Nhạc sĩ Tô Hải trong tôi

20/08/2018

Nhạc sĩ Tô Hải vĩnh biệt giới nhạc sĩ và những người yêu nhạc của ông hôm 11 tháng 8 năm 2018 để về nước Chúa.

Theo cuốn Nhạc sĩ Việt Nam hiện đại thì Tô Hải có tên khai sinh là Tô Đình Hải, sinh ngày 24 tháng 9 năm 1927. Quê ở Tiền Hải, Thái Bình.

Ông mất đi, nhưng đã để lại nhiều tác phẩm hay, có giá trị nghệ thuật và thời cuộc cho tổ quốc như: Nụ cười sơn cước, Hẹn mùa mười tấn năm sau... và đắc sắc là hai tác phẩm "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy" và "Ngẫu hứng cho cello và giao hưởng". Năm 2011 ông được nhận Giải thưởng nhà nước dành cho các tác phẩm văn học - nghệ thuật.

Tôi biết về ông không nhiều, nhưng lại ấn tượng rất sâu sắc về tác phẩm hợp xướng "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy của ông". Số là, năm 1959 từ nhà quê lên Hà Nội, tôi vào học Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) khi chân tay còn vương mùi bùn đất, từ bé chỉ biết cây sáo trúc và tập toọng hát mấy câu dân ca, chứ chưa được nghe giao hưởng, chưa được nghe hợp xướng bao giờ. 

Một năm học nhanh chóng trôi qua, nhà trường tổ chức buổi báo cáo kết quả học tập. Lần đầu tiên tôi được nghe hợp xướng. Bài hợp xướng đầu tiên được nghe trong buổi lễ báo cáo, đó là bài "Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy" của nhạc sĩ Tô Hải. Bản hợp xướng thật hay và cũng rất phù hợp với thẩm âm của những người sinh ra chỉ được nghe câu dân ca như tôi.

Trong cuốn Âm nhạc mới Việt Nam - tiến trình và thành tựu, PGS-TS Tú Ngọc viết: "ông đã viết hợp xướng bốn chương Tiếng hát người chiến sĩ biên thùy, được dàn dựng biểu diễn và có tiếng vang lớn trong công chúng... chương I là cảnh thiên nhiên, núi rừng miền biên giới. Chương II - "Trên đường biên giới" nói về hoạt động của chiến sĩ bảo vệ biên cương tổ quốc. Chương III - "Quê hương nhắn nhủ" nói về lòng yêu thương, nhớ quê hương và người thân của người chiến biên phòng, quyết tâm chiến đấu bảo vệ biên thùy. Chương IV - "Bảo vệ tổ quốc", giữ vững hòa bình" (1).

Cuối đời, suy nghĩ của ông về xã hội, về cuộc đời, về con người có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, những sáng tạo ông để lại vẫn luôn là những tác phẩm âm nhạc giầu chất thơ, giầu tính nhân văn và nặng lòng yêu nước. Những tác phẩm ấy đã đi vào lịch sử âm nhạc cách mạng nước nhà, dù muốn hay không nó vẫn là như thế.

Tôi viết mấy lời muộn mằn này để vĩnh biệt ông người nhạc sĩ tài hoa của dân tộc. Những tác phẩm của ông luôn sống trong tâm hồn tôi.


(1) Sách do Viện Âm nhạc xuất bản năm 2000

Tin liên quan

08/03/2021
Nhạc sĩ Thanh Tùng - tác giả của hàng loạt ca khúc nhạc trẻ từng làm mê đắm bao thế hệ rời cõi tạm vào ngày 15/3/2016 (nhằm mồng 9 tháng 2 âm lịch). Mặc dù, người nhạc sĩ tài ...