Nhạc sĩ Hồng Đăng: Yêu Hà Nội theo cách riêng của mình
Trong chùm 5 tác phẩm được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật của nhạc sĩ Hồng Đăng có 2 ca khúc viết về Hà Nội. Nếu như với Hoa sữa ông đã “định vị” trong lòng người Hà Nội một loài hoa tượng trưng cho tình yêu trong sáng, đẹp đẽ, ngọt ngào thì Kỷ niệm thành phố tuổi thơ thể hiện tinh thần lạc quan, hào sảng của thế hệ sinh viên Hà thành “xếp bút nghiên lên đường ra trận”.
1. Tôi đến thăm nhạc sĩ Hồng Đăng vào những ngày cuối thu, khi trên đường phố Thủ đô ngạt ngào mùi hoa sữa. Căn nhà nhỏ trên phố Hồng Hà 2 tháng nay nhộn nhịp hẳn lên bởi vợ của ông vừa mở một quán cà phê ngay tại tầng 1 của ngôi nhà. Tên quán là Cà phê Thúy (vợ ông tên là Lê Anh Thúy) gây thắc mắc cho nhiều người vì ai cũng hỏi vui, sao không đặt là “Hoa sữa”, tên một bài hát rất nổi tiếng của nhạc sĩ.
Lý giải về điều này, vợ ông cho biết: “Nhạc sĩ Hồng Đăng vốn dĩ chỉ biết làm âm nhạc. Ông không biết nấu ăn, không biết pha cà phê, vì thế tên quán dứt khoát phải là tên vợ”. Việc mở quán cà phê với vợ chồng ông còn có một lý do khác, đó là gần đây sức khỏe của ông có phần giảm sút, việc đi lại khó khăn hơn. Vốn là người thích giao du nên vợ chồng ông muốn đây sẽ là nơi gặp gỡ bạn bè.
Có lẽ đã từ rất lâu rồi, khi nhắc đến mùa thu Hà Nội thì không thể thiếu hương hoa sữa, đặc biệt câu hát “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” trong ca khúc Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng đã trở thành quen thuộc với nhiều thế hệ người nghe. Còn với riêng nhạc sĩ Hồng Đăng thì Hoa sữa còn như chiếc “đồng hồ báo thức” khi ông bước vào cái tuổi “nhớ nhớ quên quên”. Vợ nhạc sĩ kể: “Mấy hôm trước nhà báo Nguyễn Mạnh Hà và ca sĩ Vũ Thắng Lợi đến thăm, lúc ấy ông vẫn đang ngủ. Chào hỏi chán chê ông vẫn ngơ ngác dường như chưa biết ai với ai, ca sĩ Vũ Thắng Lợi bèn ngồi vào đàn và hát bài Hoa sữa. Được nửa bài thì nhạc sĩ ngồi dậy, tươi tỉnh mời mọi người ngồi”...
Nhiều người đến thăm nhạc sĩ Hồng Đăng đều có chung nhận xét ông là người may mắn vì có được người vợ giỏi quán xuyến công việc gia đình để ông yên tâm sáng tác. Nhạc sĩ Hồng Đăng từng không giấu nổi niềm hạnh phúc khi chia sẻ: “Được sinh ra trong đời là đã hạnh phúc rồi. Với người nghệ sĩ, có được tác phẩm mà công chúng yêu thích là niềm hạnh phúc lớn. Chúng ta ngồi với nhau ở đây là hạnh phúc nhỏ mà có thật. Còn vợ con, là hạnh phúc khổng lồ”.
2. Nhạc sĩ Hồng Đăng (tên thật là Phan Hồng Đăng) sinh năm 1936 trong một gia đình có truyền thống hiếu học tại huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An. Ông nội ông là một nhà nho yêu nước, bác ruột là nhà chí sĩ cách mạng nổi tiếng Phan Đăng Lưu, cha của ông là nhà báo Phan Đăng Tài (bút danh Phan Hồng Sơn) - người thông thạo 7 ngoại ngữ và từng giữ chức Trưởng phòng Tư liệu - Thư viện của Báo Nhân Dân.
Hồng Đăng sớm bộc lộ năng khiếu âm nhạc. Từ năm 9 - 10 tuổi ông đã mày mò đọc sách về âm nhạc bằng tiếng Pháp. Khi học được khoảng 20 bài, ông bắt đầu dạy lại cho các bạn có cùng sở thích. Năm 12 tuổi, ông sáng tác ca khúc đầu tay Đời học sinh và được nhiều bạn bè cùng trang lứa yêu thích. Năm 1956, khi Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) mở khóa học đầu tiên do thầy Tạ Phước làm hiệu trưởng, ông là một trong những học viên khóa đầu tiên chuyên ngành Sáng tác. Đó là khóa học có những tác giả lớn của nền âm nhạc nước nhà, như Hoàng Việt, Hoàng Hiệp, Ngô Huỳnh, Huy Thục, Vĩnh Cát, Tô Ngọc Thanh, Hồng Thao...
Ra trường, ông được giữ lại làm giảng viên, và cũng trong khoảng thời gian này ông viết cuốn sách Các nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng. Ngày ấy, cuốn sách là tài liệu quý cho các học viên khi giáo trình về kỹ thuật hòa thanh, phối khí còn khá sơ sài. Nhờ nắm chắc về kỹ thuật mà các sáng tác của ông đều có cấu trúc âm nhạc rất chặt chẽ, và đó cũng là bí quyết giúp ông thành công trong thể loại nhạc phim.
Với gia tài là hơn 70 ca khúc được sử dụng trong các bộ phim, ông chính là nhạc sĩ đầu tiên được kết nạp vào Hội Điện ảnh Việt Nam. Theo ông, viết nhạc phim là công việc rất khó, đòi hỏi người viết phải “chắc tay”, phải đọc thật kỹ kịch bản để nắm được phần “hồn” rồi tìm “nét nhạc” phù hợp. “Viết nhạc phim phải theo yêu cầu về thời gian của đạo diễn. Có những khung thời gian lắt nhắt mà lại viết cho cả dàn nhạc nên người viết không giỏi khí nhạc, chắc về hòa thanh, phối khí thì không thể làm được”, nhạc sĩ Hồng Đăng quả quyết.
Trong cuốn hồi ký của nhạc sĩ Phú Quang, tác giả của Em ơi Hà Nội phố tâm sự rằng ông có hai người thầy dạy sáng tác nhạc, đó là nhạc sĩ Hoàng Vân và nhạc sĩ Hồng Đăng. Phú Quang vốn là người học kèn cor, tuy nhiên, vì say mê sáng tác nên ông thường thập thò ngoài cửa nghe lỏm nhạc sĩ Hồng Đăng giảng bài cho lớp sáng tác. Nhạc sĩ Hồng Đăng sau đó đã “mời” nhạc sĩ tương lai Phú Quang vào học chính thức tại lớp học của mình.
3. Sinh sống ở Thủ đô đã hơn nửa thế kỷ nên với nhạc sĩ Hồng Đăng, mảnh đất này là nơi nặng tình, nặng nghĩa. Với trách nhiệm của một người nhạc sĩ, ông đã sáng tác nhiều ca khúc để ca ngợi về mảnh đất, con người và văn hóa nơi đây. Đặc biệt, ông đã có 4 ca khúc về 4 mùa đặc trưng của Hà Nội. Với mùa thu ông có bài Hoa sữa, mùa hè là Kỷ niệm thành phố tuổi thơ, mùa xuân là bài Mưa bụi và mùa đông là Ký ức đêm. Trong Ký ức đêm, ông chắt lọc cảm xúc, suy ngẫm, chiêm nghiệm về cuộc đời của người nhạc sĩ.
Thời gian đã trôi đi không thể trở lại, ký ức đã trôi vào dĩ vãng, tác giả chỉ biết “Đâu đó rất xa rất xa/ Tiếng anh gọi không thể nào vọng tới/ Có ai hát nghe xa vời vợi/ Có một thời hình như ta đã thương nhau rồi đấy thôi…”. Với Mưa bụi, ông lại đặc tả hình ảnh đậm chất Hà Nội với những chợ hoa đặc trưng mà ở đó khi tiết xuân sang có những thiếu nữ trong bộ áo dài thướt tha duyên dáng dạo phố...
Đặc biệt, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ được nhạc sĩ Hồng Đăng sáng tác vào những năm bảy mươi của thế kỷ trước, khi ông chứng kiến sinh viên Thủ đô lên đường ra trận. Trong cái hào khí hừng hực cùng khung cảnh mùa hè với tiếng ve râm ran khắp phố, trong ông dâng trào cảm xúc và cứ thế “Tiếng ve đu cành sấu/ Tiếng ve náu cành me/ Tiếng ve vẫy tuổi thơ/ Tiếng ve chào mùa hè...” ra đời.
Riêng bài Hoa sữa, tác phẩm trở thành nhạc phim Hà Nội mùa chim làm tổ (đạo diễn Đức Hoàn) ra đời theo gợi ý từ một người bạn “ở Hà Nội có một loại hoa cứ đến mùa thu lại thơm” khi “đơn đặt hàng” của đạo diễn Đức Hoàn chuẩn bị đến ngày phải nộp. Cảm xúc chợt đến, ông đã sáng tác rất nhanh và cho ra đời bài hát thành công về một mối tình đẹp của đôi nam nữ Hà Nội khi vừa tốt nghiệp đại học phải xa nhau lên vùng cao công tác.
Đã hơn 40 năm trôi qua. Hoa sữa, với ông, giờ không chỉ là kỷ niệm cá nhân về thời trai trẻ nồng nàn yêu đương nữa, mà đó còn là một cách nhớ thương của người nhạc sĩ xứ Nghệ với mảnh đất nghìn năm văn hiến - nơi đã làm nên tên tuổi của ông hôm nay.
Nhạc sĩ Hồng Đăng từng là Phó Tổng Thư ký Hội Nhạc sĩ Việt Nam khóa IV và V, Tổng Biên tập Tạp chí Âm nhạc. Ông còn là hội viên các hội: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Hội Điện ảnh Việt Nam. Năm 2001, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật với các ca khúc: Biển hát chiều nay, Hoa sữa, Quà tháng năm, Kỷ niệm thành phố tuổi thơ và hợp xướng Lửa rực cháy... |