Nhạc sĩ Hồ Bắc: Người chép sử bằng âm nhạc
Nằm khuất sau con đường lúc nào cũng ồn ào đông đúc ở khu Mỹ Đình 2, căn hộ chung cư nơi nhạc sĩ Hồ Bắc sinh sống đơn sơ và tĩnh mịch lạ thường. Ở tuổi 85, nhạc sĩ Hồ Bắc tự nhận ông đã hội đủ tiêu chuẩn của người già, không còn khỏe, không lẫn nhưng cũng quên nhiều thứ lắm rồi…
Lửa cháy nồng nàn
Căn hộ nơi nhạc sĩ Hồ Bắc sống trước kia chỉ có ông cùng vợ, gần đây có thêm người con trai thứ xấp xỉ lục tuần chạy qua chạy lại cơm nước chăm sóc đỡ đần bố mẹ. Hơn một năm nay, vợ ông bị ngã bệnh không tự đi lại được, họa hoằn lắm bà mới chống gậy đi được vài bước quanh nhà. Chiếc ghế gỗ dài trong bộ tràng kỷ từ thời xưa được tận dụng làm chỗ để bà nằm nghỉ. Kế bên là chỗ ông ngồi tiếp khách và uống trà. Nhạc sĩ Hồ Bắc bảo lâu lắm rồi ông không đi đâu ra ngoài, có khi ở suốt trong nhà cả tháng không xuống đường vì đi lại chậm chạp khó khăn.
Bây giờ hễ ngồi nói chuyện với ai về âm nhạc, nhạc sĩ Hồ Bắc lại phải dùng đến cẩm nang riêng, đó là hai cuốn sách tập hợp những sáng tác của ông in cách đây 6 năm và cả những trang giấy photo bài viết của mọi người về mình. Vị nhạc sĩ tài hoa bảo càng về già, ông càng quên nhiều thứ, bởi vậy mà thỉnh thoảng phải lôi ra đọc lại để tự nhắc mình. Từng trang viết được ông chau chuốt cẩn thận như giữ gìn những ký ức về một thời đã qua. Lật giở hàng trăm sáng tác được in thành tuyển tập ấy, tuyệt nhiên không có bài nào về tình cảm lứa đôi, chỉ có tình cảm duy nhất nồng nàn cháy bỏng – tình yêu quê hương đất nước. Hỏi ông không lẽ chưa bao giờ viết bài hát nào về tình yêu, chí ít là để tặng người bạn đời của mình, ông quay sang nhìn bà trìu mến khẳng định: “Chưa, bà nhỉ?”. Rồi ông trầm ngâm nhớ lại cách đây hơn chục năm, khi người bạn thân – tài tử Ngọc Bảo và vợ kỷ niệm 50 năm ngày cưới, ông cũng sáng tác một ca khúc về tình yêu để tặng bạn. Bài hát có tựa đề “Tình ta không bao giờ phai” nói về niềm sắt son chung thủy sau 50 mùa xuân hạnh phúc từng được tài tử Ngọc Bảo ở tuổi thất thập cổ lai hy hát rất hăng và say, chỉ có điều không lưu truyền rộng rãi.
Sự hồn nhiên đáng yêu
Riêng về sự hồn nhiên của nhạc sĩ Hồ Bắc thì có cả kho giai thoại. Những người bạn nhạc của ông vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện về lần ông cùng đơn vị đóng quân và biểu diễn cho các đơn vị thuộc trung đoàn 74, 76, 78 của Đại đoàn 316 hoạt động ở hai tỉnh Bắc Giang và Lạng Sơn. Một hôm cả đơn vị đang chuẩn bị phông màn để tối diễn ở vùng địch hậu thì một máy bay lượn vòng rồi khoanh tròn khu vực bộ đội ta đóng quân. Một lúc sau cả một tốp máy bay oanh tạc đến ném bom, cả làng quê yên ả bỗng chốc mù mịt khói lửa và tiếng bom rền. Giữa lúc loạn lạc, anh bộ đội Hồ Bắc chui từ trong chiếc lò gạch bỏ hoang ra, tay cầm chiếc đàn violin giơ lên cười toe toét: “May quá, cây đàn của tớ không việc gì!” khiến mọi người không nhịn được cười: “Người không lo, lại đi lo cây đàn!”. Còn một câu chuyện nữa về ông mà đến giờ mỗi khi nhắc lại, nhiều người vẫn cứ tưởng chuyện đùa. Đó là năm 1972 khi máy bay Mỹ đánh phá Hà Nội, nhạc sĩ Hồ Bắc lúc này đang công tác tại Ban Văn nghệ Đài Tiếng nói Việt Nam được giao nhiệm vụ ở lại thường trực. Trong cuộc họp ở nơi sơ tán cách Hà Nội bốn mươi cây số, ông cùng nhiều anh em ở lại trực phải đạp xe lên họp. Lần ấy, khi ông tới nơi thì cuộc họp đã bắt đầu, vị trưởng ban đang nói về tính chất ác liệt của trận địa Thủ đô và biểu dương những người ở lại Hà Nội trực chiến đầy nguy hiểm, liền quay sang hỏi nhạc sĩ Hồ Bắc: “Ở Hà Nội, cái gì găng nhất?”. Ông cầm khăn mùi soa lau mồ hôi rồi thủng thẳng: “Tôi thấy găng nhất là việc phải…đạp xe lên đây”.
Có lẽ cũng bởi sự hồn nhiên mộc mạc ấy mà rất nhiều ca khúc được ông ngẫu hứng sáng tác từ những chi tiết rất thực, rất đời. Trong số ấy phải kể đến bài hát “Hoa hồng trên điểm tựa”. Với nhạc sĩ Hồ Bắc thì đây cũng là một nhạc phẩm rất đặc biệt bởi nó gắn liền với màu xanh áo lính và tình yêu với người chiến sĩ nơi biên giới. Ông bùi ngùi nhớ lại năm ấy, khi trở lại đơn vị cũ vào một chiều đông, gặp gỡ các chiến sĩ trẻ trong cái rét cắt da cắt thịt và tiết trời mưa phùn gió bấc, thấy các anh áo mặc chưa đủ ấm nhưng vẫn thay nhau canh gác làm tròn nhiệm vụ. Giữa thời tiết khắc nghiệt ấy, anh em đã bạt đi một khoảng đất trên chốt để trồng những luống hoa ngay cạnh chiến hào. Cũng bởi nước ở trên chốt cực kỳ khan hiếm nên họ phải lấy nước rửa rau, rửa mặt để tưới cây. Ấy vậy nhưng những luống cây vẫn ra hoa, lá xanh ngăn ngắt. Chứng kiến hình ảnh ấy, ông cầm bút viết ra ca khúc này ngay trong buổi tối sau khi đàn hát biểu diễn cho các chiến sĩ nơi đây. Tinh thần lạc quan, hào sảng và lý tưởng phơi phới của các chiến sĩ được ví như những bông hồng đỏ thắm, cứng rắn mà son sắt thủy chung với tình yêu biên giới.
Gọi nhạc sĩ Hồ Bắc là người chép sử bằng nhạc cũng không sai. Kho gia tài âm nhạc của ông có đủ các sáng tác ghi lại những dấu son trong cuộc chiến tranh bảo vệ đất nước của dân tộc Việt Nam. Đáng nể hơn khi biết người nhạc sĩ chân chính và mẫu mực ấy chưa từng được đào tạo bài bản về âm nhạc. Cũng bởi vậy mà nhiều lúc ông ngồi nhớ lại và tiếc rằng nếu được học nhạc, chắc ông sẽ cống hiến nhiều hơn. Giờ thì trong ngôi nhà đơn sơ của mình, ông vẫn giữ thói quen nghe radio nhiều hơn xem tivi, chiếc đầu đọc và chồng đĩa CD cũng phủ lớp bụi dày vì lâu ngày không được chủ nhân dùng đến. Có cảm giác như giữa cuộc sống xô bồ này, ngôi nhà của ông là nơi mà thời gian chưa bao giờ chạm đến và cũng là nơi lưu giữ một phần đẹp đẽ nhất của cuộc sống này.
(Nguồn: http://www.anninhthudo.vn)