh giá cao. 

Ông bảo, nhạc võ Tây Sơn trước đây chưa có công trình nào nghiên cứu một cách có hệ thống, mới chỉ thấy những bài viết trên báo giấy, báo điện tử, cũng như một vài video clip trên truyền hình… Tại Bảo tàng Quang Trung ở huyện Tây Sơn, có chương trình biểu diễn trực tiếp nhạc võ Tây Sơn cho du khách xem, nhưng chủ yếu mang tính chất giới thiệu. Đây chính là lý do thôi thúc ông chọn đề tài nghiên cứu này để góp phần vào việc bảo tồn và phát huy loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của quê hương Bình Định.

Có thể nói, cả cuộc đời hoạt động âm nhạc sôi nổi, tâm huyết, các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Hiên đã ghi được dấu ấn trong lòng khán, thính giả. Nhưng có một “món quà lớn” mà cuộc đời làm âm nhạc đã ban tặng ông, đó chính là người đầu gối, tay ấp của mình và cũng nhờ điểm tựa vững chắc này mà suốt nhiều năm qua, ông vẫn mê đắm, thăng hoa, bay bổng với những nốt nhạc.

(Nguồn: http://vnca.cand.com.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...