Piano Concerto – nhật ký cuộc đời Mozart

17/02/2021

“…Đôi khi bất chợt ta nghe một bản nhạc của Mozart và có ý nghĩ: làm sao nó lại hồn nhiên, trong trẻo, thanh nhã, hài hoà đến như vậy? Phải có một ý chí lớn lao đến mức nào, lòng yêu đời và yêu con người sâu sắc đến mức nào, Mozart mới có thể tạo ra đuợc những con suối, dòng sông, dòng thác của những thanh âm siêu việt ấy… mà không bị những điều tầm thường, giả dối, ngu si… đầy rẫy xung quanh cuốn mình đi và hạ thấp mình xuống…”

Đọc những dòng trên trích trong “Mozart” của Bằng Việt, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên truớc sức mạnh của âm nhạc Mozart lắm. Nhưng khi nghe thử một bản nhạc của ông, bạn sẽ say mê, đắm chìm vào trong giai điệu và miệng… chợt nở nụ cười! Niềm vui trong sáng đó đối với bạn có quý giá không? Với tôi nó là vô giá!

Và hầu như với âm nhạc của Mozart, bạn đều dễ dàng có đuợc niềm vui giản đơn đó. Danh sách các sáng tác của Mozart vô cùng đồ sộ, nếu bạn có dành cả đời để nghiên cứu thì cũng không thể đi hết cho tường tận. Tuy nhiên, nếu bạn muốn có cảm nhận rõ nhất về âm nhạc của Mozart, hãy tìm hiểu về các piano concerto của ông.

Mozart sáng tác tổng cộng 27 bản concerto cho piano, nhiều hơn bất cứ nhà soạn nhạc nổi tiếng nào. Các bản concerto này kéo dài trong suốt con đuờng sáng tác của ông. Bản concerto đầu tiên, KV.37, đuợc sáng tác khi ông mới 11 tuổi; trong khi bản concerto cuối cùng – piano concerto số 27 –KV.595 đuợc sáng tác chỉ vài tháng truớc khi ông mất. Xét cho cùng, các tác phẩm này là minh họa sinh động nhất cho quá trình trưởng thành trong phong cách sáng tác của Mozart. Từ những bản concerto đầu tiên rất giống với các sonata thời kỳ Baroque cho đến những bản concerto cuối cùng tràn đầy cảm xúc, âm nhạc của ông đã có một buớc tiến rất xa.

Các bản concerto đầu tiên của ông thường dựa trên chủ đề của các nhạc sĩ khác, đuợc Mozart phóng tác chỉ với trí nhớ của mình. Từ nhỏ, Wolfgang Amadues Mozart đã nổi tiếng vì khả năng chơi đàn và trí nhớ thiên bẩm của mình, ông có thể chơi lại một bản nhạc khá dài và phức tạp sau khi nghe chỉ một lần, chính xác không sai một nốt. Thật phi thường !

Do các concerto đầu tiên có chủ đề dựa trên các tác phẩm khác nên chúng khá đơn giản. Tuy vậy, bản concerto số 9 – “Jeunne Homme” (Người trẻ tuổi) là bản nhạc đầu tiên đánh dấu phong cách sáng tác của Mozart, nó có các chủ đề, phát triển chủ đề rất phong phú, tinh tế, âm nhạc tuôn chảy như suối… Trước khi sáng tác bản concerto này, Mozart đang bế tắc trong chủ đề tác phẩm thì một nữ nghệ sĩ piano tài năng, xinh đẹp ghé thăm Salzburg. Qua những buổi biểu diễn của cô, qua những lần tiếp xúc, cô gái đã mang lại cho Mozart những xúc cảm mới mẻ và ông đã sáng tác ra bản concerto tuyệt vời này. Để kỷ niệm cuộc gặp gỡ với nữ nghệ sỉ kia, ông đã đặt tên bản concerto này là “Jeunne Homme”.

Sự quan tâm của Mozart dành cho các tác phẩm piano cũng là khuynh hướng chung của giới nhạc sĩ châu Âu lúc bấy giờ. Khi Mozart sinh ra, cây đàn piano là một phát kiến rất mới mẻ. Khi đó harpsichord mới là “ngôi sao” của thời kỳ này, thời kỳ Baroque. Nhưng dần dần, khả năng thể hiện mạnh mẽ và tính linh hoạt của cây đàn piano đã chinh phục người nghe và dần dần thay thế cho cây đàn harpsichord. Với sự ưa thích cây đàn piano như vậy thì các nhạc sĩ phải sáng tác nhiều bản nhạc dành cho piano hơn. Và một nghệ sĩ piano thời kỳ đó có thể kiếm đuợc bộn tiền nhờ trình diễn, đặc biệt ở Vienna thì nhu cầu của khán giả đối với các bản piano concerto dường như vô tận. Vì lý do này mà vào mùa hè năm 1781, Mozart đã chuyển đến sống ở Vienna. Trong thời gian này, ông đã sáng tác 17 bản concerto dành cho piano, trong đó rất nhiều tác phẩm đã trở thành kiệt tác.

Các bản concerto đầu tiên đuợc ông sáng tác trong thời kỳ ở Vienna là các bản số 11, 12 và 13; đuợc hoàn thành vào mùa đông 1782-1783, nhưng điểm đăc biệt là thứ tự bị đảo ngược: bản concerto số 12 dường như đuợc sáng tác truớc bản số 11. Khi phát hành vào năm 1785, chúng đuợc đánh số opus 4, các bản 1, 2, 3. Mozart đã viết cho cha ông: “Các bản concerto rất trung dung, chúng không quá dễ, không quá khó; chúng rất vui tuơi, dễ nghe, rất tự nhiên, không hề nhàm chán. Trong đó cũng có những khúc lướt quyến rũ mà có thể làm hài lòng thính giả khó tính. Giả sử có viết các khúc luớt này bớt rực rỡ hơn thì cũng không làm nguời nghe thất vọng, cho dù họ không biết tại sao…” Qua lời Mozart khiến ta liên tưởng đến opera Cây sáo thần của ông, trong đó tính triết lý và tính thần thoại hoà quyện với nhau một cách hài hoà. Để thấy rằng cả một thập kỉ truớc khi cho ra đời tác phẩm nổi tiếng đó, Mozart luôn tìm tòi để những bản nhạc của ông phù hợp với đông đảo khán giả nhất.

Theo bút tích trên bản nhạc thì bản concerto số 14 hoàn thành vào ngày 9 tháng 2 năm 1784, là bản concerto đầu tiên trong chuỗi 4 concerto ông viết trong 2 tháng. Vào cuối mỗi mùa đông, Mozart đều cho ra đời một vài concerto mới. Vào mùa đông năm 1785, ông viết 2 bản, và vào tháng 2 và tháng 3 năm 1786, ông sáng tác thêm 2 bản nữa. Thoạt nhìn thì duờng như không khí nô nức của mùa xuân đã làm nên năng suất sáng tác đó, tuy nhiên thực tế là do nguyên nhân tôn giáo hơn là vì thời tiết. Các bản concerto này đều đuợc viết trước hoặc trong mùa chay, chỉ cách lễ Phục Sinh 6 tuần. Tại những thành phố theo đạo Thiên Chúa như Vienna, các hoạt động kịch nghệ thường đuợc tạm dừng trong suốt mùa chay, khiến thành phố vốn đầy hoạt động giải trí này trở nên yên ắng hẳn đi. Và thế là các buổi trình diễn âm nhạc đuợc tổ chức liên tục, các nhạc công được trình diễn nhiều hơn. Trong những lá thư Mozart gửi cho người thân có nhắc đến việc ông thường có 3 đến 4 buổi hoà nhạc mỗi tuần. Là một nghệ sĩ piano tài năng, hẳn là Mozart cũng muốn có nhiều tác phẩm mới để trình diễn trước công chúng; nên đó cũng là một lý do ông cho ra đời nhiều bản concerto viết cho như vậy.

Với lịch biểu diễn dày đặc như thế, tất nhiên là Mozart đã tự mình trình tấu bản concerto số 14. Tuy nhiên khi viết bản concerto này, ông dự định sẽ cho một người học trò của mình chơi bản nhạc này – Barbara von Ployer. Đó là một thiếu nữ trẻ, thường đuợc gọi với tên thân mật là Babette. Cô là con gái của một viên chức toà án Salzburg, và là một tài năng âm nhạc thật sự. Bản nhạc này đuợc Mozart dành cho cô bởi vì không chỉ cần kỹ thuật hoàn hảo, nó còn đòi hỏi nét duyên dáng và sự thanh thoát của chính nghệ sĩ biểu diễn; âm nhạc của bản concerto này rất nhẹ nhàng, đuợc coi là dễ chơi nhất trong các concerto thời kỳ này của Mozart. Cuối mùa xuân năm đó, Mozart viết một bản concerto khác cho cô – bản concerto số 17. Trong lần ra mắt tác phẩm này, Mozart đã trình diễn bản sonata giọng Rê, KV.448 viết cho piano 4 tay cùng với Fraunlein von Ployer (chính là Barbara), đồng thời mời nhạc sĩ Paisiello chứng kiến cho buổi ra mắt này. Mặc dù thích thú với việc sáng tác hơn là dạy nhạc, Mozart vẫn nhận đuợc nguồn tài chính từ những nhà bảo trợ, những người coi ông là một tài năng âm nhạc!

Theo bút tích trên bản nhạc thì bản concerto số 15 hoàn thành vào ngày 15 tháng 3 năm 1784, chính là bản concerto thứ 2 trong chuỗi 4 concerto sáng tác vào mùa xuân năm đó. Bản concerto này và bản concerto số 16 kế sau đó, đuợc sáng tác cách nhau chỉ 7 ngày. “…đó là những bản concerto làm ta đổ mồ hôi…” – Mozart đã viết như thế trong một bức thư gửi cho cha ông. Phải chăng những buổi biểu diễn liên tục làm Mozart mệt mỏi? Hay ông mệt mỏi vì chính sự cầu toàn của mình? Có lẽ là lý do thứ hai! Cho đến nay, với những bản nhạc với kỹ thuật cực khó của Prokofiev hay Liszt, những nghệ sĩ piano luôn biết rằng concerto của Mozart là những bản nhạc rất khó để chơi cho tốt. Không chỉ là vì những nốt nhạc quá trong sáng mà cấu trúc cũng cực kỳ rõ ràng, nên chỉ một lỗi nhỏ nhất cũng trở nên lạc lõng và làm hỏng cả bản nhạc. Trong một bức thư gửi cho ông Leopold sau khi sáng tác bản concerto số 15 đuợc vài tuần, Mozart kể về một cuộc gặp gỡ giữa ông với một nghệ sĩ piano, người mà ông miêu tả là: “không hề có một chút tinh tế lẫn nhạy cảm… nếu không thì anh ta đã là một người bạn tốt nhất trên đời rồi!”. Theo lời Mozart, ông ta đã bày tỏ sự ngạc nhiên khi thấy Mozart chơi nhạc quá dễ dàng và thảnh thơi. “Ôi Chúa ơi!” – ông nói “Tôi vã mồ hôi với nó mà chả đuợc tích sự gì, trong khi bạn chỉ đơn giản là chơi đùa với bản nhạc này”. Mozart đã trả lời rằng “ Đúng thế, nhưng chí ít tôi cũng đã phải làm việc để có những lúc đuợc thảnh thơi thế này đây!”

Cũng theo bút tích trên bản nhạc thì bản concerto số 16 hoàn thành vào ngày 22 tháng 3 năm 1784, chính là bản concerto thứ 3 trong chuỗi 4 concerto sáng tác vào mùa xuân năm đó. Chỉ sau đó 9 ngày, ngày 31 thàng 3 năm 1784 ông đã cho ra mắt bản concerto này. Ngay sau đó, Mozart đã gửi bản nhạc cho cha và chị mình ở Salzburg, với lá thư kèm theo rằng bản concerto này chắc chắn sẽ làm “đổ mồ hôi”. Tuy nhiên, Nannerl – một nghệ sĩ piano tài năng vốn đã rời xa việc biểu diễn để tiến tới hôn nhân thì cho rằng mức độ “đổ mồ hôi” của bản concerto này chả thấm tháp gì. Cô nghĩ rằng đoạn giữa của chương Andante dường như thiêu thiếu một cái gì đó. Mozart đồng ý với ý kiến này của chị, ông đã thêm vào một số khúc cadenza với những nốt nhạc cực kì rực rỡ. Chương nhạc này trở nên vô cùng hoa mỹ, thêm vào đó còn có thêm 2 khúc cadenza cho 2 chương còn lại, điều mà các nghệ sĩ piano ngày nay vô cùng cảm kích.

Bản concerto số 16 này là một trong 7 bản concerto đuợc phát hành khi Mozart còn sống. Được in lần đầu vào khoảng năm 1785 ở Paris, sau đó ở Speyer, Đức vào năm 1791. Vài tháng sau khi Mozart mất, một tờ báo Đức mới viết rằng: “Hỡi những người yêu hồn nhạc Mozart, bản nhạc này… có thể là một bản nhạc bình thường với người khác nhưng với chúng ta nó vô cùng quý giá. Phong cách không thể nhầm lẫn đuợc của nguời nhạc sĩ, âm nhạc tràn đầy sự hài hoà, những khúc chuyển ngoạn mục, sự sắp xếp tài tình giữa những đoạn nhanh – chậm .v.v…vẻ đẹp tuyệt vời của âm nhạc càng làm chúng ta nuối tiếc sự ra đi của Mozart hơn bao giờ hết, ông thật sự là một tượng đài lớn ”. Đây không phải là những từ ngữ mà người ta thuờng dành cho một nhạc sĩ tài năng bị quên lãng, hay bị những lời đồn đại sai trái làm lu mờ hình ảnh của ông. Dù sao thì sự thật hiển nhiên là những chuyện cơm áo gạo tiền không thể ngăn cản âm nhạc của Mozart có đuợc vẻ đẹp rực rỡ đến như vậy.

Concerto số 17 hoàn thành vào ngày 12 tháng 4 năm 1784, là bản concerto cuối cùng trong chuỗi 4 concerto sáng tác vào mùa xuân năm đó. Bản concerto này thường đuợc gọi là concerto “mùa xuân – La Primavera”. Như đã nói ở phần trước, Mozart dành bản concerto số 17 này cho Fraulein von Ployer, một học trò của ông. Nhưng có một câu chuyện rất thú vị là cô không phải là người duy nhất đuợc Mozart dành cho bản nhạc này! Trong những lúc rảnh rỗi, Mozart thường huýt sáo để con chim sáo của ông hót theo các chủ đề trong chương 3, vốn khá lảnh lót và tự nhiên như tiếng chim hót. Tuy vậy thì con chim này không phải là một học trò thông minh cho lắm, nó luôn hót sai 1 nốt, lại ngân không đủ lâu một nốt khác. Có vẻ như việc đuợc học với một thầy giáo giỏi và nổi tiếng như vậy không làm cho con chim sáo tiến bộ mấy, đáng tiếc thật đấy!

Bản concerto số 18 đuợc hoàn thành vào ngày 30 tháng 9 năm 1784. Với ngày hoàn thành tác phẩm như vậy, dường như tác phẩm đuợc hoàn thành cho kịp biểu diễn trong mùa Giáng Sinh, tuy vậy bản concerto vẫn đuợc biểu diễn trong các buổi biểu diễn trong Tuần chay, vào khoảng mùa xuân sau đó. Bản concerto này thường đuợc gọi là concerto “thiên đuờng – Paradise” nhưng nếu gọi là “concerto bút chì màu” thì các bạn sẽ dễ hình dung hơn bởi từ giai điệu, nhịp v.v.. đều thể hiện một bức tranh trong sáng, tạo nên bởi những cây bút chì đầy màu sắc.

Bản concerto số 19 đuợc hoàn thành vào ngày 11 tháng 12 năm 1784. Dù đuợc sáng tác truớc Giáng Sinh chỉ 2 tuần nhưng không vì thế mà bản concerto này mang màu sắc tôn giáo. Trong suốt mùa Thánh, khoảng thời gian giữa Giáng Sinh và Lễ Phục sinh, các nhà hát ca kịch ở Vienna đều đóng cửa, vì thế dân chúng đổ xô đến các buổi hoà nhạc. Không để lỡ mất một dịp tốt như vậy, Mozart càng sáng tác nhiều hơn nữa. Dù các bản giao hưởng và sonata rất đuợc ưa chuộng nhưng các concerto cũng đuợc ưa thích không kém. Với Mozart thì các bản concerto viết cho piano không những chứng tỏ đuợc khả năng sáng tác tuyệt vời mà còn thể hiện đuợc ngón đàn điêu luyện của ông, điều khiến Mozart đuợc coi là thiên tài từ khi còn rất nhỏ. Do nhu cầu của công chúng cao như vậy nên chỉ riêng trong năm 1784, Mozart đã sáng tác đuợc tới 6 bản concerto cho piano: 1 vào tháng hai, 2 vào tháng 3, 1 vào tháng tư, 1 vào tháng 9, và bản cuối cùng – concerto số 19 chỉ 2 tuần truớc Giáng Sinh.

Bản concerto số 20 đuợc hoàn thành vào ngày 10 tháng hai năm 1785. Chỉ còn 1 ngày nữa là buổi biểu diễn bắt đầu! Thật là một thử thách lớn! Nhưng theo lời cha của nhạc sĩ, ông Leopold Mozart (khi đó đang ở Vienna) thì bản nhạc đuợc nhanh chóng phân bè cho các nhạc cụ trong dàn nhạc, và các nhạc công đều tập dượt với cường độ cao để kịp buổi biểu diễn. Và …“buổi hoà nhạc thật tuyệt vời !” – ông Leopold reo lên trong thư gửi cho Nannerl …  “và dàn nhạc thì thật xuất sắc”. Thành công đó đã mở đầu cho 6 buổi biểu diễn liên tiếp tại nhà hát Mehlgrube vào thứ 6 hàng tuần, từ 11 tháng hai đến 18 tháng 3 năm 1785.

Trong tất cà 27 bản concerto viết cho piano của Mozart thì bản concerto số 20 này thu hút sự nhiều chú ý của các nhà soạn nhạc và nghệ sĩ piano nhất. Âm nhạc của nó khác với tất cả các bản concerto còn lại và là 1 trong 2 bản concerto hiếm hoi được viết ở giọng thứ. Cuối thế kỷ 18, Beethoven đã từng biểu diễn tác phẩm này và thêm vào đó khúc cadenza của riêng mình. Do khi sáng tác với thời gian gấp rút như vậy, Mozart không kịp viết đoạn cadenza vào bản nhạc nhưng ông đã ứng tác trong buổi hoà nhạc ngày 11 tháng 2. Brahms cũng soạn một khúc cadenza cho bản concerto này, mang lại cho các nghệ sĩ piano sự lựa chọn khi muốn thể hiện hết những suy nghĩ của mình khi biểu diễn tác phẩm đặc biệt này.

Xin nói thêm về các buổi biểu diễn mùa chay (Lenten concerts). Kế hoạch đầy tham vọng của Mozart là sẽ biểu diễn 6 bản concerto liên tục vào các ngày thứ sáu hàng tuần từ 11 tháng 2 đến 18 tháng 3 năm 1785. Dự định đó của ông đã thành công rực rỡ, truớc hết về mặt tài chính thì doanh thu gấp đôi mong đợi. Nhưng điều quan trọng hơn là: trong các buổi hoà nhạc đó có mặt cả công chúa, công tuớc và những dòng họ có ảnh hưởng nhất nuớc Áo, trong đó có gia đình bảo trợ cho Joseph Haydn – gia đình Esterhazys và cả những người bảo trợ cho Beethoven nữa! Đó là những con người có danh giá, họ có thể giúp ích cho sự nghiệp và danh tiếng của ông. Cha của Mozart, ông Leopold đứng sau sân khấu và đã thấy những vị hoàng tử, công tuớc chào đón con trai ông như thế nào. Trong bức thư ông gửi cho Nannerl, ông kể “ Khi Wolfgang buớc đi vào cánh gà sân khấu, cả hoàng tộc ngả nón và hô vang “Bravo Mozart” và khi nó trở lại sân khấu, những tràng pháo tay vang lên … cha đã khóc vì quá vui suớng…”

Sáu bản concerto được biểu diễn liên tục vào các ngày thứ sáu hàng tuần từ 11 tháng 2 đến 18 tháng 3 năm 1785, thật phi thường! Thử tưởng tượng một soloist ngày nay phải biểu diễn 6 chuơng trình khác nhau trong 6 tuần liên tiếp, cho dù anh ta có là tác giả những bản nhạc đó, cho dù đuợc tập luyện đầy đủ thì đó thật sự là một cố gắng kỳ diệu, nhưng dường như điều đó đã không xảy ra lâu lắm rồi. 6 buổi biểu diễn đó thành công rự rỡ, mang lại cuộc sống sung túc hơn cho Mozart, đỉnh điểm là 2 năm sau, vào năm 1787 với vở opera buffa Le nozze di Figaro. Sau những năm tháng khó khăn, những thành công đó đã củng cố niềm tin cho Mozart.

Trong tháng 3 năm 1785, Mozart hoàn thành thêm bản concerto số 21, chỉ cách bản concerto số 20 khoảng một tháng. Ông cũng viết 4 concerto nữa trong 20 tháng tiếp theo. Các bản concerto trong số này đuợc Mozart viết để biểu diễn trong các buổi hoà nhạc ở Vienna. Do trong thời gian đó, là một soloist tài năng nên ông không viết các cadenza lên bản nhạc mà quyết định sẽ ứng tác. Điều đó thể hiện cảm nhận của nghệ sĩ độc tấu về tác phẩm và mang lại cho thính giả cảm giác mới mẻ tuy nhiên cảm nhận của chính tác giả thì chúng ta không biết đuợc. Từ đó cho đến nay, các nghệ sĩ phải tự soạn cho riêng mình hay sử dụng khúc cadenza do các nhạc sĩ khác viết sẵn. Với các nghệ sĩ thì việc hiểu hết ý đồ của tác giả và thể hiện nó một cách hoàn hảo trong thời gian ngắn ngủi của khúc cadenza luôn luôn là một thử thách. Với bản concerto số 21 này thì điều đó còn khó hơn bội phần, vì đây chính là bản concerto đòi hõi kỹ thuật cao nhất. Chính cha của Mozart, ông Leopold cũng nhận xét “…khó một cách kinh ngạc…” Ngày nay, bản concerto này nổi tiếng không chỉ vì kỹ thuật mà còn vì chương 2 rất trữ tình, vốn đuợc lấy làm nhạc nền trong một bộ phim Thuỵ Điển sản xuất năm 1967: “Elvira Madigan”

Bản concerto số 22 giọng Mi giáng trưởng đuợc hoàn thành ngày 16 tháng 12 năm 1785, chỉ 4 ngày sau khi hoàn thành bản sonata dành cho piano K.481, cũng là giọng Mi giáng. Như đã nói trong phần giới thiệu các bản concerto số 14, 15, 16, 17; Mozart thuờng cho ra đời nhiều tác phẩm trong mùa đông. Đến tháng 3 ông còn viết thêm đuợc 2 concerto nữa. Cũng trong ngày 16, bản concerto này đuợc trích một phần để làm khúc intermezzo giữa các hồi cho vở otario Esther của Dittersdorf. Bản concerto mới chỉ hoàn thành phần dành cho dàn nhạc, còn Mozart đã biểu diễn  với trí nhớ thiên tài của mình. Sau đó vài ngày, bản concerto đuợc biểu diễn lần thứ hai. Thời gian đó đang là Mùa Vọng (4 tuần truớc giáng sinh) nhưng khán phòng chật kín khán giả. Khi bản nhạc kết thúc, từng tràng pháo tay vang lên như sấm, Mozart phải biểu diễn lại chương 2 để tặng khán giả. Mozart đã viết thư kể cho cha rằng “… sự việc hơi khác thường nhưng cảm giác đó thật tuyệt vời cha ạ…”

Bản concerto số 23 đuợc hoàn thành ngày 2 tháng 3 năm 1786, chỉ 3 tuần truớc khi ông hoàn thành tiếp bản concerto số 24. Đây là bản concerto viết cho piano nổi tiếng nhất của ông. Dù bản concerto số 23 là bản concerto rất nổi tiếng vì những giai điệu duyên dáng và cấu trúc tao nhã, thế nhưng nó lại không đuợc phát hành trong thời gian Mozart còn sống. Nhưng không phải các nhà xuất bản âm nhạc ở Vienna thiển cận, không muốn phát hành bản nhạc này mà duờng như chính tác giả không muốn phát hành nó. Trong một lá thư gửi cho ông Leopold, Mozart viết: “…bản concerto này con muốn giữ cho riêng mình và những người yêu nhạc, họ phải hứa là không phát tán bản nhạc này…”. Bản concerto đặc biệt này không phải là thứ mà Mozart có thể dễ dàng đánh đổi. Ngay cả khi khó khăn nhất, ông vẫn kiên quyết giữ lại nó, như là giữ vật báu của riêng mình vậy! Hẳn là âm nhạc của bản nhạc này có ý nghĩa rất sâu sắc với ông mới khiến ông coi trọng nó như vậy ! Bốn thập niên sau, Paganini cũng có thói quen giấu các bản nhạc của mình, không muốn cho các nghệ sĩ violin khác bắt chuớc mình. Do đó, thời đó nếu ai muốn nghe các bản nhạc này, chỉ còn cách nghe chính các nhạc sĩ đó trình bày mà thôi !

Bản concerto số 24 đuợc hoàn thành ngày 24 tháng 3 năm 1786, 2 tuần truớc buổi biểu diễn tại nhà hát Vienna Burgheater vào ngày 7 tháng 4. Cũng như mọi năm, mùa xuân năm đó thật sự là một quãng thời gian khá bận rộn của Mozart. Việc phải sáng tác liên tục với cường độ cao như vậy là một thử thách với ngay cả một thiên tài như Mozart; vì ông vốn là người hay chần chừ và trễ nải. Nếu bị áp lực thời gian, ông sẽ rút ngắn phần độc tấu lại, không quan tâm hay viết lên bản nhạc bất cứ đoạn nào ông có thể nhớ đuợc, có lẽ vì thế mà nó khá lộn xộn. Bản concerto số 24 này là một trong số đó : không hề có đoạn cadenza, chỉ có thưa thớt vài khúc độc tấu đuợc ghi tóm tắt trên bản viết tay. Tất nhiên là ông luôn chú ý đến phần đệm của dàn nhạc nhưng trong bản concerto này điều đó cũng có phần cẩu thả, những bản viết tay nguệch ngoạc của ông cho thấy sự cẩu thả, vội vã, tuỳ tiện. Tuy vậy trong thời gian này Mozart cũng sáng tác đuợc nhiều kiệt tác rất trữ tình ! Thiên tài thật khó hiểu !

Cuối năm 1786, vào ngày 4 tháng 12, Mozart hoàn thành bản concerto số 25. Đây là bản concerto thứ 3 ông viết trong năm 1786 và là bản thứ 6 trong vòng 2 năm. Nó đuợc hoàn thành chỉ 2 ngay truớc bản giao huởng “Praha”, cho thấy Mozart có thể sáng tác nhiều tác phẩm cùng một lúc. Đây là khoảng thời gian sung túc nhất của Mozart, khi công chúng rất yêu thích âm nhạc của ông và dân số Vienna đang phát triển rất nhanh. Với lịch biểu diễn rất dày, khó có thể cho rằng Mozart sáng tác một bản nhạc nào đó chỉ để cho vui, mà ông luôn có mục đích sáng tác rõ ràng. Bạn cho rằng nó dành để biểu diễn trong Mùa Vọng truớc Giáng Sinh ư ? Thế nhưng buổi hoà nhạc đó không đuợc tổ chức vì Mozart phải tới Praha để dàn dựng vở opera buffa Đám cưới Figaro. Do đó dân chúng thành Vienna không đuợc nghe bản concerto đó cho đến tận 3 tháng sau, vào ngày 7 tháng 3 năm 1787, họ mới đuợc nghe bản concerto này, với chính tác giả là nghệ sĩ độc tấu.

Xin nói thêm về cách sáng tác kỳ lạ của Mozart. Với các nhạc sĩ khác, ban đầu họ viết phân phổ dành cho nhạc cụ độc tấu truớc, sau đó mới thêm bè đệm của dàn nhạc vào. Nhưng vì là một thiên tài, Mozart không theo cách đó. Ông hình dung và “nghe” thấy toàn bộ bản nhạc, bao gồm cả nhạc cụ độc tấu và tất cả các nhạc cụ trong dàn nhạc sau đó mới đặt bút ghi lên khuông nhạc. Nhưng là một nghệ sĩ độc tấu, ông cho rằng thật phí thời gian khi chép ra giấy phân phổ dành cho nhạc cụ độc tấu vì đơn giản là nó đã nằm trong đầu rồi! Chỉ khi phát hành hoặc để nghệ sĩ khác biểu diễn, ông mới chép phân phổ dành cho nhạc cụ độc tấu ra, bao gồm cả phần cadenza; tất nhiên là ông lại ứng tác nó ngay khi chép bản nhạc rồi ! Nếu không có khúc cadenza thì các nghệ sĩ phải tự soạn cho riêng mình hay sử dụng khúc cadenza do các nhạc sĩ khác viết sẵn. Với các nghệ sĩ thì việc hiểu hết ý đồ của tác giả và thể hiện nó một cách hoàn hảo trong thời gian ngắn ngủi của khúc cadenza luôn luôn là một thử thách. Với bản concerto số 25 này thì còn khó hơn, bới vì đây là một trong những bản concerto hùng vĩ nhất của Mozart. Trong suốt thế kỉ 19, nó thường đuợc so sánh với bản giao huởng số 3 “Eroica” của Beethoven hay bản giao huởng số 41 “Jupiter” của Mozart. Nhà âm nhạc học Stanley Sadie miêu tả bản concerto này “hùng vĩ và long trọng” nhất trong những concerto của Mozart. Do vậy, tầm vóc của bản concerto này là điều mà các nhạc sĩ luôn hướng tới.

Bản concerto số 26 đuợc hoàn thành vào tháng hai năm 1788. Không như những năm truớc, mùa xuân năm đó, khán giả không ưa chuộng âm nhạc của Mozart nữa ! Do đó, phải đợi đến hơn một năm sau, tháng 4 năm 1789, bản nhạc mới đuợc ra mắt công chúng lần đầu tiên nhưng không phải ở Vienna mà là ở Dresden – Đức.

Bản concerto này còn đuợc biết đến với cái tên “bản concerto Đăng Quang” – “Coronation” . Vào mùa thu năm 1790, Mozart đến Frankfurt tham dự lễ hội mừng ngày đăng quang của Leopold đệ nhị, nguời mà Mozart muốn nhận đuợc sự bảo trợ, nhưng là con người đã tránh mặt ông ở Vienna. Rất lạc quan, ông viết cho vợ mình: “…chắc chắn là tôi kiếm đuợc tiền rồi mình ạ, mình sắp đuợc vui vẻ trở lại rồi! Vợ chồng mình lại sống một cuộc sống tuyệt vời…” Nhưng Mozart đã thất vọng não nề… Buổi biểu diễn của ông rất vắng khán giả, và cuộc gặp gỡ hoàng gia đã không bao giờ có! Thật đáng buồn… Mozart phải trở về Vienna, hoàn toàn trắng tay. Sau chuyến đi đó, Mozart chỉ sống thêm đuợc vài tháng nữa…

Bản concerto cuối cùng của Mozart – bản concerto số 27 đuợc hoàn thành vào mùa đông năm 1790/1791, mùa đông cuối cùng của ông. Lại là một mùa đông đầy thất vọng với Mozart. Mùa thu năm ngoái, ông đã mong muồn có cuộc gặp gỡ hoàng gia với Leopold II thế nhưng nó đã không xảy ra. Đến tháng 12/1790, người bạn tri kỉ của ông – Joseph Haydn định đến London để tổ chức các buổi hoà nhạc. Mozart đã hết lời khuyên Haydn nên ở lại, do tuổi đã cao và khả năng Anh ngữ của Haydn rất hạn chế, nhưng Haydn không nghe. Họ tạm biệt nhau, còn Mozart thì tạm nguôi ngoai với lời hứa sẽ tổ chức cho Mozart một chuyến đi tương tự, từ các nhà bảo trợ của Haydn. Thế nhưng ông đã không sống không đủ lâu để đợi chuyến đi vô vọng đó. Buổi hoà nhạc cuối cùng của ông đã không diễn ra ở London, mà là ở Vienna vào ngày 4 tháng 3 năm 1791, buổi hoà nhạc giới thiệu concerto số 27 viết cho piano và dàn nhạc. Bản nhạc sau đó đuợc phát hành, opus 17, là bản nhạc hiếm hoi đuợc phát hành khi Mozart còn sống.

Ngày 5 tháng 12 năm 1791, chỉ chín tháng sau buổi biểu diễn ra mắt concerto số 27, đó là một đêm mưa bão, thế giới đã vĩnh viễn mất đi một tài năng phi thường, một tượng đài âm nhạc kỳ vĩ mà cho đến ngày nay, không gì có thể lay chuyển đuợc.

Tác giả: Mạnh Thành (tổng hợp)

(Nguồn: nhaccodien.info)

Tin liên quan

18/02/2021
hỉ với ba bản sonata piano viết trong độ tuổi 20, sau đó không bao giờ viết tiếp nữa, nhà soạn nhạc Johannes Brahms đã xác lập danh tiếng ở thế loại mà hàng thập kỷ trước, Beethoven đã truyền vào một sức sống mới mẻ, qua đó báo hiệU ...
18/02/2021
Màn 1. Trong ngôi đền Solomon ở Jerusalem, những người Do Thái đang than vãn về số phận của họ: Nabucco (Nebuchadnezzar), vua Assyria, đang tấn công họ với đoàn quân hung bạo của ông ta, xúc phạm thành phố linh thiêng của họ.
12/07/2020
Tác giả: Pyotr Ilyich Tchaikovsky Thời gian sáng tác: năm 1880 Công diễn lần đầu: ngày 20/8/1882 tại Thánh đường Chúa Cứu thế, Moscow Thời lượng: khoảng 14 phút Tổng phổ: tác phẩm được viết cho một đội kèn đồng ...
29/06/2020
Sonata Ánh trăng có thể nói là một bản nhạc đánh dấu sự thay đổi trong phong cách sáng tác âm nhạc của nhà soạn nhạc thiên tài Beethoven. Nó vừa có một cái gì đó như là tiếc thương, mấ...