Nhạc sĩ Lưu Quang Minh: Muốn xây dựng một dàn nhạc mang tính quốc tế tại Việt Nam

25/07/2018

10 năm trước, nhạc sĩ Lưu Quang Minh đã sáng lập ra dàn nhạc trẻ tư nhân đầu tiên mang tên Rhapsody Philharmonic (sau này đổi thành Maius Philharmonic), một dàn nhạc tư nhân với nhiều hoạt động tiên phong đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

Và bây giờ, Lưu Quang Minh tiếp tục con đường của mình, khởi xướng cho một dàn nhạc nhí đầu tiên ở Việt Nam với khát vọng sẽ xây dựng một dàn nhạc mang tính quốc tế tại Việt Nam.

- Đây là dàn nhạc nhí đầu tiên ở Việt Nam, mong muốn của anh khi thành lập dàn nhạc này là gì?

+ Xuất phát từ trại hè âm nhạc Maius dành cho thanh, thiếu niên lứa tuổi 9-16 đã và đang học nhạc cụ cổ điển, tôi muốn xây dựng sân chơi cho các bạn. Tôi biết, sân chơi cho các bạn sinh viên cổ điển rất ít. Họ ít cơ hội biểu diễn cùng nhau.

Lưu Quang Minh là người khởi xướng cho một dàn nhạc nhí đầu tiên ở Việt Nam.

Những dàn nhạc trẻ châu Á, Đông Nam Á đã rất thành công và các nghệ sĩ Việt Nam được tham gia trong dàn nhạc đó rất tự hào. Tại sao mình lại không xây dựng được một dàn nhạc mang tính quốc tế tại Việt Nam. Và bắt đầu từ lứa tuổi còn rất nhỏ, 9-16 tuổi để tạo nền tảng và tiền đề cho các thế hệ.

- Với những thành viên từ 9-16 tuổi, đủ các nhạc cụ trong biên chế dàn nhạc giao hưởng như Violon, Cello, Flute… anh có gặp nhiều khó khăn để quy tụ và tìm tiếng nói chung?

+ Chúng tôi có buổi audition trước trại hè để các bạn đến thi tuyển. Khi đưa thông báo tôi thật sự không nghĩ là nhiều người đăng kí tham gia như vậy. Và may mắn chúng tôi đã tuyển đủ một biên chế dàn dây nhỏ. Chúng tôi đi theo một hướng giáo dục khá phù hợp bây giờ, thay vì hướng tới số đông thì nhắm vào từng cá nhân. Và thành quả đã thể hiện rõ trong đêm gala vào tối 7-7.

- Để duy trì hoạt động của một dàn nhạc là điều không đơn giản, anh có dự định lâu dài cho dàn nhạc nhí này không?

+ Chúng tôi sẽ có những hoạt động thường niên, duy trì hàng năm. Tôi hy vọng xây dựng được một dàn nhạc mang tính quốc tế cho thanh, thiếu niên Việt Nam. Ai cũng mong muốn phát triển âm nhạc cổ điển, nhưng chúng ta chưa có đường hướng rõ ràng. Chúng tôi trẻ hơn, liều hơn nên bắt tay vào thôi.

Tôi chọn các em nhỏ tuổi vì tôi muốn hướng tới thế hệ kế cận. Các bạn nhỏ học trường nhạc, ít hoạt động mang tính kết nối. Lứa tuổi đó các con đủ nhận thức, nếu mình đi đúng hướng, các con sẽ có cơ hội phát triển. Tôi muốn góp phần thay đổi nhận thức, chơi nhạc cùng nhau, cùng tạo ra sự kết nối trong cộng đồng.

 - Thực tế việc đào tạo âm nhạc cổ điển ở Việt Nam dành cho thiếu nhi còn nhiều bất cập. Chúng ta có nhiều tài năng, nhưng ít người theo đuổi đến cùng và tiến xa. Dàn nhạc có tạo được một cú hích và một niềm hy vọng nào đó cho các em?

+ Tôi hy vọng xây dựng được một sân chơi thường niên để các bạn có động lực cũng như đam mê với những gì mình đang theo học. Chúng tôi luôn dành sự trân trọng cho mỗi cá nhân học viên và hy vọng, việc tổ chức ngày càng chuyên nghiệp hơn để các bạn đến tham gia sẽ thấy đây là một sân chơi bổ ích, các bạn được trải nghiêm, được chơi nhạc cùng những người bạn của mình và nâng cao hơn trình độ của mình.

- Anh có chia sẻ, khó khăn lớn nhất là kinh phí để duy trì dàn nhạc, địa điểm tập. Đó cũng là yếu tố quan trọng để duy trì hoạt động lâu dài của dàn nhạc nhí?

+ Mọi thứ khi bắt đầu đều khó khăn. Nhưng may mắn, những đồng sự của tôi luôn đồng hành và tin tưởng. Đêm concert ngày 7-7 vừa rồi là phần thưởng xứng đáng nhất cho ekip chúng tôi nói chung và các bạn trẻ nói riêng.

Tôi muốn xây dựng, tạo ra một tiền đề để có thể Mạnh Thường Quân nào đó chia sẻ và đồng cảm, họ sẽ tài trợ cho dàn nhạc phát triển. Làm sao để lớp kế cận có thể góp phần phát triển âm nhạc cổ điển ở Việt Nam và để xã hội có cái nhìn trân trọng hơn với dòng nhạc này.

- Anh cũng từng có 10 năm giữ vai trò giám đốc dàn nhạc tư nhân đầu tiên ở Việt Nam, Maius Philharmonic. Anh nhìn lại chặng đường mình đi qua như thế nào?

+ Chúng tôi vẫn tiếp tục con đường của mình dù nó chưa bao giờ dễ dàng. Sắp tới, dàn nhạc Maius Philharmonic sẽ tham gia chương trình “Vietnam Concert” cùng nghệ sĩ Hàn Quốc Sohyang vào tháng 9-2018.

Trong 10 năm làm việc với dàn nhạc Maius Philharmonic, những gì chúng tôi đã làm được là đưa dàn nhạc chơi giữa đường phố hay gầm cầu Long Biên, nó không mới lạ, to tát với thế giới, nhưng ở Việt Nam nó góp phần thay đổi nhận thức, nhạc cổ điển cũng không quá kinh viện, khó nghe. Và 10 năm qua, ít nhiều chúng tôi đã tạo ra những giá trị mang tính tiên phong trên con đường của mình, đưa âm nhạc cổ điển đến gần hơn với công chúng.

Thực tế, đời sống của nghệ sĩ cổ điển rất khó khăn. Các nghệ sĩ học từ bé đến 20 tuổi mới tốt nghiệp, ra trường với mức lương vài, ba triệu, tập ròng rã mấy tháng trời cho một giao hưởng mà thù lao chỉ vài triệu, trong khi nhận thức của xã hội dành cho nhạc cổ điển lại thiếu sự trân trọng.

Chúng ta luôn nghĩ nhạc cổ điển khó nghe, nó bị đóng khung trong hai chữ bác học. Vì thế, ta phải đặt câu chuyện ngược lại, thay đổi nhận thức đó, nhạc cổ điển không khó nghe, không quá bác học. Nó cũng giống pop, rock, jazz, 1 trong 4 nhánh của âm nhạc thôi, chỉ có điều các bạn có yêu thích và tiếp cận nó hay không,

- Từ Maius Philharmonic đến dàn nhạc giao hưởng nhí chắc hẳn có sự kết nối nào đó?

+ Nó là sự kế cận và tiếp nối. Tôi hy vọng tương lai của thế hệ này sẽ góp phần thay đổi sự mất cân bằng của thị trường âm nhạc hiện nay. Thay vì chỉ có nhạc thị trường và ca khúc đơn giản, chúng ta có thể xây dựng một nền âm nhạc cổ điển rõ nét hơn, khi đó nghệ sĩ cổ điển sẽ được trân trọng hơn không kém ca sĩ nhạc pop.

Họ mãi mãi không thể là những người ngồi đằng sau mà cần có sự nhìn nhận đúng đắn về công sức và đồng lương họ nhận được, điều đó góp phần thúc đẩy sự phát triển của âm nhạc.

- Điều gì khiến anh dồn tâm huyết và nỗ lực với các dàn nhạc từ những người trẻ đến dàn nhạc nhí đến thế trong bối cảnh âm nhac cổ điển ở Việt Nam còn nhiều hạn chế và kén khán giả?

+ Tôi làm bởi một niềm tin không định hướng rõ ràng lắm. Tuy nhiên, tôi tin vào ý nghĩa và mục đích của mỗi người được sinh ra trên cuộc sống. Tất cả cuộc gặp gỡ đều có lí do và nhân duyên.

Chúng ta không cần phải cố gắng chứng minh điều gì ngoài việc làm hết sức mình cho điều mình tin tưởng và nó có ý nghĩa với cộng đồng xã hội. May mắn là xung quanh tôi luôn có sự ủng hộ và giúp đỡ của gia đình, bạn bè và rất nhiều đồng nghiệp. Không có họ, tôi không thể thực hiện được những ý tưởng điên rồ của mình.

Đó là điều tuyệt vời nhất mà tôi có. Tôi không làm để kiếm tiền hay để nổi tiếng. Dàn nhạc Maius Philharmonic là một lời hứa với các bạn từ thời sinh viên là tôi sẽ đi đến cùng và chúng tôi đã có những sản phẩm âm nhạc, abum đầu tiên của một dàn nhạc giao hưởng.

Chúng tôi làm được những thứ mang tính tiên phong như tự thành lập một dàn nhạc, ra album, đưa dàn nhạc giao hưởng ra đường biểu diễn. Và nhiều năm qua, Maius Philharmonic đã tham gia rất nhiều chương trình lớn ở Việt Nam, được giới làm nghề đánh giá cao.

Dàn nhạc trẻ tư nhân đầu tiên với nhiều hoạt động tiên phong.

- Nhìn lại hành trình dài 10 năm và bắt đầu thêm một lựa chọn mới với rất nhiều khó khăn, có lúc nào anh nản không?

+ Cũng có những lúc tôi nản, vì nhiều thứ khó khăn. Đôi lúc nhìn lại, chúng tôi vẫn không hiểu tại sao dàn nhạc tồn tại được đến bây giờ, vì duy trì dàn nhạc rất tốn kém, khó khăn. Đó là điều chúng tôi tự hào. 10 năm là câu chuyện dài, khó khăn không chỉ về kinh tế mà còn là mâu thuẫn của các thành viên, có những hiểu lầm, tranh cãi, sự đổ vỡ…

May mắn, tôi vẫn có những người gắn kết. Tôi không đi theo hướng giả cầy, làm cho có mà chúng tôi muốn tạo ra một tập  thể kết nối với nhau bằng âm nhạc, cùng nhau đi trên một con đường.

Đến bây giờ, nó không còn là giấc mơ mà đã thành một con đường. Cứ đi đến khi nào không thể, có thể mình không thành công nhưng mình đã tạo ra tiền đề để thế hệ sau có thể nhìn vào thành công hay thất bại của mình  và làm điều gì đó tốt hơn.

Chúng tôi may mắn có nhạc sĩ Quốc Trung, nhạc sĩ Anh Quân, ca sĩ Mỹ Linh và nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng luôn dõi theo và ủng hộ. Họ trân trọng những việc chúng tôi đang làm. Và tôi tin, đời sống âm nhạc của chúng ta sẽ dần dần tiếp cận với sự văn minh hơn.

- Và vì thế, anh vẫn miệt mài đi con đường của mình?

 + Tôi luôn nghĩ mọi thứ có hai mặt, trong đời sống còn nhiều bất cập, mất cân bằng, mình lại dễ nhận ra con đường của mình, bởi tôi luôn biết mình muốn gì. Tôi không bị hoang mang trước những lựa chọn. Thứ tôi theo đuổi là một con đường nhất quán, có định hướng rõ ràng, tôi đang làm văn hóa, tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

- Cảm ơn cuộc trò chuyện của anh.

(Nguồn: http://cstc.cand.com.vn)

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...