Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc: Chàng du tử đa tài
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc là một trong những người mở đường cho tân nhạc Việt Nam. Ông là thành viên sáng lập Hội Nhạc sĩ Việt Nam, đồng thời là nhà thơ, họa sĩ để lại nhiều tác phẩm ấn tượng.
Bên cạnh đó còn có một Nguyễn Đình Phúc tiên phong trong nghiên cứu những làn điệu quan họ và là một “cây cọ” tài ba.
Chàng thanh niên “xấu trai” mê nghệ thuật
Sinh ngày 20/8/1919 tại làng Khê Tang, huyện Thanh Oai (Hà Đông - Hà Nội), nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc xuất thân từ gia đình bình dân, cha dạy tiểu học ở tỉnh lẻ, mẹ bán cá ở chợ Đồng Xuân.
Tự nhận mình “xấu trai” nhưng Nguyễn Đình Phúc không mặc cảm về điều đó. Sinh thời, ông sống lãng tử, hồn nhiên và luôn tự nhủ mình là “chàng du tử” - người đi lang thang trên con đường nghệ thuật. Ông có đôi mắt tinh anh và nụ cười hóm hỉnh, hồn hậu. Thấm thoắt vậy mà mùa thu năm nay đã là 101 năm ngày sinh của ông.
Thời niên thiếu, nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đình Phúc học Trường tiểu học Hàng Vôi, sau học Trường Trung học tư thục Thăng Long, Hà Nội.
Trong những năm 1938 đến đầu những năm 1940, với tình yêu và năng khiếu nghệ thuật, Nguyễn Đình Phúc tự học đàn piano và violoncelle, sau đó được sự hướng dẫn của nhạc sĩ người Nga Sibirep, thành viên của ban nhạc Milewith thường biểu diễn tại khách sạn Tavern Royal ở phố Tràng Tiền, Hà Nội.
Khoảng thời gian này, ông chơi nhạc ở phòng trà Tuyết Sơn (Hà Nội) và tham gia đoàn xiếc đi biểu diễn lưu động ở tỉnh Bắc Ninh. Ngoài chơi đàn, Nguyễn Đình Phúc còn say mê sáng tác bài hát.
Bìa cuốn “Để góp phần vào vấn đề nghiên cứu quan họ”.
Ở tuổi 20, Nguyễn Đình Phúc theo học violon thầy Phạm Đăng Hinh, theo học piano với nhạc sĩ người Nga lưu vong Sibirev. Ông cũng áp dụng vốn tiếng Pháp để tự học về nhạc lý phương Tây. Ngay sau đó, năm 1941, ông bắt đầu để lại dấu ấn âm nhạc với sáng tác đầu tay “Lệ thu”.
Trong hồi ký của mình, ông viết: Thực tế cho ta thấy, chẳng phải tự nhiên người đời sáng tác. Phải có cái gì thôi thúc mãnh liệt nghệ sĩ mới cầm bút. Đáng buồn thay cho chàng trai do thất vọng vì tình mà anh ta mới sáng tác bài “Lệ thu”.
Vậy đấy, Nguyễn Đình Phúc thừa nhận ca khúc đầu tay ấy ông viết vì “thất tình”. Lời của ca khúc cũng chứng thực tâm trạng ấy: “Ôi giấc mơ hoa đã tàn, xa rồi nhỉ, tìm đâu thấy?/ Ôi giấc mơ hoa đã tàn, xa rồi nhỉ, tìm đâu đây?/ Buồn ơi xa vắng mênh mông buồn...”.
Trong hồi ký, ông bộc bạch: “Dù sao anh ta cũng mạnh dạn bước vào nghề với cái lý luận bướng bỉnh là: Người ta sáng tác được, mình cũng sáng tác được. Chẳng học ai, lại sáng tác phứa phựa đi, không như người khác, khiêm tốn một chút, chỉ viết giai điệu và lời ca, anh ta còn cả gan viết phần đệm dương cầm cho bài hát nữa. Chàng trai có biết chút kỹ thuật cơ bản gì về loại đàn này đâu? Chẳng qua anh ta đọc vài trang sách, nghiên cứu một số bản nhạc quốc tế viết cho dương cầm và nhất là xem người ta chơi loại đàn này… thế thôi”.
Chân dung nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đình Phúc tự họa.
Đọc lại những điều nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc viết, thấy sống động, cá tính, và hóm hỉnh như thể ta đang ngồi trò chuyện với ông vậy. Sự hóm hỉnh có lẽ là phẩm tính xuyên suốt cuộc đời của nghệ sĩ Nguyễn Đình Phúc.
“Ở thời điểm ấy, có lẽ đây là ca khúc đầu tiên có kèm phần đệm piano do nhạc sĩ Việt Nam tự sáng tác - một công việc mà ngay cả cho tới nay cũng vẫn ít gặp. Mặc dù còn sơ giản, nhưng “Lệ thu” cùng phần đệm piano đã bộc lộ khát khao thử nghiệm việc ứng dụng những phương tiện, thủ pháp âm nhạc của phương Tây để tô đậm thêm nội dung cảm xúc của bài hát” - nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Thụy Loan nhận xét.
Năm 1942, bước vào tuổi 23, Nguyễn Đình Phúc tham gia ban nhạc A.B.C – một ban nhạc có tư tưởng tiến bộ do thanh niên, sinh viên và nghệ sĩ trẻ sáng lập... Ban nhạc đã đi diễn khắp nơi trong nước từ Vinh, Huế, Nha Trang đến Đà Lạt, Sài Gòn, lấy tiền làm từ thiện.
Là người có tư tưởng tiến bộ, Nguyễn Đình Phúc đã được tiếp xúc với cách mạng. Tháng 4/1945, ông được giao làm đạo diễn vở kịch thơ “Nợ nước thù nhà” để tuyên truyền tư tưởng yêu nước và lấy tiền góp vào quỹ cứu đói cho đồng bào Bắc Bộ. Cách mạng Tháng Tám thành công, ông đi theo Mặt trận Việt Minh.
Thời kì kháng chiến chống Pháp, ông có những sáng tác nổi tiếng “Quân tiên phong” (bài hát chính thức của Đại đoàn quân tiên phong), “Chiến sĩ Sông Lô”, “Bình Ca”…
Nguyễn Đình Phúc còn là người nghĩ ra phương pháp viết ca khúc cho người không biết ký - xướng âm. Tinh thần dám nghĩ dám làm của ông đã truyền được cảm hứng sang nhiều người, góp phần thúc đẩy phong trào tự sáng tác sôi nổi một thời trong chiến sĩ, công chúng vùng kháng chiến chống Pháp.
Nhìn vào sự nghiệp âm nhạc của Nguyễn Đình Phúc không thể bỏ qua ca khúc “Cô lái đò” phổ thơ Nguyễn Bính. Bài hát ấy đến nay đã trở thành một trong những ca khúc tiêu biểu của giai đoạn mở đầu nền tân nhạc Việt Nam.
Rồi tiếp đó, nhiều ca khúc khác ra đời, in đậm dấu ấn của một tâm hồn tài tử, lãng mạn, yêu quê hương đất nước, yêu con người, luyến thương vẻ đẹp trần thế. Trong đó, không thế không nhắc tới ca khúc “Tiếng đàn bầu” phổ thơ Lữ Giang: “Tiếng đàn bầu của ta/Cung thanh là tiếng mẹ/Cung trầm là giọng cha/Ngân nga em vẫn hát tích tịch tình tang…”.
Tuy nhiên, ca khúc mà ông thích nhất lại không phải là “Tiếng đàn bầu” hay “Cô lái đò” mà là “Bình Ca”: “Bình Ca! Nơi đây sóng võ quanh nhà/ Gió đàn, lau hát, suối ca quanh rừng/Bình Ca! Nơi đây kháng chiến tưng bừng/Mẹ nuôi thương mến chăn tằm dệt áo cho ta…”. Đây là bài ra đời năm 1947, cho thấy một tầm vóc âm nhạc, một chí khí, một tinh thần dân tộc hào sảng, đằng sau đó là trái tim nao nức của người nghệ sĩ biết dùng âm nhạc phụng sự Tổ quốc mình, nhân dân mình.
Cũng có thể coi đây là một khúc nhạc kịch, một trường ca đầu tiên của âm nhạc hiện đại Việt Nam. Vì thế, “Bình Ca” cũng là bài khó hát và cũng ít phổ biến.
Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc từng quan niệm: “Có hai loại bài hát. Loại thứ nhất quảng đại quần chúng có thể hát được. Loại thứ hai, chỉ ca sĩ chuyên nghiệp hoặc người có kinh nghiệm và trình độ thanh nhạc tới mức nhất định mới trình diễn nổi”. “Bình Ca”, cũng như “Tiếng đàn bầu”, thuộc dạng “chẳng dễ hát”, cũng “chẳng dễ phổ biến”. Nhưng Nguyễn Đình Phúc ưng “Bình Ca” là bởi, “khi bài hát ra đời rồi, ngồi phân tích để tự học lại mình, tôi mới thấy “Bình Ca” có những điều lý thú ngay cả bản thân tôi cũng không tự đề ra trong quá trình sáng tác nữa”…
Trong âm nhạc, Nguyễn Đình Phúc không chỉ sáng tác ca khúc, ông còn viết ca cảnh nhạc kịch, nhạc múa, nhạc phim, giao hưởng... Ông được nhắc tới là người đầu tiên viết nhạc cho điện ảnh, với các phim “Chung một dòng sông”, “Công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải”. Đến nay, ông còn hàng chục tác phẩm chưa công bố.
Riêng công trình nghiên cứu “Để góp phần vào vấn đề nghiên cứu quan họ”, Nguyễn Đình Phúc đã ghi dấu ấn tiên phong của mình. Công trình được viết trong 13 năm, từ năm 1949 - 1962. Song, theo ký ức gia đình kể lại, trước đó nhạc sĩ đã tiến hành điền dã về miền Kinh Bắc ngay từ những năm 1938 - 1940.
“Trong lịch sử ngành nghiên cứu âm nhạc dân tộc nói chung, có thể xem đây là cuộc điền dã sớm nhất nghiên cứu quan họ. Hơn thế, đây cũng là công trình đầu tiên sử dụng hệ ký âm 5 dòng kẻ để hiển thị giai điệu dân ca. Có nghĩa trong lịch sử, ông là người đầu tiên phân tích âm điệu cổ truyền Việt Nam theo phương pháp tiếp cận mới kiểu Tây phương, điều mà trước đó có lẽ chưa ai thực hiện. Đây chính là giá trị lịch sử của công trình - như một dấu mốc quan trọng đối với ngành nghiên cứu âm nhạc dân tộc Việt Nam trong thời đại mới” - nhà nghiên cứu văn hóa Bùi Trọng Hiền nhận xét.
Vẽ để thỏa khát khao sáng tạo
Là người đa tài, Nguyễn Đình Phúc còn để lại dấu ấn tài hoa của mình trong hội họa. Di sản hội họa ông để lại sau khi qua đời là một kho tranh đồ sộ. Không kể những bức tranh đã được họa sĩ tặng bạn bè, hoặc đang được lưu giữ ở các bộ sưu tập, hiện gia đình còn lưu giữ gần 500 bức tranh của ông.
Vốn theo học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương từ hồi còn trẻ, lại sẵn có năng khiếu hội họa, năm 1943, với bức tranh “Chú bé thổi sáo”, Nguyễn Đình Phúc giành giải Nhất tại cuộc triển lãm tranh Đông Dương tổ chức ở Hà Nội. Tuy nhiên, khi về già Nguyễn Đình Phúc mới dành nhiều thời gian cho hội họa.
Một mảng tranh để lại dấu ấn, được nhiều người nhớ tới đó là các chân dung văn nghệ sĩ, những người ông từng gặp và mến trọng về tài năng và nhân cách. Sinh thời, họa sĩ Nguyễn Đình Phúc lý giải, ông thích vẽ chân dung theo lối hư hư, thực thực và vẽ nhiều để thử sức mình. Bởi vẽ chân dung rất khó. Nhất là chỉ vẽ khuôn mặt của từng người và vẽ hàng trăm khuôn mặt khác nhau, sao cho khỏi đơn điệu, nhàm chán thì lại càng khó.
Nguyễn Đình Phúc tâm niệm: “Tôi vẽ trước tiên để thỏa mãn lòng khát khao sáng tạo của mình, không phải vì mục đích kiếm sống. Sau đó, tôi thích vẽ chân dung văn nghệ sĩ là vì tôi yêu quý, trân trọng anh chị em”.
Trong việc vẽ chân dung, ông cho rằng “điều quan trọng hàng đầu là vẽ ai phải giống người đó, giống như thế nào, giống tới mức nào là do tài năng của người vẽ, miễn là đừng vẽ gà hóa cuốc, vẽ rồng hóa rắn”. Nguyễn Đình Phúc không vẽ chân dung theo một lối nhất định mà thường vẽ từng người theo suy ngẫm và xúc cảm của mình về người đó.
“Hầu như, tôi chưa bao giờ mời ai ngồi làm mẫu để vẽ. Định vẽ ai tôi quan sát và phác họa hình ảnh của họ trong đầu. Thường là vào đêm khó ngủ. Khi nào chân dung hiện rõ nét tôi mới thể hiện lên “toan” theo trí nhớ của mình”...
Hình ảnh các nhạc sĩ Văn Cao, Nguyễn Xuân Khoát, Lê Yên…; các nhà văn, nhà thơ Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Khải, Tào Mạt, Tú Mỡ…; các họa sĩ Mai Văn Hiến, Hoàng Lập Ngôn, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Trọng Kiệm, Nguyễn Sỹ Ngọc… và nhiều nghệ sĩ tên tuổi như Thái Thị Liên, Chu Thúy Quỳnh, Phạm Thị Thành qua những nét cọ hiện lên với những điểm nhấn độc đáo. Bức chân dung danh họa Nguyễn Phan Chánh là bức vẽ cuối cùng trong cuộc đời Nguyễn Đình Phúc, ông hoàn thành 2 ngày trước khi mất.
Nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đình Phúc có các bút danh là Nguyễn Thơ, Du Tử. Ông mất tại Hà Nội ngày 28/5/2001. Còn nhiều tác phẩm của ông ở các lĩnh vực như âm nhạc, văn học vẫn chưa công bố. Bên cạnh đó, tập bản thảo dịch truyện ngụ ngôn quốc tế từ tiếng Bungari đến nay cũng chưa ra mắt. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001.
(Nguồn: https://giaoducthoidai.vn/)