Nhạc sĩ La Thăng với đứa con tinh thần có tuổi đời trên nửa thế kỷ
Tôi vừa nhận được từ nhạc sĩ La Thăng tổng phổ và CD giao hưởng thơ Đất nước anh hùng cùng bức thư trách móc. Bức thư không gửi suốt tám năm, từ 2009, giờ mới tới tay người nhận:
“Nhân đọc bài Tìm hiểu cề cái nôi của khí nhạc đăng trong báo An ninh Thủ đô vừa rồi, Nguyễn Thị Minh Châu có điểm đến các nhạc sĩ đã có đóng góp về khí nhạc đầu tiên của Thăng Long - Hà Nội, nhưng rất đáng tiếc còn thiếu nhiều tác giả có khá nhiều tác phẩm khí nhạc đã được sử dụng…”.
Thực ra tôi không có bài báo mang tiêu đề trên. Không ít lần tôi rất ngạc nhiên khi bắt gặp trên mặt báo bài “của mình” với “cái tít” lạ hoắc và nội dung lược trích hoặc “chế lại” từ chuyên luận nào đó của tôi. Song lời phê của nhạc sĩ La Thăng hết sức chính xác.
Có lỗi là cảm giác thường trực ở tôi trước các bậc cha chú. Cuộc sống bề bộn lắm thứ trách nhiệm lấy mất của tôi thời gian rảnh rỗi để có thể thường xuyên đến thăm các nhà soạn nhạc, nghe tác giả trút những nỗi niềm gắn với tác phẩm của họ. Dù cố gắng hết lòng, nhưng bao nhiêu vẫn thấy chưa đủ. Nhiều năm vào Nam ra Bắc thu thập tác phẩm khí nhạc cho các công trình khoa học và dự án xuất bản tổng phổ của Viện Âm nhạc, tôi vẫn để sót những tác phẩm mà sau này phát hiện ra phải “ồ, à” vì tiếc.
Đất nước anh hùng là một thí dụ cho sự thiếu sót và đáng tiếc đó.
*
Đất nước anh hùng ra đời năm 1964 trong không khí chiến đấu đã lan tỏa khắp nơi nơi kể từ sự kiện “vịnh Bắc bộ” khởi đầu cuộc chiến tranh bắn phá miền Bắc. Tính đến những nốt nhạc cuối cùng được chỉnh sửa ở nơi sơ tán, bản giao hưởng thơ hình thành chỉ trong mấy tháng, cứ như xuất thần vậy. Đó là kết quả tích lũy từ nhiều năm trước của một tác giả chuyên tâm vào cả hai lĩnh vực: nhạc hát và nhạc đàn.
Bảy thập niên sáng tác âm nhạc kể từ bài hát đầu tay Bé đeo ba lô (1947), nhạc sĩ La Thăng đã có một danh mục đồ sộ với gần 200 ca khúc, hơn 30 tác phẩm hợp xướng, hòa tấu thính phòng và giao hưởng. Ngoài ra ông còn viết nhạc cho múa và điện ảnh.
Tác phẩm tốt nghiệp của sinh viên hệ Đại học đầu tiên ở Trường Âm nhạc Việt Nam có lẽ cứ mãi mãi im lìm trên giấy nếu như không gặp một cơ duyên bất ngờ. Con trai ông, nghệ sĩ piano La Thương - Phó giám đốc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - đã đưa chép lại bằng vi tính những trang tổng phổ viết tay cũ nát vì năm tháng. Đúng dịp Học viện đang có dự án hợp tác với nhạc trưởng Shalev Ad-El (Israel), người từng chỉ huy dàn nhạc tại các phòng hòa nhạc danh tiếng thế giới như Carnegie Hall, Wigmore Hall, Suntury Hall, Berlin Philharmonic... Ông đã chọn Đất nước anh hùng bởi “bản tổng phổ đã tự thân bộc lộ và biểu hiện rõ một cây bút mạnh mẽ, tuyệt vời về sáng tác âm nhạc”. Ông coi việc dàn dựng và chỉ huy công diễn tác phẩm này là một đặc quyền và niềm vinh dự của ông. Và thế là bản giao hưởng thơ sau 52 năm hoàn thành đã vang lên lần đầu tiên vào năm 2016 tại Phòng hòa nhạc của Học viện và lần thứ hai vào năm 2017 tại Nhà hát Lớn trong buổi hòa nhạc hữu nghị đón Tổng thống Israel.
Sự bất ngờ mà Đất nước anh hùng mang lại không nhỏ. Xin mượn lời của nhạc sĩ Doãn Nho, một đồng nghiệp, một chiến hữu, một người cùng thời với tác giả: “Tác phẩm hoàn chỉnh và đúng với ngôn ngữ giao hưởng - đấy đã là thành công, là hiện tượng hiếm có vào thời điểm đó. Toàn bộ âm nhạc - từ trình bày chủ đề, phát triển lên cao trào đến kết thúc đã toát lên hình tượng chính của tác phẩm: đất nước anh hùng. Chúng ta có quyền tự hào về tác phẩm này!”.
Tự hào ở chỗ cùng với cuộc trở về quá khứ hào hùng qua nội dung tác phẩm còn là sự nhìn lại buổi bình minh của nền khí nhạc nước nhà, còn là sự ghi nhận bước khởi đầu ngoạn mục trong thể loại giao hưởng của một tác giả sinh vào đầu thập niên 30 - thập niên đem lại cho âm nhạc Việt Nam nhiều nhạc sĩ thành danh mà tôi vẫn gọi là “thế hệ vàng”.
Trước hết nhìn lại vài điểm chung của giao hưởng Việt Nam. Bắt nguồn từ âm nhạc có tiêu đề của trường phái Lãng mạn, việc đặt tên cụ thể cho tác phẩm không lời rất được ưa dùng ở ta. Nội dung tác phẩm thường dựa theo ý tưởng văn học, kể cả khi tác giả không chủ định “kịch bản hóa” thì vẫn luôn bắt gặp ở người bình luận lối diễn giải câu chuyện qua hình tượng cụ thể. Đây là cách giúp ngôn ngữ giao hưởng còn xa lạ với công chúng Việt Nam trở nên dễ nắm bắt hơn. Song đôi khi lại dẫn đến sự khuôn sáo trong sáng tác và tính áp đặt trong cảm thụ. Chẳng hạn, hình thức sonate trong giao hưởng đề cao xung đột giữa hai chủ đề thường được gắn với bảng phân vai rành mạch giữa chính với tà: nếu chủ đề 1 đại diện cho “ta” thì chủ đề 2 dĩ nhiên phải đặc tả thế lực thù địch. Gán cách dẫn giải này cho tác phẩm giao hưởng đầu tay của nhạc sĩ La Thăng, theo tôi, chưa hẳn đã phù hợp. Đây chính là điều khiến tôi ấn tượng nhất: tính thống nhất trong hình tượng.
Một điểm chung nữa của giao hưởng Việt Nam là vận dụng giai điệu dân ca hoặc ca khúc. Trong những tháng năm cả nước hướng về miền Nam, không ít giao hưởng đã khai thác chất liệu dân ca Nam bộ hoặc những bài hát về miền Nam. Đất nước anh hùng không sử dụng bất kỳ bài hát nổi tiếng nào, cũng không mượn nguyên xi nét nhạc quen thuộc nào từ dân ca. Song nổi bật vẫn là chất ca xướng và hình ảnh miền Nam - tuyến đầu Tổ quốc vẫn da diết đằm thắm trong giai điệu mang màu sắc oán ở chủ đề 1 [thí dụ 1].
Trở lại với tính thống nhất về hình tượng. Để “nói có sách mách có chứng” về mối quan hệ họ hàng giữa các chủ đề âm nhạc, xin cung cấp cho các nhà chuyên môn những hạt nhân chính sau:
-“Motif ngũ cung” đi lên theo các quãng 4 và 5: c-f-g-c1 của chủ đề mở đầu (ô nhịp 11), e1-a1-h1-e2 chủ đề 1 (ô nhịp 13). Đặc biệt, nét nhạc này còn được nhấn mạnh ở mấy nhịp kết thúc tác phẩm.
-“Motif quãng 2” lượn xuống rồi vuốt lên: fis2-e2-dis2-e2 (ô nhịp 14), cis2-h1-gis1-a1 (ô nhịp 16), c2-h1-gis1-a1 (ô nhịp 50) và đảo ảnh của nó e-f-ges-f (ô nhịp 51) của chủ đề 1. Nét nhạc này thực ra đã ẩn hiện trong chủ đề mở đầu c2-b1-g1-b1-f1-g1 (ô nhịp 2) và còn được biến hóa thành hai nét lướt liền bậc ngược chiều nhau gis-a-ais-h và cis2-his1-ais1-gis1 (ô nhịp 61), rồi sau đó lại “hiện hình” nguyên dạng ở chủ đề 2 e2-dis2-his1-cis2 (ô nhịp 68) nhưng đã chuyển đổi từ vẻ bi thương sang chất bi hùng.
Chủ đề 2 (Allegro Vivace, từ ô nhịp 67) là kết quả tổng hợp của cả hai nét nhạc trên: bước nhảy lên quãng 4 cis-fis từ motif đầu được kết nối với nét uốn lượn a-gis-eis-fis từ motif thứ hai. Cất lên từ tiếng kèn hiệu triệu, chủ đề 2 mở rộng thành khúc hùng ca biểu trưng cho sức mạnh chiến đấu. Nếu chủ đề 1 là giai điệu dịu dàng mượt mà ngợi ca cái đẹp nữ tính, thì chủ đề 2 là một khía cạnh khác của hình tượng chính với nét khỏe đầy nam tính [thí dụ 2].
Như vậy, nhân vật quán xuyến từ đầu chí cuối luôn là Tổ quốc. Nói một cách hình ảnh: ở đây tôn vinh nhân vật chính diện - đất nước, nhân dân, các lực lượng vũ trang…, nghĩa là toàn “ta với ta”, còn nhân vật phản diện không thực sự xuất đầu lộ diện. Và theo cách hiểu thô sơ của một thời, nếu chỉ có ta không có địch thì lấy đâu ra tính tương phản đặc trưng của giao hưởng?
Sự tương phản thấy rõ qua các tính cách âm nhạc khác nhau: chủ đề mở đầu nghiêm trang và tiềm tàng sự căng thẳng; chủ đề 1 dạt dào chất hát; chủ đề 2 mạnh mẽ tính hành động, những đoạn nối nặng nề bất an, những khúc phát triển “motif quãng 2” đau đớn bi thương, những cao trào khí phách đầy chất anh hùng ca... Các chủ đề cùng nguồn trở nên khác biệt nhờ biến tấu nét nhạc chủ đạo bằng cách thay đổi tiết tấu, tốc độ, sắc thái, âm vực, âm lượng, âm sắc…
Sự đa dạng về âm sắc cho thấy phối khí góp phần không nhỏ. Các bộ trong dàn nhạc hai quản khá cân bằng: bộ dây và gỗ tô đậm tính trữ tình của chủ đề 1, bộ hơi và gõ nhấn mạnh chất hành khúc ở chủ đề 2. Các chủ đề được nhắc lại không chỉ ở các bậc khác nhau (tựa như cách trình bày chủ đề của fugue), mà còn ở các nhạc cụ khác nhau.
Âm lượng cũng tạo nên sự tương phản giữa các phần: các phần trình bày và phát triển đều kết lịm dần. Nhiều đợt sóng âm thanh dâng lên đỉnh điểm rồi lại thoái trào xuống ppp, thậm chí pppp hoặc tắt hẳn, chỉ tới kết bài toàn dàn nhạc (tutti) mới dừng ở âm lượng cực lớn fff.
Thủ pháp biến tấu chủ đề cho thấy “yếu tố” phát triển có vai trò quan trọng ngay từ phần trình bày. Ở các phần sau, kịch tính của cuộc chiến mà nhân vật chính phải đối mặt càng tăng lên qua các thủ pháp hòa thanh và phức điệu: xé lẻ và phóng to motif chủ đạo hoặc toàn bộ chủ đề, phát triển các bè giai điệu độc lập theo chiều ngang, đan chen hoặc chồng chủ đề và motif theo chiều dọc [thí dụ 3a, 3b].
Độc đáo trong cách phát triển chủ đề, chỉn chu về cấu trúc và bút pháp, một sáng tác như thế ra đời đã lâu mà giờ mới được dàn dựng. Tiếc cho nền khí nhạc nước nhà tiềm năng như vậy lẽ ra còn đi xa hơn nữa nếu luôn được ghi nhận kịp thời thành tựu đáng kể ngay từ những bước khởi đầu. Chỉ khi những tác phẩm đáng trân trọng sớm có điều kiện đi vào đời sống xã hội, chỉ khi các tác giả đầy tâm huyết luôn được khích lệ đúng lúc và đúng mức, thì giao hưởng Việt Nam mới sớm vượt qua giai đoạn mày mò, dò đường tìm lối, để tới ngày đủ tự tin góp vào thế giới âm thanh bao la của nhân loại một tiếng nói vừa mang đậm tính cách cá nhân vừa toát ra hồn cốt dân tộc.
*
Trên đây chỉ là cảm nhận của riêng tôi khi “xử lý” món quà của nhạc sĩ La Thăng. Nghe CD và đọc tổng phổ rồi tôi mới có dịp tới thăm tác giả. Câu chuyện về đứa con tinh thần ngoại ngũ tuần của ông vừa khơi mào đã bị cắt ngang bởi tiếng chuông điện thoại.
-Chú phải đi đón cô ngay đây.
Trong lúc chờ ông quay về tôi mới kịp ngắm ngôi nhà rộng rãi và yên tĩnh giữa làng hoa Ngọc Hà. Trên giá đàn piano là bài hát mới toanh Đôi bàn tay vàng đề tặng bác sĩ đang điều trị tình trạng hậu tai biến cho vợ ông. 87 tuổi vẫn tràn đầy cảm xúc âm nhạc, vẫn dùng âm nhạc để tri ân người cứu chữa cho người mình yêu.
Và tôi nhận thấy cái tình cái nghĩa nơi người đàn ông tóc bạc trắng khi ông tất bật mở cổng, loay hoay lồng dây kéo để phụ người giúp việc đưa xe lăn cùng người bệnh lên mấy bậc thềm cao…
Càng thấm thía hơn câu nói của ông với một nửa của mình: “50% thành công trong các tác phẩm của anh thuộc về em”.
11-09-2017
Nhạc sĩ La Thăng sinh ngày 6-7-1930. Ông đã để lại dấu ấn ở cả hai lĩnh vực: thanh nhạc và khí nhạc. Ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước năm 2011. Những tác phẩm tiêu biểu của ông: Ca khúc: Bé đeo ba lô, Chiều Việt Bắc, Bài ca núi Thúy (lời: Hoàng Hà), Tiếng hát trên đồng xanh, Những ký hiệu màu xanh, Dòng thép quê hương, Bài hát chiến sĩ xe tăng, Tổ quốc em có nhiều tên đẹp, Uống cả ông trăng, Ca mừng đời ta tươi đẹp, Cô gái hái chè, Kể chuyện du kích làng Nguyễn đánh giặc, Đoàn tàu không số, Hà Nội yêu dấu, Biển yêu, Con sẽ về đâu (thơ: Đào Bích Hạnh), Sông thương biển nhớ (thơ: Trần Nhâm), Tình yêu của biển (phỏng thơ Xuân Diệu, Có một tình yêu (thơ: Việt Phương), Dành cho nỗi nhớ (thơ: Vũ Cao), Mưa bay (Nguyễn Đình Thi)… Hợp xướng: Phi nước đại, Tự hào Tổ quốc ta, Ánh sao sáng mãi bầu trời, Hát về Pác Bó, Hàm Luông dòng sông chiến thắng, Hạ Long tôi yêu, Thăng Long ngày ấy (thơ: Nguyễn Duy)… Nhạc không lời: prélude Niềm hy vọng cho piano, sonate Được mùa cho flute và piano, romance Giấc mộng cho clarinette và piano, serenade Tình đất nước và tổ khúc Quê hương cho violon và piano, rondo Niềm vui thôn trang cho violon, violoncelle và piano, Niềm vui giải phóng và Quê hương quật khởi cho dàn nhạc dân tộc, giao hưởng thơ Đất nước anh hùng… |
Nghe tác phẩm tại đây: http://www.hoinhacsi.vn/video/giao-huong-tho-dat-nuoc-anh-hung-cua-la-thang