Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Nhận lại nhiều giá trị tinh thần ý nghĩa khi sáng tác nhạc thiếu nhi

22/04/2020

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung. Ảnh nhân vật cung cấp

Sau 7 năm chuyển hướng và chuyên tâm viết nhạc thiếu nhi, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung vừa được Cục Bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận quyền tác giả 300 ca khúc thiếu nhi, trở thành người giữ kỷ lục mới về sáng tác âm nhạc cho thiếu nhi hiện nay. Phóng viên Báo Lao Động có cuộc trò chuyện với Nguyễn Văn Chung.

300 là một con số khổng lồ với gia tài âm nhạc của một nhạc sĩ trẻ, để có một số lượng ca khúc đồ sộ như vậy, phải có nguồn cảm hứng từ đâu đó, chứ nhỉ?

- Cảm hứng sáng tác nhạc thiếu nhi bắt nguồn từ khi tôi có con. Nhìn các con khôn lớn, trưởng thành mỗi ngày, bản thân tôi muốn làm điều gì ý nghĩa. Là một nhạc sĩ, điều tôi có thể làm tốt nhất chính là để con được sống và lớn lên trong một không gian âm nhạc lành mạnh, trong sáng, có những điều tốt đẹp vui vẻ và nhiều bài học đầu tiên của cuộc sống. Bởi thế nên ban đầu tôi chỉ định viết một album thiếu nhi gồm 10 bài (album “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”). Sau đó, chưa đủ bài hát cho các đề tài, tôi lại làm thêm album “Những điều con yêu”, “Nàng tiên cá”. 

Khi các con trưởng thành hơn, tôi càng có nhiều điều để truyền tải cho các con nên viết quyển sách 100 “Bài hát thiếu nhi”. Khi sách có sức lan tỏa rộng rãi và được nhiều trường học, gia đình đón nhận, tôi lại tự thấy mình có trách nhiệm sáng tác đủ mọi thể loại chủ đề cho bé thiếu nhi Việt Nam. Vì thế, tôi quyết tâm viết trọn 300 bài hát thiếu nhi và có thể con số ấy chưa dừng lại tại đó...

Nguyễn Văn Chung là nhạc sĩ được biết đến với rất nhiều bản nhạc hit cho khán giả trẻ. Tuy nhiên, khi chuyển hướng sang dòng nhạc thiếu nhi, anh đã khiến không ít người bất ngờ khi tiếp tục thành công ở mảng đề tài này với những bài hát như  “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”, “Điều con yêu”... Để thành công trong dòng nhạc này, anh có gặp nhiều khó khăn không?

- Tôi nghĩ là khó hơn rất nhiều. Viết nhạc thiếu nhi ai cũng cho rằng là dễ nhưng để được các con thích và hát thành câu cửa miệng là điều không hề đơn giản. Bản thân tôi dù viết đến nay đã 300 bài nhưng nếu tính những bài quen thuộc và các con hát quen miệng chỉ trên đầu ngón tay như “Gia đình nhỏ, hạnh phúc to”, “Vui đến trường”, “Mẹ ơi có biết”, “Bé chơi trung thu”, “Bé đón Tết sang”, “Ông già Noel”... 

Thành công lớn nhất anh đạt được khi sáng tác nhạc cho thiếu nhi là gì? Theo anh, một nhạc sĩ sáng tác nhạc cho thiếu nhi có gặp nhiều thiệt thòi không?

- Sáng tác nhạc thiếu nhi tất nhiên sẽ gặp rất nhiều thiệt thòi, vì chắc chắn sẽ không có thu nhập cao như viết nhạc tình và cũng chẳng mang lại danh tiếng, lợi lộc hay giải thưởng gì. Những năm gần đây không có giải thưởng tôn vinh các cá nhân hay tổ chức đóng góp cho mảng nhạc thiếu nhi. Tuy nhiên, khi sáng tác, tôi nhận được những giá trị tinh thần khác. Đó chính là sự yêu quý của nhiều em nhỏ, các bậc phụ huynh, sự trân trọng của anh em đồng nghiệp. Tôi cảm thấy rất tự hào khi mình hoàn thành được một điều to lớn so với tuổi đời và tuổi nghề của bản thân.

Anh nhận định ra sao về thị trường nhạc thiếu nhi hiện nay? Điều gì làm anh tiếc nuối về dòng nhạc này?

- Điều tôi tiếc nuối là các bé thiếu nhi bây giờ thiếu một môi trường đúng nghĩa như ngày xưa, vô tư, trong sáng và thuần khiết. Đa phần các chương trình ca nhạc thiếu nhi bây giờ đều có ít nhiều tiêu cực, sự tính toán và “ép chín”. Điều đó đúng trong bối cảnh kinh tế thị trường cần lượt view, cần tài trợ nhưng nó lại không đúng trong việc giáo dục và giải trí cho con trẻ.

Theo anh, để tạo nên một diện mạo âm nhạc hấp dẫn cho dòng nhạc thiếu nhi Việt hiện nay, chúng ta cần phải làm những gì?

- Tôi nghĩ mình là nhạc sĩ thì chỉ có thể sáng tác, truyền cảm hứng, sự dũng cảm, đam mê và lý tưởng của mình đến cho các cá nhân khác, đơn vị khác, để rồi họ nhận ra cùng chung khát khao mà đi chung đường. Phát triển dòng nhạc thiếu nhi cần sự đồng nhất từ trên xuống dưới, từ các cấp lãnh đạo bộ, ngành Văn hóa, xuống các đài truyền hình, tới các cơ quan, nhà trường và các cung văn hóa... rồi mới đến những cá nhân nhạc sĩ như chúng tôi.

Hơn một thập niên qua, lĩnh vực âm nhạc thiếu nhi đã chìm xuống một cách đáng ái ngại. Nguyên nhân chính vẫn là sự khan hiếm ca khúc mới dành cho thiếu nhi, thế hệ nhạc sĩ trẻ sáng tác nhạc chưa thấy xuất hiện nhiều. Vì sao hiện nay, nhiều nhạc sĩ không mặn mà sáng tác ở mảng đề tài này?

- Tôi nghĩ, đa phần nhạc sĩ trẻ không nhiều người thích sáng tác nhạc thiếu nhi, lý do đã nói trên, không mang lại nhiều tiền và danh tiếng cũng như giải thưởng. Mà những bạn trẻ thì cần tận dụng thanh xuân và sức trẻ để khẳng định bản thân, vì thế chuyện các bạn ít quan tâm nhạc thiếu nhi là điều đương nhiên.

Còn các anh các chú nhạc sĩ lớn hơn, tôi biết họ vẫn muốn cống hiến, thế nhưng để sản xuất được những bài hát thiếu nhi cần đầu tư nhiều tiền và phải có được sự hỗ trợ của các kênh truyền thông cũng như báo đài, điều đó họ lại không có. Những nguyên nhân đó dẫn đến sự thiếu hụt trầm trọng của mảng âm nhạc thiếu nhi.

Còn tôi thì may mắn có được những thành công ngày trước từ mảng nhạc tình, có được những mối quan hệ thân thiết và kinh nghiệm sản xuất phát hành nên tôi mới dám liều mình đi con đường chông gai này.

Đón nhận Giấy chứng nhận Bản quyền tác giả 300 ca khúc thiếu nhi, anh mong muốn điều gì?

- Tôi mong muốn thấy được những bài hát của mình sẽ trở nên quen thuộc, trở thành một thế hệ nhạc thiếu nhi mới, những bài hát mà các con sẽ ngân nga hát từ bây giờ đến 10 năm, 20 năm sau, 30 năm sau… Đó là điều tôi luôn hy vọng ngay từ những ngày đầu viết nhạc thiếu nhi.

- Xin cảm ơn anh!

(Nguồn: https://laodong.vn/)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...