Nhạc sĩ "không tuổi" họ Phan
Chúc mừng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu vừa bước vào tuổi tám mươi tám!
Vnmusic đăng lại một bài viết vào dịp sinh nhật nhạc sĩ cách đây bốn năm (2008).
Với giai điệu trữ tình, đằm thắm chất dân ca, với lời ca giàu cảm xúc và thường lấy từ những bài thơ hay, nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu chẳng những dễ đi vào lòng người đương thời, mà còn giữ được sức sống bền lâu qua năm tháng.
Có đến ba thế hệ - bố mẹ, con cái rồi đến cháu nội cháu ngoại - ngay từ khi còn là đứa trẻ lên ba đều đã làm quen với nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu qua Những em bé ngoan và Đội kèn tí hon. Hai bài hát “tủ” của trẻ con này sắp tròn năm mươi tuổi. Vậy là đã nửa thế kỉ nay, các cô cậu mẫu giáo vẫn ngày ngày véo von: “Em được khen là em bé ngoan vì chúng em đi học đều”, hay “Te tò te đây là ban kèn hơi, tò tò tò tò te có anh nào muốn chơi”.
Tám tư tuổi đời, gần sáu lăm năm làm nhạc sĩ. Nói về đời, ông đã lên chức cụ từ lâu. Nói về nhạc, ông đích thực là một đại lão gia của làng ca khúc Việt Nam. Thế mà nhiều người thế hệ sau vẫn cứ gọi ông là “người anh em trẻ mãi không già”. Một nhân vật đã gắn với danh hiệu “Nhạc sĩ tuổi thơ” và “Nhạc sĩ tình yêu” sao có thể già đi được!
Nhờ đâu mà ông trẻ dai thế? Và những yếu tố nào đã đem lại sức sống lâu bền cho ca khúc của ông?
Trước hết, đó là tư chất thiên phú của người nghệ sĩ trong ông, là năng khiếu bẩm sinh về nghệ thuật thơ ca, sự nhạy cảm trước cái đẹp và nhạy bén trước thời cuộc.
Thứ hai, vốn dân ca có ý nghĩa to lớn trong sáng tác của ông đã được khởi nguồn từ tiếng ru, điệu hò và những câu hát huê tình của mẹ. Mẹ là người thầy đầu tiên về âm nhạc dân tộc, một “nghệ sĩ nhân dân không tên tuổi” đã khơi dậy trong ông tình yêu âm nhạc. Rồi từ đó chất liệu nhạc cổ được ông không ngừng chắt chiu, gom góp để có được những giai điệu đậm chất dân ca của các vùng miền khác nhau, từ Bắc chí Nam, từ miền núi, cao nguyên đến vùng sông nước, đồng bằng. Bắc bộ có mặt trong Giai điệu quê mình (thơ: Thế Hùng), Nghệ - Tĩnh trong Sợi nhớ sợi thương (thơ: Thúy Bắc), Huế trong Đây thôn Vĩ Dạ (thơ: Hàn Mạc Tử), Tây Nguyên trong Bóng cây kơnia (thơ: Ngọc Anh), Nam bộ trong Anh ở đầu sông em cuối sông (thơ: Hoài Vũ)...
Thứ ba, cùng với vốn nhạc cổ, quá trình gây dựng vốn nghề ở ông chủ yếu do tự học, học trong “trường đời” và học suốt cuộc đời. Những sáng tác đầu tay viết theo bản năng đã giúp ông thành danh nhạc sĩ ngay từ khi còn “u ơ” nhạc lý. Có một chuyên gia nước ngoài từng nhận xét ông đã “biết đọc trước khi biết đánh vần”. Cho đến tuổi cổ lai hi ông vẫn “học để theo kịp thời đại”. Hiếm thấy vị U90 nào vẫn “chịu chơi” với công nghệ hiện đại, thành thạo nhắn tin trên di động và sử dụng email, như ông!
Yếu tố quyết định cuối cùng là bối cảnh xã hội tạo nên cú hích cho tác giả sinh ra tác phẩm để đời. Thời khắc lịch sử châm ngòi cho cảm xúc bùng cháy. Cảm xúc chân thành khiến cho người nghe rung động. Nhiều người nghe rung động nghĩa là tác phẩm có công chúng. Và có được sự đồng cảm trong công chúng các thế hệ sau chứng tỏ tác phẩm mang sức sống bền lâu.
Những tác phẩm để đời của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có mặt ở các mảng khác nhau: tình ca, hành khúc, ca khúc thiếu nhi. Những năm sau này ông còn mở rộng “địa hạt” của mình sang “hài khúc” và “triết lý khúc”.
Một “Phan Huỳnh Điểu - tình ca” được khẳng định ngay từ bài hát đầu tay Trầu cau và “Ôi ta buồn ta đi lang thang” đã đưa tên tuổi tác giả vào danh sách các nhà tân nhạc. Dòng trữ tình được tiếp tục trong Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia thời chống Mỹ, Anh ở đầu sông em cuối sông, Thuyền và biển (thơ: Xuân Quỳnh)thời hòa bình.
Một “Phan Huỳnh Điểu - hùng ca” bắt đầu gần như đồng thời với tình ca bằng hành khúc bất tử Giải phóng quân thời chống Pháp, rồi tiếp tục trong Cuộc đời vẫn đẹp sao (thơ: Dương Hương Ly), Hành khúc ngày và đêm (thơ: Bùi Công Minh) thời chống Mỹ. Không lên gân lên cốt, hành khúc của ông hòa vào dòng chảy trữ tình, vì ông cho rằng: “Hành khúc mà không lãng mạn thì ngán chết!”.
Không chỉ là người đa tình đa cảm, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu còn nổi tiếng là “một tay” dí dỏm có hạng. Nhạc là người, ông không thể dấu được tính hóm hỉnh, châm biếm của con người mình trong âm nhạc. Bài hát vui Thật là khó nói từng là tiết mục “đinh” trong đám cưới ở Hà Nội cuối những năm 50. Sau này ông lại nổi “máu” hài trong một loạt bài phổ thơ: Cái quạt, Thiếu nữ ngủ ngày (Hồ Xuân Hương) và Người đẹp (Lò Ngân Sủng).
Ông là một trong số ít nhạc sĩ có nhiều thành công trong việc “chắp cánh cho thơ”. Nhạc sĩ Phong Nhã từng ca ngợi biệt tài phổ thơ “vượt cả thơ!” của Phan Huỳnh Điểu: nếu ở Trịnh Công Sơn “lời vượt nhạc”, thì ở Phan Huỳnh Điểu “nhạc vượt thơ”. Thể nghiệm phổ thơ đầu tiên đã có từ khi mới ngoài đôi mươi, nhưng ông thực sự cảm thấy tự tin chỉ từ Bóng cây Kơnia, một bài thơ của Ngọc Anh mà ông đã loay hoay phổ tới ba lần tronggần chục năm và hoàn thành khi ngót ngét tuổi năm mươi. Đến tuổi cao niên, ông đặc biệt hứng thú với thơ cổ, với các danh nhân của các thế kỷ trước như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Khuyến, Bà huyện Thanh Quan, Hồ Xuân Hương... Từ đó xuất hiện chùm ca khúc trào phúng và thâm thúy tính triết lí, nhưng vẫn không mất đi vẻ trữ tình đặc trưng của Phan Huỳnh Điểu.
Yêu thơ và làm thơ trước cả khi làm nhạc, ông luôn mê mẩn đọc và chép thơ vào sổ tay. Mỗi lần tìm được bài thơ hay trên sách báo, ông lại hứng khởi như nhà thiên văn phát hiện ra ngôi sao mới trên bầu trời.
Và cây đàn mandoline luôn ở tầm tay để ông kịp với mỗi khi nổi hứng sáng tạo, vì như lời chàng nhạc sĩ không tuổi này từng nói: “Đàn của nghệ sĩ như kiếm của tráng sĩ, đừng bao giờ cất trong bọc!”.